“Lập luận của bản án sơ thẩm sẽ gây bức xúc và tạo dư luận xấu trong xã hội vì chỉ cần thời gian chiếm đất lâu dài và có công quản lý, tôn tạo đất sẽ mặc nhiên được quyền sử dụng đất”. Chuyện gì đang xảy ra từ lý do kháng nghị nghe rất lạ như thế của VKSND huyện U Minh, Cà Mau đối với một bản án sơ thẩm tháng 4-2023 của TAND huyện này xử vụ đòi lại đất bị lấn chiếm?
Theo bản án bị kháng nghị, nguyên đơn kiện đòi bị đơn trả lại cho mình hơn 4.600 m2 đất tại xã Khánh Hội, huyện U Minh, Cà Mau. Đây là phần đất nguyên đơn có tên trong sổ đăng ký ruộng đất năm 1994 và đã được chính quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vào năm 1995. Tuy nhiên, vào năm 1997, lấy lý do đất của ông bà mình khai phá, bị đơn đến chiếm lại và quản lý, sử dụng cho đến nay.
Phần đất tranh chấp có giá trị hơn 7 tỉ đồng. Ảnh: CTV |
Kết quả xác minh của tòa án huyện cho thấy nhiều nội dung trình bày của nguyên đơn là đúng. Diện tích đất tranh chấp có nguồn gốc đất của ông nội vợ của bị đơn khai phá từ thời Pháp thuộc. Năm 1964, Nhà nước đào kênh khoanh vùng thì phần đất thuộc đất lâm nghiệp do Nhà nước quản lý. Năm 1969, cha mẹ nguyên đơn đã tự vào trồng lúa và canh tác. Sau đó, do chiến tranh nên gia đình nguyên đơn bỏ đi. Năm 1973, họ trở về canh tác, nguyên đơn được cấp giấy chứng nhận và rồi bị phía bị đơn chiếm đất như đã nêu ở trên.
Cũng theo bản án này, nguyên đơn đã có thời gian dài đòi lại đất nhưng không được trả lại. Sau đó, do phát hiện việc cấp giấy chứng nhận cho nguyên đơn có sai sót về kỹ thuật, không phải là sai đối tượng nên chính quyền đã thu hồi giấy chứng nhận…
Đáng lưu ý, HĐXX xác định nguyên đơn là người được quyền sử dụng thửa đất tranh chấp vì sử dụng ổn định, lâu dài, đã kê khai đăng ký, đóng thuế cho Nhà nước. Ấy thế mà HĐXX lại cho rằng hai bên đương sự đều có thời gian quản lý, sử dụng đất, mỗi bên có công sức ngang nhau nên chia hai. Tòa sơ thẩm đã tuyên xử cho bị đơn tiếp tục quản lý, sử dụng phần đất tranh chấp và trả lại cho nguyên đơn 1/2 giá trị đất (hơn 3,8 tỉ đồng).
Không đồng ý với phán quyết này, VKS huyện đã có lập luận nêu ở đầu bài để kháng nghị sửa bản án sơ thẩm theo hướng chấp nhận toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn.
Cứ cho là việc xét xử đúng luật tố tụng (tức vụ án có sự bảo đảm về thời hiệu khởi kiện, quyền khởi kiện của nguyên đơn…) thì điều quan trọng cần bàn ở đây là nội dung xét xử.
Đầu tiên, cần phải thấy rằng việc sử dụng đất (thực chất là chiếm đất) của bị đơn từ năm 1997 đến nay là trái pháp luật, trái đạo đức xã hội. Bởi lẽ đất đó đang thuộc quyền sử dụng hợp pháp của nguyên đơn thông qua việc phía nguyên đơn có đến 26 năm sử dụng đất ổn định và được cấp giấy chứng nhận. Nếu cho rằng mình là chủ cũ và muốn được sử dụng lại đất, phía bị đơn bắt buộc phải cậy nhờ các cơ quan có thẩm quyền phân xử việc này theo các quy định của pháp luật chứ không được phép hành xử khác hơn.
Cần lưu ý thêm theo các Luật Đất đai trước giờ thì Nhà nước không công nhận việc đòi lại đất đã giao cho người khác sử dụng trong quá trình thực hiện chính sách đất đai của Nhà nước. Từ nguyên tắc này, đã có nhiều văn bản của TAND Tối cao hướng dẫn: Trường hợp chủ đất cũ không kê khai, không đứng tên trong sổ đăng ký đất hoặc sổ địa chính, không thực hiện quyền quản lý, sử dụng của chủ sử dụng đất; còn người đang sử dụng đất đã kê khai, đăng ký đứng tên trong sổ bộ ruộng đất hoặc sổ địa chính; được cơ quan nhà nước có thẩm quyền làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có căn cứ pháp luật, thực hiện đúng các Luật Đất đai thì nay chủ đất cũ không thể đòi lại quyền sử dụng đất đó.
Với các chỉ dẫn rõ ràng như thế, không thể không chất vấn tòa cấp sơ thẩm: Khi bị đơn rất có thể không đòi lại được đất theo các quy định đã nêu, cớ gì tòa này lại dễ dàng để cho bị đơn được tiếp tục sử dụng đất như thể công khai tiếp tay cho hành vi lấn chiếm đất?
Hỏi vậy để cùng thấy lập luận kháng nghị “án sơ thẩm sẽ gây bức xúc và tạo dư luận xấu trong xã hội…” của VKSND huyện U Minh là rất xác đáng và cùng mong chờ tòa án, VKSND tỉnh Cà Mau có phán quyết khác phù hợp với lẽ đời hơn.
Luật sư NGUYỄN THỊ THU TÂM, Đoàn Luật sư TP.HCM