Mùi cơ thể có thể là do nhiều nguyên nhân gây ra như di truyền, vi khuẩn trên da, chế độ ăn, tình trạng sức khỏe và thói quen vệ sinh cá nhân
Mùi cơ thể là một vấn đề không ít người gặp phải và vẫn đang khổ sở tìm cách khắc phục. Mặc dù gây khó chịu nhưng vấn đề này không khó giải quyết như nhiều người vẫn nghĩ.
Dưới đây là 10 cách đơn giản để giảm và ngăn mùi khó chịu trên cơ thể.
1. Sử dụng chất khử mùi phù hợp
Sử dụng chất khử mùi là một cách hữu hiệu để giảm mùi cơ thể nhưng nhiều người dù đã dùng chất khử mùi mà mùi cơ thể vẫn không hết hoặc hiệu quả chỉ được một thời gian rất ngắn.
Rất có thể nguyên nhân là do sản phẩm đang dùng không phù hợp.
Có thể sẽ phải thử qua nhiều loại chất khử mùi khác nhau để tìm ra sản phẩm thực sự phù hợp với bản thân. Khi chọn mua sản phẩm, bạn hãy chú ý đến thành phần hoạt tính. Nếu đã dùng các loại chất khử mùi chứa baking soda hoặc tinh dầu tràm trà (tea tree oil) và thấy không hiệu quả thì lần tới hãy thử chuyển sang các sản phẩm có chứa thành phần khác.
Ngoài ra cũng phải để ý đến các thành phần có thể gây kích ứng hoặc dị ứng và thử bôi sản phẩm lên một vùng da nhỏ trước khi sử dụng để thử phản ứng.
- Đọc thêm: trị hôi nách
2. Tự làm chất khử mùi
Nếu vẫn đang loay hoay không biết nên chọn loại chất khử mùi nào cho phù hợp thì bạn có thể thử tự làm chất khử mùi. Mặc dù chất khử mùi tự làm không thể ngăn cơ thể đổ mồ hôi nhưng sẽ giúp ngăn chặn nguồn gốc gây mùi khó chịu, đó là vi khuẩn.
Có rất nhiều công thức chất khử mùi khác nhau và điều quan trọng là phải tìm được công thức phù hợp với mình, không sử dụng những nguyên liệu gây dị ứng hoặc kích ứng. Baking soda hay sodium bicarbonate là một nguyên liệu có trong rất nhiều công thức chất khử mùi nhưng nếu bạn bị dị ứng baking soda thì hãy tìm các công thức không chứa thành phần này. Ở những người nhạy cảm với baking soda, thành phần này có thể gây viêm da tiếp xúc. Nếu có các dấu hiệu kích ứng hay dị ứng như da mẩn đỏ, ngứa ngáy hay nóng rát khi dùng chất khử mùi tự chế thì phải dừng ngay lập tức, rửa sạch da bằng nước và chờ cho da phục hồi hoàn toàn mới được thử một loại chất khử mùi khác.
Ngoài ra cũng khônng nên chọn những công thức có quá nhiều dầu để tránh làm bẩn quần áo.
Nếu bạn bị dị ứng baking soda hoặc không thích chất khử mùi dạng bột thì có thể thử pha giấm táo với nước. Giấm táo giúp tiêu diệt vi khuẩn gây mùi cơ thể. Tuy nhiên, không được thoa giấm táo chưa pha loãng lên da vì điều này có thể gây tổn thương da và làm mất cân bằng độ pH tự nhiên của da.
3. Sử dụng xịt khử mùi giày
Mùi cơ thể có thể đến từ bàn chân. Đối với nhiều người, hôi chân còn kinh khủng hơn nhiều so với mùi hôi ở vùng dưới cánh tay. Và đôi khi, thủ phạm gây mùi khó chịu ở chân là do giày chứ không phải do mồ hôi chân. Giày quá cũ hoặc đi một đôi giày quá nhiều mà không vệ sinh thường xuyên có thể gây tích tụ hơi ẩm, tạo điều kiện cho vi khuẩn sinh sôi và gây mùi. Bạn hãy thử rửa sạch chân và thay sang đôi giày khác xem chân có còn mùi hôi hay không. Nếu nguyên nhân đúng là do giày thì dùng xịt khử mùi là một cách hiệu quả để khắc phục vấn đề. Hãy để giày ở nơi thoáng mát, thường xuyên xịt khử mùi vào bên trong giày cho đến khi hết mùi và sau đó xịt vài ngày một lần để ngăn mùi. Bạn có thể mua xịt khử mùi giày hoặc dùng cồn Isopropyl, cho vào bình xịt và xịt trực tiếp vào bên trong giày. Nên xịt ngay sau khi cởi giày ra vào cuối ngày.
Lưu ý, cồn Isopropyl rất lâu khô và có thể gây kích ứng, bong tróc da. Do đó, chỉ xịt cồn vào giày chứ không được xịt lên da. Phải chờ cho giày khô hoàn toàn trước khi xỏ chân vào và nên đi tất khi đi giày.
4. Tắm rửa thường xuyên
Những người có mùi cơ thể nên tắm rửa thường xuyên và vệ sinh những khu vực có mùi nhiều lần trong ngày.
Không nên mặc lại quần áo cũ sau khi tắm. Mặc dù có những loại quần áo có thể mặc lại nhiều lần trước khi giặt nhưng nếu cơ thể ra nhiều mồ hôi và có mùi thì tốt nhất nên giặt ngay sau mỗi lần mặc, nhất là áo sơ mi và các loại áo khác chạm vào vùng nách. Nên mặc một chiếc áo phông cộc tay mỏng ở bên trong để ngăn vi khuẩn và mồ hôi thấm ra lớp áo bên ngoài. Bằng cách này, bạn sẽ không cần phải giặt áo thường xuyên và còn hạn chế được mùi cơ thể.
5. Mặc quần áo bằng chất liệu tự nhiên
Chất liệu của quần áo cũng là một yếu tố rất quan trọng trong việc ngăn mùi cơ thể. Một nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng các loại vải tổng hợp như polyester và spandex là môi trường lý tưởng cho vi khuẩn sinh sôi. (1, https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC4249026/ ). Tốt nhất nên chọn quần áo bằng chất liệu tự nhiên như cotton, vải lanh (linen) hoặc len.
6. Thay đổi cách giặt quần áo
Nếu quần áo có mùi hôi khó chịu thì hãy thử thêm một cốc giấm hoặc baking soda vào nước giặt để khử mùi nhưng lưu ý, không được trộn lẫn giấm và baking soda vì hai thành phần này sẽ phản ứng với nhau.
Nếu quần áo quá hôi hoặc bị mốc do để quên lâu ngày không giặt thì bạn hãy ngâm quần áo trong nước ấm pha giấm với tỷ lệ 7,5 lít nước pha với 1 - 2 cốc giấm trước khi giặt.
Lộn trái quần áo trước khi giặt để những chất bẩn bong ra khỏi vải dễ dàng hơn và giữ quần áo mới lâu hơn.
Nếu quần áo có mùi hôi thì không nên sấy vì sấy sẽ khiến cho mùi bám vào vải lâu hơn và càng khó loại bỏ hơn.
7. Không dùng nước xả vải
Mặc dù nước xả vải có tác dụng làm mềm vải và giúp quần áo có mùi thơm nhưng không nên lạm dụng. Nước xả vải sẽ bám trên bề mặt sợi vải, khiến cho mồ hôi và hơi ẩm không thể thoát ra ngoài và ngăn cản sự trao đổi không khí. Điều này tạo điều kiện cho vi khuẩn gây mùi phát triển. Việc sử dụng nước xả vải còn làm cho bột giặt hay nước giặt khó đi vào sợi vải và làm sạch mồ hôi, vi khuẩn cũng như là mùi cơ thể. Hơn nữa, nếu không lựa chọn cẩn thận, nước xả vải còn có thể gây kích ứng da.
8. Thay đồ ngay sau khi ra nhiều mồ hôi
Thay quần áo ngay sau khi tập thể dục và các hoạt động ra nhiều mồ hôi khác. Mặc quần áo ẩm sẽ khiến cho vi khuẩn sinh sôi trên da và gây ra mùi cơ thể khó chịu.
9. Điều chỉnh chế độ ăn uống
Đồ ăn thức uống không chỉ ảnh hưởng đến hơi thở mà còn có thể khiến cho cơ thể có mùi bất thường. Những gì chúng ta ăn uống có ảnh hưởng trực tiếp đến mùi của cơ thể. Nếu không muốn cơ thể có mùi khó chịu thì nên tránh các loại thực phẩm có chứa lưu huỳnh như bông cải xanh, bông cải trắng và bắp cải, các loại gia vị mùi nồng như hành, tỏi, cà ri cũng như là tất cả các loại thực phẩm nặng mùi khác.
10. Sử dụng nước hoa
Có thể sử dụng các loại nước hoa có mùi nhẹ nhàng, tươi mát để át đi mùi cơ thể. Nếu không thích mùi hương quá nồng của các loại nước hoa bán trên thị trường thì bạn có thể tự làm nước hoa bằng cách pha một loại dầu nền nhẹ như dầu hạnh nhân ngọt với một vài loại tinh dầu yêu thích. Ban đầu nên pha khoảng 30 ml dầu nền với 5 - 10 giọt tinh dầu rồi tăng dần lượng tinh dầu cho đến khi tạo ra mùi hương ưng ý. Tốt nhất nên đựng nước hoa trong lọ có đầu lăn nhưng cũng có thể cho vào lọ bình thường và dùng đầu ngón tay chấm nước hoa lên các vùng trên cơ thể. Nhớ đậy nắp kín sau mỗi lần thoa để giữ mùi được lâu.
Đừng sợ ra mồ hôi
Đổ mồ hôi không phải điều gì xấu mà thậm chí còn tốt cho cơ thể. Đây là một cơ chế tự nhiên để cơ thể điều hòa thân nhiệt và loại bỏ chất thải ra ngoài. Việc thi thoảng có mùi do đổ nhiều mồ hôi là hoàn toàn bình thường. Đừng vì sợ ra nhiều mồ hôi và cơ thể có mùi mà hạn chế hoạt động thể chất. Tích cực vận động hàng ngày sẽ giúp tăng cường sức khỏe và ngăn ngừa nhiều bệnh tật.
Tóm tắt bài viết
Mùi cơ thể có thể là do nhiều nguyên nhân gây ra như di truyền, vi khuẩn trên da, chế độ ăn, tình trạng sức khỏe và thói quen vệ sinh cá nhân. Cơ thể có mùi nhẹ không phải điều đáng lo ngại và có rất nhiều cách khắc phục như sử dụng chất khử mùi, tắm rửa thường xuyên, lựa chọn quần áo bằng vải tự nhiên và điều chỉnh chế độ ăn uống.