10 Lưu Ý Khi Chăm Sóc Tóc Và Da Đầu Sau Cấy Tóc

2 năm trước 29

Tóc không mọc hoặc mọc chậm, vết thương lâu lành hay tóc bị rụng sau khi cấy thường là do chăm sóc không đúng cách vì hoạt động của nang tóc ở khu vực cấy, tốc độ lành vết thương và nguy cơ nhiễm trùng phụ thuộc phần lớn vào quá trình chăm sóc sau cấy tóc. Vì vậy, nếu bạn đang có ý định cấy tóc để trị hói đầu thì cần phải biết cách chăm sóc sao cho đúng, đặc biệt là cách gội đầu và những điều cần tránh để tăng khả năng mọc tóc và giảm nguy cơ nhiễm trùng.

Tầm quan trọng của việc chăm sóc sau cấy tóc

Quá trình chăm sóc sau khi cấy tóc sẽ quyết định kết quả cuối cùng.

Sau khi cấy tóc, các cụm nang tóc có thể bị bong ra khỏi da đầu vì trong quá trình thực hiện, bác sĩ chỉ tạo ra các lỗ rất nhỏ trên da đầu và sau đó đặt các cụm nang tóc vào mà không khâu hay dùng vật liệu kết dính để giữ cố định cụm nang tóc.

Trong thời gian đầu sau cấy tóc, các cụm nang tóc chưa liên kết với vùng mô xung quanh nên các hành động như đụng chạm nhiều lên da đầu, lau máu quá mạnh, va đập vào vật rắn hay gãi mạnh khi gội đầu có thể khiến cho các cụm nang tóc bị bật khỏi vị trí. Kết quả là khu vực cấy tóc không thể mọc tóc.

Không chỉ quyết định khả năng mọc tóc, chăm sóc đúng cách sau khi cấy tóc còn giúp ngăn ngừa nhiễm trùng. Mặc dù cấy tóc chỉ tạo ra các vết thương rất nhỏ trên da đầu nhưng đó vẫn là các vết thương hở, có thể bị chảy máu và vi trùng có thể xâm nhập vào bất cứ lúc nào.

Nhiễm trùng hiếm khi là do lỗi trong quá trình cấy tóc vì mọi dụng cụ được sử dụng đều đã được tiệt trùng. Phần lớn các trường hợp nhiễm trùng sau cấy tóc đều là do cách chăm sóc của khách hàng, chẳng hạn như hoạt động ra nhiều mồ hôi hay thường xuyên đụng tay lên vết thương.

Nếu bị nhiễm trùng thì sẽ rất nguy hiểm vì nhiễm trùng sẽ gây viêm. Tình trạng viêm sẽ lan đến các cụm nang tóc, phá hủy nang tóc hoặc khiến cho nang tóc cấy không thể bám vào vùng mô xung quanh.

Mặc dù nguy cơ nhiễm trùng sau cấy tóc là rất thấp nhưng không phải không thể xảy ra nên bạn cần lưu ý những điều dưới đây để giảm thiểu nguy cơ.

Những vấn đề có thể phát sinh sau cấy tóc

Chóng mặt, buồn nôn

Chóng mặt, mờ mắt, choáng váng, buồn nôn và nôn có thể xảy ra do tác dụng phụ của thuốc gây tê và thuốc an thần được sử dụng trong quá trình cấy tóc. Bạn nên nhờ người đưa về sau khi cấy tóc chứ không nên tự lái xe vì tình trạng mờ mắt và chóng mặt sẽ gây nguy hiểm khi tham gia giao thông.

chong mat buon nonChóng mặt, mờ mắt, choáng váng, buồn nôn và nôn có thể xảy ra do tác dụng phụ của thuốc gây tê.

Cảm giác buồn nôn và nôn sẽ ảnh hưởng đến việc ăn uống sau cấy tóc.

Quá trình cấy tóc mất khá nhiều thời gian, thường ít nhất là 4 tiếng và có thể kéo dài lên đến 8 tiếng, tùy thuộc vào số lượng cụm nang tóc cần cấy và độ phức tạp của ca cấy tóc. Sau khoảng thời gian dài này, có thể bạn sẽ cảm thấy rất đói nhưng không nên ăn nhiều vì ăn nhiều có thể gây buồn nôn và nôn.

Sau khi cấy tóc, bạn chỉ nên ăn thức ăn mềm, lỏng hoặc tạm thời nhịn ăn. Khi hết buồn nôn thì có thể ăn uống trở lại bình thường.

Ngứa, đau và sưng tấy

Khi thuốc tê hết tác dụng, bạn sẽ cảm thấy đau. Cơn đau sẽ tự hết sau khoảng vài ngày. Nếu như đau nhức dữ dội thì có thể uống thuốc giảm đau mà bác sĩ đã kê nhưng khi đỡ đau thì nên ngừng thuốc, không nên lạm dụng.

Khu vực cấy tóc và khu vực lấy nang tóc sẽ bị sưng tấy. Tình trạng sưng sẽ giảm dần và tự biến mất sau khoảng 7 ngày nhưng nếu bị sưng nặng hoặc muốn hết sưng nhanh hơn thì có thể chườm lạnh lên vùng bị sưng. Lưu ý, chỉ đặt túi chườm lên vùng xung quanh vị trí cấy tóc, không đặt trực tiếp lên vết thương vì điều này sẽ làm rụng các cụm nang tóc. Bạn có thể sẽ được kê thuốc, băng thun hoặc chiếu laser cường độ thấp để giảm sưng.

Hiện tượng ngứa da đầu có thể xảy ra trong vòng 2 - 3 ngày sau khi cấy tóc. Nguyên nhân là do vết thương đang dần lành lại, đóng vảy và các cụm nang tóc bắt đầu liên kết với mô xung quanh. Tuyệt đối không được gãi hay bóc vảy vì làm vậy sẽ khiến cho các cụm nang tóc bị bong khỏi da đầu.

Chỉ nên xoa nhẹ, bôi thuốc trị ngứa hoặc thoa dầu dừa và dầu ô liu lên chỗ bị ngứa. Dầu giúp dưỡng ẩm cho da, giảm ngứa và làm mềm vảy. Khi gội đầu, vảy sẽ tự bong ra.

Rụng tóc

Hiện tượng rụng tóc có thể xảy ra ở khu vực được cấy tóc và xung quanh khu vực lấy nang tóc ở sau đầu. Hiện tượng này được gọi là rụng tóc do sốc (shock loss), thường xảy ra sau khi cấy tóc khoảng 3 - 4 tuần và nguyên nhân là do các nang tóc bị tác động trong quá trình lấy hoặc cấy cụm nang tóc. Nếu thấy tóc bị rụng sau khi cấy tóc thì không cần quá lo lắng. Đây là điều hết sức bình thường trong quá trình hồi phục, hoàn toàn không phải là do cấy tóc hỏng mà thậm chí còn là tín hiệu tốt cho thấy các cụm nang tóc đang bắt đầu vào chu kỳ hoạt động ổn định.

Mặc dù rụng tóc sẽ khiến cho tóc bị thưa mỏng đi nhưng phần tóc bị rụng chỉ là thân tóc chứ không kèm theo nang tóc. Sau khi rụng tóc, nang tóc bên dưới da đầu sẽ bước vào giai đoạn nghỉ ngơi (telogen) trong khoảng 3 - 4 tháng, sau đó bắt đầu giai đoạn phát triển (anagen) và lại tạo ra tóc mới.

Nổi mụn ở da đầu

Vùng được cấy tóc có thể bị nổi mụn do phản ứng viêm nhẹ ở da đầu. Điều này là hoàn toàn bình thường và có thể xảy ra sau khi cấy tóc từ 2 tuần đến 3 tháng. Có thể nặn nhẹ cho mụn vỡ ra rồi bôi thuốc trị mụn nhưng phải hết sức cẩn thận để không làm cụm nang tóc bị bong khỏi da đầu và phải vệ sinh sạch sẽ tay hoặc dụng cụ nặn mụn trước khi sử dụng để tránh bị nhiễm trùng.

Nếu không muốn nặn vì sợ nhiễm trùng hoặc bị thâm thì có thể bôi thuốc trị mụn trứng cá. Nếu sau 3 ngày mà vẫn không hết mụn hoặc da đầu bị tấy đỏ ngày càng nặng thì nên đến gặp bác sĩ vì rất có thể vết thương đã bị nhiễm trùng.

Nhiễm trùng

Nhiễm trùng không những gây hại đến sức khỏe mà còn khiến cho vùng cấy tóc không thể mọc tóc.

Nếu nhận thấy da đầu bị tấy đỏ, chạm lên thấy đau hoặc có nhiều mụn mủ trong vòng 7 ngày sau khi cấy tóc thì cần đi khám ngay vì có thể vết thương đã bị nhiễm trùng. Nhiễm trùng và viêm nặng sẽ phá hủy các tế bào tại nang tóc, khiến cho nang tóc bị teo hoặc gây hình thành sẹo. Kết quả là tóc sẽ không thể mọc và có thể phải cấy tóc lại để khắc phục.

Đôi khi, nhiễm trùng còn đi vào máu và dẫn đến vấn đề nghiêm trọng hơn nhiều. Mặc dù nhiễm trùng máu có thể điều trị được nhưng nếu phát hiện muộn, nhiễm trùng máu có thể đe dọa tính mạng. Nếu bị sốt cao, ớn lạnh, tim đập nhanh, khó thở hoặc gặp bất kỳ biểu hiện bất thường nào khác sau khi cấy tóc thì phải đến bệnh viện ngay lập tức vì đó có thể là những dấu hiệu của nhiễm trùng máu.

Chảy máu không ngừng

Chảy máu không ngừng ở các vết thương cấy tóc có thể là do khả năng đông máu có vấn đề hoặc huyết áp quá cao. Máu chảy nhiều sẽ đẩy các cụm nang tóc ra ngoài.

Nếu thấy các vị trí cấy tóc bị chảy máu thì hãy dùng bông gòn hoặc vải sạch ấn lên trong khoảng 3 - 5 phút để cầm máu. Nếu máu vẫn chảy thì hãy ấn lâu hơn. Nếu máu vẫn không ngừng chảy thì hãy đến bệnh viện nơi bạn cấy tóc để có biện pháp xử lý.

Nếu bạn muốn điều trị rụng tóc, tóc thưa mỏng nhưng lo ngại về những rủi ro có thể xảy ra khi cấy tóc thì có thể lựa chọn các phương pháp điều trị khác như:

  • Liệu pháp PRP
  • Tiêm tế bào gốc nang tóc
  • Laser LLLT
  • Laser Fotona

Những điều cần lưu ý sau cấy tóc

Dưới đây là những điều quan trọng mà bạn cần lưu ý sau khi cấy tóc để tóc mọc tốt và giảm nguy cơ xảy ra các vấn đề không mong muốn.

1. Không gãi da đầu và bóc vảy

Sau khi cấy tóc cần hạn chế đụng chạm lên những vùng có vết thương và đặc biệt không được gãi hay bóc vảy ở vùng cấy tóc vì các cụm nang tóc vẫn chưa bám vào vùng mô xung quanh, hành động gãi hay cạy vảy có thể khiến nang tóc bị bong. Ngoài ra, việc đụng chạm nhiều lên vết thương sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm trùng.

Sau khi cấy tóc, vết thương trên da đầu sẽ được băng lại. Bạn không nên tháo băng quá sớm. Hãy giữ nguyên trong 24 giờ hoặc làm theo hướng dẫn của bác sĩ.

2. Cẩn thận khi gội đầu

Sau 24 giờ, bạn có thể gội đầu để làm sạch vết thương. Cần hết sức cẩn thận khi gội đầu để tránh làm bong các cụm nang tóc. Bạn sẽ phải gội đầu hàng ngày trong vòng một tháng sau cấy tóc để giữ cho da đầu luôn sạch sẽ.

Absolute Hair Clinic có dịch vụ gội đầu cho khách hàng trong vòng 4 ngày đầu sau khi cấy tóc để tránh làm bong cụm nang tóc và khách hàng sẽ được hướng dẫn cách gội đầu chi tiết để tự thực hiện tại nhà.

Ngoài ra, da đầu sẽ được chiếu laser năng lượng thấp để vết thương mau lành, giảm viêm, kích thích hoạt động của nang tóc và tăng lưu thông máu ở vùng cấy tóc. Khi lượng máu đến da đầu tăng, nang tóc sẽ nhanh liên kết với mô và mạch máu xung quanh hơn.

Sau đó, khách hàng sẽ phải tự gội đầu tại nhà. Cách gội đầu như sau:

Dùng nước ở nhiệt độ thường để làm sạch vùng cấy tóc, không dùng nước nóng. Lưu ý không xối nước từ vòi hoa sen hoặc vòi nước quá mạnh lên vết thương. Nên múc nước bằng ca rồi nhẹ nhàng dội lên đầu hoặc dùng tay hứng nước từ vòi rồi mới xoa lên đầu.

Sử dụng loại dầu gội đã được phát tại bệnh viện. Lấy một lượng dầu gội vừa đủ vào lòng bàn tay, xoa đều để tạo bọt rồi thoa đều lên vùng cấy tóc. Không cần xoa mà chỉ cần để nguyên trong khoảng 2 - 3 phút, bọt dầu gội sẽ tự hòa tan chất bẩn.

Nhẹ nhàng rửa sạch bằng nước ở nhiệt độ thường.

Sử dụng dầu xả để làm mềm tóc nhưng không để dầu xả dính vào khu vực cấy tóc.

Dùng khăn mềm và sạch thấm nhẹ để làm khô tóc. Có thể dùng máy sấy nhưng phải sử dụng chế độ sấy mát vì hơi nóng sẽ ảnh hưởng đến nang tóc ở khu vực cấy tóc.

Nếu da đầu bị bong tróc hoặc đóng vảy gây ngứa ngáy thì có thể bôi dầu dừa, dầu ô liu hoặc dầu em bé lên da đầu và để trong khoảng 10 phút trước khi gội đầu. Khi gội đầu, vảy sẽ tự bong ra mà không ảnh hưởng đến các cụm nang tóc.

Có thể gội đầu bình thường sau 1 tháng.

Có thể sử dụng gel tạo kiểu tóc sau khi cấy tóc 1 tuần nhưng không được để sản phẩm dính lên vết thương cấy tóc.

Nếu muốn nhuộm tóc thì nên thực hiện ít nhất 2 ngày trước khi cấy tóc vì sẽ không được sử dụng hóa chất lên da đầu trong vòng 1 tháng sau cấy tóc.

3. Chú ý tư thế nằm ngủ

Tư thế nằm ngủ là một điều quan trọng khác mà bạn cần lưu ý sau cấy tóc. Nếu để vùng cấy tóc cọ vào gối thì cụm nang tóc có thể sẽ bị rụng.

Sau cấy tóc, bạn nên nằm ngửa hoặc nằm nghiêng, không nằm sấp. Có thể cuộn một chiếc khăn hoặc dùng gối chữ U kê bên dưới cổ để đầu không dịch chuyển quá nhiều trong lúc ngủ và không đè lên vết thương ở sau đầu.

Ngoài ra, bạn nên kê gối cao khi ngủ để giảm áp lực xung quanh vết thương, giúp vết thương bớt đau, bớt sưng tấy và chảy máu.

Sử dụng chụp đầu bằng vải mềm khi đi ngủ trong 5 đêm đầu tiên sau cấy tóc để da đầu không bị trầy xước do gãi vô thức trong lúc ngủ.

4. Không để đầu bị va đập

Đầu va đập mạnh với vật cứng có thể khiến các cụm nang tóc bị rụng khỏi da đầu. Đây là nguyên nhân khiến tóc không mọc sau khi cấy tóc.

5. Không bê đồ nặng và không cúi người

Đây là những điều phải tuyệt đối tránh sau khi cấy tóc. Vận động nhiều và bê vác đồ nặng có thể làm cho các cụm nang tóc bị rụng. Ngoài ra, vận động mạnh còn làm tăng áp lực xung quanh vết thương, dẫn đến tăng sưng và chảy máu. Chảy máu nhiều có thể đẩy các cụm nang tóc ra khỏi da đầu.

Cúi người sẽ làm tăng huyết áp ở vùng đầu, gây tăng sưng và ảnh hưởng đến các cụm nang tóc. Nếu cần nhặt đồ thì hãy ngồi xổm xuống thay vì cúi người.

Sau khi cấy tóc hãy ngừng tập thể dục một thời gian vì vận động thể chất sẽ gây đổ mồ hôi và điều này làm tăng nguy cơ nhiễm trùng. Đặc biệt không nên đi bơi vì vi trùng trong nước bể bơi sẽ xâm nhập vào các vết thương hở trên da đầu và gây nhiễm trùng.

Nên hạn chế vận động, nâng vật nặng hay cúi gập người sau khi cấy tóc 7 ngày và không nên đi bơi trong vòng 1 tháng.

6. Tránh tiếp xúc với ánh nắng mặt trời

Tia UV trong ánh nắng có thể làm hỏng nang tóc và ảnh hưởng đến sự mọc tóc sau khi cấy. Tốt nhất nên tránh ra ngoài trời nắng, nếu có việc cần ra ngoài thì phải đội mũ hoặc khăn trùm đầu.

7. Tránh nhiệt độ cao

Nhiệt độ cao sẽ kích thích máu lưu thông nhiều hơn đến da đầu và có thể gây chảy máu tại vết thương. Do đó phải tránh những nơi quá nóng, chẳng hạn như ngoài trời nắng hay phòng tắm hơi và không gội đầu bằng nước nóng.

8. Tránh ở những nơi dễ gây nhiễm trùng

Sau khi cấy tóc bạn không nên đến những nơi không sạch sẽ như khu ổ chuột hay nơi có nhiều khói bụi, ô nhiễm để tránh bị nhiễm trùng.

9. Kiêng rượu bia và thuốc lá

Tránh đồ uống có cồn và khói thuốc lá trong 48 giờ trước và sau khi cấy tóc vì những thứ này sẽ ảnh hưởng đến tuần hoàn máu và làm giảm kết quả cấy tóc.

10. Hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng thuốc

Trong vòng 4 ngày sau cấy tóc, nếu cần dùng một loại thuốc mới thì phải hỏi ý kiến bác sĩ trước vì một số loại thuốc có thể ảnh hưởng đến quá trình đông máu. Nếu nang tóc chưa bám vào mô xung quanh thì chảy máu có thể khiến nang tóc bị đẩy ra ngoài.

Các loại thuốc trị rụng tóc như minoxidil (Rogaine) cũng sẽ ảnh hưởng đến máu.

Một số câu hỏi thường gặp về cấy tóc

cau hoi thuong gap khi cay tocCác câu hỏi thường gặp khi cấy tóc.

Bao lâu sẽ thấy kết quả rõ rệt sau khi cấy tóc?

Tóc ở vùng cấy tóc sẽ bắt đầu mọc trong vòng từ 3 - 4 tháng sau khi cấy tóc và bạn sẽ thấy kết quả rõ rệt khi tóc mọc dài, thường sẽ mất khoảng 12 - 18 tháng.

Có thể nhuộm tóc sau khi cấy tóc không?

Sau khi cấy tóc, bạn có thể nhuộm tóc nhưng phải đợi ít nhất 1 tháng để vết thương lành lại. Trong thuốc nhuộm tóc có rất nhiều chất hóa học. Nếu da đầu chưa hồi phục hoàn toàn và vết thương chưa lành thì các hóa chất này sẽ gây tổn hại tóc và da đầu.
Vì vậy, nếu cần nhuộm tóc thì nên nhuộm trước khi cấy tóc ít nhất 1 - 2 ngày.

Mất bao lâu để phục hồi sau khi cấy tóc?

Sau khi cấy tóc, bạn nên nghỉ ngơi từ 3 đến 4 ngày để phục hồi sức khỏe hoặc nếu không có thời gian thì nên sắp xếp ít nhất 1 ngày để nghỉ ngơi vì bạn sẽ gặp phải một số tác dụng phụ của thuốc gây tê và thuốc an thần. Vào ngày đầu tiên sau cấy tóc, vết thương trên da đầu rất dễ bị nhiễm trùng nên tốt nhất là không ra ngoài.
Nếu cần phải làm việc trong vòng 3 - 4 ngày sau cấy tóc thì hãy cẩn thận để các cụm nang tóc không bị rụng và không bị nhiễm trùng.

Tóc không mọc sau khi cấy tóc thì phải làm sao?

Nếu tóc không mọc sau khi cấy tóc thì hãy báo cho bác sĩ. Bác sĩ sẽ kiểm tra để tìm ra nguyên nhân khiến tóc không mọc.

Khi xác định được nguyên nhân, bác sĩ sẽ tiến hành cấy tóc lần 2 và có biện pháp phòng ngừa để vấn đề tương tự không tiếp tục xảy ra. Nếu chỉ có một phần nhỏ trong vùng cấy tóc không mọc tóc thì bạn sẽ được cấy tóc bổ sung mà không cần trả thêm tiền.

Lần cấy tóc đầu tiên là lần có khả năng mọc tóc cao nhất vì lúc này da đầu vẫn còn nguyên vẹn và chưa bị tổn thương. Nếu lần cấy tóc đầu tiên không thành công và phải cấy tóc lại thì khả năng mọc tóc sẽ giảm. Do đó, bạn nên chọn cấy tóc ở những nơi uy tín để có kết quả ưng ý ngay từ lần đầu và không phải cấy tóc lại nhiều lần.

Tóm tắt bài viết

Quá trình chăm sóc sau cấy tóc sẽ quyết định kết quả nên cần phải chú ý chăm sóc thật cẩn thận. Chăm sóc đúng cách sẽ giúp tăng khả năng mọc tóc, giảm thiểu nguy cơ xảy ra các vấn đề không mong muốn như nhiễm trùng hay bong nang tóc và nhờ đó tránh phải cấy tóc lại. Cấy tóc lại không những tốn kém thời gian, tiền bạc mà khả năng mọc tóc sẽ không cao bằng lần đầu tiên.

Đọc toàn bộ bài viết