5 chất hóa học gây béo phì phổ biến nhất

3 năm trước 27

Thói quen ăn uống không lành mạnh và lối sống ít vận động không phải là những nguyên nhất duy nhất dẫn đến tăng cân, béo phì. Một số chất hóa học xung quanh chúng ta cũng có thể góp phần gây tác động tiêu cực đến cân nặng.

Những hóa chất này có trong nhiều vật dụng khác nhau như hộp đựng thực phẩm, bình sữa trẻ em, đồ chơi, đồ nhựa, dụng cụ nấu nướng và mỹ phẩm.

Khi xâm nhập vào cơ thể, chúng sẽ ảnh hưởng đến các chức năng bình thường và thúc đẩy sự tích mỡ.

Đã có tổng cộng hơn 20 chất hóa học đã được xác định là chất gây béo phì và dưới đây là 5 chất phổ biến nhất.

Tác động của các chất gây béo phì đến cơ thể

Chất gây béo phì là những chất gây rối loạn nội tiết, có nghĩa là phá vỡ sự cân bằng nội tiết tố trong cơ thể.

Một số chất gây rối loạn nội tiết có cơ chế hoạt động là kích hoạt các thụ thể estrogen và điều này có thể gây ra các tác động tiêu cực ở cả phụ nữ và nam giới.

Các thụ thể estrogen sẽ liên kết với bất cứ thứ gì trông giống như estrogen.

Một số chất gây béo phì không chỉ tác động đến sự tích mỡ trong cơ thể mà còn gây ra dị tật bẩm sinh, dậy thì sớm ở trẻ em gái, làm mất các đặc điểm nam tính ở nam giới, ung thư vú và các rối loạn khác.

Nhiều tác động trong số này xảy ra ngay từ trong bụng mẹ. Ví dụ, khi một phụ nữ mang thai tiếp xúc với các chất gây béo phì thì đứa trẻ sẽ có nguy cơ bị béo phì cao hơn trong tương lai.

Dưới đây là 5 hóa chất gây béo phì phổ biến nhất nhất ở xung quanh chúng ta.

1. Bisphenol-A (BPA)

Bisphenol-A (BPA) là một hợp chất tổng hợp có trong nhiều loại sản phẩm khác nhau, ví dụ như bình sữa trẻ em, hộp đựng thực phẩm, đồ uống bằng nhựa và cả hộp kim loại.

Chất này đã được sử dụng trong suốt nhiều thập kỷ nhưng các nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng lượng BPA cao có thể gây hại cho cả động vật và con người.

Cấu trúc của BPA tương tự như estradiol - dạng quan trọng nhất của hormone sinh dục nữ estrogen. Kết quả là BPA liên kết với các thụ thể estrogen bên trong cơ thể.

Thời điểm mà cơ thể nhạy cảm nhất với BPA là khi còn trong bụng mẹ. Theo một nghiên cứu được thực hiện tại Mỹ thì có đến 96% phụ nữ mang thai có kết quả xét nghiệm nước tiểu dương tính với BPA.

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra mối liên hệ giữa BPA với tăng cân và béo phì, ở cả động vật và con người.

Việc tiếp xúc với BPA còn có thể dẫn đến tình trạng kháng insulin, bệnh tim mạch, tiểu đường, rối loạn thần kinh, rối loạn chức năng tuyến giáp, ung thư, dị tật sinh dục và nhiều vấn đề khác.

Mặc dù tất cả các nhà nghiên cứu đều thống nhất rằng nồng độ BPA cao sẽ gây ra các vấn đề kể trên nhưng vẫn còn một số ý kiến tranh luận về việc liệu chất này có gây hại khi chỉ tồn tại trong cơ thể ở nồng độ thấp do xâm nhập qua thực phẩm hay không.

Các cơ quan quản lý thực phẩm của Hoa Kỳ và Liên minh Châu Âu ước tính rằng BPA trong thực phẩm ở mức quá thấp nên không gây hại cho cơ thể con người. Ít nhất, các loại thực phẩm tiếp xúc với BPA hiện vẫn chưa được chứng minh là gây ra những tác hại kể trên.

Tuy nhiên, vẫn chưa rõ liệu mức BPA thấp có ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi khi còn trong bụng mẹ hay không. Cần có thêm nhiều nghiên cứu hơn nữa trước khi có thể đưa ra kết luận chắc chắn.

Mặc dù vậy nhưng một số quốc gia trên thế giới như Canada và Đan Mạch đã có quy định về việc hạn chế BPA trong các sản phẩm tiêu dùng.

Các phương pháp để giảm thiểu sự tiếp xúc với BPA (và các hóa chất gây béo phì khác) sẽ được nói ở cuối bài viết.

Tóm tắt: Bisphenol-A (BPA) có thể gây béo phì và nhiều bệnh khác ở người nhưng hiện vẫn chưa có ý kiến thống nhất về việc liệu mức BPA thấp trong thực phẩm có gây hại hay không. Chất này chủ yếu có trong đồ nhựa và thực phẩm đóng hộp.

2. Phthalate

Phthalate là một nhóm hóa chất được sử dụng để làm cho nhựa trở nên mềm, dẻo và khó gãy.

Những hóa chất này có trong nhiều sản phẩm khác nhau, ví dụ như hộp đựng thực phẩm, đồ chơi, sản phẩm làm đẹp, dược phẩm, rèm nhà tắm và sơn.

Phthalate có thể dễ dàng rò rỉ ra từ nhựa và nhiễm vào thực phẩm, nguồn cung cấp nước và thậm chí là không khí mà chúng ta hít thở hàng ngày.

Một nghiên cứu được thực hiện tại Thụy Điển đã cho thấy phthalate từ sàn nhựa có thể đi vào không khí rồi xâm nhập vào cơ thể trẻ em qua da và qua đường hô hấp.

Trong một nghiên cứu của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), hầu hết người Mỹ đều có kết quả xét nghiệm nước tiểu dương tính với chất chuyển hóa phthalate.

Giống như BPA, phthalate cũng là những chất gây rối loạn nội tiết, ảnh hưởng đến sự cân bằng nội tiết tố trong cơ thể.

Phthalate có thể góp phần gây tăng cân bằng cách tác động đến PPAR - các thụ thể hormone tham gia vào quá trình trao đổi chất.

Các nghiên cứu ở người đã chỉ ra rằng phthalate có thể dẫn đến béo phì, tăng vòng eo và kháng insulin.

Nam giới nhạy cảm với các hóa chất này hơn phụ nữ. Các nghiên cứu chỉ ra rằng việc tiếp xúc với phthalate khi còn trong bụng mẹ có thể dẫn đến dị tật bộ phận sinh dục, tinh hoàn không bình thường và nồng độ testosterone thấp ở nam giới.

Trong một nghiên cứu, việc bị nhiễm các chất chuyển hóa phthalate trong máu có thể gây bệnh tiểu đường tuýp 2.

Nhiều cơ quan chính phủ và tổ chức y tế đã bắt đầu đưa ra các biện pháp ngăn cấm phthalate. Ví dụ như bang California của Mỹ đã thông qua luật nghiêm cấm các nhà sản xuất đồ chơi sử dụng phthalate trong sản phẩm của mình.

Tóm tắt: Phthalate là nhóm hóa chất có trong nhiều sản phẩm nhựa. Một số nghiên cứu đã cho thấy mối liên hệ giữa phthalate với bệnh béo phì, tiểu đường tuýp 2 và dị tật bộ phận sinh dục ở bé trai.

3. Atrazine

Atrazine là một trong những chất diệt cỏ được sử dụng khá phổ biến ở nhiều nước trên thế giới.

Tuy nhiên, atrazine đã bị cấm ở châu Âu trong hơn 10 năm trở lại đây vì chất này gây ô nhiễm nước ngầm.

Atrazine cũng là một chất gây rối loạn nội tiết và một số nghiên cứu cho thấy việc tiếp xúc với atrazine có thể gây dị tật bẩm sinh ở người.

Một nghiên cứu được thực hiện tại Mỹ cho thấy những khu vực sử dụng nhiều atrazine nhất cũng là những khu vực có tỷ lệ dân số béo phì cao nhất.

Trong một nghiên cứu trên chuột, chất này còn phá hủy ty thể, làm giảm tỷ lệ trao đổi chất và gây tích mỡ thừa vùng bụng.

Tuy nhiên, cần nghiên cứu thêm để xem liệu rằng atrazine có gây ra tác động tương tự trên cơ thể người hay không.

Tóm tắt: Atrazine là một loại chất diệt cỏ được sử dụng phổ biến. Một số nghiên cứu cho thấy việc tiếp xúc với atrazine làm tăng nguy cơ béo phì và nồng độ atrazine cao trong cơ thể gây tích mỡ, tăng cân ở chuột. Cần nghiên cứu thêm để chứng minh điều này ở người.

4. Organotin

Organotin là một nhóm hóa chất nhân tạo được sử dụng trong công nghiệp cho các mục đích khác nhau.

Một chất trong nhóm Organotin là Tributyltin (TBT), được sử dụng làm chất diệt nấm và quết lên tàu thuyền để ngăn chặn sự phát triển của các sinh vật biển trên thân tàu. Chất này còn được sử dụng trong các loại thuốc bảo quản gỗ và một số hệ thống nước công nghiệp.

Hiện nay, nhiều hồ và vùng nước biển ven bờ bị ô nhiễm bởi Tributyltin.

Tributyltin gây hại cho các sinh vật biển và đã bị cấm ở nhiều quốc gia.

Một số nghiên cứu cho thấy rằng Tributyltin và các hợp chất organotin khác có thể gây rối loạn nội tiết và góp phần gây béo phì ở người bằng cách làm tăng số lượng tế bào mỡ.

Trong một nghiên cứu trên ống nghiệm, các nhà khoa học phát hiện Tributyltin khiến cho các tế bào mỡ phát triển nhanh chóng và làm giảm chức năng sản xuất leptin của các tế bào này. Leptin là một loại hormone tạo cảm giác no. Khi nồng độ leptin ở mức thấp, chúng ta sẽ ăn quá nhiều và tăng cân.

Trong một nghiên cứu khác trên chuột, những con chuột tiếp xúc với Tributyltin trong 45 ngày liên tục đã bị tăng cân và gan nhiễm mỡ.

Cũng có bằng chứng cho thấy việc tiếp xúc với Tributyltin khi còn trong bụng mẹ có thể khiến cho các tế bào gốc biến thành tế bào mỡ, điều này làm tăng số lượng tế bào mỡ và tăng nguy cơ béo phì.

Tóm tắt: Các hóa chất nhóm Organotin, ví dụ như Tributyltin, là các hợp chất đã được chứng minh là gây tăng cân và bệnh gan nhiễm mỡ ở chuột. Những chất này có thể khiến tế bào gốc biến thành tế bào mỡ.

5. Axit perfluorooctanoic (PFOA)

Axit perfluorooctanoic (PFOA) là một hợp chất tổng hợp được sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau.

PFOA là một thành phần trong các dụng cụ nấu ăn chống dính được làm bằng Teflon và có trong cả các loại bỏng ngô nổ bằng lò vi sóng.

Một nghiên cứu cho thấy 98% người Mỹ có PFOA trng máu.

Chất này có thể góp phần gây ra nhiều vấn đề sức khỏe ở người, gồm có rối loạn tuyến giáp, thiếu cân và bệnh thận mạn tính.

Trong một nghiên cứu trên chuột, việc tiếp xúc với PFOA trong quá trình phát triển dẫn đến tăng nồng độ insulin, leptin và khối lượng cơ thể.

Tuy nhiên, hiện vẫn chưa thể kết luận PFOA có gây béo phì ở người hay không.

Tóm tắt: Axit perfluorooctanoic (PFOA) có trong các dụng cụ nấu ăn chống dính và một số sản phẩm khác. Chất này có liên quan đến nhiều vấn đề sức khỏe ở người và một nghiên cứu trên chuột cho thấy việc tiếp xúc với PFOA có thể dẫn đến tăng cân.

Cách giảm thiểu sự tiếp xúc với chất gây béo phì

Có rất nhiều chất hóa học gây rối loạn nội tiết và rất khó để liệt kê hết chỉ trong một bài viết.

Việc tránh hoàn toàn những chất này là điều không thể vì chúng có mặt ở khắp mọi nơi xung quanh chúng ta.

Tuy nhiên, có một số cách đơn giản để có thể tránh tiếp xúc với những chất gây hại này một cách tối đa và giảm thiểu nguy cơ về sức khỏe sau này:

  • Tránh các loại thực phẩm và đồ uống được đựng trong hộp nhựa.
  • Sử dụng bình nước bằng inox không gỉ hoặc các loại kim loại chất lượng cao thay vì nhựa.
  • Không cho trẻ bú bình nhựa. Thay vào đó hãy sử dụng bình thủy tinh.
  • Không dùng dụng cụ nấu ăn chống dính
  • Sử dụng mỹ phẩm hữu cơ, tự nhiên.

Tất nhiên, ăn uống lành mạnh, tập thể dục thường xuyên, ngủ đủ giấc và tránh căng thẳng vẫn là những yếu tố quan trọng nhất để tránh tăng cân và béo phì.

Đặc biệt, những phụ nữ đang mang thai hoặc dự định có thai trong tương lai gần nên tránh xa những sản phẩm có chứa các hóa chất này. Chúng có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe của con sau này.

Tóm tắt: Tránh hoàn toàn các chất gây béo phì là điều không thể nhưng bạn có thể giảm mức độ tiếp xúc bằng cách tránh các loại thực phẩm và đồ uống đựng trong hộp nhựa. Ngoài ra, không nên sử dụng dụng cụ nấu ăn chống dính.

Đọc toàn bộ bài viết