Cho dù đi du lịch hay phải thực hiện giãn cách xã hội hoặc bất kỳ lý do nào khác mà bạn chưa thể đến phòng khám, bạn có thể yên tâm niềng răng với 6 mẹo dưới đây.
Bệnh nhân tự chăm sóc hầu hết các vấn đề niềng răng. Chỉ những trường hợp khẩn cấp nghiêm trọng nhất mới cần sự can thiệp ngay lập tức bởi bác sĩ chỉnh nha.
Dưới đây là các vấn đề chỉnh nha kèm theo các mẹo "cấp cứu" giúp bệnh nhân có thể yên tâm niềng răng tại nhà hoặc đi chơi xa.
Thức ăn bị kẹt vào mắc cài
Okay, đây không phải là một vấn đề cấp cứu trong niềng răng, nhưng nó có thể gây khó chịu cho bạn. Nếu bạn ở nhà, việc đánh bật thức ăn ra khá dễ dàng. Bạn có thể dùng chỉ nha khoa, luồn qua dây cung và mắc cài để làm sạch thức ăn mắc kẹt hoặc sử dụng bàn chải kẽ răng để đánh bật thức ăn ra ngoài. Nếu bạn đang đi du lịch hoặc ở trường, nơi làm việc,... lý tưởng nhất là bạn nên nhớ mang theo những dụng cụ như chỉ nha khoa, tăm chỉ và bàn chải đánh răng du lịch đi để đề phòng cho những tình huống như trên. Tuy nhiên, nếu bạn quên, bạn có thể dùng tăm và cẩn thận loại bỏ thức ăn bị kẹt và sau đó đi vào toilet để súc, rửa sạch miệng.
Dây cung chọc vào má
Dây cung thừa ra và chọc vào má của bạn chắc chắn sẽ khiến bạn khó chịu. Sử dụng 1 chiếc bông ngáy tai hoặc đầu tẩy của bút chì (chú ý phải sạch) để đẩy dây cung về phía trước. Sau đó, dùng giấy ăn để lau khô dây cung và các mắc cài gần đó. Tiếp đến, bạn vê tròn 1 ít sáp chỉnh nha – cỡ hạt đậu – và dán sáp chỉnh nha vào đầu dây cung khiến bạn khó chịu.
Nếu không đẩy được dây cung hoặc đoạn dây cung thừa ra nhiều, hãy tìm kiếm một chiếc bấm móng tay thật sắc như là kế sách cuối cùng.
Bạn cần rửa sạch bấm móng tay và sát trùng nó bằng cồn 70 độ. Một khi đã khử trùng để đảm bảo không có mầm bệnh, bạn có thể tự mình hoặc nhờ ai đó bấm cắt đoạn dây cung thừa. Để tránh trường hợp nuốt phải mẩu dây cung bị cắt ra, bạn dùng khăn giấy hoặc gạc sạch để lót vào khu vực đó. Chú ý thực hiện việc này nhẹ nhàng, dứt khoát, thận trọng và sau đó liên lạc với phòng khám của bạn để được tư vấn và lên lịch thăm khám.
Má hoặc môi bị kích ứng
Phải mất một thời gian để làm quen với việc có mắc cài, dây cung trong miệng, và má môi có thể bị kích ứng trong giai đoạn thích nghi. Điều này có thể dễ dàng khắc phục cho dù bạn đang đi du lịch hay ở nhà bằng cách súc miệng với nước muối ấm, loãng. Hòa tan ½ thìa cà phê muối vào cốc nước ấm và súc miệng; lặp lại điều này thường xuyên nếu bạn cho là cần thiết. Bạn cũng có thể lấy một mẩu sáp nha khoa và dính lên các mắc cài gây phiền phức. Sáp nha khoa đóng vai trò như một hàng rào bảo vệ các mô mềm khỏi những cạnh của mắc cài.
Bong, sứt mắc cài hoặc lỏng mắc cài, dây cung, khâu (band)
Nếu niềng răng bị lỏng theo cách nào đó, bạn lưu ý lại và thông báo với phòng khám để xác định các bước tiếp theo.
Mắc cài là một bộ phận của niềng răng và đế mắc cài được gắn vào răng bằng một chất kết dính đặc biệt. Chúng thường được đặt ở trung tâm mỗi răng.
Nếu mắc cài lệch khỏi trung tâm, chất kết dính có thể bị hỏng, khiến mắc cài lỏng, dễ bong/bung. Nếu mắc cài bị bong mà vẫn nằm trên dây cung, bạn dùng 1 chiếc nhíp vô trùng khéo léo đưa mắc cài trượt về vị trí và dùng sáp chỉnh nha hoặc kẹo cao su không đường để cố định tạm thời. Nếu mắc cài bị tuột hẳn ra ngoài và dây cung không đứt gãy hay cong vênh, bạn có thể yên tâm giữ lại mắc cài. Điều này có thể ảnh hưởng đến thời gian niềng răng của bạn tăng lên một chút thôi. Để tránh tình trạng bung sứt mắc cài, bạn nên chải răng nhẹ nhàng, sạch sẽ, tránh ăn thực phẩm cứng, giòn hoặc dẻo dính.
Lỏng chun buộc
Thỉnh thoảng, các chun buộc hoặc dây ligature (bằng kim loại) nhỏ dùng để cố định dây cung với các mắc cài có thể bật ra. Nếu chun buộc bị bong ra, bạn có thể dùng nhíp vô trùng để đặt nó lại vị trí. Nếu dây ligature bị lỏng, bạn dùng nhíp vô trùng để tháo ra. Nếu dây ligature không bị lỏng mà cọ vào môi, bạn có thể dùng tăm bông để đẩy nó lại hoặc đẩy đầu dây quặp vào, ngăn ngừa kích ứng môi. Tất nhiên, khi một dây ligature bị bật ra hoặc đứt, những dây khác có thể xảy ra tương tự. Hãy cẩn thận kiểm tra tất cả các dây ligature. Bạn nên chú ý đến những chỗ có dây ligature bị đứt gãy và thông báo cho bác sĩ. Dù vậy, không cần phải hốt hoảng hoặc liên lạc gấp, vào lần thăm khám tiếp theo, bạn sẽ được cố định bằng một dây chun mới thay thế (thậm chí có thể một màu chun mới để thay đổi).
Nếu bạn cần sử dụng thun kéo liên hàm và có kế hoạch đi du lịch hoặc nghỉ tại nhà lâu, bạn nên xin bác sĩ thêm 1 số lượng thun kéo liên hàm, đề phòng thun kéo bị đứt hoặc mất.
Nuốt phải các bộ phận của niềng răng (mắc cài, dây thun,...)
Thật may mắn là bệnh nhân hiếm khi nuốt phải những vật đó. Nhưng nếu điều này xảy ra, bạn cần phải giữ bình tĩnh. Nếu bạn ho quá mức hoặc khó thở, có khả năng vật đó đã bị hút vào phía trong. Nếu bạn nhìn thấy vật đó, bạn có thể cố gắng loại bỏ nó 1 cách cẩn thận. Nhưng đừng cố gắng quá mức vì có thể gây hại. Hãy liên hệ ngay với người lớn hoặc phòng khám hoặc bất cứ y bác sĩ nào mà bạn nghĩ rằng họ có thể giúp ích. Khi bình tĩnh, bạn nên kiểm tra niềng răng của bạn xem có vấn đề gì xảy ra do bị thiết hoặc lỏng lẻo, kích ứng không – nếu có, hãy xử lý như các hướng dẫn ở trên.
Các bộ phận của niềng răng
A. Chun buộc/ ligature
Là những vòng tròn nhỏ bằng cao su hoặc dây kim loại để cố định dây cung với các mắc cài
B. Dây cung
Được gắn vào các mắc cài và có vai trò định hướng sự dịch chuyển của răng.
C. Mắc cài
Là những hình vuông nhỏ được gắn trực tiếp vào răng bằng 1 chất dính đặc biệt hoặc gắn với band (khâu chỉnh nha). Mắc cài có nhiệm vụ giữ dây cung di chuyển răng.
D. Khâu chỉnh nha (band)
Được làm từ thép không rỉ, nhựa trong suốt hoặc vật liệu trùng màu răng, được gắn vào răng bằng một chất gắn kết đặc biệt. Khâu chỉnh nha được quấn quanh mỗi răng, đóng vai trò như mỏ neo cho mắc cài.
E. Hook và thun kéo liên hàm
Hook có dạng móc, để gắn thun kéo liên hàm, giúp di chuyển răng về vị trí thích hợp của chúng. Hook thường được gắn ở răng nanh, răng cối nhỏ và trên band hay mắc cài (bracket) của răng cối lớn