Trong tiết trời chuyển mùa, người lớn tuổi thường bị đau nhức, tê cứng khớp. Các món ăn dân dã từ lá lốt dưới đây giúp xương khớp dễ chịu hơn.
Theo Đông y, lá lốt có vị nồng, hơi cay, tính ấm, có tác dụng làm chỉ thống (giảm đau), tán hàn (trừ lạnh), hạ khí (đưa khí đi xuống), ôn trung (làm ấm bụng) nên thường dùng chữa các chứng đau nhức xương khớp khi chuyển trời, trời lạnh, ra mồ hôi tay chân.
Theo y học hiện đại, lá và thân cây lá lốt chứa nhiều ancaloit và tinh dầu, thành phần chính là beta-caryophylen giúp chống viêm, giảm đau thấp khớp hiệu quả.
Từ xưa, những người nội trợ luôn ưu tiên sử dụng lá lốt sẵn có trong vườn nhà để chế biến nhiều món ngon và tốt cho người bệnh xương khớp.
Chả cuốn lá lốt
Chả lá lốt là món ăn ''quốc dân'' được nhiều người yêu thích bởi lớp vỏ bên ngoài bọc lá lốt dậy mùi thơm, bên trong thịt mềm ngọt, vị vừa vặn.
Chú ý để làm chả lá lốt ngon nên chọn lá bánh tẻ (không non quá hay già quá), phần thịt chọn nạc vai có dắt mỡ để không bị khô. Mẹo để rán chả lá lốt không bị bắn dầu là áp chảo cho bề mặt nóng và chín một phần sau đó mới cho chút mỡ hoặc dầu ăn vào.
Canh cà bung
Theo nhiều nghiên cứu, cà tím chứa magiê, canxi cùng vitamin A và C có tác dụng cải thiện cấu trúc xương, tăng cường hệ miễn dịch.
Trong tiết trời chuyển mùa, một bát cà bung với miếng cà dẻo mềm quyện với thịt béo ngậy, đậu phụ bùi bùi, nước sánh vàng, nước canh chua dịu giúp đẩy đưa vị giác. Món này ăn cùng cơm trắng hay bún đều ngon.
Chú ý khi sơ chế nên ngâm cà tím với một ít dấm hoặc muối, chanh và nên ăn kèm đa dạng các món khác để làm giảm hoạt tính một số chất có hại trong quả.
Cá bống chiên giòn cuốn lá lốt
Theo khuyến cáo của bác sĩ, những người đau nhức xương khớp nên ăn ít nhất 2 bữa các món cá mỗi tuần. Mùa xuân hè ở miền Bắc, các loại cá sông cá mương nhỏ vào vụ nên sinh trưởng và phát triển nhanh như cá bống nhỏ, cá tép dầu, cá rô đồng, cá cơm, cá lành canh...
Một đĩa cá bống chiên vàng ruộm giòn tan, khi ăn cuốn cùng lá lốt bùi thơm chấm đẫm vào nước mắm chua ngọt rất hao cơm.
Bò xào lá lốt
Theo y học cổ truyền, thịt bò vị ngọt, tính ấm, có tác dụng bổ tỳ vị, ích khí, bổ máu, tốt cho gân xương. Thịt bò xào lá lốt dậy dư vị rất riêng kích thích vị giác.
Thịt bò đem thái lát mỏng theo thớ ngang, tẩm ướp chút gia vị rồi xào to trên lửa lớn, khi thịt chín tới cho lá lốt thái nhỏ vào đảo qua vài lượt là được.
Lưu ý theo các chuyên gia y tế, trong thịt đỏ giàu chất béo bão hòa và axit béo không bão hòa đa Omega-6 nếu dùng nhiều quá có thể gây nguy cơ loãng xương.
Rạm chiên lá lốt
Trong y học cổ truyền, cua đồng và rạm là những vị thuốc quý có tác dụng tán huyết, bổ gân cốt, khớp xương.
Một đĩa rạm chiên vàng thơm, lá lốt giòn rụm dùng ăn chơi, nhậu lai rai hay ăn cùng cơm trắng rất hợp vị.
Trai xào lá lốt
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, chất kẽm trong thịt trai cao gấp 18 lần thịt bò. Đây là khoáng chất quan trọng giúp điều trị loãng xương, thoái hóa khớp, xơ cứng mạch máu hiệu quả.
Một đĩa thịt trai xào chín tới giữ độ dai giòn, màu hơi ngả vàng, xen kẽ và dậy mùi thơm của lá lốt, điểm vài lát ớt đỏ the cay hấp dẫn.
Nguồn: [Link nguồn]
Theo Bùi Thủy ([Tên nguồn])