- Công việc cũng giống như một cuộc hôn nhân vậy, có cơm lành canh ngọt thì chúng ta mới có cuộc sống hài hòa, hạnh phúc.
Chán đi làm công sở - một hiện tượng tâm lý bình thường
Nếu bạn đang cảm thấy chán công việc, chán việc phải đến công ty mỗi ngày, bạn không cô đơn đâu, rất nhiều người cũng đang cảm thấy như vậy. Mỗi ngày trôi qua là một kịch bản hầu như lặp lại mà bạn không khó để đoán trước. Buổi sáng, bạn khó chịu khi tắt chuông báo thức, uể oải rời khỏi chiếc giường. Bạn chen chúc trên con đường tắc nghẹt, ngồn ngộn người để đến công ty cho kịp giờ chấm công. Bạn dành 8 tiếng ở công ty, làm những công việc đều đều nhàm chán. Sau đó, bạn rời công ty lúc 5h30 chiều, lại len lỏi trên con đường đông đúc để về nhà với một cảm giác mệt mỏi rã rời. Ngày hôm sau lặp lại y chang như thế, quanh năm suốt tháng như thế thì bảo sao không chán.
Công việc cũng như một cuộc hôn nhân vậy, trải qua thời kỳ trăng mật là lúc đôi bên “ba phần lạnh nhạt, bảy phần thờ ơ”, chung sống với nhau chỉ vì trách nhiệm chứ không còn chút tình cảm nào. Ngay cả công việc từng là “dream job” của bạn thì cũng sẽ đến lúc trở nên nhàm chán thôi. Kênh Web5ngay - một kênh YouTube nổi tiếng về kỹ năng sống và làm việc hiệu quả, từng chỉ ra rằng hầu như công việc nào cũng có một công thức chung: 3 phần bạn yêu thích, 4 phần bình thường hoặc nhàm chán và 3 phần bạn cực ghét. Ngay cả khi bạn tìm một công việc khác hay chuyển sang làm tự do thì cũng phải đối mặt với những khía cạnh mà bạn không thích ở công việc đó, bởi không một công việc nào hoàn hảo. Huống hồ, chuyện công việc không phải cứ chán thì nghỉ, bởi còn gánh nặng mưu sinh.
Thế nên, bạn cũng không cần cảm thấy quá tội lỗi hay trách móc bản thân chỉ vì bạn đang chán việc, chán phải đi làm mỗi ngày. Đây là hiện tượng tâm lý bình thường mà nhiều người gặp phải chứ không phải một mình bạn. Vấn đề là, dù chán ghét, chúng ta vẫn phải dành phần lớn thời gian trong ngày và trong cả cuộc đời cho công việc. Vậy phải làm thế nào để cuộc sống công sở trở nên dễ chịu hơn?
Những mẹo ‘nhỏ mà có võ’ bạn nên thử một lần
Tôi là một workaholic (người “nghiện” việc), tôi từng là người ra về muộn nhất, mang cả công việc về nhà làm vào buổi tối hay ngày nghỉ. Nhưng tôi cũng phải thú nhận với bạn rằng, có những lúc tôi rất chán nản với việc phải đi làm mỗi ngày. Sau đó tôi nhận ra, mình không thể sống vui vẻ, hạnh phúc khi mỗi ngày mở mắt ra đều cảm thấy chán ghét công việc mình đang làm. Vì vậy, tôi đã lên một kế hoạch giúp việc đi làm mỗi ngày bớt nhàm chán hơn bằng những thay đổi nhỏ nhưng hiệu quả.
Đi làm sớm hơn một chút
Nếu bạn khổ sở vì cảnh tắc đường và đi muộn mỗi ngày, vậy bạn rất nên cân nhắc việc dậy sớm hơn và ra khỏi nhà sớm hơn thường lệ. Nhiều công ty áp dụng mức phạt tiền rất nặng với nhân viên đi làm muộn. Nếu lương của bạn không cao mà còn bị phạt thường xuyên thì cuối tháng lĩnh lương còn lại được bao nhiêu? Thế nên, để vừa tránh kẹt xe, vừa tránh cảm giác bực bội vì bị phạt thì hãy cố gắng đi làm sớm hơn một chút. Đến công ty sớm, bạn có thời gian thảnh thơi ăn sáng, nghỉ ngơi và làm một số việc cá nhân lặt vặt trước khi bắt tay vào công việc.
Ghi lại những niềm vui từ việc đi làm mỗi ngày
Rèn luyện một tư duy tích cực là một điều cần thiết để có cuộc sống hạnh phúc hơn. Không chỉ nghĩ đến những niềm vui từ việc đi làm mỗi ngày, bạn hãy viết nó ra, càng rõ ràng, chi tiết càng tốt. Chẳng hạn, buổi sáng khi thay đồ, bạn hãy nghĩ đến niềm vui khi được khoác lên mình những bộ đồ đẹp và có một cái cớ để đi ra khỏi nhà. Nhiều người làm freelancer toàn thời gian còn phải thuê chỗ ngồi để làm việc tập trung, mình đã có sẵn một chỗ ngồi ở văn phòng với đầy đủ trang thiết bị. Mấy bác bảo vệ trông xe cũng rất thân thiện, dễ mến. Tháng vừa rồi mình đi muộn vài buổi nhưng được châm chước giảm tiền phạt.
Có rất nhiều lý do khiến bạn mỉm cười khi đến công ty mỗi ngày, có thể niềm vui lại đến từ những điều bình thường, nhỏ bé mà không nhất thiết phải đến từ công việc. Nhưng bạn cũng cần nhớ rằng, tư duy tích cực phải xuất phát từ thực tế và những niềm vui phải đến từ cảm nhận chân thật của chính bạn. Nếu không, bạn chỉ đang lừa dối bản thân và dễ sa đà vào thứ tích cực độc hại.
Đặt một chiếc gương trên bàn làm việc
Chúng ta sẽ không biết mặt mình trông nhăn nhó, khó coi thế nào, cho đến khi nhìn mình trong một chiếc gương. Đặt một chiếc gương trên bàn làm việc không chỉ có tác dụng tích cực với cách bạn đối xử với bản thân mà còn tác động đến cách người khác cư xử với bạn. Bằng việc liên tục nhìn thấy mình trong gương, bạn sẽ có ý thức chỉnh trang lại trang phục, đầu tóc gọn gàng, dặm lại son môi và thỉnh thoảng tự mỉm cười với bản thân. Một chiếc gương còn giúp đồng nghiệp hay sếp cư xử nhẹ nhàng với bạn hơn, vì như đã nói ở trên, không ai muốn khuôn mặt mình trông thật khó coi cả.
Đừng ngại đứng dậy ra về khi hết giờ
Sẽ không vấn đề gì nếu đôi lúc bạn ở lại làm ngoài giờ do có việc phát sinh hay chỉ vì bạn say mê với công việc. Nhưng bạn cần nghiêm túc xem xét nếu bạn thường xuyên về trễ ngoài ý muốn, có thể vì quá tải với khối lượng công việc hoặc ngại về vì thấy xung quanh đồng nghiệp chưa ai đứng dậy cả. Chẳng có lý do gì mà bạn không thể đứng dậy ra về khi đã hoàn thành công việc của mình. Chúng ta xứng đáng được nghỉ ngơi, giải trí và dành thời gian cho đời sống cá nhân, có như vậy mới tái tạo đủ năng lượng cho ngày làm việc tiếp theo.
Xây dựng mối quan hệ hài hòa với đồng nghiệp
Một mối quan hệ tốt với đồng nghiệp sẽ có vai trò nâng đỡ tinh thần của bạn những lúc gặp khó khăn, chán nản trong công việc. Đừng chỉ nghĩ công sở chỉ toàn drama bè phái đấu đá, nói xấu lẫn nhau, bạn vẫn có thể tìm được những mối quan hệ chất lượng, hoặc chí ít những mối quan hệ xã giao tốt đẹp cũng giúp bạn bớt nặng nề hơn.
Chúng ta bận rộn để sống
Hãy liên tục tạo cho bản thân sự bận rộn tích cực. Nếu bạn có thể hoàn thành những công việc quen thuộc và dư ra một khoảng thời gian trong ngày, vậy hãy cố gắng học hỏi thêm, đọc thêm tài liệu để ngày càng vững chuyên môn. Những kiến thức bạn được học sẽ trở nên lỗi thời theo thời gian, chỉ có học hỏi không ngừng, phát triển bản thân mỗi ngày mới đảm bảo một sự nghiệp vững chắc và không dễ bị đào thải.
Cuối cùng, hãy sắp xếp thời gian làm việc và nghỉ ngơi xen kẽ, khi cuộc sống của bạn trở nên cân bằng, bạn cũng sẽ bớt nhàm chán với công việc hơn.
I Am NGA
Ảnh: Sưu tầm