Án hành chính: Lãnh đạo cần sòng phẳng với người dân

1 năm trước 48

(PLO)- Chỉ khi người lãnh đạo dám nhìn nhận cái sai và sửa sai, dám sòng phẳng với người dân khi tham gia tố tụng thì công cuộc quản lý hành chính mới ngày một tốt hơn và niềm tin của người dân vào bộ máy công quyền ngày một tăng cao.

Trong các vụ kiện hành chính, nếu lãnh đạo các cơ quan nhà nước thiếu tích cực, thiếu trách nhiệm trong việc tham gia tố tụng cũng như tự nguyện thi hành án thì dù pháp luật có tiến bộ đến đâu cũng khó nâng cao hiệu quả thi hành án.

Để thực hiện chức năng quản lý nhà nước, các cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền sẽ ban hành nhiều quyết định hành chính hoặc thực hiện các hành vi hành chính để giải quyết các công việc phát sinh. Các quyết định, hành vi hành chính này trong nhiều trường hợp sẽ bị khiếu nại, khiếu kiện khi cá nhân, tổ chức bị tác động cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của họ bị xâm phạm.

 LÊ ÁNH
Một phiên tòa hành chính do TAND tỉnh Bình Dương tổ chức trực tuyến. Ảnh: LÊ ÁNH

Luật Tố tụng hành chính ghi nhận mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân bình đẳng trong việc thực hiện quyền và nghĩa vụ trong tố tụng hành chính trước tòa án. Do vậy, để quá trình giải quyết vụ án hành chính được thuận lợi đòi hỏi người khởi kiện, người bị kiện và những người tham gia tố tụng khác phải nhận thức được các quyền và nghĩa vụ tố tụng của mình, đồng thời phải tích cực tham gia vào quá trình tố tụng để vụ án được giải quyết nhanh chóng.

Tuy nhiên, qua tổng kết thực tiễn giải quyết vụ án hành chính ở các địa phương trong cả nước cho thấy người bị kiện là cơ quan hành chính nhà nước chưa có sự tham gia tích cực trong vụ án hành chính. Theo báo cáo liên ngành tại hội nghị chuyên đề về công tác giải quyết án hành chính ngày 11-5 của VKSND TP Hà Nội và TAND TP Hà Nội cho thấy tỉ lệ giải quyết án hành chính của hai cấp tòa tại Hà Nội trong sáu tháng đầu năm 2023 chỉ hơn 17%.

Một trong các nguyên nhân dẫn đến việc các vụ án hành chính bị kéo dài là thủ trưởng cơ quan bị kiện thường không tham gia tố tụng mà ủy quyền cho cấp phó. Sau đó cấp phó lại làm đơn xin xét xử vắng mặt vì lý do bận công việc nên thường chỉ có người bảo vệ quyền và lợi ích của người bị kiện tham gia phiên tòa (phân công cho các công chức quản lý ở các bộ phận chuyên môn hoặc luật sư, trợ giúp viên pháp lý…).

Vì vậy, vụ án không tổ chức đối thoại được mà phải đưa ra xét xử nên khó kết thúc sớm, khiến người khởi kiện (thường là người dân) có tâm lý bức xúc vì không được đối thoại, tranh tụng để làm rõ những vấn đề mà trong quá trình khiếu nại đến các cấp hành chính có thẩm quyền, người khởi kiện chưa được giải thích rõ hoặc tuy đã được giải thích nhưng vẫn còn khúc mắc, chưa thông suốt...

Và ngay cả khi vụ án đã kết thúc thì vấn đề thi hành án (THA) đối với bản án đã có hiệu lực pháp luật cũng còn lắm trần ai, có rất nhiều bản án tồn đọng, kéo dài nhiều năm. Nguyên nhân chủ yếu được chỉ ra là do việc THA hành chính được thực hiện theo cơ chế “tự thi hành” của người phải THA. Do đó, có thể THA được hay không phụ thuộc rất lớn vào ý thức chấp hành của người bị kiện là các cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước, mà cụ thể là người đứng đầu. Nếu người đứng đầu hoặc cấp trên trực tiếp của người đứng đầu thiếu tích cực, thiếu trách nhiệm trong việc đôn đốc THA thì việc THA khó mà hiệu quả.

Thiết nghĩ, trong nhà nước pháp quyền, người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước phải ý thức rằng pháp luật có giá trị tối thượng, tuy là chủ thể mang quyền lực nhà nước nhưng chính họ cũng phải chấp nhận sự ràng buộc của pháp luật. Một bản án đã có hiệu lực pháp luật thì cần phải được nghiêm túc thi hành.

Điều này không chỉ là thượng tôn pháp luật mà còn là tinh thần dám nhìn nhận cái sai và sửa sai, dám sòng phẳng với người dân khi cùng tham qua vào quan hệ tố tụng mà ở đó tòa án là cơ quan có quyền phân xử. Chỉ có như vậy thì công cuộc quản lý hành chính mới ngày một tốt hơn và niềm tin của người dân vào bộ máy công quyền ngày một tăng cao.

ThS NGUYỄN NHẬT KHANH, Trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM)

Đọc toàn bộ bài viết