Án Nước ngoài-Luật Việt Nam: Du khách đối mặt án 10 năm tù vì dàn cảnh bị bắt cóc

8 tháng trước 46

Án Nước ngoài:

Màn kịch vụng về của kẻ có máu “đỏ đen”

Theo tờ The Straits Times, Lưu Trường Kiến (Liu Changjian), 33 tuổi, đã không nhận tội trước tòa án bằng hình thức video trực tuyến hôm 11/3. Người này sẽ trở lại tòa vào ngày 23/3 để tham dự một cuộc gặp trước khi xét xử.

Theo luật Singapore, những người bị kết tội âm mưu bắt cóc có thể bị phạt tù tới 10 năm.

Theo các nhà điều tra, Liu đã nhập cảnh Singapore vào ngày 1/3 theo chính sách miễn thị thực và dự kiến ​​quay lại Trung Quốc 5 ngày sau đó nhưng điều này đã không xảy ra.

Liu có mặt tại sòng bạc Marina Bay Sands vào ngày 7 và 8/3 nhưng đã dàn dựng vụ bắt cóc của chính mình để lừa người thân ở Trung Quốc nhằm tống tiền để trả nợ cờ bạc.

Tuần trước, dì của anh đã nhận được tin nhắn đe dọa qua WeChat, nói rằng cháu trai của bà đã bị bắt cóc và yêu cầu khoản tiền chuộc lên tới 30.000 Nhân dân tệ, theo South China Morning Post.

Gia đình anh ta nhanh chóng liên lạc với lực lượng cảnh sát Singapore để nhờ giúp đỡ. Sau 3 giờ điều tra, cảnh sát đã xác định được vị trí của Liu và thấy anh ta vẫn an toàn.

Các cuộc điều tra cũng tiết lộ rằng du khách này nợ cờ bạc từ 20.000 đến 30.000 SGD

Cảnh sát cho biết trong một tuyên bố: "Người đàn ông này đã giả làm người khác và tự dàn dựng vụ bắt cóc. Tuy nhiên, không có khoản tiền chuộc nào được chuyển đến. Cảnh sát có quan điểm nghiêm túc đối với bất kỳ người nào có thể liên quan đến vụ lừa đảo, dù cố ý hay vô tình. Bất kỳ ai phát hiện có liên quan đến những vụ lừa đảo như vậy sẽ bị cảnh sát điều tra và có thể bị truy tố".

 Du khách đối mặt án 10 năm tù vì dàn cảnh bị bắt cóc

 Khách du lịch Trung Quốc đang được miễn thị thực vào Singapore. Ảnh minh họa: CAN

Luật Việt Nam:

Tống tiền người thân vẫn sẽ bị xử lý hình sự

Theo quy định của pháp luật hình sự Việt Nam, hành vi tự dàn dựng cảnh bắt cóc có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu có mục đích nhằm chiếm đoạt tài sản.

Trong vụ án trên, vì nợ cờ bạc từ 20.000 đến 30.000 SGD, Liu đã tự dàn dựng vụ bắt cóc chính mình để lừa người thân ở Trung Quốc nhằm tống tiền. Anh ta yêu cầu khoản tiền chuộc lên tới 30.000 Nhân dân tệ.

Theo quy định tại Điều 169 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), tội Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản là hành vi bắt, giữ người khác do người có năng lực trách nhiệm hình sự và đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự thực hiện một cách cố ý nhằm buộc người muốn chuộc phải nộp tiền hoặc tài sản thì mới thả người bị bắt, giữ.

Hành vi “bắt cóc” phải thể hiện việc đưa “người bị bắt cóc” giấu đi ở một nơi nào đó mà không muốn cho người khác biết, đặc biệt là đối với người thân, gia đình của người bị bắt cóc.

Như vậy, có thể hiểu người bị bắt cóc phải bị dùng vũ lực hoặc thủ đoạn khác khiến bị khống chế không thể thoát thân được và hoàn toàn thuộc quyền kiểm soát của kẻ phạm tội. Đồng thời việc bắt giữ này phải hoàn toàn trái với ý chí, lý trí của người bị bắt giữ.

Ở đây, Liu đã giả bị bắt cóc để lấy tiền chuộc từ người thân, thực tế, anh ta vẫn bình yên vô sự và không bị ai khống chế cả. Chính vì đó chỉ là “sản phẩm của trí tưởng tượng” của Liu nên không xảy ra hành vi khống chế đối với người bị bắt cóc. Vì vậy, hành vi của Liu có dấu hiệu của tội Cưỡng đoạt tài sản quy định tại Điều 170 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.

Theo đó, người nào đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản là hành vi dọa sẽ gây thiệt hại đến sức khỏe, tính mạng trong tương lai nếu không thoả mãn yêu cầu chiếm đoạt tài sản của người phạm tội.

Liu đã dùng thủ đoạn gian dối là đưa ra thông tin giả rằng mình bị bắt cóc, để tạo lòng tin đối tượng đã nhắn tin cho người thân khiến họ tin và giao tiền (tài sản) cho. Việc đưa ra thông tin giả có thể bằng nhiều cách khác nhau như bằng lời nói, chữ viết, bằng hành động và nhiều hình thức khác như giả vờ vay, mượn, thuê để chiếm đoạt tài sản.

Về hình phạt, nếu bị xử lý về tội danh này, Liu sẽ phải đối mặt với mức án ra sao?.

Trên thực tế, Liu đòi người thân 30.000 Nhân dân tệ. Nếu tính tỷ giá quy đổi vào thời điểm hiện hành thì số tiền đó tương đương với 103.000.000 đồng. Chiếu theo quy định tại điểm d (Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng) khoản 2 Điều 170 Bộ luật Hình sự, Liu có thể bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm.

Ngoài hình phạt chính, Liu còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Trong vụ án trên, nếu người thân của Liu không tố cáo với cảnh sát thì cảnh sát có quyền khởi tố vụ án dàn dựng màn kịch bị bắt cóc để tống tiền để điều tra không?

Theo khoản 1 Điều 155 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, được sửa đổi bởi khoản 3 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Tố tụng hình sự 2021 quy định về khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của bị hại như sau: Chỉ được khởi tố vụ án hình sự về tội phạm quy định tại khoản 1 các Điều 134, 135, 136, 138, 139, 141, 143, 155 và 156 của Bộ luật Hình sự khi có yêu cầu của bị hại hoặc người đại diện của bị hại là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất hoặc đã chết.

Liu không có nhược điểm về tâm thần, cũng đã trên 18 tuổi, đủ năng lực nhận thức để chịu trách nhiệm về hành vi của mình. Do vậy, vụ án dàn dựng màn kịch bị bắt cóc để tống tiền của Liu sẽ được khởi tố điều tra kể cả khi không có yêu cầu của người thân của anh ta.

Ánh Dương (Thực hiện)

Đọc toàn bộ bài viết