Án Nước ngoài-Luật Việt Nam: Gửi tiết kiệm 34 tỷ, 4 tháng sau chỉ còn 0 đồng

11 tháng trước 30

Án Nước ngoài:

34 tỷ đồng “không cánh mà bay”

Cô Lý mở một thẩm mỹ viện ở Quảng Châu (Trung Quốc) từ năm 2013. Sau mấy năm kinh doanh, cộng thêm buôn bán bất động sản có lãi, cô Lý có hơn 10 triệu NDT (tương đương 34 tỷ đồng, tính theo thời điểm xảy ra vụ việc) tiền mặt. Do chuẩn bị đi nước ngoài, cô quyết định mang tiền đến ngân hàng vừa là gửi tiết kiệm, vừa để cất giữ.

Tháng 4/2016, cô đến ngân hàng địa phương mở tài khoản và gửi 10 triệu NDT vào đó. Mọi thủ tục diễn ra theo đúng quy trình.

4 tháng sau, cô Lý về nước. Vì cần vốn để mở rộng kinh doanh nên cô đã đến ngân hàng làm thủ tục rút 10 triệu NDT. Tuy nhiên, nhân viên ngân hàng khiến cô chết lặng khi thông báo số dư trong tài khoản tiết kiệm của cô bằng 0. Cô yêu cầu nhân viên ngân hàng kiểm tra lại thông tin cá nhân. Người này đối chiếu đến 3 lần và mọi thứ đều khớp với những gì khách hàng cung cấp.

Khi cô thắc mắc thì người quản lý dẫn cô đến gặp nhân viên chuyên trách để kiểm tra chi tiết những giao dịch trong tài khoản. Thông tin được xuất ra cho thấy 10 triệu NDT đã được chia nhỏ thành từng khoản và chuyển đến một công ty uỷ thác ở Vũ Hán. 81 giao dịch giữa tài khoản tiết kiệm của cô Lý và công ty này được thực hiện.

Khi nhìn thấy những thông tin này, cô Lý rất sốc vì cô chưa bao giờ thực hiện bất kỳ giao dịch nào thông qua tài khoản này. Thêm nữa, cô cũng không biết ai ở công ty uỷ thác kia và tại sao tiền của mình lại được chuyển vào đó.

Cô Lý khẳng định đã bật thông báo biến động số dư nên chỉ cần hoạt động chuyển khoản được diễn ra sẽ có tin nhắn báo về máy. Tuy nhiên, trong 4 tháng qua, cô không nhận được bất kỳ thông tin nào.

Lúc này, người đại diện thắc mắc tại sao cô Lý lại không biết điều này bởi cô phải ký giấy uỷ quyền thì tiền mới được chuyển ra. Theo cô Lý, chữ ký xác nhận trên giấy ủy quyền không phải của cô, số điện thoại, thậm chí, ngày diễn ra giao dịch cũng sai. Cô đến ngân hàng để làm thủ tục mở tài khoản tiết kiệm vào tháng 4 nhưng ngày ký giấy uỷ quyền lại là tháng 3.

Vào cuộc điều tra, cảnh sát phát hiện Khương, người phụ trách quản lý tài khoản ngân hàng, là thủ phạm. Qua thẩm vấn, Khương khai nhận lợi dụng chức vụ và quyền hạn của mình tại ngân hàng, anh ta đã cấu kết với công ty uỷ thác để chiếm đoạt tiền của người gửi tiền.

Theo đó công ty uỷ thác sẽ có trách nhiệm ban hành các uỷ thác giả. Còn Khương chịu trách nhiệm xác định “con mồi”, cung cấp thông tin khách hàng và sử dụng thoả thuận uỷ thác giả này để chuyển tiền của người gửi ra ngoài.

Vì chuyển khoản giá trị lớn cần phải có xác nhận của chủ tài khoản nên Khương đã thực hiện chuyển khoản với số tiền 50.000 NDT/lần. Về việc cô Lý không nhận được tin nhắn thông báo biến động số dư, Khương giải thích rằng với quyền của mình tại ngân hàng, anh ta có thể tắt chức năng này thông qua hệ thống phụ trợ của ngân hàng.

Tại toà, Khương cho biết đây không phải là lần đầu thực hiện hành vi này. Anh ta thường chọn những tài khoản có kỳ hạn gửi dài, số tiền lớn vì nghĩ rằng sẽ chỉ thực hiện việc này trong vòng 1 năm rồi nghỉ việc để trốn tội. Trong vòng 4 tháng đầu năm 2016, số tiền Khương cùng đồng bọn chiếm đoạt đã lên đến 250 triệu NDT (856 tỷ đồng). Tuy nhiên, chưa kịp chạy trốn thì anh ta đã bị bắt.

Về số tiền 10 triệu NDT, Khương cùng ngân hàng nơi cô Lý gửi tiền sẽ có trách nhiệm bồi thường cùng 4 tháng tiền lãi.

 Gửi tiết kiệm 34 tỷ, 4 tháng sau chỉ còn 0 đồng

Cô Lý bị mất toàn bộ 10 triệu NDT sau 4 tháng gửi tại ngân hàng.

Luật Việt Nam:

Nghi phạm đối diện với mức án từ chung thân đến tử hình

Chiếu theo quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 của nước CHXHCN Việt Nam, hành vi của đối tượng Khương có đầy đủ dấu hiệu phạm tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Mặt khách quan của tội này có các dấu hiệu sau: Về hành vi: Có hành vi dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản. Dùng thủ đoạn gian dối ở đây là đưa ra thông tin giả (không đúng sự thật) nhưng làm cho người khác tin đó là thật và giao tài sản cho người phạm tội. Ở đây, Khương đã cung cấp thông tin khách hàng và sử dụng giấy ủy quyền giả, thoả thuận uỷ thác giả để chuyển tiền của cô Lý ra ngoài để chiếm đoạt tài sản. “Chiếm đoạt tài sản” được hiểu là hành vi chuyển dịch một cách trái pháp luật tài sản của người khác thành của mình. Đặc điểm của việc chiếm đoạt này là nó gắn liền và có mối quan hệ nhân quả với hành vi dùng thủ đoạn gian dối.

 Gửi tiết kiệm 34 tỷ, 4 tháng sau chỉ còn 0 đồng (Hình 2).

Ảnh minh họa

Thời điểm hoàn thành tội phạm này được xác định từ lúc kẻ phạm tội đã chiếm giữ được tài sản sau khi đã dùng thủ đoạn gian dối để làm cho người chủ sở hữu tài sản hoặc người quản lý tài sản bị mắc lừa giao tài sản cho kẻ phạm tội hoặc không nhận tài sản đáng lẽ phải nhận.

Dấu hiệu bắt buộc của tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản là người phạm tội sử dụng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản. Nếu có hành vi gian dối mà không có hành vi chiếm đoạt (chỉ chiếm giữ hoặc sử dụng), thì tuỳ từng trường hợp cụ thể mà người có hành vi gian dối trên bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Chiếm giữ trái phép hoặc tội Sử dụng trái phép tài sản, hoặc đó chỉ là quan hệ dân sự.

Bên cạnh đó, giá trị tài sản bị chiếm đoạt phải từ 2 triệu đồng trở lên. Nếu dưới 2 triệu đồng thì phải thuộc trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản chưa được xoá án tích mà còn vi phạm thì người thực hiện hành vi nêu trên mới phải chịu trách nhiệm hình sự về tội này.

Lưu ý là về mặt ý chí của người phạm tội lừa đảo bao giờ cũng nảy sinh ý định chiếm đoạt tài sản trước khi thực hiện hành vi lừa đảo.

Về hình phạt, với số tiền chiếm đoạt đặc biệt lớn, 34 tỷ đồng, Khương sẽ phải đối diện với mức phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân (điểm a khoản 4 Điều 174 Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên).

Ngoài hình phạt chính, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Vậy cô Lý làm thế nào để lấy lại tài sản bị lừa đảo? Nếu vụ việc được khởi tố hình sự thì khi xét xử, tòa án sẽ buộc bị cáo phải hoàn trả lại số tiền đã chiếm đoạt của nạn nhân. Ngân hàng nơi cô Lý gửi tiền cũng phải có trách nhiệm.

Trường hợp vụ việc không bị khởi tố, căn cứ vào Bộ luật Dân sự năm 2015, cô Lý có thể kiện lên tòa án để đòi lại số tiền đã mất.

Hồ sơ khởi kiện gồm: Đơn khởi kiện; Các giấy tờ liên quan đến vụ kiện (giấy tờ gửi tiền, hóa đơn gửi…); Đối với cá nhân: Giấy chứng minh nhân dân, hộ khẩu (bản sao có công chứng); Bản kê các giấy tờ nộp kèm theo đơn kiện (ghi rõ số bản chính, bản sao).

Lưu ý các giấy tờ nêu trên là văn bản, giấy tờ tiếng nước ngoài đều phải được dịch sang tiếng Việt Nam, do cơ quan, tổ chức có chức năng dịch thuật, kèm theo bản gốc.

Đọc toàn bộ bài viết