Án Nước ngoài-Luật Việt Nam: Trộm 23.000 USD trong chuyến bay quốc tế

11 tháng trước 31

Án Nước ngoài:

Trộm tài sản trên máy bay

Đài CNN ngày 20/12 đưa tin cảnh sát Singapore vừa bắt giữ một hành khách Trung Quốc vì trộm tiền mặt của 3 hành khách khác trên chuyến bay của Hãng hàng không Scoot. Số tiền bị trộm lên đến 23.000 USD.

Người đàn ông bị bắt tên Zhang Xiuqiang, 52 tuổi, quốc tịch Trung Quốc. Ông Zhang đã đánh cắp một số tiền mặt lớn trong chuyến bay từ Tp.HCM đến Singapore vào ngày 16/12.

Theo thông tin do Đài CNA công bố, người này đã lấy cắp lần lượt 3 triệu VND (123 USD) từ một chiếc ba lô, 510 triệu VND (20.950 USD) và 50 SGD (38 USD) từ một chiếc túi xách màu đen, cùng với 1.000 USD và 930 SGD (700 USD) từ một phong bì nằm trong chiếc túi màu xám của 3 hành khách khác nhau.

“Các hành khách có liên quan đến vụ việc đã được cơ quan chức năng tại sân bay hộ tống để điều tra thêm, trong khi những hành khách còn lại vẫn rời khỏi máy bay như thông thường”, người phát ngôn của Hãng hàng không Scoot cho biết.

Ông Zhang đã bị tạm giam để cảnh sát điều tra thêm. Nếu bị kết tội trộm cắp, người này có thể đối mặt với mức án 3 năm tù giam hoặc bị phạt tiền, thậm chí là phải chịu cả hai hình phạt.

Hành vi trộm cắp trên khoang hành khách máy bay không phải là hiếm.

 Trộm 23.000 USD trong chuyến bay quốc tế

Hành khách cần có ý thức bảo vệ tài sản của mình khi đặt trên khoang hành lý. Ảnh minh họa

Vào tháng 10/2023, cảnh sát Hong Kong đã phát hiện một băng đảng tội phạm chuyên đánh cắp thẻ tín dụng của hành khách và cảnh báo người dân cẩn thận. Trước đó vào năm 2019, Hãng hàng không Cathay Pacific Airways cũng từng mở đợt truy quét trộm cắp vặt trên máy bay.

Hãng hàng không Scoot cho biết họ không thể cung cấp thêm thông tin chi tiết về vụ việc, nhưng đã cảnh báo phi hành đoàn và hành khách phải luôn cảnh giác trên máy bay.

Luật Việt Nam:

Nghi phạm có thể bị phạt tới 20 năm tù

Theo thông tin cảnh sát Singapore đưa ra thì nam hành khách tên là Zhang Xiuqiang, 52 tuổi (quốc tịch Trung Quốc) đã có hành vi trộm tiền mặt của 3 hành khách khác trên chuyến bay từ Tp.HCM đến Singapore vào ngày 16/12 của Hãng hàng không Scoot. Số tiền bị trộm lên đến 23.000 USD.

Chiếu theo quy định của pháp luật hình sự của nước CHXHCN Việt Nam, hành vi của vị hành khách trên có đầy đủ dấu hiệu của tội Trộm cắp tài sản, quy định tại Điều 173 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung 2017.

Về khách thể, tội Trộm cắp tài sản xâm phạm đến quyền sở hữu hợp pháp của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Về mặt khách quan, hành vi trộm cắp tài sản là hành vi lén lút, bí mật chiếm đoạt tài sản một cách trái pháp luật của người khác, lợi dụng sự sơ hở, mất cảnh giác của chủ sở hữu, người quản lý tài sản, hoặc lợi dụng hoàn cảnh mà người quản lý tài sản không biết.

Hậu quả của tội Trộm cắp tài sản là người phạm tội chiếm đoạt được tài sản từ 2.000.000 đồng trở lên hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp luật quy định phải chịu trách nhiệm hình sự.

Về mặt chủ quan của tội phạm: Tội Trộm cắp tài sản được thực hiện với lỗi cố ý. Người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra. Mục đích là nhằm chiếm đoạt được tài sản.

Về chủ thể: Người phạm tội từ đủ 14 tuổi trở lên, có đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự.

Với những phân tích trên, hành vi của vị khách nam trên đã thỏa mãn đầy đủ dấu hiệu cấu thành tội Trộm cắp tài sản.

Về hình phạt, khoản 1 Điều 173 quy định: Người nào trộm cắp tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm: a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm; b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 174, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ; đ) Tài sản là di vật, cổ vật...

 Trong quá trình điều tra, nếu cảnh sát phát hiện vị khác đó có đồng phạm hoặc kiếm sống bằng nghề trộm cắp thì có thể áp dụng điểm a. Có tổ chức; b. Có tính chất chuyên nghiệp…để phạt tù người vi phạm từ 02 năm đến 07 năm.

Trong vụ án trên, do số tiền trộm cắp đặc biệt lớn, 23.000 USD. Nếu quy đổi tỷ giá ngoại tệ ngày 21/12/2023, 1 USD=23.938 đồng thì số tiền đối tượng đã trộm cắp tương đương khoảng 550.574.000 đồng. Do vậy, nếu bị khởi tó, truy tố, xét xử về tội Trộm cắp tài sản, ông Zhang Xiuqiang sẽ bị áp dụng tình tiết tăng nặng định khung là “Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên” theo điểm a khoản 4 Điều 173 Bộ luật Hình sự, và phải đối diện với mức án từ 12 năm đến 20 năm tù.

Ngoài hình phạt chính, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.

Vấn đề ở đây ông Zhang Xiuqiang là người nước ngoài. Nếu ông này thực hiện hành vi phạm tội tại Việt Nam thì xử lý như thế nào?

Điều 5 Bộ luật Hình sự 2015 quy định như sau: 1. Bộ luật Hình sự được áp dụng đối với mọi hành vi phạm tội thực hiện trên lãnh thổ nước CHXHCN Việt Nam. Quy định này cũng được áp dụng đối với hành vi phạm tội hoặc hậu quả của hành vi phạm tội xảy ra trên tàu bay, tàu biển mang quốc tịch Việt Nam hoặc tại vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam. 2.Đối với người nước ngoài phạm tội trên lãnh thổ nước CHXHCN Việt Nam thuộc đối tượng được hưởng quyền miễn trừ ngoại giao hoặc lãnh sự theo pháp luật Việt Nam, theo điều ước quốc tế mà CHXHCN Việt Nam là thành viên hoặc theo tập quán quốc tế, thì vấn đề trách nhiệm hình sự của họ được giải quyết theo quy định của điều ước quốc tế hoặc theo tập quán quốc tế đó; trường hợp điều ước quốc tế đó không quy định hoặc không có tập quán quốc tế thì trách nhiệm hình sự của họ được giải quyết bằng con đường ngoại giao.

Như vậy, theo quy định trên, nếu người nước ngoài phạm tội tại Việt Nam không thuộc các đối tượng được hưởng quyền miễn trừ ngoại giao hoặc lãnh sự theo pháp luật Việt Nam, theo điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên hoặc theo tập quán quốc tế thì hành vi phạm tội của họ sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Theo quy định tại Điều 33 Luật Tương trợ tư pháp 2007, người nước ngoài phạm tội tại Việt Nam bị dẫn độ về nước trong các trường hợp sau: Người có hành vi phạm tội mà Bộ luật Hình sự Việt Nam và pháp luật hình sự của nước yêu cầu quy định hình phạt tù có thời hạn từ một năm trở lên, tù chung thân hoặc tử hình hoặc đã bị Tòa án của nước yêu cầu xử phạt tù mà thời hạn chấp hành hình phạt tù còn lại ít nhất sáu tháng; Hành vi phạm tội của người nước ngoài không nhất thiết phải thuộc cùng một nhóm tội hoặc cùng một tội danh, các yếu tố cấu thành tội phạm không nhất thiết phải giống nhau theo quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật của nước yêu cầu dẫn độ;  Trường hợp hành vi phạm tội của người nước ngoài xảy ra ngoài lãnh thổ của nước yêu cầu thì việc dẫn độ người phạm tội có thể được thực hiện nếu theo quy định của Bộ luật Hình sự Việt Nam hành vi đó là hành vi phạm tội.

Đọc toàn bộ bài viết