Bầm tím da sau hút mỡ có đáng lo ngại không?

4 năm trước 26

Bầm tím là hiện tượng rất phổ biến, thường xuất hiện trong thời gian ngắn sau hút mỡ và không có tác động gì lên kết quả cuối cùng

Nguyên nhân gây bầm tím sau hút mỡ

Bầm tím da có thể xuất hiện sau va chạm, chấn thương và cũng khá phổ biến sau phẫu thuật. Xét trong bối cảnh làm phẫu thuật, thì mọi thủ thuật - bao gồm cả hút mỡ - đều sẽ gây tổn thương ít nhiều đến hệ thống mạch máu. Những mao mạch nhỏ li ti ở bề mặt có thể đã bị tổn thương, vỡ thành mạch, khiến máu rỉ ra ngoài. Máu này tụ lại ở lớp da, gây ra những mảng màu và đôi khi đau. Bầm tím là biến chứng nhẹ, thường không cần điều trị.

Tùy vào thể trạng mỗi người và đặc điểm của từng ca hút mỡ mà bệnh nhân có thể bị bầm tím nặng hoặc nhẹ. Nếu bỏ qua yếu tố tay nghề và độ cẩn thận của bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ, thì bầm tím nặng bất thường và dai dẳng có thể liên quan đến thói quen nghiện hút thuốc, đang sử dụng các loại thuốc có tác dụng chống đông máu (aspirin, thuốc chống viêm không có steroid...) hoặc có tiền sử xuất huyết/đông máu bất thường.

Rất hiếm khi xảy ra, nhưng bầm tím cũng có thể bị gây ra bởi tổn thương tĩnh mạch nông trong lúc hút mỡ.

Bầm tím hiếm khi tiến triển thành bệnh lý nặng hơn, tuy nhiên một số bệnh nhân có thể bị bầm tím nặng/lan rộng ngay từ ban đầu. Trong trường hợp này họ cần theo dõi sát sao và báo lại cho bác sĩ nếu có bất kỳ dấu hiệu đáng nghi nào (đau bất thường, nóng rát...).

Phân biệt bầm tím với ổ tụ máu

Tụ máu cũng có cùng nguyên nhân là do tổn thương mạch trong lúc làm phẫu thuật và máu chảy ra không gian bên ngoài thành mạch. Tuy nhiên, máu bầm là lượng máu rỉ ra từ mao mạch nhỏ, thường xuất hiện gần bề mặt, làm đổi màu da, không sưng và cơ thể sẽ tự làm tan máu bầm sau một thời gian.

Bầm tím có thể lan rộng hoặc nằm tập trung ở một vùng, còn ổ tụ máu thường có kích thước hơi tròn đều hơn, nằm ở một chỗ và không lan ra.

Ổ tụ máu có thể hình thành ở lớp sâu bên dưới, nhưng đôi khi cũng nổi lên bề mặt, thường đi kèm với triệu chứng đổi màu ở da (giống bầm tím), sưng và đau. Nếu ổ tụ nhỏ, cơ thể có thể sẽ tự xử lý được, nhưng với những ổ tụ lớn, gây đau nhiều hoặc các bất tiện khác, thì có thể cần can thiệp của bác sĩ để trích máu.

Bầm tím: quá trình xuất hiện và biến mất

Trong quá trình hồi phục, vết bầm tím sẽ trải qua các giai đoạn sau:

  • Ban đầu bầm tím thường có màu tím đỏ, do máu vẫn giàu oxy và mới bắt đầu đọng lại ở lớp da.
  • Sau khoảng 1-2 ngày, máu bắt đầu mất oxy và đổi màu. Những vết bầm nào đã tồn tại được vài ngày có thể có màu xanh, tím, thậm chí là đen.
  • Sau khoảng 5-10 ngày thì vết bầm chuyển qua màu vàng hoặc xanh. Những màu sắc này đến từ các sắc tố biliverdin (xanh lá cây) và bilirubin (vàng cam) mà cơ thể sản sinh khi phá vỡ phân tử hemoglobin.
  • Sau 10-14 ngày, vết bầm sẽ chuyển sang màu nâu ngả vàng hoặc nâu nhạt. Một khi đã chuyển sang màu này, vết bầm sẽ mờ dần và biến mất hoàn toàn.

Đa số các vết bầm tím sẽ tự biến mất mà không cần điều trị trong vòng 2 tuần.

Đôi khi trong quá trình phá vỡ hemoglobin, có một sắc tố được giải phóng là hemosiderin, nó có thể tích tụ dưới da, tạo ra các mảng màu nâu trên da và thường mất lâu hơn mới tan hết. Bác sĩ có thể sử dụng tia laser để hỗ trợ loại bỏ hemosiderin, thúc đẩy quá trình hồi phục để da quay lại trạng thái bình thường. Cần lưu ý là bầm tím hay tích tụ hemoglonbin không thực sự gây ra tác hại gì ngoại trừ ảnh hưởng về mặt thẩm mỹ.

Cách ngăn ngừa và giảm thiểu bầm tím

Trước phẫu thuật

Hạn chế tối đa các biến chứng sau hút mỡ sẽ nâng cao độ an toàn của ca phẫu thuật, đảm bảo một quá trình hồi phục nhanh chóng và nhẹ nhàng cho bệnh nhân, cũng như tạo nhiều cơ hội để đem lại kết quả đẹp nhất có thể.

Do đó, ngay từ trước khi làm phẫu thuật, bác sĩ cần giúp bệnh nhân áp dụng một số biện pháp để hỗ trợ giảm bầm tím sau hút mỡ, bao gồm:

  • Tuyệt đối bỏ thuốc lá trước và sau khi hút mỡ. Thời gian cai thuốc này sẽ tùy vào yêu cầu của từng bác sĩ, tối thiểu là 3 tuần trước và sau hút mỡ.
  • Ngừng sử dụng một số loại thuốc nếu chúng có tác dụng chống đông máu (aspirin, advil...)
  • Tránh ăn tỏi, dùng vitamin E quá đà... vài tuần trước/sau phẫu thuật.
  • Thực phẩm chức năng arnica hoặc các sản phẩm từ arnica được nhiều bác sĩ khuyên dùng để giảm bầm tím, bệnh nhân muốn dùng có thể hỏi ý kiến bác sĩ trước và có thể dùng cả trước/sau hút mỡ.

Để nhận được thông tin cụ thể hơn về những gì nên làm để chuẩn bị cho hút mỡ, hãy hỏi trực tiếp bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ của bạn để nhận được lời khuyên rõ ràng nhất. 

Trong quá trình phẫu thuật

Những hoạt động được thực hiện trong quá trình hút mỡ mới là tác nhân chính ảnh hưởng nên mức độ bầm tím. Có nhiều kỹ thuật hút mỡ ra đời với mục tiêu hạn chế chảy máu từ đó giảm bầm tím, ví dụ như:

Tuy nhiên, không có biện pháp nào có thể ngăn bầm tím không xảy ra. Có điều mức độ bầm tím sẽ nhẹ hơn khi áp dụng những biện pháp trên. Đây cũng là một điều cần trao đổi kỹ giữa bác sĩ và bệnh nhân trong lúc tư vấn. Ngoài ra, mức độ mạnh nhẹ, tỉ mỉ của bác sĩ khi thực hiện thao tác hút mỡ cũng là một yếu tố.

Sau phẫu thuật

Sau hút mỡ, thời gian chính là công cụ hữu hiệu nhất để đối phó với bầm tím- bởi vì theo thời gian bầm tím sẽ mờ dần và hết.

Các biện pháp khác nhau có thể được áp dụng để đẩy nhanh quá trình hồi phục:

  • Mặc đồ bó/băng ép/gen nịt sau hút mỡ được cho là sẽ hỗ trợ giảm bầm tím, đặc biệt với những vết bầm tím dai dẳng. Ngoài ra nó cũng hạn chế sưng nề, điều khiến bầm tím trông có vẻ trầm trọng hơn.
  • Một số bác sĩ khuyên chườm mát, mát-xa tinh dầu arnica... để giảm bầm tím, tất nhiên, bạn nên trao đổi và để bác sĩ đồng ý mới nên áp dụng.
Đọc toàn bộ bài viết