Bán hàng bằng “niềm tin” và bài học xương máu cho người kinh doanh

3 năm trước 40

Những tưởng “câu” được “khách sộp” khi đặt mua mặt hàng đệm, trị giá hơn 23 triệu đồng, nào ngờ chuyến hàng đó cũng là chuyến hàng cuối cùng mà ông Bình giao dịch với người phụ nữ tên N. Đây cũng là bài học xương máu không chỉ của riêng ông Bình mà còn là bài học cho nhiều người cùng rút kinh nghiệm để không bị “tiền mất, tật mang”.

Chuyến hàng nhớ đời

Mới ngày nào còn là một người thợ may hiền lành, chân chất, song vì thu nhập thấp, còn phải lo cho 3 con đang tuổi ăn học nên ông Nguyễn Văn Bình (52 tuổi, trú tại xã Văn Phú, huyện Thường Tín, thành phố Hà Nội) bỏ công việc may vá để đi buôn.

Sau khi thử sức với đủ thứ nghề, người đàn ông hiền lành năm nào bây giờ đã là một chủ cửa hàng chăn, ga, gối, đệm bán tại chợ Thượng Thanh, phường Đức Giang, Long Biên, Hà Nội.

Ông Nguyễn Văn Bình chia sẻ về việc khách vay tiền “chây ì” không trả.

Trong công việc kinh doanh, không tránh khỏi việc vay nợ, song có trường hợp của người phụ nữ tên N. (50 tuổi) ở phường Thượng Thanh, Đức Giang, Long Biên được ông Bình liệt vào diện “nợ xấu” và là bài học nhớ đời mà người tiểu thương này không bao giờ quên. 

Chia sẻ với PV, ông Nguyễn Văn Bình cho hay: Cách đây khoảng 6 - 7 năm, thông qua cô Lê (Một người bạn hàng lâu năm với ông Bình) đã giới thiệu ông với N. 

Ngay lần đầu gặp, cô N. đặt vấn đề lấy 1 xe tải đệm của ông Bình, rơi vào khoảng 30 chiếc đệm các loại, trị giá hơn 23 triệu đồng. Cô này liên tục giới thiệu mình là bạn thân của cô Lê, cùng kinh doanh buôn bán ở phường Thượng Thanh nhiều năm và hứa hẹn hôm sau sẽ trả đủ tiền đệm cho ông Bình.

“Vì cả nể và tin tưởng bạn hàng nên tôi đã dồn tiền, lấy 1 xe tải đệm từ Thường Tín chở lên Long Biên giao cho cô N. Sai lầm của tôi là không yêu cầu cô này phải đặt tiền trước hay có tài sản gì để đảm bảo. Mặc dù thúc giục nhiều lần nhưng đến nay cô N. vẫn chưa trả cho tôi một đồng nào”, ông Bình cho biết.

Chỉ mong đối tác trả hết nợ

Khi được PV hỏi rõ hơn về hành trình đòi nợ của mình, ông Bình hiền lành chia sẻ: “Sau khi bán cho cô N. một xe đệm, theo hứa hẹn của đối tác thì ngày hôm sau sẽ trả tiền cho tôi. Chờ đến cuối ngày không thấy cô N. trả tiền nên tôi có gọi điện đòi thì người phụ nữ này khất lần, buông một câu xanh rờn “chưa có tiền”.”

Theo lời kể của người tiểu thương này, khoảng 1 tuần sau đó, em gái của N. có điện cho ông Bình, giọng hốt hoảng: “N. nhà em vỡ nợ rồi, anh đến ngay chở đệm về đi”. 

Nhận được tin báo của em gái cô N., ngay lúc đó ông Bình vội vàng phóng xe đến cửa hàng của N. ở phường Thượng Thanh, Long Biên, Hà Nội với mục đích lấy lại hàng của mình về thì cửa hàng gần như tan hoang, không còn tài sản gì giá trị vì có một nhóm đòi nợ N. đã đến mang hết đồ đi.

Sau đó, ông Bình nhiều lần gọi điện đòi nợ N., lúc này cô này mới thú thật là bị vỡ nợ và xin ông Bình cho khất, đến khi nào xoay được tiền sẽ trả đầy đủ. Tuy nhiên, sự việc kéo dài tới nay gần 10 năm, song “con nợ” vẫn chây ì, không có thiện chí trong việc trả nợ.

“Theo tôi được biết, người phụ nữ này sau đó chuyển sang kinh doanh mặt hàng khác, cụ thể là buôn bán hoa quả. Nếu nói khó khăn, chưa thể chuyển trả lại ngay cho tôi hơn 23 triệu đồng thì có thể trả dần, mỗi tháng trả một ít. Quan điểm của tôi, đã vay là phải trả. Tuy nhiên, sự việc đã kéo dài quá lâu, đến nay đã gần 10 năm, song cô N. vẫn chưa trả cho tôi một nghìn nào. Điều này cho thấy cô này quá chây ì, trốn tránh nghĩa vụ trả lại tiền cho tôi”, ông Bình bức xúc cho biết.

Xuất thân từ làng, vì mưu sinh nên ông Bình chọn công việc buôn bán, hàng ngày vượt cả một quãng đường gần 100 cây số cả đi lẫn về từ Thường Tín lên Long Biên, Hà Nội để buôn bán. Nhưng không may ông đã gặp phải những trường hợp “con nợ” chây ì, khiến cuộc sống mưu sinh của những người làm kinh tế như ông gặp nhiều khó khăn. Ông Bình chỉ mong sao những người nợ tiền của mình thì mau chóng thu xếp để trả lại cho mình, nguyên tắc “có vay thì phải trả”, ông Bình nhấn mạnh.

Box: Dưới góc nhìn của chuyên gia pháp lý, Luật sư Ngô Thạnh (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) cho rằng: Vấn đề vay – mượn là quan hệ dân sự được Bộ luật Dân sự điều chỉnh, thể hiện sự thỏa thuận giữa các bên. Để quyền lợi của người cho vay được bảo đảm, không cách nào khác chính người cho vay nên có phương pháp tự bảo vệ mình, tránh rủi ro bằng cách: Khi giao dịch, bên người cho vay nên yêu cầu bên vay phải có tài sản để thế chấp, cầm cố, ký cược…

                  Luật sư Ngô Thạnh – Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội.

Luật sư Thạnh cũng lưu ý, đối với những “con nợ” chây ì, trốn tránh nghĩa vụ trả nợ thì người cho vay không được bức xúc, kích động mà có những hành vi đòi nợ trái pháp luật, trường hợp xấu nhất thì có thể kiện ra tòa dân sự để đòi lại tài sản.

Đọc toàn bộ bài viết