Dù không nắm được vốn góp, vận hành kinh doanh, Nguyễn Thanh Bình (bạn thân cùng quê với ông Quyết) được chỉ đạo ký nhiều văn bản giúp nâng khống hàng trăm tỷ đồng.
Cơ quan CSĐT Bộ Công an vừa hoàn tất kết luận điều tra bổ sung, đề nghị truy tố 51 bị can trong vụ thao túng thị trường chứng khoán liên quan đến Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC.
Đáng chú ý, trong nhóm người bị khởi tố còn có bạn thân cùng quê với Trịnh Văn Quyết (ông Quyết quê huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) là Nguyễn Thanh Bình (SN 1975, hiện đăng ký thương trú tại Nam Từ Liêm, Hà Nội). Theo kết luận, dù không biết gì về vốn góp, kinh doanh nhưng ông Bình được dựng lên ký khống nhiều văn bản, giấy tờ.
Theo đó, từ năm 2010, ông Bình được bố trí ngồi vào nhiều vị trí như: Thành viên HĐQT, phụ trách công bố thông tin của Công ty CP Tập đoàn FLC, kiêm Phó TGĐ Công ty CP Đầu tư và thương mại KLF (từ năm 2012- 2018),…Từ 16/4/2016- 5/5/2017, ông Bình là thành viên HĐQT Công ty Faros; Chủ tịch Công ty RTS từ ngày 21/6/2014- 21/3/2016.
Dù được giao giữ chức Chủ tịch HĐQT Công ty RTS nhưng ông Bình không hề điều hành hoạt động của công ty. Dù không biết số vốn điều lệ thực góp của các cổ đông là bao nhiêu.
Thế nhưng, theo chỉ đạo của Trịnh Văn Quyết, Bình vẫn ký biên bản, nghị quyết thông qua chủ trương chuyển nhượng 80 triệu cổ phần của các cổ đông Công ty RTS với số tiền 800 tỷ đồng (thực chất chỉ có 400 tỷ đồng vốn thực góp) cho Công ty Faros.
Việc này làm tăng vốn điều lệ của Faros từ trên 3.500 tỷ đồng lên tới hơn 4.300 tỷ đồng.
Trong lần tăng vốn thứ 3 vào tháng 9/2015, tiếp tục dưới chỉ đạo của ông Quyết và em gái Trịnh Thị Minh Huế, ông Bình ký 1 giấy rút hơn 5 tỷ đồng từ tài khoản của Công ty KLF để bà Huế nộp vào tài khoản mang tên Trịnh Văn Đại (nguyên Chủ tịch HĐQT, Phó tổng giám đốc Công ty CP xây dựng Faros) để quay vòng góp vốn khống vào Công ty Faros…
Hai tháng sau, khi bà Huế sử dụng danh nghĩa Nguyễn Văn Mạnh (nguyên Thành viên HĐQT Công ty CP Xây dựng Faros, em rể Trịnh Văn Quyết chuyển 92,35 tỷ đồng góp vốn vào Faros.
Tiếp đó, bà Huế rút tiền ra khỏi Công ty Faros bằng cách chuyển khoản 92 tỷ đồng vào tài khoản của Công ty CP Đầu tư tài chính và quản lý tài sản Magnus Capital (tên cũ của Công ty RTS).
Ngoài ra, với danh nghĩa Chủ tịch HĐQT Công ty Magnus Capital, "bạn của ông Quyết" còn ký 3 ủy nhiệm chi chuyển tiếp 127 tỷ đồng sang tài khoản của Công ty FLC Land để bà Huế tiếp tục chuyển tiền sang Công ty Huy Hoàng, sau đó rút tiền mặt nộp vào tài khoản của Mạnh để quay vòng lần 2 góp vốn vào Công ty Faros, giúp nâng khống vốn góp của Mạnh tại Faros.
Nhằm hợp thức hồ sơ đăng ký niêm yết cổ phiếu của Công ty Faros, tháng 4/2016, ông Bình đứng tên hộ là cổ đông góp vốn vào Công ty Faros bằng hình thức ký hợp đồng (do bà Huế soạn sẵn) mua lại 50.000 cổ phần với giá trị 500 triệu đồng từ bà Đặng Thị Hồng (nguyên Phó trưởng Ban Pháp chế, Công ty CP Tập đoàn FLC).
Ông Bình còn ký cam kết nắm giữ cổ phiếu ngày 11/7/2016, để bà Huế lập danh sách cổ đông làm hồ sơ đề nghị niêm yết.
Từ tháng 2/2016- 3/2021, với danh nghĩa Chủ tịch HĐQT Công ty RTS, Công ty FLC Quy Nhơn và Công ty KLF, dù không điều hành hoạt động công ty, không có thỏa thuận giao dịch kinh tế, nhưng ông Bình vẫn ký 18 ủy nhiệm chi khống chuyển 582,06 tỷ đồng đến Công ty SCO, Công ty Faros, Công ty Huy Hoàng và Công ty FLC Land.
Số tiền trên giúp bà Huế sử dụng tạo dòng tiền chạy qua tài khoản của các công ty hạch toán kế toán hợp thức, che giấu việc góp vốn và sử dụng vốn góp khống tại Công ty Faros.
Với những "công trạng" trên, ông Bình đã được bạn thân Trịnh Văn Quyết cho 66.000 cổ phiếu và ông Bình đã bán toàn bộ số cổ phiếu trên, thu về hơn 2,6 tỷ đồng.
Tại cơ qaun điều tra, ông Bình không thừa nhận lừa đảo chiếm đoạt tài sản nhưng cơ quan chức năng đánh giá có đủ căn cứ xác định bị can vi phạm tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo khoản 4, điều 174 Bộ luật hình sự, đồng phạm giúp sức cho anh em ông Trịnh Văn Quyết.
Nổi bật trong ngày
Án Tây-Luật Ta: Phát hiện đường dây tham nhũng vật tư y tế
Chủ nhật, 25/02/2024 | 07:44
Trong một cuộc điều tra do Văn phòng Công tố châu Âu (EPPO) tại Praha (Cộng hòa Séc) dẫn đầu, 36 cuộc khám xét đã được tiến hành trong ngày 19/2 và 10 nghi phạm đã bị bắt giữ vì nghi ngờ tham nhũng liên quan đến các hợp đồng công cung cấp vật tư y tế cho bệnh viện