'Bắt trend' trở thành công dân số

10 tháng trước 41

(PLO)- Với sự chuyển động mạnh mẽ của hệ sinh thái chuyển đổi số, bất kể người dân nào giờ đây cũng có thể “bắt trend” trở thành công dân số.

Hôm trước tôi ghé một xe bán nước ép bên đường ở quận Tân Bình mua một ly nước chỉ 20.000 đồng nhưng xem lại ví, tôi mới giật mình vì không còn xu nào. Ngượng ngùng hỏi xin chuyển khoản, cô chủ xe nước vui vẻ chỉ tay vào mã QR dán ở một góc trước xe: “Không sao, anh quét mã thanh toán nhé, chuyển Momo cũng được!”.

Thực tế thanh toán trực tuyến, không sử dụng tiền mặt đã len lỏi vào từng xe nước ép, kiốt bán bánh mì, bán đồ ăn vặt, thức uống vỉa hè, đến từng anh xe ôm, bán vé số... Chỉ cần khách hàng nói “không có hoặc quên mang tiền mặt” thì ngay lập tức họ có thể đưa ra mã QR để quét thanh toán hoặc ít nhất cũng có thể chuyển khoản.

Mới đây, một doanh nghiệp ra mắt “vòng tay thanh toán”, họ đánh vào thị trường trẻ trung với khẩu hiệu “Phong cách thanh toán mới của Gen Z”. Như vậy, không cần điện thoại hay thẻ ngân hàng, chỉ “một chạm” là khách hàng có thể thanh toán thành công. Thế mới biết dân mình ngày càng “nói không” với tiền mặt thế nào. Đến mức anh đồng nghiệp rất khó tính của tôi ngày thường vẫn thích cầm cái ví dày cộm tiền mặt vì quan niệm “hiện đại là hại điện, nhỡ bất cẩn bị ai đó cướp mất tài khoản thì mất sạch tiền”, vậy mà chỉ sau đợt dịch đã biết xài ứng dụng thanh toán trên di động rồi cài luôn cả ví điện tử để thanh toán điện, nước…

Đó là về chuyện thanh toán. Còn về chuyện mua hàng thì rõ ràng đây đang là thời kỳ đỉnh cao của thương mại điện tử. Giai đoạn 2022-2023, nhiều doanh nghiệp thu hẹp cơ sở trưng bày hàng hóa, một phần vì kinh tế khó khăn nhưng cũng có một phần vì họ thay đổi chiến lược, đánh vào bán hàng trực tuyến.

Thương mại điện tử nói chung và các kênh bán hàng theo hình thức livestream đang có sức hấp dẫn và dễ dàng gặp được nhu cầu của công chúng. Ví dụ như mẹ tôi, ở độ tuổi U-60 và gần như không tiếp xúc đáng kể với công nghệ, một nông dân chính hiệu mà nay đã biết rành: “Chỉ cần để lại số điện thoại là hàng giao tận nhà, nhận hàng kiểm tra xong, thấy ưng bụng thì mới trả tiền”.

Theo báo cáo của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), năm 2023 quy mô thị trường thương mại điện tử bán lẻ của Việt Nam dự kiến đạt 20,5 tỉ USD, tăng khoảng 25% so với năm 2022, tăng gần 90% so với năm 2019 - tức thời điểm trước khi xuất hiện dịch COVID-19. Mức tăng trưởng này đưa Việt Nam vào top 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử hàng đầu thế giới.

Sở dĩ bức tranh mua bán, thanh toán điện tử trở nên sinh động hơn bao giờ hết là nhờ xã hội dần hội tụ đủ các yếu tố quan trọng.

Thứ nhất, các phương thức giao dịch hiện nay đều hầu hết được hoặc đang hướng tới số hóa. Chúng ta có cửa hàng trực tuyến, ngân hàng điện tử, thậm chí còn có những không gian mua sắm vô cùng rộng lớn, phong phú và đặc sắc nằm gọn trong chiếc điện thoại thông minh hoặc bằng một cú click chuột.

Thứ hai, cùng với sự phát triển của dữ liệu lớn, các thuật toán, tối ưu hóa công cụ tìm kiếm (SEO), mỗi khách hàng lên không gian mạng hiện nay cảm thấy họ được lắng nghe và thấu hiểu đến lạ lùng. Có khi trong đầu vừa nghĩ hôm nay có nên mua một cái váy mới để đi dự tiệc, mở máy tính lên đã thấy quảng cáo tràn ngập, rồi bất ngờ khi những bộ váy được đề xuất sao lại thật “trúng ý” mình.

Cuối cùng, khi thương mại điện tử trở nên phổ biến, các phương thức thanh toán không tiền mặt trở nên thịnh hành, báo chí, truyền thông dùng rất nhiều giấy mực để viết thì tâm lý “bắt trend” là có thật. Sức mạnh của các chiến dịch truyền thông đại chúng có thể thay đổi nhận thức hoặc tác động đáng kể đến tâm lý của công chúng. Kết quả, dù là vì ngộ ra rằng “hay đấy, tiện quá, đáng đồng tiền bát gạo đấy” hoặc là vì tâm lý sợ bị bỏ lại - “họ mua mình cũng mua, họ dùng mình cũng dùng” thì ngày càng nhiều người “bắt trend” trở thành công dân số.

Với sự chuyển động mạnh mẽ của hệ sinh thái chuyển đổi số, bất kể người dân nào giờ đây cũng có thể “bắt trend” trở thành công dân số.

 Rào cản của chuyển đổi số là thể chế, chính sách

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang: Rào cản của chuyển đổi số là thể chế, chính sách

(PLO)- Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cho biết một trong những rào cản lớn nhất của chuyển đổi số là thể chế, chính sách nên Bộ TT&TT cần xây dựng, sửa đổi nhanh các nghị định cũ không còn hợp lý...

ĐẠI THẮNG

Đọc toàn bộ bài viết