Đa phần mọi người đều có thói quen thi thoảng nghiến hoặc cắn chặt răng.
Đôi khi, bệnh nghiến răng không hẳn là gây hại nhưng khi việc nghiến răng diễn ra quá thường xuyên thì răng có thể bị tổn thương và dẫn đến các vấn đề về sức khỏe răng miệng khác.
Tại sao chúng ta lại nghiến răng?
Mặc dù việc nghiến hay cắn chặt răng có thể là do stress hoặc lo lắng nhưng việc này thường xảy ra trong khi ngủ hoặc là do cắn quá mạnh. Hiện tượng này cũng có thể là do các bệnh rối loạn giấc ngủ, ví dụ như ngưng thở khi ngủ.
Làm sao để biết mình có nghiến răng hay không?
Vì chúng ta thường nghiến răng trong khi ngủ nên đa phần mọi người đều không nhận thức được họ có nghiến răng hay không. Tuy nhiên, các cơn đau đầu hoặc đau hàm kéo dài khi ngủ dậy sẽ là dấu hiệu của việc nghiến răng vào đêm hôm trước. Khi bạn ngủ cùng người khác, họ sẽ nói cho bạn biết bạn có nghiến răng hay không.
Nếu bạn nghi ngờ mình bị bệnh nghiến răng thì hãy nói chuyện với nha sĩ. Họ sẽ kiểm tra miệng và hàm bạn để xem các dấu hiệu, ví dụ như hàm bị căng hay răng bị mài mòn.
Tại sao nghiến răng lại gây hại?
Trong một số trường hợp, bệnh nghiến răng kéo dài sẽ dẫn đến tình trạng răng bị lung lay, rụng hoặc bị bào mòn. Khi những vấn đề này xảy ra thì bạn có thể sẽ cần đến các biện pháp như cầu răng, bọc răng sứ, rút tủy, trồng răng implant và làm răng giả.
Bệnh nghiến răng không chỉ ảnh hưởng đến răng, gây rụng răng mà còn tác động đến hàm, gây ra hoặc khiến tình trạng rối loạn khớp thái dương hàm trở nên nặng hơn, hoặc thậm chí là thay đổi hình dạng của cả khuôn mặt.
Nên làm gì để chấm dứt bệnh nghiến răng?
- Bác sĩ nha khoa sẽ cho bạn dùng máng bảo vệ răng để giữ răng không bị tổn thương khi nghiến răng trong lúc ngủ.
- Nếu căng thẳng là nguyên nhân gây nghiến răng thì hãy hỏi bác sĩ về các biện pháp giúp làm giảm stress. Bắt đầu thói quen tập luyện, đến gặp bác sĩ tâm lý hoặc dùng các loại thuốc giãn cơ cũng là những biện pháp mà bạn có thể thử để hạn chế tình trạng căng thẳng của mình.
- Nếu nguyên nhân gây bệnh nghiến răng là do rối loạn giấc ngủ thì hãy việc điều trị tình trạng này sẽ giúp bạn giảm nghiến răng.
Ngoài ra, có một số mẹo khác để ngừng nghiến răng, ví dụ như:
- Tránh hoặc hạn chế các loại đồ ăn, đồ uống có chứa caffeine, ví dụ như nước ngọt có ga, chocolate, và cà phê.
- Tránh đồ uống có cồn.
- Bỏ thói quen nhai bút hay bất kì thứ gì không phải thức ăn. Tránh nhai kẹo cao su vì việc nhai kẹo sẽ khiến cho cơ hàm phải hoạt động nhiều hơn và làm cho bạn phải nghiến răng nhiều hơn.
- Rèn thói quen không nghiến, cắn chặt răng. Nếu bạn nhận thấy mình nghiến hay cắn chặt răng thì hãy đặt lưỡi vào giữa hai hàm răng. Việc này còn giúp cơ hàm được thư giãn
- Làm thư giãn cơ hàm vào ban đêm bằng cách áp khăn ấm vào phần má ngay phía trước lỗ tai.
Trẻ em có nghiến răng không?
Bệnh nghiến răng không có giới hạn về độ tuổi. Có khoảng 15% - 35% trẻ nhỏ bị bệnh nghiến răng. Trẻ em thường nghiến răng vào hai giai đoạn chính – khi răng sữa nhú lên và khi răng vĩnh viễn xuất hiện. Đa phần trẻ nhỏ đều bỏ được thói quen nghiến răng khi hai loại răng này đã mọc đầy đủ.
Trẻ em thường nghiến răng khi ngủ nhiều hơn là khi thức. Không ai biết chính xác lí do tại sao trẻ nhỏ lại nghiến răng nhưng có thể là do răng được sắp xếp không thẳng hàng hoặc là do sự tiếp xúc không đều giữa hàm trên và hàm dưới, do bị ốm hoặc do các vấn đề về sức khỏe khác (ví dụ như thiếu chất, bị giun kim, dị ứng hay rối loạn nội tiết) và các yếu tố về tâm lý như lo lắng hoặc căng thẳng.
Bệnh nghiến răng ở trẻ nhỏ rất hiếm khi gây ra các vấn đề khác. Tuy nhiên, việc nghiến răng vẫn có thể gây đau hàm, đau đầu, mòn răng và rối loạn khớp thái dương hàm. Hãy hỏi ý kiến bác sĩ nếu như răng của con bạn có dấu hiệu bị mòn hoặc nếu con bạn kêu đau răng.
Sau đây là những mẹo giúp trẻ ngừng nghiến răng:
- Giảm stress cho trẻ, đặc biệt là trước khi đi ngủ.
- Mátxa và giúp trẻ tập các bào tập giãn cơ
- Cho trẻ uống nhiều nước. Tình trạng thiếu nước có thể dẫn đến việc nghiến răng
Ngoài ra, đối với trẻ dưới 5 tuổi thì không cần can thiệp gì thêm. Tuy nhiên, những trẻ lớn hơn có thể cần đến phương pháp bọc răng sứ hoặc các phương pháp khác, ví dụ như đeo máng bảo vệ răng vào ban đêm để tránh nghiến răng.