Bệnh chàm tổ đỉa hình thành do hoạt động rối loạn của hệ miễn dịch, thần kinh, cơ quan nội tạng và một số yếu tố cộng hưởng nên không có khả năng lây nhiễm. Tuy nhiên bệnh lý này có thể di truyền ở những người thân cận huyết.
Bệnh tổ đỉa có lây không? Di truyền không?
Bệnh tổ đỉa (chàm tổ đỉa) là tình trạng tổn thương da mãn tính, điển hình bởi sự xuất hiện của các mụn nước mọc tập trung hoặc rải rác ở lòng bàn tay hoặc bàn chân. Mụn nước do bệnh lý này gây ra thường khó rất vỡ, gây ngứa âm ỉ đến dữ dội và có thể tự tiêu biến sau khoảng 3 – 4 tuần.
Tương tự các bệnh da liễu mãn tính khác, nguyên nhân gây chàm tổ đỉa vẫn chưa được xác định. Do đó quá trình điều trị bệnh lý này còn gặp nhiều bất lợi và chưa thể chữa trị dứt điểm.
Ngoài vấn đề về nguyên nhân, yếu tố rủi ro và các biện pháp kiểm soát triệu chứng bệnh, nhiều bệnh nhân còn thắc mắc “Bị tổ đỉa có lây không? Có di truyền không?”.
1. Bệnh tổ đỉa có lây không?
Bệnh tổ đỉa thực chất là một thể đặc biệt của bệnh chàm (eczema). Bệnh có tính chất mãn tính, dai dẳng và dễ tái phát. Mặc dù chưa thể xác định chính xác nguyên nhân gây bệnh, tuy nhiên theo một số nghiên cứu cho thấy, bệnh lý này có liên quan đến hoạt động rối loạn của hệ miễn dịch, thần kinh và cơ quan nội tạng.
Chính vì vậy, bệnh tổ đỉa không có khả năng khả năng lây nhiễm như các bệnh da liễu do nhiễm trùng (mụn nhọt, viêm mô tế bào, viêm quầng,…). Tuy nhiên nếu không kiểm soát kịp thời, triệu chứng của bệnh bùng phát mạnh và lan tỏa trên phạm vi rộng.
Trong trường hợp tổ đỉa bội nhiễm (nhiễm trùng do nấm, virus hoặc vi khuẩn), bệnh có thể lây nhiễm sang các vùng da khác thông qua tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp.
2. Bệnh tổ đỉa có di truyền không?
Theo thống kê, người mắc bệnh chàm tổ đỉa thường có tiền sử gia đình mắc bệnh lý này hoặc các thể khác của bệnh chàm như viêm da cơ địa, viêm da tiếp xúc,… Như vậy có thể thấy, bệnh tổ đỉa có thể di truyền từ cha mẹ sang con cái.
Tuy nhiên yếu tố di truyền không phải là cơ chế gây bệnh chính. Ngoài yếu tố này, chàm tổ đỉa còn chịu ảnh hưởng của một số yếu tố kích thích khác như dị ứng, căng thẳng thần kinh, nhiễm trùng, tăng tiết mồ hôi, nhiễm nấm, ảnh hưởng của thuốc điều trị,…
Cách phòng ngừa bệnh chàm tổ đỉa
Do chưa xác định được nguyên nhân chính xác nên không có biện pháp phòng ngừa tuyệt đối bệnh chàm tổ đỉa. Tuy nhiên bạn có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh và hạn chế tình trạng tái phát với những biện pháp sau:
- Giữ vệ sinh cơ thể đúng cách, nên chú trọng làm sạch bàn tay và bàn chân khi tắm.
- Thận trọng khi lựa chọn các sản phẩm làm sạch và chăm sóc da. Một số thành phần trong những sản phẩm này có thể kích thích phản ứng dị ứng và gây bùng phát triệu chứng của chàm tổ đỉa.
- Tránh tiếp xúc với các yếu tố kích thích như hóa chất, xăng dầu, kim loại nặng, thực phẩm dễ gây dị ứng,… Nếu cần thiết, có thể mang bao tay và sử dụng ủng để bảo vệ da và giảm tình trạng bệnh tái phát.
- Nếu tay và chân đổ nhiều mồ hôi, nên vệ sinh bằng các sản phẩm dịu nhẹ, sử dụng bột talc để hút ẩm và ngâm nước muối thường xuyên. Các biện pháp này giúp hạn chế nguy cơ nhiễm nấm và tránh tình trạng bùng phát bệnh tổ đỉa.
- Dưỡng ẩm cho da 2 lần/ ngày – nhất là khi thời tiết lạnh và có độ ẩm thấp.
- Bổ sung thực phẩm lành mạnh, uống nhiều nước, nghỉ ngơi và tập thể dục đều đặn nhằm nâng cao sức khỏe, cải thiện khả năng miễn dịch và hỗ trợ phòng ngừa bệnh.
- Kiểm soát các bệnh nhiễm trùng trong thời gian sớm nhất. Bởi nhiễm trùng có thể kích thích hoạt động quá mẫn của hệ miễn dịch và gây bùng phát chàm tổ đỉa.
- Giảm căng thẳng bằng cách điều chỉnh thời gian làm việc và nghỉ ngơi. Có thể thực hiện một số hoạt động giải phóng suy nghĩ tiêu cực như tập yoga, ngồi thiền, bơi lội, nghe nhạc và đọc sách.
- Thông báo với bác sĩ tiền sử bệnh lý để được chỉ định loại thuốc thích hợp. Thống kê cho thấy, có khoảng 12% trường hợp khởi phát chàm tổ đỉa do ảnh hưởng của một số loại thuốc điều trị.
- Mang giày có kích cỡ phù hợp, chất liệu mềm và thông thoáng. Mang giày bít có thể kích thích tuyến mồ hôi tăng tiết và tạo điều kiện để bệnh tổ đỉa tái phát.
Bài viết đã giải đáp vấn đề “Bệnh tổ đỉa có lây không? Có di truyền không?”. Hy vọng qua những thông tin trên, bạn đọc đã có hình dung cụ thể về bệnh lý này và chủ động hơn trong việc phòng ngừa. Nếu có bất cứ vấn đề nào phát sinh, bạn nên liên hệ với bác sĩ để được tư vấn và đề xuất hướng khắc phục kịp thời.
Tham khảo thêm: Mẹo chữa bệnh tổ đỉa bằng các phương pháp dân gian lưu truyền