Viêm lợi là bệnh lý gây sưng tấy, chảy máu, thậm chí rỉ dịch khiến người bệnh đau đớn và mệt mỏi. Khi chủ quan và không sớm có biện pháp can thiệp, tình trạng viêm nhiễm này làm cho hơi thở có mùi hôi, dẫn đến rụng răng và có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ cùng nhiều vấn đề tim mạch khác. Chính vì vậy, việc hiểu rõ về bệnh để có biện pháp ngăn chặn, phòng tránh là điều vô cùng cần thiết.
Viêm lợi là gì?
Viêm lợi (viêm nướu) tiếng Anh là gingivitis. Đây là tình trạng mảng bám xuất hiện nhiều trên răng và gây nên hiện tượng kích ứng, mẩn đỏ làm tổ chức chân răng bị viêm sưng.
Khi gặp phải tình trạng viêm lợi – nướu, không ít người chủ quan cho rằng đây là triệu chứng nhẹ và có thể tự khỏi. Tuy nhiên, cách hiểu này là không đúng, nếu để lâu viêm lợi không chỉ gây chảy máu mà còn khiến bệnh nhân mất răng và làm phát sinh nhiều vấn đề sức khỏe đáng lo ngại khác.
Các nha sĩ cho biết, bệnh viêm lợi răng sẽ phát triển qua hai giai đoạn:
- Giai đoạn 1: Còn được gọi là viêm lợi cục bộ, lúc này bệnh nhân bị viêm lợi sưng chân răng và chưa có biểu hiện đau đớn. Bên cạnh đó, khu vực bị viêm nhiễm rất dễ bị chảy máu khi có lực tác động, nhất là hoạt động đánh răng. Cũng ở giai đoạn này, chân răng và tổ chức quanh răng của người bệnh chưa bị ảnh hưởng nên có thể điều trị dễ dàng, tuy nhiên cũng rất dễ tái phát.
- Giai đoạn 2: Nếu như viêm lợi quanh chân răng không được chăm sóc kỹ lưỡng và điều trị đúng cách có thể khiến phần lợi ở trong xương hàm bị đẩy ra ngoài, tạo nên nhiều lỗ hổng quanh răng. Chính những khoảng trống này sẽ tạo ra môi trường đặc biệt để vi khuẩn trú ngụ, thức ăn thừa bám lại rồi gây nên viêm nhiễm.
Thống kê y tế cho thấy, tỷ lệ bệnh nhân bị viêm nướu, viêm lợi chân răng chiếm tới 42,7% số người bị bệnh về răng miệng. Trong đó những đối tượng dễ mắc phải hiện tượng này gồm:
- Đối tượng thường xuyên sử dụng rượu bia, chất kích thích, thuốc lá.
- Phụ nữ đang trong những ngày “đèn đỏ”.
- Những bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường hoặc đang gặp các vấn đề liên quan đến suy giảm miễn dịch.
Nguyên nhân bị viêm lợi, viêm nướu răng
Các bác sĩ chuyên khoa cho biết, viêm lợi răng là vấn đề răng miệng rất phổ biến. Bệnh có thể do một trong hai nguyên nhân gây nên: Do mảng bám và không do mảng bám.
Viêm, sưng lợi nguyên nhân do mảng bám
Nếu việc vệ sinh răng miệng không đảm bảo tạo điều kiện cho mảng bám tích tụ tại lợi, kẽ răng. Khi có thêm những yếu tố tác động sẽ làm cho mảng bám có cơ hội lan sâu vào rãnh lợi và hình thành nên nhiều túi lợi chứa vi khuẩn gây viêm lợi, sâu chân răng. Bên cạnh đó, sự tích tụ của mảng bám cũng có thể do sai khớp cắn, cao răng, thức ăn bị kẹt lại kẽ răng, chứng khô miệng… gây nên.
Ngoài ra, nếu hiện tượng viêm lợi do mảng bám gây nên cũng có xu hướng thuyên giảm hoặc trầm trọng hơn về mức độ khi có sự thay đổi về hormone, chế độ dinh dưỡng, việc sử dụng thuốc lá… Điển hình như sau:
- Hormone thay đổi: Nội tiết tố thay đổi ở tuổi dậy thì, mang thai, trong những ngày “đèn đỏ”, giai đoạn mãn kinh, quá trình sử dụng thuốc tránh thai… cũng có thể gây nên viêm lợi – nướu. Tuy nhiên, nếu viêm lợi hàm trên và hàm dưới do nội tiết tố bất thường sẽ nhanh chóng tự khỏi khi hormone trở về trạng thái cân bằng.
- Những rối loạn hệ thống: Các bệnh nhân tiểu đường, người bị giảm bạch cầu, thiếu vitamin, bệnh nhân AIDS,… thường có hệ miễn dịch suy giảm, sức khỏe ảnh hưởng và xuất hiện phản ứng viêm lợi.
- Tác dụng phụ của thuốc: Một vài loại thuốc như nifedipine, cyclosporin, vitamin C… cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến viêm lợi.
- Kim loại nặng: Nếu người bệnh phải tiếp xúc với các kim loại nặng như chì, bismuth trong thời gian dài cũng có thể bị viêm lợi, đồng thời xuất hiện nhiều đường viền tối màu tại nướu.
Viêm lợi răng không do mảng bám
Tình trạng viêm lợi chân răng không do mảng bám chỉ xuất hiện ở một số ít bệnh nhân. Hiện tượng này chủ yếu xảy ra khi có sự xâm nhập của các loại vi khuẩn, virus, nấm vào nướu, sau đó gây nên hiện tượng viêm nhiễm.
Bên cạnh đó, các chấn thương, thậm chí là các rối loạn di truyền, niêm mạc da cũng có thể khiến cho nướu bị sưng đỏ. Để xác định chính xác nguyên nhân tốt nhất mỗi người nên chủ động tìm gặp bác sĩ để được thăm khám và chẩn đoán.
Tham khảo: Bệnh viêm nha chu là gì? Biện pháp xử lý triệt để và an toàn nhất
Các dấu hiệu viêm lợi điển hình
Khi không viêm nhiễm, lợi có màu hồng nhạt và rất săn chắc. Nhưng khi bị vi khuẩn hoặc các yếu tố gây bệnh khác tấn công thì nó trở nên khác lạ cả về màu sắc lẫn trạng thái.
Thực tế, có thể dễ dàng nhận biết hiện tượng viêm lợi thông qua cả hình ảnh bên ngoài lẫn cảm giác từ trong cơ thể. Nếu bị viêm nướu – lợi, bạn có thể gặp phải các triệu chứng sau:
- Khoang miệng đau, lợi bị sưng tấy. Cảm giác đau đớn sẽ xuất hiện nhiều hơn mỗi lần uống nước, đánh răng hoặc bị một lực nào đó tác động.
- Miệng có mùi hôi, điều này cho thấy đã có một lượng lớn vi khuẩn tích tụ và gây bệnh tại nướu. Đặc biệt, túi mủ đã hình thành nên mới gây ra mùi hôi khó chịu.
- Nướu bị chảy máu khi đánh răng, nhai thực phẩm, kèm theo đó là sự xuất hiện cảm giác đau buốt chân răng cũng như lợi.
- Lợi không còn mang màu hồng tự nhiên mà chuyển sang màu hồng tím, nhú lợi có hình tròn.
- Khu vực bị viêm lợi sẽ lở loét, trầy da, thậm chí là mưng mủ trắng.
- Viêm lợi hở chân răng nếu bệnh ở mức độ nặng, từ đó làm cho răng bị lung lay, lỏng lẻo. Bởi đến lúc này, khu vực giữa răng và lợi đã có khoảng trống tương đối lớn, gây ra cảm giác răng bị dài hơn bình thường.
- Lớp cao răng bị dày hơn hẳn, mảng bám hình thành nhiều tại cổ răng, thân răng, nướu.
- Các răng bị xô lệch, luôn có xu hướng ngả về trước hoặc ngả về sau, khoảng cách giữa các răng bị đột ngột tăng lên, nướu và chân răng không còn bám chắc vào nhau…
Ngoài những triệu chứng trên, người bệnh viêm lợi răng còn gặp phải dấu hiệu mất ngủ, sốt nhẹ, chán ăn, loét miệng thường xuyên, viêm lợi nhiệt miệng… từ đó làm phát sinh nhiều vấn đề liên quan đến sức khỏe, tâm lý.
Một số hình ảnh viêm lợi:
Bệnh viêm lợi nguy hiểm không?
Khi không được phát hiện và điều trị sớm, tình trạng viêm lợi không chỉ gây ảnh hưởng đến việc ăn uống mà còn làm phát sinh nhiều vấn đề nghiêm trọng. Cụ thể:
- Cản trở giao tiếp: Viêm lợi gây nên mùi hôi khó chịu, khiến chân răng chảy máu, từ đó làm bệnh nhân tự ti trong giao tiếp, gây ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt cũng như công việc của người bệnh.
- Gây mất răng: Nếu viêm nướu lâu ngày không được chữa trị có thể gây tụt nướu, làm lộ chân răng rất mất thẩm mỹ. Ở giai đoạn viêm lợi trầm trọng, khoảng trống giữa lợi và chân răng rộng ra cũng là lúc xương hàm bị phá hủy. Khi đó răng không còn chỗ bám, dần lỏng lẻo và gãy rụng, điều này không chỉ gây mất thẩm mỹ, ảnh hưởng đến khả năng nhai mà còn tác động ít nhiều đến sức khỏe người bệnh.
- Đe dọa đột quỵ, trụy tim, viêm phổi: Tình trạng viêm lợi răng hàm có thể tác động không nhỏ đến các dây thần kinh, từ đây khiến bệnh nhân phải đối mặt với không ít bệnh lý nguy hiểm, trong đó có đột quỵ, trụy tim.
- Tác động đến thai nhi: Trong thời gian mang thai nếu người mẹ bị viêm lợi có thể tác động tới sự phát triển của em bé. Những trẻ sơ sinh có mẹ bị viêm nướu khi mang bầu thường nhẹ cân, chậm lớn hơn những trẻ được sinh ra bởi người mẹ có sức khỏe răng miệng tốt.
Phương pháp chẩn đoán bệnh viêm nướu
Các nha sĩ cho rằng, phương pháp chẩn đoán bệnh chủ yếu dựa vào hình ảnh viêm lợi thông qua quan sát trực tiếp. Bệnh nhân được xem là bị viêm nướu nếu xuất hiện các triệu chứng lâm sàng như sau: Lợi sưng đỏ, xuất hiện nhiều mảng bám, rất dễ chảy máu…
Ngoài ra, để xác định chính xác tình trạng của bệnh nhân, sau khi thăm khám lâm sàng chân răng, nướu, lưỡi, mảng bám… bác sĩ sẽ thực hiện một số chẩn đoán cận lâm sàng như sau:
- Đo độ sâu của các túi lợi: Nếu kết quả cho thấy túi lợi có độ sâu < 3mm thì lợi được xem là bình thường, các tổn thương có thể chỉ do chấn thương gây nên. Trái lại, nếu độ sâu túi lợi quanh răng lớn hơn 3mm thì khả năng bệnh nhân bị viêm nướu là rất cao.
- Các xét nghiệm cận lâm sàng: Khi dấu hiệu viêm lợi ở bệnh nhân chưa rõ ràng, không thể đưa ra chẩn đoán cuối cùng, bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện một vài xét nghiệm chẩn đoán cần thiết. Đây chủ yếu là những xét nghiệm nhằm kiểm tra sức khỏe tổng thể, qua đó tìm kiếm nguyên nhân gây bệnh, thường gặp nhất là xét nghiệm bệnh tiểu đường, xét nghiệm rối loạn hormone, xét nghiệm HIV, ung thư…
Cách chữa viêm lợi răng hiệu quả
Nguyên tắc điều trị viêm lợi răng là tác động và loại bỏ triệu chứng, đồng thời kiểm soát để ngăn chặn bệnh phát triển và bảo tồn tối đa các răng ở vị trí lợi bị viêm. Theo đó, tùy thuộc vào tình trạng của mỗi bệnh nhân mà các biện pháp điều trị sau có thể được áp dụng:
Dùng mẹo dân gian trị viêm nướu răng
Từ xa xưa dân gian đã lưu truyền nhiều bài thuốc sử dụng dược liệu tự nhiên giúp kháng khuẩn, chống viêm lợi và loại bỏ mùi hôi của bệnh. Nếu đang bị các triệu chứng viêm nướu làm phiền, người bệnh có thể tham khảo các mẹo vặt dưới đây:
- Nước lá ổi: Sử dụng 5-10 lá ổi non đã rửa sạch đem đi giã nát. Tiếp theo đem lá ổi đã nhuyễn nấu cùng 225ml nước sạch, chờ hỗn hợp sôi già thì tắt bếp, thêm vào vài hạt muối biển khuấy cho tan hết. Lượng nước thu được dùng để súc miệng trong ngày, mỗi lần súc trong 30 giây, lặp lại 2-3 lần nhằm loại bỏ hết vi khuẩn cùng các ổ viêm vùng nướu.
- Dùng dầu dừa: Dưỡng chất có trong dầu dừa giúp tiêu diệt mảng bám, kháng viêm, chống nhiễm khuẩn vô cùng hiệu quả. Để hỗ trợ điều trị viêm lợi, mỗi ngày bệnh nhân có thể dùng 5-10ml dầu dừa để súc miệng rồi đánh răng như bình thường. Nếu kiên trì sử dụng thì trạng thái sinh lý của lợi sẽ nhanh chóng trở lại, ổ viêm cũng nhờ đó mà được loại bỏ.
- Nước ép nha đam: Bệnh nhân bị viêm lợi có thể ngậm nước cốt nha đam trong khoảng 30 giây sau đó nhổ ra và súc miệng lại với nước lọc. Nên thực hiện lặp lại điều này trong khoảng 2-3 lần mỗi ngày để giảm đau, loại bỏ tình trạng chảy máu và kiểm soát tốt triệu chứng bệnh.
Lưu ý: Các mẹo dân gian có dược lực thấp nên chỉ phù hợp với trường hợp bệnh nhẹ nên chỉ giúp cải thiện đau nhức, kiểm soát chảy máu chứ không điều trị tận gốc căn nguyên gây bệnh. Do vậy, nếu bị viêm nướu nặng và không phải do chấn thương, hãy tìm gặp bác sĩ để thăm khám, không nên lạm dụng bài thuốc dân gian.
Điều trị bằng Tây y
Sau khi thăm khám và chẩn đoán nguyên nhân, mức độ viêm nướu bệnh nhân sẽ được chỉ định phương pháp điều trị phù hợp. Trong đó, lấy cao răng và loại bỏ mảng bám, sử dụng các loại nước súc miệng có tác dụng sát khuẩn luôn là giải pháp được ưu tiên hàng đầu nhằm bảo tồn răng tự nhiên cho bệnh nhân.
Sau khi áp dụng những phương pháp bảo tồn nêu trên nếu triệu chứng viêm lợi vẫn còn, thậm chí đang trở nên trầm trọng hơn thì cần phải sử dụng thuốc nội khoa hoặc can thiệp ngoại khoa. Cụ thể như sau:
Sử dụng thuốc nội khoa
Tùy thuộc vào nguyên nhân gây viêm nướu ở mỗi bệnh nhân mà bác sĩ sẽ chỉ định loại thuốc phù hợp. Các loại thuốc thường được sử dụng nhất gồm:
- Thuốc kháng sinh: Spiramycin, Amoxicillin, doxycyclin,… thường được chỉ định để giảm đau, kháng viêm ở các bệnh nhân bị tổn thương ở lợi.
- Liệu pháp hormone: Ở các bệnh nhân bị viêm nướu thời kỳ mãn kinh, estrogen và progestin cũng có thể được sử dụng. Tuy đem lại hiệu quả vượt trội nhưng nhóm thuốc này lại tiềm ẩn nguy cơ tác dụng phụ, do vậy chúng không được khuyến khích sử dụng.
- Corticosteroid toàn thân: Trường hợp bệnh nhân bị viêm lợi do pemphigus vulgaris nhóm thuốc này sẽ được chỉ định.
- Paste corticosteroid: Dùng bôi trực tiếp vào vùng lợi bị viêm nhằm ức chế vi khuẩn, ngăn chặn phản ứng viêm.
Biện pháp ngoại khoa
Các biện pháp can thiệp ngoại khoa thường được chỉ định trong trường hợp viêm lợi ở mức độ nghiêm trọng, việc sử dụng thuốc nội khoa không được đáp ứng. Căn cứ vào thể trạng, mức độ viêm lợi ở mỗi bệnh nhân mà bác sĩ có thể chỉ định một số biện pháp ngoại khoa để can thiệp như sau:
- Cắt bỏ u lợi: Ở phụ nữ mang thai, các u lợi thường làm phát sinh viêm nhiễm, khiến cho răng bị lung lay. Vì thế, với nhóm đối tượng này bác sĩ thường chỉ định cắt u lợi để đảm bảo sức khỏe của cả mẹ và em bé. Thủ thuật cắt u lợi chỉ diễn ra trong thời gian ngắn, bệnh nhân có thể xuất viện và chăm sóc tại nhà chỉ sau 30 phút nghỉ ngơi.
- Rạch áp xe răng: Chỉ định cho bệnh nhân bị viêm lợi quanh thân răng. Nguyên tắc chung của thủ thuật này sẽ là rạch khối áp xe răng và dẫn lưu tại chỗ
- Lật vạt, làm sạch chân răng: Mục đích của phương pháp này là lật nướu, vệ sinh vùng vôi sâu dưới nướu và hút bỏ túi mủ gây nhiễm trùng. Thủ thuật này giúp loại bỏ vi khuẩn gây viêm nướu, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho các mô nha chu phục hồi.
- Nhổ răng: Nếu tình trạng nhiễm trùng lan rộng, chân răng đã xuất hiện tổn thương nghiêm trọng, các biện pháp bảo tồn không phát huy hiệu quả thì bệnh nhân buộc phải nhổ bỏ răng. Sau đó tùy thuộc vào nhu cầu và tình trạng răng của mỗi người mà bác sĩ sẽ tư vấn biện pháp trồng răng giả cho phù hợp.
Các bài thuốc Đông y trị viêm nướu
Theo y học cổ truyền, viêm lợi là bệnh lý phát sinh tại tổ chức chân răng gây lỏng lẻo, dễ chảy máu. Đông y chia viêm lợi thành các thể: Vị hỏa, âm hư, can hỏa, dương hư. Mỗi thể bệnh sẽ có bài thuốc tương ứng:
Viêm lợi thể vị hỏa:
- Triệu chứng: Hôi miệng, khát nước, đại tiện táo, chân răng sưng.
- Căn nguyên: Vị hỏa bốc mạnh.
- Pháp: Thanh tả vị nhiệt.
- Vị thuốc: Dùng hoàng cầm 10g, đại hoàn và hoàng liên mỗi vị 3g, cam thảo 1g đem sắc nước uống thay trà.
Viêm lợi âm hư:
- Triệu chứng: Chân răng chảy máu nhưng không sưng, miệng hôi tanh, miệng khô, lưỡi bóng ít rêu.
- Căn nguyên: Âm hư hoả bốc khiến huyết lạc.
- Pháp: Tư âm giáng hỏa.
- Vị thuốc: Tế sinh địa và địa cốt bì mỗi vị 30g; tri mẫu, hoàng liên, thanh đại, bồ hoàng sao, hoàng bá sao, hòe sao đen, nhân trung bạch mỗi vị 10g và 15g đan bì. Thang thuốc đem sắc cùng 1 lít nước trong khoảng 15-20 phút, lượng nước thu được chia làm 4 lần uống, mỗi lần 200ml.
Viêm lợi can hỏa:
- Triệu chứng: Kẽ răng bị chảy máu, mất ngủ, táo bón, mắt đỏ, miệng đắng, mạch huyền.
- Căn nguyên: Can hỏa vượng, huyết lạc.
- Pháp: Thanh can lương huyết, chỉ huyết.
- Vị thuốc: Mao căn 100g; mạch môn 80g; dạ dao đằng, hải cáp phấn và sinh địa mỗi vị 60g; hạ khô thảo 30g; ô mai 10g; long đởm thảo, đởm nam tinh mỗi vị 10g và 6g cam thảo. Sắc thang thuốc rồi cho thêm 10g huyền minh uống vào buổi sáng sớm. Khi triệu chứng viêm nướu đã cải thiện thì thêm 20g hoài sơn vào sắc cùng.
Viêm lợi dương hư:
- Triệu chứng: Chảy máu chân răng, chân tay lạnh, sắc nhạt, mạch nhược.
- Căn nguyên: Dương hư hỏa bốc.
- Vị thuốc: 20g mỗi vị sơn thù, sinh mẫu lệ; 8g mỗi vị chế phụ phiến, nhục quế cùng 3g tam thất bột. Bài thuốc dùng để sắc nấu uống hằng ngày.
Nên ăn gì và kiêng gì khi bị viêm nướu răng?
Để quá trình điều trị viêm nướu đạt hiệu quả mong muốn, mỗi người nên chủ động tuân thủ các chỉ dẫn của bác sĩ trong việc dùng thuốc cũng như vệ sinh răng miệng. Bên cạnh đó, hãy chủ động xây dựng thực đơn ăn uống khoa học, điều này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức quanh răng được phục hồi hiệu quả.
Bệnh nhân bị viêm lợi chân răng có thể lên thực đơn hằng ngày theo hướng dẫn sau:
- Thực phẩm nên ăn: Bao gồm các loại đồ ăn có tác dụng làm sạch khoang miệng, loại bỏ mùi hôi khó chịu của bệnh, ức chế hoạt động của vi khuẩn như rau cần tây, súp lơ, táo, rau cải, ổi, bánh mì, sữa chua,… cùng một số loại đồ uống từ gừng, trà xanh.
- Thực phẩm nên kiêng: Là những món ăn có thể gia tăng hình thành mảng bám, gây chảy máu, tạo điều kiện cho vi khuẩn khu trú và khiến bệnh trầm trọng hơn. Điển hình là các thực phẩm giàu tinh bột, đường, thịt có sợi dài… cùng các loại rượu bia và chất kích thích như thuốc lá, cà phê.
Top địa chỉ khám và điều trị viêm lợi
Khi xuất hiện các dấu hiệu viêm lợi, bệnh nhân nên tìm đến cơ sở y tế có chuyên khoa răng để thăm khám và điều trị. Dưới đây là một số địa chỉ uy tín người bệnh có thể tham khảo:
- Bệnh viện Răng hàm mặt Trung ương: Đây là đơn vị chuyên thăm khám và điều trị tuyến cuối về răng cho nhân dân thủ đô nói riêng và các tỉnh miền Bắc nói chung. Hiện viện có địa chỉ tại số 40 thuộc đường Tràng Thi – Hoàn Kiếm – Hà Nội.
- Khoa Răng miệng – Bệnh viện Quân y 103: Viện chuyên tiếp nhận các ca bệnh thuộc chuyên khoa răng miệng theo tuyến được phân công. Viện hiện đang triển khai áp dụng nhiều kỹ thuật mới trong chữa bệnh tủy răng, viêm lợi, nha khoa thẩm mỹ… Bệnh viện Quân y 103 có địa chỉ tại số 261 Phùng Hưng – Hà Đông – Hà Nội.
- Khoa Răng hàm mặt – Bệnh viện Bạch Mai: Khoa răng của viện chuyên khám và điều trị tủy, nắn chỉnh răng, viêm lợi, cấy ghép nha khoa… Trong nhiều năm qua, đây vẫn luôn là địa chỉ được nhiều bệnh nhân lựa chọn. Đơn vị này có địa chỉ tại Tầng 1, nhà A7, Bệnh viện Bạch Mai – số 78 thuộc đường Giải Phóng, Đống Đa, Hà Nội.
Ngoài những địa chỉ trên, bệnh nhân có nhu cầu thăm khám và điều trị viêm nướu răng có thể tìm đến Khoa Răng – Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Khoa Răng – Bệnh viện 198, Khoa Răng – Bệnh viện E… Đây đều là những địa chỉ uy tín, tinh cậy được nhiều người đánh giá cao.
Giải pháp phòng tránh bệnh viêm nướu
Viêm nướu có liên quan trực tiếp tới chế độ ăn uống và sinh hoạt. Do vậy, để phòng bệnh mỗi người nên:
- Đánh răng đều đặn hằng ngày với bàn chải mềm, cần đặc biệt chú ý làm sạch cả 4 bề mặt răng.
- Ưu tiên sử dụng chỉ nha khoa để loại bỏ thức ăn thừa thay vì dùng tăm vì điều này có thể gây tổn thương lợi, dẫn đến viêm nhiễm.
- Luôn làm sạch lưỡi để ngăn chặn sự tích tụ của vi khuẩn – nguyên nhân gây bệnh hàng đầu.
- Luôn ăn uống khoa học, tránh xa rượu bia và các chất kích thích như rượu bia, thuốc lá, cà phê…
- Chủ động kiểm tra sức khỏe răng miệng định kỳ để sớm phát hiện bất thường, từ đó có biện pháp can thiệp.
Viêm lợi là vấn đề răng miệng phổ biến, tiềm ẩn nhiều nguy hại cho sức khỏe khi không được điều trị sớm. Do vậy, mỗi người cần chủ động phòng tránh bằng việc ăn uống khoa học, vệ sinh răng miệng sạch sẽ và thường xuyên thăm khám nha khoa định kỳ. Tuyệt đối không vì chủ quan mà xem thường dấu hiệu bệnh, gây khó khăn cho việc điều trị sau này.
Xem thêm: