Bị gút ở chân (hay chính xác là tình trạng tổn thương bàn chân trong bệnh gút) thường là những biểu hiện đầu tiên giúp phát hiện ra bệnh gút. Đây là bệnh lý cần điều trị sớm, giúp người bệnh “chung sống hòa bình” với bệnh, giảm thiểu nguy cơ xuất hiện các biến chứng nguy hiểm.
(*) Bài viết sẽ linh hoạt dùng 2 khái niệm “bệnh gút ở chân” và “tổn thương bàn chân trong bệnh gút” để độc giả dễ hiểu hơn.
Gút là một bệnh lý viêm khớp tinh thể thường gặp nhất. Bệnh do tình trạng lắng đọng các tinh thể urat tại khác khớp, mô mềm và các cơ quan nội tạng. Bệnh gây ra nhiều cơn sưng, đau đột ngột, dữ dội tại những khớp ngón chân, cổ chân, gối, ngón tay… Người bệnh thương đau nhiều làm giới hạn vận động rõ, đi lại khó khăn và gây nhiều cản trở trong sinh hoạt hằng ngày. (1)
Bệnh gút ở chân là gì?
Bị gút ở chân hay tổn thương bàn chân trong bệnh gút là dấu hiệu thường gặp nhất ở người mắc phải căn bệnh này. Tình trạng khiến bệnh nhân bị đau dữ dội, có nguy cơ tái phát nhiều lần trong tương lai. Người bệnh khi có dấu hiệu bệnh cần đi khám ngay, giúp kiểm soát bệnh tốt hơn, phòng ngừa tiến triển nặng.
Các triệu chứng ở người bị gút ở chân
1. Đau dữ dội, đau kéo dài
Người bệnh thường biểu hiện các cơn đau dữ dội, đột ngột kèm sưng đỏ khớp và làm giới hạn vận động nhiều. Bệnh lý này thường tác động tới những khớp ở bàn chân gồm khớp ngón chân cái, bàn chân, cổ chân, mắt cá chân. Ngoài ra, người bệnh có thể biểu hiện tại những vị trí khớp khác như khớp gối, ngón tay, khuỷu… (2)
Thông thương những cơn gút đầu tiên, triệu chứng đau thường kéo dài khá ngắn (khoảng vài giờ – vài ngày) sau đó thuyên giảm nhanh khi sử dụng thuốc kháng viêm. Giữa các cơn đau người bệnh sẽ không cảm giảm gì.
Tuy nhiên, khi tình trạng gút kéo dài, các cơn gút thường xảy ra với tần suất gần hơn và thời gian mỗi cơn đau có thể kéo dài hơn, thậm chí người bệnh bị đau liên tục kéo dài.
2. Sưng tấy, đỏ, nóng
Ngoài tình trạng đau, dấu hiệu sưng tấy, đỏ cũng thường gặp tại các vị trí khớp đau trong gút. Khi bị tinh thể urat tấn công, cơ thể sẽ bị kích thích tạo ra cơ chế viêm nhằm ngăn chặn, hậu quả là các khớp ảnh hưởng bị sưng tấy. Do đó, một trong những phương pháp điều trị cơn gút cấp là sử dụng thuốc chống viêm.
Khi chạm các vùng khớp bị ảnh hưởng, người bệnh sẽ thấy ấm nóng do lưu lượng máu tới khớp gia tăng. Đây chính là cơ chế để chống lại sự tích tụ của những tinh thể urat. Tuy nhiên, tình trạng nóng ấm tại khớp tổn thương thường biến mất sau thời gian ngắn, chỉ khoảng vài ngày.
Nguyên nhân gây tổn thương bàn chân trong gút
Khi nồng độ acid uric máu tăng cao sẽ dần hình thành các tinh thể urat, đây là cơ chế chính gây nên các biểu hiện của gút. Các nguyên nhân gây tăng nồng độ acid uric máu bao gồm: ăn hoặc uống quá nhiều thực phẩm có chứa hàm lượng purin cao (đặc biệt purin từ động vật), các bất thường trong quá trình tổng hợp acid uric, các bất thường trong bài tiết acid uric (sử dụng một số thuốc, tình trạng suy thận)… (3)
Những tinh thể urat theo thời gian sẽ tích tụ dần ở các khớp trong nhiều năm. Ban đầu sẽ không xuất hiện bất kỳ triệu chứng gì, tuy nhiên theo thời gian các tinh thể này tích tụ nhiều, kích hoạt các phản ứng viêm và gây ra các đợt gút cấp.
Nguyên nhân gút thường gây ra những tổn thương ở các khớp bàn chân là do những tinh thể urat có xu hướng tích tụ các khớp có nhiệt độ thấp như các khớp ở xa vị trí trung tâm như các khớp ngón chân hoặc cổ chân.
Ngoài ra, các tính thể urat cũng có xu hướng tích tụ nhiều hơn ở những khớp và vị trí hay xảy những chấn thương trong đó thường hay có những chấn thương ở vùng cổ chân và bàn chân.
Ai dễ mắc bệnh?
Một số đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh gút gồm:
1. Giới
- Nam giới sau 40 tuổi: Có hơn 80% người mắc bệnh gout là nam giới từ 40 tuổi trở lên.
- Nữ giới trong độ tuổi mãn kinh: Ở tuổi mãn kinh, nữ giới thường bị rối loạn nội tiết tố, nhất là rối loạn estrogen. Đây là một trong những loại hormone giúp hỗ trợ thận bài tiết axit uric ra khỏi cơ thể.
2. Di truyền
Các nghiên cứu cho thấy có hơn 5 loại gen di truyền liên quan tới nguyên nhân gây bệnh gút. Trong đó, người có tiền sử gia đình mắc bệnh sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn người bình thường.
3. Chế độ sinh hoạt
Chế độ sinh hoạt thiếu lành mạnh, dùng nhiều rượu bia, thuốc lá, những chất kích thích, tiêu thụ nhiều đạm động vật (chứa nhiều purin)… là các yếu tố làm gia tăng nguy cơ gút.
4. Dùng thuốc điều trị
Một số loại thuốc điều trị có thể làm gia tăng nồng độ axit uric trong cơ thể như thuốc lợi tiểu, thuốc chứa salicylate, một số thuốc điều trị lao.
5. Người thừa cân, béo phì
Tình trạng này làm tăng nguy cơ mắc bệnh gút. Bởi có nhiều mô trong cơ thể sẽ gia tăng tình trạng chuyển hoá. Điều này đồng nghĩa với việc cơ thể sản sinh nhiều axit uric hơn dưới dạng các chất thải chuyển hóa. Nồng độ chất béo cao cũng có thể làm tăng mức độ viêm toàn thân do những tế bào chất béo sản xuất ra những cytokine gây viêm.
6. Bệnh lý
Suy thận và những bệnh lý ở thận có khả năng gây ảnh hưởng tới quá trình loại bỏ chất thải của cơ thể, dẫn tới tình trạng gia tăng nồng độ axit uric. Một số bệnh lý khác cũng được nghi nhân có liên quan tới bệnh gút như bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường…
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Khi xuất hiện các triệu chứng bị gút ở chân như sưng, đau đột ngột và dữ dội ở các khớp, người bệnh nên đi tới các cơ sở y tế uy tín để được thăm khám và điều trị sớm. Nếu trì hoãn điều trị, bệnh tiến triển nặng, gây ra các cơn đau nghiêm trọng, làm tổn thương khớp nặng nề. Một số biến chứng có thể gặp ở bệnh nhân gút bao gồm: (4)
- Sỏi thận
- Suy thận, bệnh thận mô kẽ.
- Nguy cơ của bệnh tim thiếu máu cục bộ, hẹp động mạch dẫn tới đột quỵ…
- Huỷ xương, biến dạng khớp bàn chân, tàn phế do tophi.
- Nhiễm trùng tophi.
- Thoái hóa khớp.
- Các vấn đề về sức khỏe tinh thần, gồm trầm cảm
- Rối loạn cương dương.
Chẩn đoán gút
Để chẩn đoán tình trạng bị gút ở chân, đặc biệt là gút tại bàn chân, bác sĩ thường dựa trên những triệu chứng điển hình của các cơn gút như sưng đau ngón chân cái hoặc cổ bàn chân đột ngột, dữ dội, giới hạn vận động. Các cơn lặp đi, lặp lại nhiều lần.
Ngoài ra, người bệnh cũng sẽ được làm xét nghiệm máu đánh giá nồng độ acid uric máu và các phương pháp chẩn đoán hình ảnh như siêu âm, X quang nhằm đánh giá các tổn thương của gút gây ra tại các khớp
1. Xét nghiệm máu
Xét nghiệm này giúp đo nồng độ uric máu trong cơ thể của người bệnh. Nồng độ uric máu cao có thể gợi ý cho bác sĩ biết rằng người bệnh có bị gút không. Tuy nhiên, việc chẩn đoán bệnh gout còn cần xem xét đến các triệu chứng của bệnh nhân.
Một số người bệnh có xét nghiệm acid uric máu cao, tuy nhiên chưa từng có biểu hiện cơn gút thì sẽ không được chẩn đoán là gút mà chỉ là tình trạng tăng acid uric máu không triệu chứng.
Ngược lại, một số người bệnh có nồng độ acid uric máu không cao nhưng có triệu chứng điển hình của các cơn gút cấp tính thì vẫn có thể chẩn đoán được gút bởi vì các nghiên cứu cho thấy rằng, nồng độ acid uric máu có thể giảm giảm tạo trong trường hợp có cơn gút cấp.
Tham khảo: Các phương pháp xét nghiệm gout
2. Chẩn đoán hình ảnh
Siêu âm khớp giúp bác sĩ phát hiện ra các tổn thương ở khớp như tình trạng viêm khớp và khả năng lắng đọng các tinh thể urat trong khớp. Chụp X-quang thường được chỉ định thực hiện để xác định những tổn thương ở xương và khớp do mắc bệnh trong thời gian dài.
3. Kiểm tra dịch khớp
Khi thực hiện phương pháp chẩn đoán này, bác sĩ sẽ lấy một mẫu dịch khớp của người bệnh thông qua phương pháp hút dịch khớp. Sau đó, mẫu dịch khớp sẽ được kiểm tra dưới kính hiển vi để tìm ra các tinh thể urat.
Điều trị tình trạng bị gút ở chân
Người bệnh có thể kiểm soát những đợt bùng phát gút bằng việc thăm khám và duy trì sử dụng thuốc, điều chỉnh chế độ dinh dưỡng phù hợp cụ thể:
- Dùng thuốc cắt cơn gút: Thuốc kháng viêm gút giảm nhanh triệu chứng viêm cấp tính trong cơn gút cấp như thuốc kháng viêm không steroid, thuốc kháng viêm steroid hoặc colchicine.
- Thuốc hạ acid uric máu: người bệnh gút khi có chỉ định điều trị thuốc hạ acid uric máu cần được điều trị kéo dài nhằm kiểm soát nồng độ acid uric dưới ngưỡng cho phép (tối thiểu < 6 mg/dl hoặc < 360 mmol/l).
Có nhiều thuốc để hạ acid uric máu, hiện nay tại thị trường Việt Nam người bệnh có thể sử dụng thuốc allopurinol hoặc febuxostat. Tuy nhiên, việc chọn lựa thuốc và liều lượng thuốc cần có ý kiến của Bác sĩ chuyên khoa để có thể sử dụng thuốc một cách hợp lý và an toàn.
Ngoài ra, khi sử dụng các thuốc hạ acid uric máu như allopurinol hoặc febuxostat, người bệnh có thể có những đợt sưng đau khớp liên quan đến thuốc trong những tháng đầu sử dụng thuốc (3- 6 tháng). Do đó, người bệnh cần được sử dụng thuốc dự phòng cơn gút cấp trong thời gian này như thuốc colchicine.
- Chế độ ăn uống lành mạnh: Người bệnh cần áp dụng chế độ ăn uống khoa học, hạn chế bổ sung những thực phẩm giàu purin như hải sản, nội tạng động vật, thịt đỏ….Không hút thuốc lá, tránh dùng rượu bia và các chất kích thích.
- Thường xuyên tập thể dục: Người bị gút ở bàn chân nên tập luyện thường xuyên với cường độ phù hợp. Đặc biệt, giảm cân nếu đang thừa cân và béo phì.
- Uống nhiều nước: uống đủ lượng nước cần thiết cho cơ thể mỗi ngày.
- Chườm lạnh khi có sưng đau khớp: Biện pháp này sẽ giúp giảm sưng, đau, viêm hiệu quả.
- Hạn chế stress và căng thẳng: Người bệnh nên giữ tinh thần thoải mái, lạc quan; hạn chế tình trạng căng thẳng và stress kéo dài vì có thể dẫn tới những đợt bùng phát bệnh.
- Duy trì thăm khám định kỳ: Đảm bảo thăm khám định kỳ theo đúng lịch hẹn từ bác sĩ, đặc biệt chú ý chỉ số nồng độ axit uric định kỳ.
- Phẫu thuật nội soi khớp: Phương pháp điều trị này được chỉ định cho các trường hợp viêm khớp kéo dài, gây tình trạng cứng khớp, giới hạn vận động do lắng đọng tinh thể urat nhiều. Khi đó, bác sĩ có thể chỉ định người bệnh thực hiện phẫu thuật cắt bớt bao hoạt dịch khớp. Trong những trường hợp, khớp gối bị thoái hoá nặng, người bệnh có thể được thay khớp hư bằng khớp nhân tạo.
Biện pháp phòng ngừa bị gút ở bàn chân
Để giảm thiểu nguy cơ bị gút ở chân hay bệnh gút nói chung, cần lưu ý:
- Duy trì cân nặng hợp lý: Cân nặng của người bệnh có ảnh hưởng tới tiến triển của bệnh gút. Kiểm soát tốt cân nặng sẽ giúp giảm tình trạng tăng axit uric máu, đồng thời giảm sức ép lên các khớp.
- Chế độ dinh dưỡng phù hợp: Trong thực đơn mỗi ngày cần hạn chế bổ sung các loại thực phẩm giàu purin. Ngoài ra, bạn nên cần bổ sung đủ nước và chất xơ, protein cho cơ thể; hạn chế dùng bia và rượu mạnh, những thức uống có gas.
- Duy trì lối sống lành mạnh: Thường xuyên tập thể dục và tham gia những hoạt động ngoài trời giúp nâng cao sức khỏe toàn diện, hạn chế làm việc với cường độ cao, gây nhiều áp lực cho cơ thể. Ngoài ra, bạn nên chủ động khám sức khỏe định kỳ (6 tháng/lần) để phát hiện bệnh sớm (nếu có), từ đó có hướng can thiệp phù hợp, ngăn ngừa tiến triển nặng.
Để đặt lịch khám và điều trị với các chuyên gia đầu ngành tại Trung tâm Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, Quý khách vui lòng liên hệ:
Tình trạng bị gút ở chân là triệu chứng thường gặp nhất. Việc thăm khám sớm giúp người bệnh kiểm soát bệnh tốt, giảm thiểu nguy cơ xuất hiện các biến chứng nghiêm trọng và làm giảm chất lượng cuộc sống.