Nhánh trán của dây thần kinh mặt khi bị tổn thương sẽ khiến cơ trán bị liệt và bệnh nhân không thể nhướng mày để nâng lông mày, có thể bị sụp lông mày và/hoặc hai bên lông mày bất đối xứng.
Liệt dây thần kinh mặt dẫn đến liệt mặt thường gặp sau tai nạn, chấn thương, nhiễm virut, cắt bỏ khối u hoặc sai sót trong phẫu thuật thẩm mỹ. Liệt mặt sẽ gây ảnh hưởng nặng nề đến tâm lý người bệnh, thậm chí có thể gây trầm cảm, lo âu. Trong bài viết này chúng tôi xin đề cập đến nguy cơ liệt nhánh thái dương/nhánh trán của dây thần kinh mặt sau phẫu thuật thẩm mỹ vùng mặt.
Nhánh thái dương hay còn gọi là nhánh trán của dây thần kinh mặt đi qua cung gò má đến vùng thái dương. Nhánh trán này chi phối hoạt động của các cơ nằm bên trên mặt, trong đó có ba cơ quan trọng là cơ trán, cơ mày và cơ vòng mi mắt. Do đó để kiểm tra chức năng của nhánh trán, bệnh nhân thường được yêu cầu thực hiện động tác cau mày và nhăn trán.
Nhánh trán tách ra khỏi thân thần kinh mặt và đi lên cao hơn để kích hoạt cơ trán. Trên đường đi đến cơ trán, nó đi từ lớp nông đến lớp sâu của cân cơ thái dương, nơi có nguy cơ tổn thương cao nhất. Đây cũng chính là lý do tại sao vùng thái dương được gọi là “vùng nguy hiểm” trong phẫu thuật mặt.
Thông thường với các quy trình phẫu thuật thẩm mỹ có can thiệp ở vùng thái dương thì chảy máu là nguy cơ thường gặp nhất, ngoài ra có một nguy cơ hiếm gặp hơn đó là liệt nhánh trán của thần kinh mặt. Khi gặp phải tình trạng này, bệnh nhân sẽ bị liệt cơ trán, làm mất nếp nhăn trán, nhướng mày nhưng không thể nâng cung mày lên và/hoặc sụp cung lông mày.
Lý do thường gặp vấn đề này là vì giải phẫu vùng thái dương có rất nhiều mạch máu và thần kinh. Cụ thể là hệ thống mạch và tĩnh mạch thái dương phân nhánh và cung cấp máu cho toàn bộ vùng da đầu, chia làm 2 lớp mạch nông và sâu nối tiếp nhau. Nếu bác sĩ thực hiện không nắm rõ giải phẫu thì sẽ dễ dàng làm đứt hệ thống mạch này và gây chảy máu. Ngoài ra đây cũng chính là vùng có sự hiện diện của nhánh trán thần kinh mặt, chi phối vận động của các cơ vùng trán. Nếu không may làm tổn thương hoặc đứt nhánh này có thể khiến cơ trán giảm hoặc mất chức năng.
Nguyên nhân gây liệt nhánh trán dây thần kinh mặt sau các quy trình phẫu thuật thẩm mỹ vùng mặt
Trong phẫu thuật thẩm mỹ, liệt nhánh trán của dây thần kinh mặt thường xảy ra trong các quy trình như căng da mặt, căng da trán hay độn thái dương…. Và nguyên nhân chủ yếu đều là do người thực hiện không nắm rõ được giải phẫu vùng thái dương hoặc dùng các dụng cụ sắc nhọn khi bóc tách, mổ xẻ nên đã gây tổn thương đến nhánh thần kinh này.
Để tránh nguy cơ này, luôn phải đảm bảo quá trình bóc tách được thực hiện một cách tỉ mỉ vì đặc điểm giải phẫu ở những vùng có nguy cơ cao rất đa dạng và khác nhau ở mỗi bệnh nhân. Cần chú ý đến từng chi tiết nhỏ trong khi thực hiện, thận trọng khi tiêm dung dịch bằng kim nhọn hoặc ống nhỏ. Nên mổ bằng phương pháp thủy tách để hạn chế tối đa ảnh hưởng đến mô bên dưới và tránh dùng dao sắc nhọn thực hiện bóc tách không cần thiết, giúp giảm nguy cơ tổn thương mạch máu, dây thần kinh cũng như hình thành máu tụ.
Ví dụ, trong quy trình căng da mặt, bóc tách bằng dụng cụ cùn cần được ưu tiên đặc biệt khi xử lý hệ thống cân cơ nông vùng mặt (SMAS). Kỹ thuật khâu và cầm máu sau đó cũng rất quan trọng. Tránh đặt chỉ khâu trong SMAS mà nên khâu dọc theo trục các nhánh chính của thần kinh mặt.
Ngoài ra, ở vùng thái dương nên bóc tách dần vào lớp nông dưới da đến lớp nông của phần cân cơ thái dương sâu, đồng thời xác định và bảo tồn tĩnh mạch sentinel là những yếu tố rất quan trọng để bảo vệ nhánh thần kinh vận động này. Với quy trình độn thái dương, cần đảm bảo miếng độn được đặt dưới cân cơ thái dương để tách biệt hoàn toàn với nhánh trán thần kinh mặt. Đặt trên cân cơ vừa có nguy cơ cao bị lộ miếng độn vừa dễ làm tổn thương thần kinh
Nếu có nghi ngờ tổn thương nhánh trán thần kinh cần đảm bảo có sẵn máy kích thích thần kinh trong phòng phẫu thuật để kiểm tra và có thể khắc phục ngay.
Chẩn đoán mức độ liệt thần kinh
Liệt nhánh trán của thần kinh mặt có thể được phân loại là liệt hoàn toàn nếu không có khả năng co cơ hoặc không hoàn toàn (một phần) – nếu còn khả năng co cơ nhưng yếu. Do đó, nếu phát hiện có vấn đề về cơ, trước tiên cần chẩn đoán mức độ tổn thương.
Mức độ tổn thương thần kinh có thể được đánh giá bằng cách yêu cầu bệnh nhân cau mày, nhăn trán và/hoặc thực hiện kiểm tra điện cơ Electromyography (EMG) là một thủ tục chẩn đoán để đánh giá sức khỏe của cơ và tế bào thần kinh kiểm soát (tế bào thần kinh cơ).
Liệt dây thần kinh mặt nói chung hay liệt nhánh trán là một tình trạng vô cùng đáng sợ đối với người bệnh. Những câu hỏi thường gặp nhất của những bệnh nhân này là liệu chức năng khuôn mặt của họ có trở lại bình thường hay không và mất bao lâu?
Thời gian cũng như mức độ phục hồi sẽ tùy vào tình trạng của từng bệnh nhân cũng như mức độ tổn thương và việc thực hiện các phương pháp điều trị kết hợp. Nếu được can thiệp kịp thời cũng như được áp dụng các biện pháp vật lý trị liệu, matxa, châm cứu và/hoặc kết hợp điều trị nội khoa thì thường chức năng thần kinh sẽ trở lại sau vài tháng đến 2 năm. Trường hợp để quá lâu mới can thiệp, tức là khi quá trình thoái hóa đã xảy ra gây liệt vĩnh viễn thì chỉ có thể giảm nhẹ bằng các biện pháp như tiêm botox hoặc nâng chân mày.
Các biện pháp can thiệp khi phát hiện tổn thương nhánh trán thần kinh mặt
Nhánh trán là dây thần kinh vận động thường xuyên bị tổn thương nhất trong các quy trình phẫu thuật vùng mặt. Cụ thể, theo một báo cáo có khoảng 0,8% trong số 12000 trường hợp căng da mặt gặp phải tình trạng này. Tuy nhiên hầu hết các trường hợp đều là tạm thời. Tổn thương vĩnh viễn được ghi nhận khoảng 0,1% trong nghiên cứu này.
Tổn thương nhánh trán thần kinh mặt có thể khỏi sau 18 đến 24 tháng sau khi khởi phát, nhưng hậu quả là lông mày có thể không đối xứng. Trong những trường hợp này có thể cân nhắc dùng Botox hoặc Dysport ở bên cơ trán không bị ảnh hưởng để tạm thời giúp hai bên lông mày cân đối nhau. Nếu liệt trán vĩnh viễn thì phương pháp điều trị sẽ được quyết định bởi mức độ biến dạng. Nếu chân mày chỉ bất đối xứng nhẹ thì tốt nhất nên can thiệp bằng các tác nhân gây tê liệt cơ nói trên (botox hoặc dysport hoặc xeomin), còn nếu bất đối xứng nặng thì có thể cần thực hiện phẫu thuật nâng chân mày ở bên bị ảnh hưởng.
Trong trường hợp dây thần kinh chỉ bị tổn thương, chèn ép, liệt một phần… thì sau khi điều trị loại bỏ yếu tố gây chèn ép (ví dụ như vật liệu độn) bệnh nhân có thể thực hiện các biện pháp hỗ trợ phục hồi như:
Sử dụng thực phẩm, thảo mộc và chất bổ sung
Tích cực sử dụng các thực phẩm chống oxy hóa sẽ giúp làm tăng lưu thông trên khắp cơ thể. Uống nhiều nước để tăng lưu thông tổng thể, tránh xa tất cả các loại đồ uống làm mất nước như cà phê, rượu, bia… Bổ sung vitamin B12. Đây là loại vitamin rất quan trọng trong việc hình thành các tế bào trong cơ thể, đặc biệt là tế bào hồng cầu và Myelin - một chất giàu lipid bao quanh sợi trục của một số tế bào thần kinh. Cơ thể cần myelin để chữa lành các dây thần kinh cũng như khôi phục chức năng của chúng.
Vật lý trị liệu thần kinh mặt
Có 3 hình thức vật lý trị liệu bao gồm: Tập luyện cơ, liệu pháp matxa, xoa bóp, và xung điện liệu pháp – thực hiện kích thích dây thần kinh và cơ bằng dòng điện qua da. Nên đến gặp bác sĩ và tập vật lý trị liệu càng sớm càng tốt sau khi dây thần kinh bị tổn thương.
Châm cứu
Châm cứu giúp kích thích máu lưu thông trở lại các dây thần kinh khác nhau trên mặt để thúc đẩy vận động. Để có hiệu quả tối đa, nên bắt đầu điều trị trong vòng vài tháng sau khi bị tổn thương. Điều trị mỗi lần một tuần sẽ giúp thúc đẩy lưu lượng máu trở lại vùng mặt giúp lấy lại kiểm soát cơ từng chút một.
Trong trường hợp dây thần kinh bị liệt hoàn toàn do bị cắt đứt trong quá trình phẫu thuật thì nên được khắc phục ngay bằng cách phẫu thuật nối dây thần kinh. Trong trường hợp này các nhánh bị đứt sẽ được nối lại với nhau, sau một thời gian tiến hành tập vật lý trị liệu, là cơ trán sẽ dần hồi phục chức năng sau vài tháng đến lâu là 1, 2 năm.
Nếu không thể nối các đầu dây thần kinh vì quá căng thì có thể bác sĩ có thể thực hiện ghép dây thần kinh, mảnh ghép có thể là vật liệu nhân tạo hoặc lấy từ dây thần kinh tai lớn vì có đường kính tương đương với dây thần kinh mặt – nhưng trường hợp phải nối là rất hiếm, chủ yếu chỉ trong các ca phẫu thuật cắt bỏ khối u, ví dụ u ác tính mang tai hoặc sau khi bị chấn thương nặng.
Thời gian tốt nhất để thực hiện kỹ thuật nối/ghép dây thần kinh là trong vòng vài ngày - 1 tháng sau khi đứt, vì quá trình thoái hóa vẫn chưa xảy ra.