Lòi sụn có thể nói là một trong những biến chứng nặng nề nhất sau phẫu thuật thẩm mỹ nâng mũi.
Đây là giai đoạn muộn của tình trạng da mũi bị bào mỏng, bóng đỏ với những biểu hiện rất rõ ràng khi nhìn vào người bệnh: đó là có thể dễ dàng nhận thấy vật liệu độn bị lộ ra ở đầu mũi, gốc mũi, hoặc trụ mũi và khi lắc sống mũi thì sẽ thấy sụn lung lay, lúc lắc qua lại.
Ở những trường hợp sụn chưa đùn lộ hẳn ra ngoài thì có thể có các biểu hiện như cảm giác khó chịu, kích ứng và căng chặt ở mũi khi sụn ăn vào niêm mạc mũi gây bào mỏng hoặc bóng đỏ da mũi, hoặc thậm chí là kéo dài phần đầu mũi. Nhiều trường hợp còn bị viêm, da đỏ, sưng, chảy mủ hoặc tắc nghẽn mũi.
Lòi sụn mũi có thể xảy ra sớm sau phẫu thuật nâng mũi hoặc muộn sau nhiều năm và nhìn chung chủ yếu gặp phải ở sụn nhân tạo vì nguy cơ nhiễm trùng, đào thải và kích ứng cao hơn với loại vật liệu này.
Nguyên nhân gây lòi sụn mũi sau nâng mũi
Tỉ lệ lòi sụn mũi được báo cáo khác nhau do những khác biệt về kỹ thuật phẫu thuật, hình dạng miếng độn và kinh nghiệm của mỗi bác sĩ thực hiện.
Nguyên nhân gây ra tình trạng này có thể là do sử dụng vật liệu độn quá dày và dài, hoặc chất liệu sụn quá cứng, dẫn đến vùng da mũi bị kéo căng quá mức, nhất là khi dùng miếng độn silicone hình chữ L với đoạn trụ mũi dài thì nguy cơ gây tổn thương da và lòi sụn càng cao ở phần đầu mũi. Một miếng độn quá dài theo thời gian có thể làm bào mỏng lớp da vùng đầu mũi hoặc gốc mũi, cuối cùng dẫn đến đùn lòi sụn ra. Miếng độn này cũng có thể đùn vào khoang mũi qua lớp màng nhày.
Bên cạnh đó nếu đặt sụn nâng mũi quá cao ở những trường hợp có đặc điểm da mũi mỏng thì cũng có nguy cơ gây bào mòng da, dần dần dẫn đến lòi sụn. Cuối cùng, viêm mạn tính và nhiễm trùng cũng là những nguyên nhân phổ biến khác gây ra tình trạng này.
Tuy nhiên lòi sụn là một biến chứng hoàn toàn có thể tránh được bằng cách sử dụng miếng độn có kích cỡ phù hợp, ghép chóp mũi bằng sụn tự thân và ngăn ngừa nhiễm trùng.
Cách khắc phục biến chứng lòi sụn mũi
Xử lý biến chứng lòi sụn là một quy trình rất phức tạp và tốn nhiều thời gian. Bệnh nhân khi gặp phải vấn đề này sẽ phải chịu đựng tình trạng viêm nhiễm cũng như ảnh hưởng nặng nề về mặt thẩm mỹ đòi hỏi phải rút sụn ra luôn, nhưng không phải cứ rút sụn ra là có thể tái tạo mũi đẹp lại luôn mà sẽ phải tiếp tục chịu đựng một khoảng thời gian mũi không có sụn nâng để điều trị viêm nhiễm và tái tạo mô da. Và việc nâng mũi lại một thời gian sau đó cũng là một quy trình khó khăn đòi hỏi khả năng phán đoán cũng như trình độ chuyên môn cao. Do đó, khi gặp phải vấn đề này, bệnh nhân cần đến gặp bác sĩ uy tín, chuyên về khắc phục biến chứng sau nâng mũi để đảm bảo lấy lại được chiếc mũi như ý.
Trong trường hợp bệnh nhân thấy có dấu hiệu đùn sụn, hoặc sụn đã bị lòi hẳn ra ngoài rồi thì cần ngay lập tức trở lại nơi trước đó đã nâng mũi hoặc đến các cơ sở y tế. Bệnh nhân thường sẽ cần phẫu thuật lại để lấy sụn và giải phóng bao xơ xung quanh ra ngay, đồng thời khâu vết lủng lại (vết rách da chỗ sụn bị lòi ra). Sau đó bệnh nhân sẽ được cho dùng kháng sinh để xử lý tình trạng viêm nhiễm.
Vấn đề nan giải tiếp theo là: phải làm gì với phần khiếm khuyến mô sau khi loại bỏ sụn nâng mũi và làm sao để xác định chính xác thời điểm tái tạo lại mũi thích hợp, nên tái tạo mũi luôn hay chờ?
Với những vấn đề này, bệnh nhân sẽ có 2 lựa chọn:
Lựa chọn thứ nhất: Đây chính là phương pháp truyền thống trong xử lý biến chứng lòi sụn mũi. Sau khi loại bỏ sụn nâng mũi và khâu vết lủng vào, bệnh nhân sẽ được điều trị bằng kháng sinh để giải quyết triệt để tình trạng viêm nhiễm. Sau đó chờ thêm khoảng 2 tháng rồi dùng mỡ tự thâm tiêm vào làm dày da mũi trở lại, nhất là vị trí bị lòi sụn, mất nhiều mô da. Với những trường hợp nặng, có khi bệnh nhân cần tiêm mỡ từ 2-3 lần mới có thể làm da mũi bình thường trở lại, và sau đó sẽ dùng phương pháp nâng mũi bằng sụn tự thân để tạo hình lại dáng mũi. Như vậy, tổng thời gian để khắc phục tình trạng này có thể mất từ 6 đến 8 tháng.
Lựa chọn thứ 2: lựa chọn này thường áp dụng cho những trường hợp mới chỉ có dấu hiệu lòi sụn chứ sụn chưa bị lòi hẳn ra ngoài, nhìn chung là những trường hợp nhẹ hơn. Khi bệnh nhân phát hiện dấu hiệu hoặc nguy cơ lòi sụn, thì sẽ được điều trị với kháng sinh trong tối thiểu 2 tuần trước khi loại bỏ sụn nâng mũi. Sau đó tại thời điểm loại bỏ sụn nâng mũi, sụn cũ sẽ được thay thế luôn bằng sụn tự thân để lấp đầy khiếm khuyết mô sau khi loại bỏ sụn cũ. Vết lủng trên da ở vị trí đùn sụn cũng sẽ được khâu lại. Tùy từng trường hợp mà bác sĩ sẽ xem xét có cần đặt thêm các miếng ghép, hoặc ghép thêm da hoặc mô nhân tạo hay không.
Ưu điểm lớn nhất của lựa chọn thứ 2 này là bệnh nhân sẽ không phải chịu đựng một khoảng thời gian mũi bị thấp, tẹt do chưa được thay thế sụn mới luôn. Ngoài ra theo các bác sĩ, việc tái tạo lại mũi luôn như này cũng khắc phục được tình trạng da mũi và hệ thống cân cơ nông dưới da vùng mũi bị co lại trong khoảng thời gian chờ đợi trước khi tái tạo lại (như trong lựa chọn thứ 1). Việc co lại đáng kể sau một thời gian chờ như thế sẽ khiến bác sĩ khó tạo ra một khoang chứa đầy đủ trong quy trình tái tạo mũi sau đó. Chính vì thế nên ở lựa chọn 1 bệnh nhân sẽ phải trải qua nhiều lần cấy mỡ và chờ đợi lâu.
Như vậy, nhìn chung biến chứng lòi sụn thực sự là một vấn đề nghiêm trọng sau nâng mũi và rất khó khắc phục do liên quan đến nhiều yếu tố như viêm nhiễm và thiếu hụt mô da. Do đó, ngay từ đầu khi lựa chọn bác sĩ và địa điểm nâng mũi, bệnh nhân nên tìm hiểu và cân nhắc thật kỹ lưỡng.