Tụ máu là máu đọng ngoài mạch do tác động của phẫu thuật, cần báo cho bác sĩ để được điều trị kịp thời, tránh hậu quả đáng tiếc
Theo các tài liệu ghi chép, tụ máu (hematoma) được coi là biến chứng phổ biến nhất sau phẫu thuật trẻ hóa da mặt, thường phát sinh trong vòng 24 giờ đầu tiên sau phẫu thuật. Tỷ lệ bạn có thể bị tụ máu lên đến 15% tổng số ca. Tụ máu, ở trường hợp nhẹ, không nguy hiểm và sẽ tự khỏi, nhưng nếu có ổ tụ máu lớn, bệnh nhân cần tới gặp bác sĩ để được can thiệp y tế.
Tụ máu là gì?
Tụ máu là thuật ngữ dùng để chỉ hiện tượng mạch máu lớn bị tổn thương khiến cho máu tràn ra ngoài mạch, tới các mô xung quanh. Tụ máu khác với bầm tím, bầm tím là khi các mao mạch (mạch máu nhỏ li ti) bị tổn thương làm xuất huyết dưới da, dẫn đến các mảng màu xanh, đỏ, tím, vàng... trên da. Còn tụ máu là khi các mạch máu lớn hơn bị tổn thương và máu tràn ra ngoài mạch, tích tụ lại ở một vùng nào đó trên cơ thể.
Các khối máu tụ có thể nhỏ hoặc lớn, lan rộng nhanh chóng. Tụ máu nguy hiểm nhất xảy ra do chảy máu động mạch và nên được cấp cứu.
Biểu hiện của tụ máu
Các ổ tụ máu sau căng da mặt có thể xuất hiện với các triệu chứng như:
- Đau đột ngột một bên hoặc thậm chí cả hai bên mặt
- Sưng
- Vùng phẫu thuật bị căng tức
- Bầm tím
- Hàm bị cứng (trimus).
Các dấu hiệu muộn của tụ máu bao gồm sưng và đổi màu môi và niêm mạc má. Hầu hết các khối máu tụ lớn xuất hiện trong vòng 10 đến 12 giờ sau phẫu thuật, gần như luôn xuất hiện trong vòng 24 giờ đầu tiên sau khi làm phẫu thuật; tuy nhiên vẫn có những trường hợp ngoại lệ, ổ máu tụ xuất hiện 5 ngày sau phẫu thuật.
Khi nào nên đi gặp bác sĩ
Ổ tụ máu có nhiều kích thước khác nhau, từ khối tụ máu lớn gây nguy hiểm tới sự sống sót của vạt da cho đến ổ tụ máu nhỏ, chỉ phát hiện được sau khi tình trạng sưng nề giảm bớt. Về căn bản, bạn nên đến gặp bác sĩ hoặc thông báo cho bác sĩ biết ngay khi nghi ngờ mình bị tụ máu hoặc bạn nhận ra những biểu hiện khác thường trên mặt, ví dụ như bị đau, nóng, sưng viêm...
Các ổ tụ máu lớn, không ngừng lan rộng, gây đau, sưng và bầm tím, cần được xử lý ngay lập tức; bởi vì hầu hết bệnh nhân chỉ cảm thấy mức độ khó chịu rất thấp sau phẫu thuật căng da mặt, nên bất kỳ sự khó chịu đột ngột nào cũng là dấu hiệu đáng chú ý.
Rủi ro đến từ tụ máu
Áp lực từ các khối máu tụ lên vạt da nằm bên trên có thể dẫn đến những tác động xấu đáng kể, bao gồm:
- làm giảm tưới máu động mạch, gây tắc nghẽn tĩnh mạch, tăng sưng viêm dẫn đến việc da hồi phục không phẳng mượt.
- làm chậm quá trình phục hồi sau phẫu thuật
- có thể dẫn đến hoại tử vạt da
- nếu đủ lớn, một khối máu tụ lan rộng có thể dẫn đến khó thở kèm theo đường thở bị bịt kín và tử vong.
Cách xử lý tụ máu sau căng da mặt
Điều quan trọng nhất khi bạn nghi ngờ mình bị tụ máu là liên lạc với bác sĩ, tuyệt đối không tự chữa ở nhà. Khi bác sĩ tiếp nhận tình trạng của bạn và dựa vào chuyên môn đã xác định được bạn bị tụ máu, bác sĩ có thể chọn các cách điều trị thích hợp tùy vào độ lớn của ổ máu tụ. Các ổ tụ máu nhỏ sẽ được cơ thể hấp thụ mà không cần can thiệp, nhưng bác sĩ có thể cho bạn đeo băng ép để đẩy nhanh quá trình này. Với các ổ máu tụ vừa và lớn hơn, biện pháp phổ biến nhất là dùng kim tiêm rút máu ra ngoài và kết hợp băng ép để làm xẹp khoang tụ máu. Việc này có thể cần thực hiện nhiều hơn một lần, cho tới khi ổ tụ máu đủ nhỏ để cơ thể có thể tự giải quyết. Biện pháp này cần được thực hiện ở môi trường đảm bảo vô trùng và tuyệt đối không thích hợp để bệnh nhân tự điều trị ở nhà. Ngoài ra nếu cần thiết, bác sĩ có thể chọn phẫu thuật hút ổ máu tụ và khâu kín khoảng trống để tránh máu tích tụ lần nữa.
Các yếu tố tăng nguy cơ bị tụ máu
Nhiều nghiên cứu đã báo cáo về những yếu tố có thể góp phần gia tăng nguy cơ gây tụ máu sau phẫu thuật căng da mặt. Một số yếu tố liên quan đến tăng nguy cơ tụ máu là:
- có tiền sử gia đình bị chảy máu tạng hoặc được chuẩn đoán có tình trạng này
- sử dụng thuốc chống đông máu
- tiền sử tăng huyết áp
- tăng huyết áp quanh thời điểm phẫu thuật
- giới tính nam: Nam giới có tỷ lệ hình thành tụ máu cao hơn, gần gấp đôi so với nữ; nguyên nhân là do sự khác biệt về giải phẫu da. Quan trọng nhất là lớp hạ bì dày hơn, cộng thêm việc có nhiều mạch máu hơn để tăng cường cung cấp máu cho râu và các tuyến bã nhờn trên da nam giới.
- ho, nôn mạnh sau phẫu thuật: hành động nôn, ho sau phẫu thuật có thể làm tăng huyết áp, dẫn đến tăng nguy cơ bị tụ máu
Giảm thiểu nguy cơ tụ máu
Hãy trao đổi với bác sĩ của bạn để biết cụ thể những gì bạn cần làm trước và sau phẫu thuật. Việc đeo băng ép liên tục sau phẫu thuật, trong khoảng thời gian mà bác sĩ quy định, sẽ giúp giảm hình thành tụ máu. Đồng thời, quanh thời gian phẫu thuật, bạn nên tránh sử dụng các loại thuốc có thể làm tăng huyết áp, chống đông máu... Hãy cùng bác sĩ liên tục theo dõi tình trạng của bản thân, đặc biệt trong 24-48 giờ sau phẫu thuật, để phát hiện những biểu hiện bất thường một cách sớm nhất.