Tổ chức Y tế thế giới WHO đã chỉ ra 5 nhóm bệnh không lây nhiễm phổ biến trên thế giới bao gồm: Tim mạch, ung thư, bệnh phổi mạn tính, đái tháo đường và bệnh tâm thần. Tại Việt Nam, cứ 10 người tử vong (vì bệnh tật) thì có 7 trường hợp chết do bệnh không lây nhiễm. Mà một trong những nguyên nhân lớn gây nên thực trạng này là do người Việt vẫn chưa tạo được thói quen đi khám sức khỏe tổng quát định kỳ. Xem ngay bài viết dưới đây để biết thêm những thông tin về khám sức khỏe định kỳ bạn nhé.
1. Khám sức khỏe tổng quát – Hiểu thế nào cho đúng?
Tại Việt Nam vẫn có nhiều người mơ hồ về khám sức khỏe tổng quát. Thực chất, đây là hình thức thăm khám định kỳ hàng năm để đánh giá tình trạng sức khỏe tổng thể của một cá nhân. Bằng cách này, người tham gia thăm khám sẽ phát hiện được toàn bộ những vấn đề bất thường hoặc các nguy cơ sức khỏe mà mình phải đối mặt.
Khám sức khỏe tổng quát cơ bản sẽ bao gồm một số danh mục khám như đo thể lực, đo huyết áp, xét nghiệm máu, nước tiểu, chẩn đoán hình ảnh và thăm dò chức năng. Sau khi có kết quả thăm khám, bác sĩ sẽ đánh giá tình trạng của người bệnh xem có vấn đề gì không. Trong trường hợp có bệnh, bác sĩ sẽ tư vấn cho họ phương pháp điều trị hợp lý và tối ưu nhất.
Khi thăm khám sức khỏe tổng quát, các bác sĩ và nhân viên y tế sẽ dựa vào yếu tố như độ tuổi, giới tính để tư vấn gói khám phù hợp với từng đối tượng. Mỗi một gói khám sẽ được thiết kế riêng các danh mục khám phù hợp với thể trạng cũng như lứa tuổi của người thăm khám nhằm đem đến hiệu quả cao nhất.
2. Lý giải tại sao nên khám sức khỏe tổng quát?
Cuộc sống ngày càng phát triển, xã hội hiện đại khiến cho nhịp sống của chúng ta nhanh hơn. Bởi vậy, đôi lúc chúng ta vô tình hình thành nên những thói quen thiếu lành mạnh như: Làm việc quá sức, thức khuya và thường xuyên ăn uống không khoa học. Những thói quen này về lâu dài sẽ góp phần khiến cơ thể rơi vào nguy cơ bệnh tật như đột ngụy, tim mạch, xương khớp và hàng loạt các bệnh ung thư.
Nếu theo dõi báo chí thường xuyên chúng ta sẽ không quá lạ lẫm với các tin tức như “nữ nhân viên A vừa nhập viện vì đột quỵ” “hoa khôi B bất ngờ mắc ung thư khi mới bước vào tuổi 20”,… Đây được coi là một thực trạng đáng sợ mà không ai mong muốn. Đó cũng là lý do chính đáng để chúng ta nhìn nhận lại và quan tâm đến sức khỏe của mình nhiều hơn, bởi lẽ sức khỏe chính là tài sản quý giá nhất của mỗi người.
Các chuyên gia cũng đưa ra khuyến cáo mỗi năm nên đi khám sức khỏe định kỳ từ 1 đến 2 lần nhằm:
- Phát hiện sớm các bệnh lý và các vấn đề bất thường trong cơ thể
- Tránh được những biến chứng nguy hiểm
- Tiết kiệm thời gian và chi phí
- Nâng cao chất lượng cuộc sống.
3. Quy trình đi khám sức khỏe tổng quát
3.1 Danh mục thăm khám sức khỏe tổng quát
Nhiều người vẫn thắc mắc khám sức khỏe tổng quát là khám những gì? Nhìn chung, quy trình thăm khám sức khỏe tổng quát sẽ được tiến hành theo các danh mục sau:
Bước 1: Khám lâm sàng tổng quát
Đây là bước khá quan trọng và gần như không thể bỏ qua. Hoạt động này bao gồm đo cân nặng chiều cao, đo huyết áp và thăm khám tai – mũi – họng, răng – hàm – mặt,… Thông qua khám sức khỏe tổng quát, các bác sĩ cũng kiểm tra được đầy đủ và toàn diện nhất các hệ cơ quan trong cơ thể từ hô hấp cho đến hệ tiêu hóa, tuần hoàn, xương khớp,…
Bước 2: Thực hiện các xét nghiệm bao gồm xét nghiệm máu, nước tiểu
Xét nghiệm máu giúp đánh giá xem người thăm khám có bị thiếu máu hay không, cơ thể có đang trong tình trạng nhiễm trùng hay không, chức năng đông máu có hoạt động bình thường không. Còn xét nghiệm tổng phân tích nước tiểu xác định xem có mắc các bệnh về tiết niệu hay các bệnh lý về thận.
Bước 3: Thực hiện một số chẩn đoán hình ảnh
Hiện nay có một số chẩn đoán hình ảnh được thực hiện như siêu âm, chụp X-Quang. Trong đó, chụp phim X-Quang tim phổi để phát hiện sớm các tổn thương ở vùng phổi, tim, lồng ngực,… Ngoài ra, tùy thuộc vào từng tình trạng của mỗi người mà bác sĩ chỉ định chụp X-Quang các vị trí bộ phận khác trên cơ thể. Còn siêu âm ổ bụng là kỹ thuật để đánh giá tổn thương ở cơ quan ổ bụng giống như: gan, tụy, mật, lách, bàng quang hay buồng trứng,….
Bước 4: Đọc kết quả cuối cùng với bác sĩ
Bên cạnh đó, còn một vài các kỹ thuật khác được thực hiện như siêu âm tuyến giáp, siêu âm vú, đo mật độ loãng xương, điện tim, xét nghiệm viêm gan B hoặc C, xét nghiệm các nội tiết tố,… Việc khám thêm này sẽ tùy thuộc vào từng trường hợp mà bác sĩ chỉ định các danh mục cụ thể.
3.2 Những giấy tờ cần mang theo khi đi khám sức khỏe tổng quát
Khi thăm khám sức khỏe tổng quát thì bạn cần mang theo một số giấy tờ bao gồm:
- Đối với người đủ 18 tuổi trở lên: Giấy khám sức khỏe theo mẫu quy định tại phụ lục 1 theo Thông tư 14/2013/TT-BYT, dán kèm ảnh chân dung 4×6 cm và chụp trên phông nền trắng trong thời gian không quá 6 tháng.
- Đối với người dưới 18 tuổi: Giấy khám sức khỏe được quy định theo mẫu thuộc phụ lục 2 – Thông tư 14/2013/TT-BYT, dán ảnh chân dung chụp trên phông trắng với thời hạn không quá 6 tháng.
- Đối với trường hợp thăm khám theo cơ quan tổ chức thì cần có sổ khám bệnh theo quy định (Phụ lục 3 – Thông tư 14/2013/TT-BYT). Bên cạnh đó còn cần thêm giấy giới thiệu của các cơ quan, tổ chức nơi bạn đang làm việc.
Ngoài ra, bạn cần phải chuẩn bị:
- Chứng minh thư nhân dân bản gốc
- Kết quả thăm khám trước đó
- Một số đơn thuốc đang sử dụng (nếu có)
3.3 Khi đi khám sức khỏe cần chú ý những gì?
Để quá trình thăm khám của mình diễn ra nhanh chóng, hiệu quả thì bạn cần phải thực hiện một số lưu ý sau đây:
- Không sử dụng rượu, bia hoặc thuốc lá ít nhất trước 24 giờ trước khi đi khám
- Nhịn ăn trong khoảng từ 6 – 8 tiếng để thực hiện một số xét nghiệm
- Trong trường hợp bị cận, hãy mang theo kính (không nên đeo kính áp tròng) để thăm khám thị lực được tốt nhất
- Mặc đồ thoải mái và dễ vận động, tránh mặc váy liền hoặc đồ bó sát
- Nếu thực hiện siêu âm hãy uống nhiều nước và nhịn tiểu
- Phụ nữ có thai không chụp X-Quang
- Lựa chọn cơ sở thăm khám có đặt lịch trước để quá trình thăm khám được diễn ra nhanh hơn
- Trao đổi với nhân viên y tế, bác sĩ để lựa chọn gói khám sức khỏe tổng quát phù hợp với thể lực và độ tuổi của mình
Như vậy, khám sức khỏe tổng quát định kỳ là việc làm vô cùng quan trọng. Bạn hãy sớm hình thành cho mình và gia đình thói quen thăm khám này. Đặc biệt, lựa chọn cơ sở uy tín để đảm bảo kết quả chuẩn xác nhất nhé.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.