Cụ thể, đối với nguồn vốn hỗ trợ doanh nghiệp, Bộ Xây dựng đã 3 lần công bố danh mục các dự án đủ điều kiện được vay trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Xây dựng và gửi Ngân hàng Nhà nước với số lượng 24 dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, cải tạo chung cư cũ đủ điều kiện, với quy mô 20.188 căn hộ, tổng mức đầu tư 19.014 tỷ đồng và nhu cầu vay vốn theo đề xuất của các địa phương khoảng 7.516 tỷ đồng.
Nhưng theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước hiện nay chỉ có 01 chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội được vay vốn với số tiền là 125,84 tỷ đồng.
Đối với việc giải ngân nguồn vốn 15.000 tỷ đồng hỗ trợ cho khách hàng cá nhân vay để mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà công nhân, nhà ở của hộ gia đình, theo báo cáo của Ngân hàng Chính sách xã hội, đến nay dư nợ đạt 10.272 tỷ đồng với 26.268 khách hàng thuộc đối tượng vay để mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà công nhân, xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở.
"Như vậy, nguồn vốn tín dụng hỗ trợ cho vay khách hàng cá nhân thông qua Ngân hàng Chính sách theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ được giải ngân tương đối hiệu quả (10.272/15.000 tỷ đồng). Tuy nhiên nguồn vốn hỗ trợ chủ đầu tư dự án chưa thu hút được nhiều nhà đầu tư vay vốn do thời gian thực hiện chương trình chỉ trong 2 năm 2022, 2023 và lãi suất hỗ trợ thấp (2%/năm). Hiện nay nguồn vốn hỗ trợ theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ đã hết thời gian triển khai, thực hiện", báo cáo của Bộ Xây dựng nêu rõ.
Về nguồn vốn hỗ trợ 120.000 đồng, báo cáo cũng cho biết, hiện nay đã có đã có 27 địa phương công bố danh mục 63 dự án đủ điều kiện vay theo Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng với nhu cầu vay vốn hơn 27.966 tỷ đồng.
Tính đến thời điểm hiện tại, đã có 5 dự án nhà ở xã hội tại 5 địa phương được giải ngân với số vốn khoảng 416 tỷ đồng.
Cũng theo Bộ Xây dựng, trên địa bàn cả nước đã quy hoạch 1.249 khu đất với quy mô 8.390 ha làm nhà ở xã hội, như vậy so với báo cáo năm 2020 (3.359ha) thì diện tích đất phát triển nhà ở xã hội đến nay đã tăng thêm 5.031ha.
Đánh giá việc thực hiện nhà ở xã hội trong thời gian qua, Bộ Xây dựng đã chỉ ra một số hạn chế như: Cơ chế, chính sách phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân còn chưa đáp ứng nhu cầu thực tiễn, chưa được bổ sung, sửa đổi kịp thời trong giai đoạn đầu của Đề án, như: thiếu quỹ đất; nguồn vốn tín dụng từ ngân sách nhà nước còn hạn hẹp; trình tự thủ tục đầu tư xây dựng còn chưa đồng bộ, thời gian thực hiện kéo dài.
Nhiều địa phương chưa quan tâm phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, người lao động khu công nghiệp; chưa đưa các chỉ tiêu phát triển nhà ở, đặc biệt là chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và hàng năm.
Chưa xác định rõ quỹ đất cho phát triển nhà ở xã hội trong quy hoạch đô thị, khu công nghiệp. Ngoài quỹ đất 20% nhà ở xã hội trong các dự án nhà ở thương mại, hầu hết các địa phương chưa quan tâm đến việc quy hoạch bố trí quỹ đất làm dự án nhà ở xã hội độc lập.
Châu Anh