4 vị trí rạch mổ trong nâng ngực bằng túi độn. Mỗi vị trí đều có điểm cộng, điểm trừ riêng. Cùng tìm hiểu trong bài viết nhé.
Đường rạch nách (Transaxillary)
Đây là kỹ thuật tạo đường rạch bên trong nách để đặt túi độn ngực nên không để lại bất kỳ vết sẹo nào trên ngực. Đường rạch này có nhược điểm là bác sĩ không quan sát được quá trình bóc tách mô để tạo khoang chứa túi độn nên có thể dẫn đến chảy máu nhiều hơn xung quanh túi độn sau phẫu thuật. Do đó, khi đặt túi độn ngực qua đường rạch này thì sẽ cần sử dụng kỹ thuật nội soi. Camera ở ống nội soi sẽ cho phép bác sĩ quan sát được bên trong để có thể tạo khoang chứa túi độn chính xác hơn và có thể phát hiện, xử lý kịp thời hiện tượng chảy máu.
Đường rạch nách nhìn chung cho kết quả khá ổn nhưng độ chính xác của quá trình tạo khoang chứa túi độn không được cao như các đường rạch khác, điều này gây khó khăn cho việc chỉnh sửa vấn đề ngực không đối xứng, đặc biệt là khi nếp gấp chân ngực ở hai bên không cân nhau. Ngoài ra, thời gian phục hồi cũng dài hơn do chủ yếu phải bóc tách bằng dụng cụ đầu tù.
Khi sử dụng túi nước muối (vỏ túi được đưa vào trước và sau đó mới bơm nước muối) thì chỉ cần tạo đường rạch khoảng 2.5cm còn nếu là túi gel silicone thì sẽ cần rạch đường dài hơn nên vết sẹo sau này sẽ không nằm hoàn toàn bên trong nách. Ngoài ra, với đường rạch này thì cũng khó mà tháo túi độn hơn trong những trường hợp phải phẫu lại để giải quyết những vấn đề phát sinh. Do đó, nhiều bác sĩ không hay sử dụng đường rạch này, đặc biệt là khi cần nâng ngực bằng túi gel silicone.
Đường rạch nách cũng không phù hợp khi cần sử dụng kỹ thuật Dual plane II hoặc III trong những trường hợp ngực bị chảy xệ vì với những khách hàng như vậy thì bác sĩ sẽ phải thao tác từ dưới lên trên.
Đường rạch quanh quầng vú (Periareolar)
Đây là kỹ thuật tạo một đường rạch hình bán nguyệt quanh quầng vú, thường là ở nửa dưới. Với đường rạch này thì có thể tạo khoảng chứa túi độn với kỹ thuật Dual plane II hoặc III.
Ưu điểm chính của đường rạch này là vết sẹo sẽ nằm ở vùng da tối màu của quầng vú nên không bị lộ nhưng điều này còn phụ thuộc vào khả năng lành vết thương của mỗi người. Nếu không may bị hình thành sẹo lồi thì vết sẹo sẽ lại nằm ở vị trí dễ nhìn thấy nhất của bầu ngực.
Một nhược điểm khác cần cân nhắc là nguy cơ co thắt bao xơ cao gấp 8 – 10 lần so với các vị trí đường rạch khác. Vì trong các ống dẫn sữa ở núm vú có rất nhiều vi khuẩn nên chúng có thể bám vào túi độn trong quá trình đưa vào hoặc trong khi tạo khoang chứa. Điều này sẽ dẫn đến biến chứng co thắt bao xơ và cần phải phẫu thuật lần hai để xử lý.
Đường rạch ở nếp gấp chân ngực (Inframammary)
Đây là đường rạch được sử dụng phổ biến nhất trong nâng ngực bằng túi độn. Đường rạch ở vị trí này cho phép tiếp cận trực tiếp đến bờ dưới của cơ ngực để có thể nâng lên và đặt túi độn vào dưới cơ. Đường rạch này còn cho phép bác sĩ quan sát được toàn bộ khoang chứa túi độn để thực hiện bóc tách mô một cách chính xác nhất. Ngoài ra, ngay trước khi đóng đường rạch mổ, bác sĩ còn có thể kiểm tra được cạnh dưới của mỗi túi độn để đảm bảo chúng nằm ở vị trí ngang nhau và cho kết quả cân đối.
Nếu muốn đặt túi độn ở vị trí Dual plane II hoặc III thì đường rạch ở nếp gấp chân ngực cũng là lựa chọn phù hợp nhất vì cho phép quan sát toàn bộ vùng cần phẫu thuật bên trong.
Một ưu điểm khác là khi sử dụng đường rạch này là có thể dán băng dính phẫu thuật lên trên núm vú để ngăn chặn vi khuẩn bám vào túi độn và dẫn đến nguy cơ co thắt bao xơ.
Do có thể tạo khoang chứa túi độn chính xác nên đường rạch ở nếp gấp chân ngực có thời gian hồi phục nhanh chóng và cũng dễ dàng tháo bỏ, thay thế túi độn khi cần thiết. Một số người cho rằng đường rạch này sẽ để lại vết sẹo bên trên nếp gấp chân ngực sau phẫu thuật. Nhiều bác sĩ thậm chí còn cố tình tạo đường rạch cao hơn một chút so với nếp gấp chân ngực tự nhiên ban đầu để khi khách hàng mặc áo bơi và giơ tay lên thì vết sẹo sẽ không bị lộ ra ngoài mép dưới của áo bơi nhưng tuyệt đối không nên làm như vậy.
Nếu muốn không lộ sẹo thì phải tạo đường rạch ở vị trí chính xác sao cho vết sẹo sẽ nằm gọn bên trong nếp gấp chân ngực mới. Để làm được điều này thì sẽ cần tạo đường rạch thấp hơn so với nếp gấp chân ngực ban đầu, đặc biệt là trong những trường hợp có ngực nhỏ gọn và không chảy xệ. Ở những khách hàng này, vết sẹo bắt buộc phải nằm ở trong nếp gấp chân ngực vì bầu ngực không có đủ độ xệ tự nhiên để che đi vết sẹo. Nếu thực hiện chính xác thì sẽ không khó để vết sẹo nằm trong nếp gấp chân ngực mới sau phẫu thuật. Khi nằm ở vị trí này thì vết khâu cũng ít phải chịu lực căng hơn và vì vậy vết sẹo sẽ không bị kéo rộng.
Đường rạch ở rốn (Transumbilical)
Nhiều bác sĩ không sử dụng đường rạch rốn để đặt túi độn ngực. Với kỹ thuật này thì sẽ cần rạch một đường nhỏ xung quanh phần trên của rốn và đưa một quả bóng vào bên trong. Trong một số trường hợp, khoang chứa túi độn có thể được tạo dưới cơ nhưng đa phần là ở bên trên cơ. Sau khi đưa vào, quả bóng được thổi phồng lên và làm các lớp cơ tách ra khỏi nhau. Kỹ thuật bóc tách này hiện hầu như không còn được sử dụng vì gây đau đớn, chảy máu và thời gian hồi phục dài. Ngoài ra, với những trường hợp ngực chảy xệ cần đặt túi độn ngực với kỹ thuật Dual plane thì đường rạch ở rốn không phải là một lựa chọn phù hợp.
Medically reviewed by: Bác sĩ Tâm