Các kỹ thuật xóa rãnh mũi má

4 năm trước 27

Rãnh mũi má là gì?

Rãnh mũi má hay còn gọi là rãnh cười, nằm giữa môi trên và hai bên má, chạy dọc từ hai bên mũi xuống hai bên khóe miệng. Khi chúng ta còn trẻ những nếp gấp này thường căng mịn không rõ ràng, và chỉ xuất hiện khi cười, đây cũng là lý do chúng còn được gọi là đường cười. Nhưng khi chúng ta bắt đầu có tuổi, nếp gấp càng trở nên hằn sâu và rõ hơn ngay cả khi khuôn mặt đang ở trạng thái tĩnh, không cười. Sự xuất hiện của rãnh mũi má khiến cho khuôn mặt trở nên già nua, kém tươi tắn, làm mất đi vẻ tự tin, tươi trẻ của chúng ta. Vậy nguyên nhẫn dẫn đến xuất hiện rãnh mũi má là gì?

Nguyên nhân xuất hiện rãnh mũi má

Có rất nhiều nguyên nhân, từ nguyên nhân nội tại đến ngoại lai, tất cả đều góp phần khiến rãnh mũi má ngày càng hằn sâu trên khuôn mặt chúng ta. Thứ nhất là nguyên nhân nội tại, do yếu tố tự thân, do quá trình lão hóa tự nhiên. Đường cười có thể nói là một phần tự nhiên của quá trình lão hóa, giống như tất cả các nếp nhăn khác trên khuôn mặt. Khi chúng ta già đi, khả năng sản xuất collagen của làn da sẽ ngày càng kém đi, đây chính là loại protein giữ cho da luôn căng mịn, săn chắc, đàn hồi, khiến da có thể trở lại trạng thái ban đầu sau khi bị kéo căng. Do thiếu đi lượng protein này và do teo ngót mỡ dưới da nên làn da sẽ trở nên chảy xệ, mỏng yếu hơn và nếp gấp rõ hơn. Bên cạnh đó, nếp nhăn cũng tương quan với hoạt động của cơ mặt. Được biết, vùng da quanh mũi má chịu 30.000 lần co bóp mỗi ngày. Việc các khối cơ quanh mũi và má hoạt động liên tục như vậy khi chúng ta biểu hiện cảm xúc như cười, khóc, cáu giận…càng khiến rãnh mũi má dễ xuất hiện và hằn sâu hơn.

Mặc dù việc teo ngót mỡ hay mất collagen và elastin khi chúng ta già đi là hoàn toàn tự nhiên và không thể tránh khỏi, nhưng cũng có một số yếu tố ngoại lai khác như tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, ô nhiễm môi trường, hút thuốc, uống rượu. ….. Những yếu tố này làm cho việc sản xuất các gốc tự do gia tăng, mà gốc tự do lại là kẻ thù nguy hiểm của tế bào da, có thể thay đổi cấu trúc phân tử và làm hỏng tế bào, góp phần nghiêm trọng vào sự lão hóa da, khiến da sạm màu, chảy xệ, và rãnh mũi má cũng như các nếp nhăn khác trên khuôn mặt lại càng hằn sâu hơn.

Các phương pháp xóa rãnh mũi má

Có khá nhiều phương pháp xóa rãnh mũi má, từ các can thiệp nhẹ nhàng cho tình trạng nếp gấp nhẹ, nông đến các biện pháp can thiệp tích cực, lâu dài cho các rãnh hằn sâu, lộ rõ. Mỗi phương pháp sẽ có những ưu và nhược điểm riêng, cũng như phù hợp với tình trạng và điều kiện của từng bệnh nhân.

Với những người không muốn can thiệp thực hiện các quy trình tác động kể cả xâm lấn và không xâm lấn thì có thể chọn các sản phẩm chăm sóc da để cải thiện vẻ ngoài rãnh mũi má, tuy nhiên phương pháp này chỉ phù hợp với trường hợp phòng ngừa và nếp gấp rất nông. Các thành phần chăm sóc da tốt nhất để làm đầy rãnh mũi má đó là các retinoids - một nhóm các hợp chất hóa học có dạng vitamin A, có khả năng điều chỉnh quá trình tái tạo tế bào cũng như tăng sinh collagen trong da, làm dày da, cải thiện độ săn chắc từ đó làm mờ đường cười. Ngoài ra các loại kem dưỡng ẩm hay serum chứa chất cấp ẩm như glycerin, butylene glycol, panthenol và axit hyaluronic cũng là những sản phẩm tuyệt vời giúp giảm nếp nhăn. Bên cạnh đó còn có các sản phẩm tẩy da chết, hay chống lão hóa khác chứa vitamin C, bakuchiol, hợp chất peptide… cũng là những sản phẩm tuyệt vời cho rãnh mũi má. Tuy nhiên, các sản phẩm chăm sóc da nói trên chỉ cải thiện được một phần rất nhỏ ở vẻ ngoài rãnh mũi má, với những nếp gấp sâu bệnh nhân nên tham khảo các phương pháp can thiệp dưới đây để thấy được hiệu quả rõ rệt nhất

Tiêm làm đầy rãnh mũi má: filler; collagen; mỡ tự thân

Filler

Các loại filler làm từ axit Hyaluronic, hay canxi hydroxylapatite (Radiance)), hay axit poly-L-lactic (scupltra) là một lựa chọn tuyệt vời để làm đầy rãnh mũi má. Hiện tại có rất nhiều loại filler phù hợp với vùng rãnh mũi má, với những nếp gấp nông hơn thì có thể lựa chọn các loại filler mỏng hơn mịn hơn, như Juvederm Ultra, Restylane, trong khi đó với các rãnh mũi má sâu có thể lựa chọn những loại filler dày hơn như Perlane, Juvederm Ultra Plus, Elevess, Radiesse, scupltra…tồn tại lâu hơn và làm đầy hiệu quả hơn, nhưng phải tiêm sâu hơn trong da để tránh nổi nốt sần. Đôi khi có thể kết hợp tiêm cả hai loại filler dày và mỏng này xuống độ sâu khác nhau bên dưới da để đạt hiệu quả tối ưu. Một số loại filler tốt nhất cho rãnh mũi má đã được FDA chấp thuận bao gồm:

  • Juvederm Ultra và Ultra Plus: Juvederm Ultra được thiết kế dùng cho nếp gấp mũi má nông đến trung bình, trong khi đó Ultra Plus phù hợp với các nếp gấp sâu hơn. Cả hai đều chứa axit hyaluronic cho hiệu quả làm đầy và căng mịn ngay lập tức.
  • Restylane Refyne và Defyne: đây cũng là những filler axit hyaluronic, mỗi loại có kết cấu khác nhau cho phép xử lý các nếp nhăn có ở mức nông đến trung bình và từ trung bình đến sâu.
  • Sculptra: Sculptra chứa poly-L-lactic acid (PLLA) kích thích da sản xuất collagen và cho hiệu quả kéo dài lâu hơn so với các filler HA, thời gian duy trì có thể lên đến 2 -3 năm.
  • Raddiesse: chứa các phân tử calcium hydroxylapatite (CaHA)- một chất có trong xương. Nó được bào chế ở dạng gel, khi tiêm vào dưới da, cơ thể sẽ hấp thụ gel và chuyển hóa CaHA qua thời gian. Radiesse giữ được hiệu quả khoảng 1 năm, hoặc có thể lâu hơn vì nó kích thích cơ thể sản sinh Collagen

Cần bao nhiêu filler cho rãnh mũi má? Lượng filler cần thiết cho rãnh mũi má phụ thuộc vào độ sâu của nếp gấp. Thường thì tối thiểu mỗi bên nếp gấp sẽ cần 1 ml, tuy nhiên các rãnh sâu hơn có thể cần nhiều hơn. Tốt nhất là nên bắt đầu tiêm với một lượng nhỏ filler và chỉ tăng số lượng nếu vẫn chưa đạt được kết quả hài lòng.

Kỹ thuật tiêm:

tiềm filler 3 png

tiềm filler 4 png

Rãnh mũi má được coi là một trong những vị trí nguy hiểm nhất để tiêm làm đầy ở vùng mặt vì có động mạch mặt chảy thẳng từ xương hàm, qua khóe miệng và qua rãnh cười này. Nếu tiêm chất làm đầy da vào trúng động mạch này, hoặc các nhánh của nó thì thực sự sẽ gây vấn đề nghiêm trọng, có thể cản trở cung cấp máu mang oxy đến da hoặc thậm chí là cản trở cung cấp máu cho võng mạc mắt và có thể gây mù.

Để an toàn, thứ nhất khi tiêm cần dùng kim cannula đầu cùn/tù, như vậy sẽ có ít nguy cơ đâm vào động mạch. Thứ hai, cần tiêm cực kỳ chậm ở bất kỳ vị trí nào có khả năng tiêm vào động mạnh. Việc tiêm chậm như này để đề phòng trường hợp chẳng may tiêm vào động mạch thì bạn sẽ thấy đau và bác sĩ có thể ngừng ngay lập tức, ngoài ra với việc tiêm chậm bác sĩ có thể phát hiện ra ngay nếu thấy có bất kỳ vùng da trắng nào (vì giảm nguồn cung cấp máu) và có thể rút kim ra ngay lập tức trước khi chất làm đầy đi qua hệ thống động mạch và gây vấn đề nghiêm trọng. Thứ 3, tiêm thật chậm từng giọt, hoặc thành chuỗi giật lùi, đưa mũi kim dọc theo các nếp nhăn tới độ sâu mong muốn rồi vừa rút kim ra vừa từ từ tiêm thuốc.

Mỗi lần tiêm chỉ kéo dài vài phút, và toàn bộ quá trình tiêm mất khoảng 10- 15 phút. Sau khi tiêm bệnh nhân có thể bị đỏ da tại vị trí tiêm, u hạt (cục cứng dưới da), sưng bầm, thâm tím, tuy nhiên những tình trạng này chỉ là tạm thời và sẽ biến mất nhanh chóng.

Collagen

Một phương pháp phổ biến khác cũng được thực hiện để giảm các nếp gấp mũi má là tiêm collagen. Bạn có thể chọn loại collagen từ bò hoặc mô người, collagen từ người thường có tỉ lệ dị ứng thấp hơn nhiều so với từ bò. Có nhiều sản phẩm collagen bạn có thể lựa chọn bao gồm Zyderm, Zyplast, CosmoDerm và CosmoPlast. Với collagen thường bác sĩ sẽ tiêm vào khoảng từ lớp giữa đến lớp trên của trung bì da, collagen sẽ cho cảm giác mềm dẻo và tự nhiên nhưng chuyển hóa khá nhanh và thời gian duy trì tác dụng thường chỉ từ 2 – 6 tháng.

Mỡ tự thân

Với những bệnh nhân có rãnh mũi má sâu, nổi bật và muốn kết quả duy trì lâu dài thì có thể lựa chọn phương pháp tiêm mỡ tự thân. Bác sĩ sẽ hút mỡ ra từ một vùng khác trên cơ thể như bụng, hông…vv sau đó tinh lọc chọn ra những tế bào mỡ khỏe mạnh nhất, có khả năng sống sót cao nhất để tiêm vào ngay dưới lớp trung bì của rãnh mũi má. Kỹ thuật tiêm mỡ cũng tiêm theo từng giọt nhỏ và thành nhiều lớp xếp chồng lên nhau theo dạng lưới để tạo điều kiện tốt nhất cho các tế bào mỡ tiêm vào có thể nhận được nguồn máu nuôi. Thông thường chỉ cần tiêm từ 2 – 4ml là đủ để xử lý rãnh mũi má. Lượng mỡ tiêm vào sau một thời gian có thể bị hấp thụ bớt đi, nhìn chung những tế bào mỡ đã sống sót sau 3 tháng thì sẽ tồn tại vĩnh viễn. Do đó, vào thời điểm này, nếu chưa đạt được kết quả như mong muốn thì bệnh nhân có thể đến đánh giá để tiêm bổ sung.

Phẫu thuật rãnh mũi má

Có hai kỹ thuật thường được thực hiện nhất để loại bỏ rãnh mũi má bao gồm: cắt đáy rãnh mũi má và cắt bỏ rãnh mũi má.

Phẫu thuật cắt đáy rãnh mũi má

cắt đáy right

Các bác sĩ thường thực hiện một quy trình phẫu thuật được gọi là cắt đáy rãnh mũi má (subcision) để giảm bớt độ sâu của nếp gấp này. Để làm được điều này, bác sĩ sẽ dùng một cây kim để phá vỡ các túi mô dày đặc ở vùng này.

Đầu tiên bác sĩ sẽ gây tê, sau đó đưa mũi kim vào qua một vết rạch nhỏ ở mỗi bên rãnh, sau đó đẩy kim theo chuyển động từ bên này sang bên kia để phá vỡ mô, kim sẽ đi dọc theo nếp gấp và song song với bề mặt da. Chiều rộng đi kim khoảng 7mm ở mỗi bên rãnh. Sau khi hoàn tất sẽ băng một miếng gạc lên toàn vùng điều trị trong 24 giờ, đồng thời kê đơn thuốc kháng sinh đường uống và dạng bôi cho bệnh nhân. Đây là kiểu phẫu thuật rãnh mũi má nhẹ nhàng nhất, bệnh nhân có thể thấy kết quả cải thiện ngay lập tức, tuy nhiên kết quả cũng không giữ được lâu. Thường thì ngay sau khi thực hiện bệnh nhân sẽ thấy cải thiện được 70%, sau 1 tháng mức độ cải thiện giảm xuống còn 50 – 70%, sau 3 tháng còn 25 – 50%, và sau 6 tháng chỉ còn 25%. Ưu điểm là điều trị nhanh, không lộ dấu kim đâm vào, và không để lại sẹo.

Phẫu thuật cắt rãnh mũi má

Phẫu thuật cắt bỏ trực tiếp rãnh mũi má là một can thiệp mạnh mẽ nhất để loại bỏ rãnh mũi má sâu – hiệu quả đạt được cao hơn căng da mặt và lâu dài hơn tiêm filler. Dưới hình thức gây tê tại chỗ, hai bên rãnh mũi má sẽ được cắt ra như thể chúng là những nốt ruồi. Sau đó, mỡ má có thể được trượt xuống vùng nếp gấp và da được khâu lại với nhau bằng chỉ khâu tự tiêu, sau đó dán keo dán phẫu thuật Dermabond trên bề mặt. Kỹ thuật này sẽ dựa vào việc tạo một vết sẹo đặc biệt giống như một nếp nhăn. Nếu vết sẹo bị đỏ hoặc gồ lên thì bệnh nhân có thể sẽ gặp rắc rối trong vài tháng đến vài năm. Nam giới với làn da sậm màu hơn thường là những đối tượng phù hợp với kỹ thuật này hơn vì sẹo ở nữ giới thường dễ phát hiện.

Phẫu thuật căng da mặt xóa rãnh cười

Để loại bỏ rãnh mũi má, bệnh nhân có thể thực hiện quy trình phẫu thuật căng da mặt để không chỉ xóa rãnh mũi má mà còn khắc phục các tình trạng khác trên khuôn mặt. Với căng da mặt xóa rãnh cười bệnh nhân có thể lựa chọn quy trình căng da mặt mini, căng da mặt toàn phần hoặc chỉ căng da vùng giữa mặt với phương pháp nội soi.

Căng da mặt toàn phần

Căng da mặt toàn phần phù hợp với những người khuôn mặt đã chảy xệ nặng, các nếp nhăn và rãnh mũi má lằn sâu, quy trình phẫu thuật sẽ mang lại kết quả rõ rệt nhất, làm giảm đáng kể độ sâu của nếp gấp mũi má thông qua việc xắp xếp lại toàn bộ hệ thống cân cơ nông dưới da (SMA). Quy trình này sẽ được thực hiện dưới hình thức gây mê toàn thân hoặc gây tê tại chỗ kết hợp tiền mê. Sau đó, bạn sẽ được tiêm dung dịch hỗn hợp gồm lidocain, epinephrine và acid tranexamic để gây tê khu vực điều trị và giúp giảm bầm tím. Bác sĩ rạch các đường mổ ở phía trước và sau tai, qua đó tiến hành tách da và mô mỡ khỏi lớp SMAS, rồi sắp xếp và thắt chặt lớp SMAS bằng chỉ khâu, kéo căng da (bao gồm cả vùng rãnh mũi má), cắt bớt phần da thừa và khâu vết mổ. Thông thường trong quy trình căng da mặt toàn phần, bác sĩ cũng sẽ tiến hành cả căng da cổ để tạo vùng cổ săn chắc tương ứng với vùng mặt.

Căng da mặt mini

Căng da mặt mini thường được áp dụng cho những trường hợp có nếp gấp mũi má bắt đầu lằn sâu và muốn xử lý tình trạng da mặt chảy xệ ở cằm và đường viền hàm. Căng da mặt mini sẽ giải quyết tất cả những vấn đề như ở căng da mặt toàn phần, trừ phần cổ phía dưới, khác biệt nữa là đường mổ ngắn hơn, nên kết quả cũng không quá ấn tượng và không giữ được lâu như căng da mặt toàn phần. Theo đó, bác sĩ sẽ rạch những vết mổ nhỏ bắt đầu từ dái tai, rồi tiến hành căng da (có thể căng cả lớp cơ dưới da), loại bỏ da thừa và cố định da còn lại ở vị trí mới. Sau phẫu thuật thường bệnh nhân chỉ cần 1 tuần nghỉ dưỡng thay vì 2 tuần như căng da mặt toàn phần.

Căng da vùng giữa mặt nội soi

căng gia mặt giữa

Phương pháp này ít xâm lấn hơn, chỉ xử lý phần tam giác giữa mặt, tính từ hai bên mí mắt dưới đến khóe miệng, bao gồm vả nếp gấp mũi má. Kỹ thuật này lý tưởng cho những bệnh nhân có nếp gấp mũi má sâu vừa phải cũng như có các nếp nhăn vùng giữa mặt khác, nhưng chưa bị chảy xệ da ở cằm và đường viền hàm. Quy trình được thực hiện qua một vết rạch nhỏ 2cm ở sau đường viền chân tóc vùng thái dương và 1 vết rạch ở trong miệng. Bác sĩ sẽ sử dụng dụng cụ nội soi để hướng dẫn thao tác trong quá trình thực hiện. Theo đó bác sĩ sẽ thao tác để nâng khối mô, mỡ má chảy xệ (góp phần khiến rãnh mũi má nổi bật) về lại đúng vị trí phù hợp, xắp xếp, định hình lại tổng thể vùng mặt giữa để lấy lại hình dạng khuôn mặt trẻ trung. Quy trình thực hiện diễn ra nhanh chóng, xâm lấn tối thiểu nên quá trình hồi phục sau đó cũng ngắn hơn so với các kỹ thuật trên.

Phẫu thuật độn rãnh mũi má

Sun ranh mui got silicon 1

độn rãnh cười

Độn rãnh mũi má là quy trình sử dụng miệng độn bằng các vật liệu như silicone, goretex hoặc alloderm để làm đầy và xóa đi rãnh cười hằn quá sâu. Miếng độn sẽ được đúc theo đúng kích thước và hình dạng rãnh cười trên từng khuôn mặt bệnh nhân. Qua một đường mổ nằm trong khoang miệng với kích thước khoảng 1cm, bác sĩ sẽ tiếp cận hai bên rãnh mũi má và tạo khoang chứa phù hợp để đặt miếng độn vào đúng vị trí cân đối. Quy trình này được thực hiện dưới hình thức gây tê tại chỗ kết hợp tiền mê và thường kéo dài trong khoảng gần 1 giờ đồng hồ.

Sau phẫu thuật bệnh nhân sẽ cần khoảng 1 tuần để hồi phục, hết bầm tím, sưng nề, nhưng khoảng 3 tháng kết quả mới ổn định. Đặt miếng độn rãnh mũi má có vẻ là giải pháp nhanh, vĩnh viễn và lâu dài nhất để xóa đi các nếp rãnh hằn sâu, nhưng theo thời gian mô vùng mặt của chúng ta sẽ tiếp tục bị lão hóa, teo ngót đi, do đó sẽ khó tránh khỏi nguy cơ lộ miếng độn. Vì vậy khi quyết định thực hiện kỹ thuật này bệnh nhân cần tư vấn kỹ với bác sĩ cũng như trao đổi về các ưu nhược điểm của nó về lâu dài.

Đọc toàn bộ bài viết