Các vấn đề về túi mật thường gặp hơn trong thai kỳ và đôi khi sau khi sinh. Bệnh túi mật bao gồm viêm, nhiễm trùng, sỏi và tắc túi mật. Thay đổi chế độ ăn uống và tập thể dục thường xuyên có thể giúp ích, hoặc bạn có thể cần dùng thuốc. Nếu tình trạng nghiêm trọng hơn, có khả năng bạn cần phải phẫu thuật cắt bỏ túi mật.
Túi mật là gì?
Túi mật là một cơ quan nhỏ hình cái túi, nằm ngay bên dưới gan. Mục đích của nó là để lưu trữ mật, một chất giúp tiêu hóa chất béo. Khi thức ăn từ dạ dày xuống ruột non, túi mật sẽ nhận được tín hiệu để bắt đầu co lại và đưa mật vào ruột.
Thuật ngữ "bệnh túi mật" bao gồm một số vấn đề như viêm, nhiễm trùng, sỏi mật, và tắc túi mật.
Sỏi mật là gì?
Sỏi mật là một hình thức của bệnh túi mật. Mật bao gồm nước, muối mật, cholesterol và những thành phần khác. Nếu mật có chứa quá nhiều cholesterol và không đủ muối mật, hoặc túi mật không được làm rỗng đúng cách, thì có thể hình thành cặn hoặc sỏi mật.
Đau quặn mật là gì?
Đau quặn mật là triệu chứng phổ biến nhất của bệnh túi mật, do tắc ống dẫn mật gây ra. Nếu mật không thể thoát khỏi túi mật, có thể do sỏi mật, sẽ dễ gây viêm, nhiễm trùng. Và vì mật không vào ruột non, nên chất béo trong chế độ ăn uống không được phân hủy trong quá trình tiêu hóa. Do đó, bệnh nhân sẽ vùng bụng trên và lưng, có thể buồn nôn, nôn.
Các triệu chứng của đau quặn mật
Đau bụng do túi mật sẽ gây ra đau nhức ở phần trên ổ bụng, xuất hiện từ 1 đến 2 giờ sau bữa ăn có nhiều chất béo. (Vì bữa tối thường là bữa ăn nhiều nhất, nên cơn đau thường xảy ra vào ban đêm). Đau có thể kéo dài từ vài phút đến vài giờ.
Một số người cũng bị đau giữa hai bả vai hoặc bên dưới vai phải. Ngoài đau, buồn nôn, đau sỏi mật còn liên quan tới các triệu chứng như ợ hơi, chướng bụng, đổ mồ hôi, và/ hoặc ớn lạnh.
Mang thai ảnh hưởng đến túi mật như nào?
Các vấn đề về túi mật thường phổ biến hơn khi mang thai. Estrogen, một loại hormone thai kỳ, làm tăng tiết cholesterol. Đồng thời, một loại hormone thai kỳ khác, progesterone, khiến các mô trên toàn cơ thể giãn ra và việc tiết mật chậm lại. Điều này có thể dẫn tới sự hình thành sỏi mật. Phụ nữ mang thai đã từng bị sỏi mật sẽ có nguy cơ cao hơn vì những viên sỏi mật này sẽ ngăn cản việc tiết mật.
Các triệu chứng của bệnh túi mật thường phổ biến trong tam cá nguyệt thứ ba của thai kỳ hoặc sau khi sinh, nhưng những người có nguy cơ cao hơn có thể phát triển các triệu chứng sớm hơn trong thai kỳ.
Cách nhận biết bị bệnh túi mật
Vấn đề trong việc phát hiện khởi phát bệnh túi mật ở bà bầu là các triệu chứng có thể bị nhầm lẫn với ốm nghén. Tuy nhiên, nếu các triệu chứng xảy ra dai dẳng qua tam cá nguyệt thứ nhất hoặc nếu bạn và bác sĩ nghi ngờ mắc các vấn đề liên quan đến túi mật thì bác sĩ sẽ yêu cầu siêu âm. Đây là cách hiệu quả nhất để chẩn đoán tình trạng túi mật.
Tuy nhiên nếu bạn có vấn đề về túi mật từ trước thì hãy nói cho bác sĩ biết biết để họ có thể theo dõi trong thời gian mang thai và ngăn ngừa bệnh trở nên tồi tệ hơn.
Ai có nguy cơ mắc bệnh túi mật?
Phụ nữ có nhiều khả năng phát triển bệnh túi mật hơn nam giới. Bạn có nguy cơ mắc bệnh này nhiều hơn nếu:
- có tiền sử gia đình mắc bệnh,
- thừa cân (thậm chí thừa ít cân),
- có chế độ ăn nhiều chất béo hoặc nhiều cholesterol,
- bệnh tiểu đường,
- nguồn gốc người Mexico hoặc người Mỹ bản địa
- phụ nữ mang thai hoặc sau khi sinh
Bệnh túi mật được biết đến như một bệnh của phụ nữ lớn tuổi. Nhưng với chứng béo phì nhiều hơn ở phụ nữ trẻ nên ngày càng nhiều phụ nữ trẻ hơn được chẩn đoán mắc bệnh túi mật.
Bệnh túi mật có ảnh hưởng đến thai nhi không?
Cặn hoặc sỏi mật không có ảnh hưởng trực tiếp đến thai nhi. Và phần lớn những người bị sỏi mật thường không có triệu chứng. Tuy nhiên, em bé có thể bị ảnh hưởng bởi hậu quả của căn bệnh. Ví dụ, nếu bạn bị nhiễm trùng, viêm, buồn nôn và nôn, những tình trạng này có thể cản trở khả năng nuôi dưỡng bản thân và không cung cấp dinh dưỡng đầy đủ cho thai nhi đang phát triển.
Bệnh túi mật được điều trị trong thời kỳ mang thai như thế nào?
Nhìn chung, mục tiêu điều trị trong thai kỳ là giảm các triệu chứng và biến chứng, và sau đó tự trị bệnh sau khi mang thai.
Bước đầu tiên trong điều trị túi mật bị viêm là thay đổi chế độ ăn uống của bạn và ăn ít thực phẩm có chất béo hơn. Điều này có nghĩa là túi mật sẽ phải làm việc ít hơn. Đối với nhiều phụ nữ chỉ cần thực hiện bước này cũng có thể đủ để làm giảm các triệu chứng. Tập thể dục thường xuyên cũng có thể hữu ích. Bác sĩ cũng có thể kê thuốc cho bạn.
Có cần phẫu thuật cắt bỏ túi mật không?
Nếu bác sĩ kê toa một loại thuốc điều trị vấn đề túi mật và nó không giúp cải thiện thì họ sẽ đánh giá ảnh hưởng của bệnh và nguy cơ thực hiện phẫu thuật. Do nhiều rủi ro, nên bất kỳ cuộc giải phẫu nào trong thời kỳ mang thai thường được tránh.
Nhưng nếu viêm nặng, nếu bị nhiễm trùng, hoặc nếu đau bụng cấp tính, thì cần phải phẫu thuật để ngăn ngừa các biến chứng nghiêm trọng hơn. Điều này còn phụ thuộc vào thời điểm bạn mang thai được bao nhiêu tuần thai. Nếu bạn đang ở tam cá nguyệt thứ ba, đặc biệt nếu có thể, bác sĩ sẽ cố gắng trì hoãn cuộc phẫu thuật cho tới sau khi em bé ra đời.
Nếu bạn cần thiết phải thực hiện phẫu thuật túi mật, có thể quy trình này sẽ được thực hiện bằng nội soi. Bác sĩ phẫu thuật sẽ tạo 2 vết mổ nhỏ ở bụng, chèn dụng cụ phẫu thuật và ống soi laparoscope vào. Ống soi có một camera nhỏ truyền hình ảnh các cơ quan tới một màn hình video.
Sau đó, túi mật có thể được loại bỏ mà không cần phải tạo một vết rạch lớn. Ưu điểm của phẫu thuật nội soi là ít đau và bệnh nhân phục hồi sớm hơn.
Tôi có thể bị bệnh túi mật sau khi sinh không?
Thường hiếm khi các triệu chứng bệnh túi mật xuất hiện từ 2 đến 4 tháng sau khi sinh. Điều này có thể là do hormone thai kỳ làm mọi thứ tệ hơn trong 9 tháng trước đó, và phải mất một thời gian để mọi thứ trở lại bình thường. Sự thay đổi nồng độ hormone sau khi sinh cũng có thể là “thủ phạm”.
Các vấn đề về túi mật cũng có thể do giảm cân nhanh sau khi sinh. Khi bạn đốt cháy chất béo nhanh chóng, cholesterol tăng tích tụ trong mật, có thể dẫn đến sỏi mật.
Biện pháp giảm nguy cơ mắc các vấn đề túi mật sau khi sinh
Để giảm thiểu nguy cơ mắc sỏi mật sau khi sinh, hãy:
- Ăn một chế độ nhiều chất xơ bao gồm nhiều trái cây, rau và ngũ cốc nguyên cám.
- Giữ mức tăng cân trong thời kỳ mang thai ở mức khuyến nghị.
- Giảm cân sau khi sinh không quá 1 kg mỗi tuần, nếu bạn đang cho con bú.
- Tập thể dục đều đặn.
Nếu bạn đã bị bệnh túi mật được kiểm soát trong thời gian mang thai và không cần phẫu thuật, điều quan trọng là phải được thực hiện một đánh giá tiếp theo. Các triệu chứng có thể xảy ra trong giai đoạn sau sinh hoặc sau đó trong cuộc đời, do đó nên được kiểm tra khi bạn không bị đau. Bác sĩ có thể khuyên bạn nên cắt bỏ túi mật để tránh trường hợp phải cấp cứu sau này.