Những điều cần biết về đau mắt đỏ:
Đau mắt đỏ là tình trạng nhiễm trùng mắt, thường do vi khuẩn hoặc vi rút gây ra hoặc do phản ứng dị ứng, với triệu chứng đặc trưng là đỏ mắt. Bệnh thường khởi phát đột ngột, lúc đầu ở một mắt sau lan sang mắt còn lại. Cho đến nay chưa có vắc xin phòng bệnh, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và những người bị đau mắt đỏ rồi vẫn có thể bị nhiễm lại chỉ sau vài tháng khỏi bệnh.
Viêm kết mạc do vi rút Adenovirus là một nguyên nhân phổ biến gây ra đau mắt đỏ, và thường xuất hiện các triệu chứng như: sốt nhẹ, mệt mỏi, đau họng, có ghèn dính mí mắt khó mở, nổi hạch trước tai hoặc dưới hàm,…. Bệnh đau mắt đỏ rất dễ mắc, dễ lây lan trong cộng đồng và gây thành dịch. Trong trường hợp này, người bị bệnh nên tạm nghỉ ở nhà (nghỉ làm/nghỉ học từ 5-7 ngày), hạn chế tiếp xúc để tránh lây lan cho người khác. Khi phát hiện có dấu hiệu đau mắt đỏ thì cần đi khám ngay tại cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán, hướng dẫn và chăm sóc phù hợp (lưu ý: chỉ định nghỉ làm/nghỉ học là do bác sĩ quyết định).
Bệnh đau mắt đỏ có thể lây truyền qua nhiều cách, bao gồm tiếp xúc trực tiếp với người bệnh như nói chuyện, ôm hôn, hoặc bắt tay,…. Ngoài ra, bệnh có thể lan truyền thông qua các vật dụng nhiễm mầm bệnh như khăn mặt, chậu rửa mặt, gối, tay nắm cửa, nút bấm cầu thang, điện thoại, đồ chơi,… Sử dụng nguồn nước nhiễm mầm bệnh như ao, hồ, hoặc bể bơi cũng có thể là nguồn lây truyền bệnh. Hơn nữa, thói quen sờ mắt, đặt tay vào mũi hoặc miệng làm tăng nguy cơ nhiễm bệnh.
Để chủ động phòng, chống bệnh đau mắt đỏ, chúng ta cần thực hiện:
1
Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng nước sạch
Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước sạch có thể giúp mỗi người phòng được các bệnh truyền nhiễm và tránh lây bệnh đau mắt đỏ cho người khác
2
Không đưa tay lên dụi mắt, mũi, miệng
Bàn tay mình nếu không rửa sạch đúng cách sẽ dính nhiều chất dơ, trong đó có những hạt nước mũi, nước bọt, đàm của người bệnh nhiễm virus, vi trùng dính vào các vật dụng xung quanh như bàn, ghế, chén, đũa, khăn mặt, tay nắm cửa, sàn nhà… kể cả trên khẩu trang, nếu mình đưa tay lên mắt, mũi, miệng thì sẽ đưa cả virus, vi trùng xâm nhập vào niệm mạc mũi miệng hoặc đường thở và gây bệnh
3
Không dùng chung vật dụng cá nhân như: lọ thuốc nhỏ mắt, khăn mặt, kính mắt, khẩu trang…
Khi sử dụng chung vật dụng các nhân cũng có thể chia sẻ mầm bệnh. Các vật dụng như bàn chải đánh răng, son bóng, đồ cắt móng tay, lọ thuốc nhỏ mắt, khăn mặt, kính mắt, khẩu trang…là môi trường lây lan các bệnh truyền nhiễm. Ngoài ra, nếu bạn định chia sẻ thức ăn, hãy sử dụng dụng cụ của riêng mình.
4
Vệ sinh mắt, mũi, họng hàng ngày bằng nước muối sinh lý, các thuốc nhỏ mắt, nhỏ mũi thông thường
5
Sử dụng xà phòng hoặc các chất sát khuẩn thông thường sát trùng các đồ dùng, vật dụng của người bệnh
6
Hạn chế tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi bị bệnh đau mắt đỏ
7
Người bệnh, người nghi bị bệnh đau mắt đỏ cần hạn chế tiếp xúc với người khác
8
Cần đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn và điều trị kịp thời
Người có các dấu hiệu đau mắt đỏ cần đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn, điều trị kịp thời, không tự ý điều trị khi chưa có hướng dẫn của cán bộ y tế để tránh biến chứng nặng.