Bọng mắt là một vấn đề phức tạp có thể do nhiều yếu tố gây ra, chính vì thế cần xác định chính xác nguyên nhân mới có thể tìm được phương pháp điều trị hiệu quả nhất.
Bọng mắt là hiện tượng sưng phồng ở mí mắt dưới, khiến bệnh nhân trông có vẻ mệt mỏi, già nua và lúc nào cũng như mất ngủ. Tình trạng này thường xảy ra ở người có tuổi, do quá trình lão hóa, tuy nhiên cũng xuất hiện ở người trẻ, do di truyền hoặc thói quen ăn uống, sinh hoạt.
Bọng mắt thường đi kèm với tình trạng quầng thâm, rãnh nước mắt và/hoặc da mí dưới nhăn nheo, lỏng lẻo, do đó có thể đòi hỏi phải kết hợp nhiều biện pháp khác nhau mới trẻ hóa được vùng mí dưới. Nhiều người vẫn lầm tưởng chỉ có mỡ ổ mắt/hốc mắt mới là nguyên nhân gây bọng mắt, nhưng thực sự không phải thế. Mỡ ổ mắt chỉ là 1 trong số những yếu tố gây ra tình trạng này, cùng với các yếu tố khác như dịch mí mắt/sự tích nước, sự phì đại của cơ vùng mí dưới hoặc biến dạng rãnh nước mắt…Những yếu tố này có thể xuất hiện cùng lúc hoặc riêng lẻ và gây ra bọng mắt. Và với mỗi yếu tố sẽ có những phương pháp xử lý khác nhau để đạt được hiệu quả tốt nhất, chính vì vậy việc xác định chính xác nguyên nhân, yếu tố gây ra bọng mắt là việc tối quan trọng để đạt được kết quả điều trị thành công.
Các nguyên nhân gây bọng mắt
Sa, thoát vị mỡ ổ mắt/hốc mắt
Đây được xem là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra tình trạng bọng mắt. Ở vùng mí mắt dưới của chúng ta gồm có 3 túi mỡ ổ mắt: túi mỡ trong, giữa và ngoài. Ở những người bình thường, 3 túi mỡ này sẽ nằm ổn định ở phía dưới, làm lớp đệm cho nhãn cầu và được bảo vệ bởi vách ngăn ổ mắt, cơ vòng mi cũng như mô da quanh mắt. Nhưng ở những người bị thoát vị mỡ, những túi mỡ này sẽ bị sưng phình ra, gây tình trạng bọng mắt ở mí mắt dưới.
Có 2 nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng thoát vị mỡ này bao gồm: Thứ nhất là lão hóa: - khi cơ thể già đi, mô bị lão hóa, các cơ và dây chằng hỗ trợ vùng mí dưới bị suy yếu, da mất đi độ đàn hồi săn chắc không còn khả năng bảo vệ lớp mỡ ổ mắt, khiến chúng nhô phình ra. Ngoài ra theo thời gian mỡ ổ mắt tích tụ nhiều hơn nên cũng dễ dẫn đến nguy cơ thoát vị, lồi ra. Nguyên nhân thứ 2 là do di truyền: ở những bệnh nhân bị mỏng vách ngăn ổ mắt hoặc dễ tăng mỡ ổ măt, vùng mí dưới cũng có thể trở nên sưng húp do mỡ phồng lên. Tình trạng này có thể xuất hiện sớm nhất ở tuổi vị thành niên.
Dịch mí mắt/tích nước
Đây là tình trạng dịch tích tụ ở vùng mí mắt dưới, khiến vùng này phình lên tạo thành bọng. Vùng mí dưới dường như có một “miếng bọt biển tích tụ dịch lỏng” thường hoạt động mạnh mẽ trong các trường hợp như phù toàn thân hoặc phù tại chỗ, như khi bị dị ứng vùng mặt. Dịch mí mắt thường tích tụ theo một khối và không có đường viền phân tách rõ rệt cũng như không phân ra thành các túi phía trong, giữa, ngoài như các túi mỡ ổ mắt. Bệnh nhân bị dịch tích tụ, da tích nước có thể là do thay đổi thời tiết (ví dụ, thời tiết nóng, ẩm), do hormone thay đổi hoặc do thói quen sinh hoạt, ăn uống: như thức khuya, khóc hoặc ăn đồ ăn chứa nhiều muối…
Bọng mắt có thể là do cả mỡ thoát vị và dịch tích tụ, nhưng cũng có trường hợp chỉ do 1 trong 2 yếu tố này. Và để phân biệt bác sĩ có thể ấn vào vùng bọng mắt để xác định, nếu thấy mềm ở trong hốc mắt/ổ mắt thì khả năng bọng mắt đó là do mỡ, nhưng nếu ấn vào mà sờ thấy xương ở ổ mắt dưới hoặc má thì đó là do tích nước. Ngoài ra nếu khối bọng đó là do tích nước thì khi bệnh nhân nhìn lên hay nhìn xuống kích thước túi bọng cũng thường không thay đổi.
Phì đại cơ vòng mi
Mặc dù sự nổi bật của cơ vòng mi có thể là biểu hiện của một mí mắt khỏe mạnh, trẻ trung, nhưng đây cũng là một trong những yếu tố góp phần gây ra bọng mắt và thường bị nhầm lẫn với tình trạng thoát vị mỡ ổ mắt. Để phân biệt 2 yếu tố này, bệnh nhân thường được yêu cầu cười mỉm và cau mày. Nếu là phì đại thì khi co cơ thực hiện các hoạt động này, cơ vòng mi sẽ nổi bật hơn, nhưng nếu là mỡ thoát vị thì khi co cơ sẽ không thấy khối cơ này nổi lên.
Biến dạng rãnh nước mắt
Rãnh nước mắt trũng sâu là một dấu hiệu của sự lão hóa ở vùng mí mắt dưới và vùng mặt giữa. Nguyên nhân là do mất mỡ dưới da và lớp da phía trên dây chằng rìa ổ mắt mỏng đi kết hợp với tình trạng má hõm xuống. Má hõm thường liên quan đến cấu trúc xương ở dưới và phổ biến hơn ở những bệnh nhân thiểu sản xương hàm trên bẩm sinh hoặc do tuổi tác. Chính tình trạng trũng sâu của rãnh này khiến cho phần mô mí mắt (phía trên rãnh nước mắt) trở nên nổi bật hơn gây ra hiện tượng bọng mắt.
Cách điều trị bọng mắt hiệu quả
Như vậy bọng mắt rõ ràng là một vấn đề phức tạp, không phải do 1 yếu tố duy nhất gây nên mà có thể do nhiều yếu tố khác nhau. Chính vì thế, việc điều trị hiệu quả cũng không phải là vấn đề đơn giản. Bác sĩ cần xác định chính xác nguyên nhân và có thể cần kết hợp một số phương pháp mới khắc phục triệt để được vấn đề.
Mỗi yếu tố nguyên nhân gây bọng mắt ở trên sẽ đòi hỏi những phương pháp điều trị xử lý khác nhau.
Trường hợp bọng mắt do sa mỡ ổ mắt
Ở những bệnh nhân này, phương pháp điều trị hiệu quả nhất vẫn là cắt mí dưới qua đường rạch kết mạc. Qua đó bác sĩ sẽ tiến hành loại bỏ và/hoặc dịch chuyển, kéo phần mỡ ổ mắt nhô phình ra xuống phần rãnh nước mắt bên dưới để lấp đầy rãnh trũng sâu này, đồng thời tạo đường chuyển tiếp mịn mượt từ mí mắt xuống má.
Với những bệnh nhân vừa bị mỡ thoát vị vừa có da thừa lỏng lẻo và nếp nhăn ở dưới mí mắt thì cần can thiệp qua đường rạch ngoài da. Bác sĩ sẽ rạch một đường cách mí mắt dưới khoảng 1mm, qua đó cắt bỏ và/hoặc dịch chuyển mỡ ổ mắt xuống các vị trí trũng sâu, đồng thời kéo da lên phía đường rạch và cắt bỏ da thừa.
Ngoài ra, để trẻ hóa da vùng dưới mắt, sau phẫu thuật vài tháng, bệnh nhân có thể thực hiện các liệu trình chăm sóc da, lột da hóa học hoặc tái tạo da bằng laser. Tuy nhiên, với những bệnh nhân loại bỏ bọng mỡ bằng phương pháp cắt mí dưới qua đường rạch ngoài da, cần hết sức cẩn thận khi kết hợp điều trị với laser. Vì quy trình này dễ làm căng da mí dưới, việc kết hợp điều trị bằng laser sau đó có thể khiến da mí mắt căng chặt hơn, dễ dẫn đến nguy cơ co rút hoặc lật mí dưới hơn.
Trường hợp bọng mắt do dịch mí mắt/tích nước
Với tình trạng dịch tích tụ, bệnh nhân có thể lựa chọn các chất làm đầy như Restylane, Juvederm và Perlane để giúp lấp đầy vào vùng xung quanh bọng, hoặc có thể cân nhắc đặt miếng độn má để giúp bọng mắt bớt lộ rõ hơn. Nhiều trường hợp dịch tụ nhiều, bệnh nhân có thể được điều trị bằng nhiệt với công nghệ tần số vô tuyến. Theo đó, năng lượng tần số vô tuyến khi được đưa vào vùng mí mắt dưới sẽ giúp hút ẩm, làm giảm đáng kể lượng dịch tích tụ.
Trường hợp bọng mắt do phì đại cơ vòng mi
Cơ vòng mi phì đại nổi bật quá mức có thể được khắc phục bằng cách cẩn thận tiêm một lượng nhỏ botox (1- 2 đơn vị) vào phần cơ này. Chất độc thần kinh sẽ khiến khối cơ giảm hoạt động, giảm khả năng co cơ cũng như xẹp nhỏ hơn, qua đó bớt nổi bật hơn. Điều quan trọng là cần tiêm đúng kỹ thuật và với liều lượng thật nhỏ để tránh nguy cơ cơ bị suy yếu quá mức dẫn đến tình trạng xệ hoặc lật mí dưới.
Với những bệnh nhân cơ vòng mi nổi bật nhưng da mí dưới lỏng lẻo thì tốt nhất không nên dùng botox hay bất kỳ chất độc thần kinh nào khác, vì nguy cơ da mí dưới chảy xệ sau tiêm là rất cao. Thay vào đó nên chọn tiêm filler vào dưới vùng cơ phình to này để khiến tình trạng cơ sưng phình bớt nổi bật hơn.
Trường hợp bọng mắt do rãnh nước mắt trũng sâu
Rãnh nước mắt trũng sâu gây bọng mắt nổi bật thường được khắc phục hiệu quả nhất bằng phương pháp tiêm filler hoặc cấy mỡ vào rãnh này. Việc này sẽ giúp lấp đầy rãnh nước mắt, tạo vùng mí dưới mịn mượt và làm giảm sự nổi bật của bọng mắt. Ngoài ra, với những trường hợp rãnh nước mắt nổi bật do thiếu xương má trên hoặc vùng má trên bị hõm thì đặt miếng độn vùng má cũng là giải pháp rất hiệu quả.
Ngoài ra, với những trường hợp bọng mắt là do nhiều yếu tố trên gây nên, bác sĩ có thể sẽ cần kết hợp nhiều phương pháp như vừa cắt mí dưới, vừa kết hợp tiêm filler hoặc cấy mỡ và/hoặc kết hợp thực hiện các biện pháp trẻ hóa da vùng mí mắt dưới.
Cách ngăn ngừa bọng mắt hiệu quả
Bọng mắt mặc dù có liên quan đến yếu tố di truyền cũng như đặc điểm các cấu trúc giải phẫu vùng mắt, nhưng phần lớn cũng liên quan đến quá trình lão hóa cũng như các thói quen ăn uống, sinh hoạt của bệnh nhân. Với những nguyên nhân này, bệnh nhân hoàn toàn có thể thực hiện các biện pháp dưới đây để ngăn ngừa cũng như giảm thiểu nguy cơ xuất hiện bọng mắt:
- Uống ít nước/chất lỏng trước khi đi ngủ và giảm lượng muối trong chế độ ăn uống. Điều này sẽ giảm tích nước có thể gây ra bọng mắt
- Ngủ đủ giấc: với người trưởng thành, 7 – 9 tiếng một ngày là thời lượng ngủ phù hợp nhất để tránh mắt bị quá tải
- Kê cao đầu khi ngủ: nếu có thể hãy kê cao đầu một chút khi ngủ. Điều này giúp ngăn chất lỏng tích tụ quanh mắt khi bạn ngủ
- Bôi kem dưỡng mắt hàng ngày: kem sẽ giúp dưỡng ẩm cho vùng da quanh mắt cũng như khiến mô mí mắt trở nên săn chắc, giữ chắc các túi mỡ ổ mắt ở trong.
- Thoa kem chống nắng vùng mắt hàng ngày, đeo kính râm và đội mũ rộng vành khi ra nắng để bảo vệ mắt: ánh nắng mặt trời có thể làm ảnh hưởng và khiến vùng da mí mắt nhanh chóng bị lão hóa, dẫn đến các vấn đề như bọng mắt và da chảy xệ
- Tập luyện đều đặn: tập thể dục giúp cải thiện tuần hoàn cơ thể, qua đó cũng giúp mắt bớt sưng phồng hơn.
- Đắp túi trà, dưa leo, khoai tây hoặc chườm mát: nếu không may buổi sáng bạn thức dậy với mí mắt dưới sưng húp, bọng mắt rõ ràng, thì có thể nhanh chóng thực hiện các biện pháp đơn giản tại nhà trên để tạm thời giảm bọng.
Tham vấn y khoa: Bác sĩ Tâm