Nếu bạn đang có ý định phẫu thuật cắt vạt dạ dày để giảm cân thì có một điều rất quan trọng mà bạn cần biết, đó là những thay đổi về chế độ ăn uống. Vì dạ dày sẽ được thu nhỏ lại rất nhiều so với trước nên chắc chắn, thói quen ăn uống sẽ có sự thay đổi lớn.
Bạn sẽ cần điều chỉnh chế độ ăn cả trước và sau khi phẫu thuật nhằm hỗ trợ quá trình phục hồi và tránh xảy ra những vấn đề không mong muốn. Theo thời gian, bạn cũng sẽ dần hình thành thói quen ăn uống lành mạnh hơn, nhờ đó có thể tiếp tục giảm cân và duy trì cân nặng khỏe mạnh về lâu dài.
Chế độ ăn uống trước phẫu thuật
Mục đích chính của việc thay đổi chế độ ăn uống trước khi phẫu thuật cắt vạt dạ dày là thu nhỏ gan. Khi bị béo phì, các tế bào mỡ thường tích tụ cả ở trong và xung quanh gan. Điều này khiến cho gan có kích thước lớn hơn bình thường. Gan là cơ quan nằm ngay bên cạnh dạ dày. Gan quá lớn sẽ khiến bác sĩ khó thực hiện ca phẫu thuật và gây nguy hiểm cho bệnh nhân.
Vì thế mà bạn sẽ cần tuân thủ theo một chế độ ăn uống đặc biệt trong khoảng 2 tuần trước phẫu thuật. Đó là một chế độ ăn kiêng nghiêm ngặt nhằm giảm lượng calo nạp vào cơ thể và hạn chế tiêu thụ carb. Bạn sẽ ăn chủ yếu các loại thực phẩm giàu protein nạc, rau xanh và đồ uống ít hoặc không có calo. Bác sĩ sẽ đưa ra một mức giới hạn calo cụ thể cần tuân thủ theo hàng ngày.
Hai ngày trước ca phẫu thuật, bạn sẽ chuyển sang chế độ ăn toàn đồ lỏng, ví dụ như nước ninh xương, nước lọc, trà và cà phê khử caffeine và bột protein. Không được uống đồ uống có chứa caffeine và nước ngọt có ga.
Chế độ ăn uống tuần 1
Trong tuần đầu tiên sau phẫu thuật cắt vạt dạ dày, bạn sẽ tiếp tục duy trì chế độ ăn toàn đồ lỏng giống như hai ngày trước khi phẫu thuật nhằm tránh xảy ra các vấn đề không mông muốn như tắc ruột, rò rỉ dạ dày, tiêu chảy, táo bón và mất nước. Cơ thể cần thời gian để hồi phục và chế độ ăn như vậy sẽ giúp cho quá trình này diễn ra thuận lợi hơn. Một số điều cần lưu ý:
- Uống nhiều nước. Nếu không thể uống nhiều nước thì có thể uống dung dịch bù điện giải.
- Không uống bất cứ thứ gì chứa đường. Việc đột ngột nạp một lượng đường lớn vào ruột non có thể gây ra hội chứng dumpling với các biểu hiện như buồn nôn nghiêm trọng, mệt mỏi, tiêu chảy và nôn mửa kéo dài. Đường còn chứa nhiều calo rỗng, có nghĩa là chứa calo nhưng lại không có giá trị dinh dưỡng. Do đó, nên hạn chế đường trong thời gian đầu sau phẫu thuật và cả về lâu dài.
- Tránh đồ uống chứa caffeine vì caffeine có thể góp phần gây trào ngược axit dạ dày và mất nước.
- Tránh đồ uống có ga, cả loại có đường và không đường. Những loại đồ uống này có thể gây đầy hơi và chướng bụng.
Chế độ ăn uống tuần 2
Trong tuần thứ hai sau phẫu thuật, bạn có thể thêm một số loại thực phẩm dạng lỏng và dạng sệt dưới đây vào chế độ ăn uống:
- Sữa dinh dưỡng không đường
- Bột protein
- Súp
- Sữa tươi không đường
- Pudding không đường, không béo
- Sữa chua không đường, không béo
- Nước ép trái cây nguyên chất, pha loãng với nước
- Ngũ cốc uống liền
Trong thời gian này, bạn có thể sẽ có cảm giác thèm ăn nhiều hơn. Đây là hiện tượng hoàn toàn bình thường nhưng không được ăn nhiều lên và cũng không được ăn các món dạng rắn. Hệ tiêu hóa vẫn không thể xử lý được những thức ăn này và có thể xảy ra những vấn đề như nôn mửa, đau bụng, tiêu chảy... Ăn các món dạng lỏng và tránh đường cùng chất béo sẽ giúp chuẩn bị cho giai đoạn tiếp theo của quá trình hồi phục sau phẫu thuật. Vẫn phải tránh đồ uống có ga và caffeine.
Chế độ ăn uống tuần 3
Trong tuần thứ ba, bạn có thể ăn các món mềm, xay nhuyễn. Hãy ăn chậm và nhai kỹ thức ăn (mỗi miếng nhai ít nhất 25 lần, nếu có thể). Giai đoạn này được phép ăn bất kỳ loại thực phẩm nào ít chất béo, không đường và có thể xay nhuyễn được, bao gồm cả một số thực phẩm giàu protein nạc và rau củ. Điều quan trọng là hãy bắt đầu tăng lượng protein. Nếu như không muốn ăn các loại thực phẩm giàu protein xay nhuyễn thì có thể tiếp tục uống bột protein hoặc ăn trứng. Một số thực phẩm nên ăn trong thời gian này gồm có:
- Đồ ăn đóng hộp dành cho trẻ em
- Đậu phụ
- Cá thịt trắng nấu chín, xay nhuyễn
- Trứng luộc lòng đào hoặc trứng khuấy
- Súp
- Phô mai
- Trái cây mềm hoặc sinh tố
- Sữa chua nguyên chất
Vẫn nên tránh các món ăn dạng rắn và đồ uống chứa caffeine. Ngoài ra, tốt nhất nên ăn nhạt vì gia vị có thể góp phần gây ra chứng ợ nóng.
Chế độ ăn tuần 4
Sau một tháng kể từ ca phẫu thuật, bạn có thể bắt đầu ăn các món dạng rắn nhưng vẫn cứ duy trì các thói quen ăn uống lành mạnh, ví dụ như tránh các loại đồ ăn, thức uống chứa đường, giàu chất béo và các loại thực phẩm khó tiêu như thịt nướng, rau củ nhiều chất xơ, các loại hạt… Ngoài ra cũng nên tránh những thực phẩm chứa nhiều carb như khoai tây, bánh mì trắng,… Có thể uống các loại đồ uống chứa caffeine nhưng chỉ nên uống ít. Những thực phẩm có thể thêm vào chế độ ăn uống tại thời điểm này gồm có:
- Thịt gà và cá nấu mềm
- Rau nấu chín kỹ
- Khoai lang
- Phô mai có hàm lượng chất béo thấp
- Trái cây
Chế độ ăn uống từ tuần thứ 5 trở đi
Lúc này bạn có thể ăn uống một cách bình thường. Hãy ăn nhiều thực phẩm giàu protein nạc và rau xanh. Nên ăn lại từng loại thực phẩm một để cơ thể có thời gian thích nghi. Từ giờ trở đi hãy tránh hoàn toàn hoặc chỉ lâu lâu mới ăn đồ ngọt và uống đồ uống có đường. Bạn có thể ăn các loại thực phẩm khác bình thường, trừ khi chúng gây ra các vấn đề khó chịu.
Tuy nhiên, nên chọn thực phẩm giàu chất dinh dưỡng và tránh thực phẩm chứa calo rỗng. Hãy ăn ba bữa nhỏ mỗi ngày. Nếu đói thì có thể ăn thêm một bữa phụ nhẹ nhàng và điều quan trọng là phải uống đủ nước.
Các lưu ý chung
Dưới đây là một số điều mà bạn cần lưu ý về chế độ ăn uống để có thể phục hồi nhanh chóng sau phẫu thuật cắt vạt dạ dày:
- Sử dụng máy xay để xay nhuyễn các loại thực phẩm.
- Học cách phân biệt giữa cảm giác đói thật sự và thèm ăn (do cảm xúc, tinh thần).
- Không ăn quá nhiều để giúp dạ dày ổn định kích thước và không bị giãn ra theo thời gian.
- Ăn chậm và nhai kỹ.
- Tránh đồ ăn, thức uống chứa calo rỗng.
- Hạn chế tiêu thụ đường.
- Tránh chất béo chuyển hóa, đồ chiên rán, đồ ăn chế biến sẵn và thức ăn nhanh.
- Uống nhiều nước
- Không vừa ăn vừa uống.
- Hỏi bác sĩ về việc uống bổ sung vitamin và khoáng chất để tránh bị thiếu hụt
- Tích cực vận động. Thời gian đầu có thể chỉ đi bộ và tập các bài tập nhẹ nhàng, ví dụ như bơi lội, khiêu vũ và yoga. Sau đó, khi cơ thể đã khỏe hơn thì tăng cường độ tập luyện.
- Tránh uống rượu bia. Phẫu thuật cắt vạt dạ dày và các loại phẫu thuật giảm cân khác có thể làm tăng tác động của cồn đến cơ thể.
- Không dùng thuốc chống viêm không steroid (NSAID), chẳng hạn như ibuprofen, aspirin và naproxen. Những loại thuốc giảm đau này có thể làm giảm lớp phủ bảo vệ tự nhiên của dạ dày.
Tóm tắt bài viết
Điều quan trọng là phải tuân thủ đúng chế độ ăn uống mà bác sĩ đưa ra cả trước và sau khi phẫu thuật cắt vạt dạ dày. Việc này giúp ca phẫu thuật được tiến hành thuận lợi hơn, hỗ trợ cơ thể phục hồi nhanh chóng và tạo nền tảng cho thói quen ăn uống lành mạnh về lâu dài. Ngoài ra, cần tập thể dục thường xuyên để giảm cân và duy trì cân nặng khỏe mạnh.