Cần xử lý nghiêm hành vi mua bán giấy đi đường

3 năm trước 43

Ngày 11/8, công an quận Thanh Xuân (Hà Nội) đang mở rộng điều tra vụ phát hiện 3 thanh niên mua 9 giấy đi đường ở một cửa hàng cầm đồ. Hành vi sai trái trên được phát hiện ngày 6/8 tại chốt phòng, chống dịch Covid-19 đầu ngõ 214 Nguyễn Xiển, phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân.

Quá trình làm nhiệm vụ, lực lượng chức năng phát hiện 3 trường hợp sử dụng Giấy đi đường để qua chốt có biểu hiện nghi vấn nên đã đưa 3 người này về công an phường Hạ Đình để xác minh, làm rõ. Bước đầu, 3 thanh niên trên khai nhận đã mua 9 Giấy đi đường với tổng số tiền 12 triệu đồng ở một tiệm cầm đồ trên đường Láng, quận Đống Đa. Vụ việc đang tiếp tục được lực lượng chức năng làm rõ.

Trao đổi với phóng viên Người Đưa Tin Pháp luật, Luật sư Nguyễn Anh Thơm (Trưởng văn phòng luật sư Nguyễn Anh, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội) nhìn nhận tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn ra phức tạp trên địa bàn Thủ đô Hà Nội, Chủ tịch UBND thành phố Chu Ngọc Anh đã liên tiếp ban hành Chỉ thị số 17 và số 18 yêu cầu thực hiện cách ly toàn xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Yêu cầu mọi người dân ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như: mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu, khám chữa bệnh, tiêm chủng và các trường hợp khẩn cấp khác; đi công tác công vụ, làm việc tại cơ quan, công sở, làm việc tại nhà máy, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu được phép hoạt động....

Để đảm bảo công tác phòng chống dịch hiệu quả và tạo điều kiện cho người dân, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đủ điều kiện hoạt động trong thời gian giãn cách xã hội, thành phố Hà Nội đã ban hành quy định, hướng dẫn các cơ quan, tổ chức cấp giấy đi đường cho cán bộ, người lao động khi tham gia giao thông. Doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh đủ điều kiện hoạt động có trách nhiệm tổng hợp danh sách người lao động cần lưu thông trên đường (kèm theo phương án sản xuất, kinh doanh...) gửi đến UBND cấp phường, xã để được xác nhận.

Thực tế, theo Luật sư Thơm, do nhu cầu đi lại của người dân rất lớn, công tác quản lý Nhà nước ở khâu này còn lỏng lẻo nên đã phát sinh những tiêu cực như, nhờ xin cấp Giấy đi đường cho những người không thuộc trường hợp ra đường, mua bán, làm giả... Nếu các cơ quan chức năng không quản lý chặt chẽ trong việc kiểm tra, giám sát ngay từ bước đối chiếu, xét duyệt hồ sơ các đơn vị gửi lên thì công tác phòng chống dịch bệnh sẽ không thể đạt được hiệu quả như mong muốn.

Góc nhìn luật gia - Cần xử lý nghiêm hành vi mua bán giấy đi đường

Luật sư Nguyễn Anh Thơm - Trưởng văn phòng luật sư Nguyễn Anh, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội

Để có căn cứ xử lý, Luật sư Nguyễn Anh Thơm cho rằng cần làm rõ nguồn gốc Giấy đi đường 3 thanh niên trên sử dụng có phải do doanh nghiệp cấp hay là giấy tờ giả. "Điều 341, BLHS quy định trách nhiệm hình sự về Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức theo quy định. Nếu xác định được số Giấy đi đường trên bị làm giả, người làm giả sẽ bị xử lý hình sự theo điều 341 nêu trên", Luật sư Thơm cho hay.

Trường hợp xác định được Giấy đi đường do Doanh nghiệp cấp nhưng không đúng đối tượng hoặc cấp khống thì sẽ bị xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng chống dịch và có thể bị đình chỉ hoạt động, thu hồi giấy phép đăng ký kinh doanh với mức phạt từ 10 triệu đến 20 triệu khoản 3 Điều 12 Nghị định số 117/2020/NĐ-CP.

Về hình thức xử lý các cá nhân có hành vi mua Giấy đi đường nêu trên, Luật sư Nguyễn Văn Dương, Giám đốc công ty Luật Dương gia phân tích: hành vi sử dụng giấy tờ giả nhưng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì họ có thể bị xử phạt hành chính theo từng lĩnh vực cụ thể, phụ thuộc vào loại giấy tờ giả mà họ sử dụng là loại giấy tờ nào. Có 2 nghị định liên quan đến việc xử phạt hành chính cho hành vi này là Nghị định 167/2013/NĐ-CP và Nghị định 79/2015/NĐ-CP. Nhưng đều chỉ quy định việc xử phạt trong từng lĩnh vực cụ thể như chứng minh thư nhân dân, văn bằng, chứng chỉ…chứ chưa có một mức xử phạt hành chính chung cho việc sử dụng các loại giấy tờ giả.

– Điểm c, khoản 3, Điều 9 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định mức xử phạt đối với hành vi sử dụng chứng minh nhân giả có thể lên đến 4.000.000 đồng, tịch thu Chứng minh nhân dân giả.

– Đối với hành vi sử dụng văn bằng, chứng chỉ giả mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự; thì căn cứ theo quy định tại khoản 4 Điều 17 Nghị định 79/2015/NĐ-CP , người thực hiện hành vi này sẽ bị xử phạt với mức tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng; đồng thời bị tịch thu Văn bằng, chứng chỉ giả.

Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ

Đọc toàn bộ bài viết