Căng da mặt SMAS là phương pháp vô cùng phổ biến và rất hiệu quả trong việc làm căng phần da mặt đã lão hóa, phương pháp này xử lý mô mềm chảy xệ ở vùng góc hàm, hàm, cổ...
Kỹ thuật căng da mặt SMAS là gì?
Căng da mặt ban đầu được thực hiện bằng cách bóc tách và kéo căng da theo nghĩa đen, không tác động tới các cấu trúc nằm bên dưới. Phương pháp này mặc dù thỏa mãn mục đích trẻ hóa khuôn mặt, nhưng hiệu quả không bền. SMAS là phương pháp được đưa ra để khắc phục khuyết điểm trên.
SMAS là từ viết tắt của superficial musculo aponeurotic system, tức hệ thông mạc cơ nông dưới da bao phủ trên các lớp cơ mặt. Lớp mạc cơ này nằm bên dưới lớp da và mỡ dưới da, bên trên các khối cơ mặt. Trong kỹ thuật căng da mặt SMAS, bác sĩ sau khi bóc tách da sẽ khâu gấp, khâu chồng lớp hoặc cắt ngắn vào kéo căng lớp SMAS để làm căng lớp mô đã lão hóa ở nửa dưới khuôn mặt. Điều này sẽ giúp kéo cao phần nửa dưới mặt và cằm cổ đã bị chùng trễ do lão hóa, nếu ca phẫu thuật được thực hiện đúng cách, bệnh nhân có thể giữ được kết quả này trong 10-12 năm, thậm chí lên đến 20 năm, sau đó.
Căng da mặt SMAS hiện là phương pháp trẻ hóa khuôn mặt vô cùng phổ biến. Mặc dù phương pháp này vẫn có rủi ro gặp biến chứng như bao hình thức phẫu thuật khác, nhưng tỷ lệ này là rất thấp và tỷ lệ hài lòng của bệnh nhân thì thường rất cao.
Ai nên và không nên làm SMAS?
Để một phương pháp phẫu thuật thẩm mỹ phát huy tối đa công dụng, một trong những điều quan trọng nhất chính là lựa chọn đúng bệnh nhân. Nhìn chung, đối tượng phù hợp nhất để làm căng da mặt là người có da, mô chảy xệ đáng kể ở phần dưới khuôn mặt (góc hàm, cằm, cổ), có sức khỏe nói chung tốt và xác định được mục tiêu phẫu thuật hợp lý.
Bệnh nhân phù hợp với căng da mặt SMAS:
- Là người có da mặt chảy xệ, mô chảy xệ ở nửa dưới của khuôn mặt
- Cằm chảy xệ
- Mặt mất cân đối do liệt mềm mặt mạn tính (chronic flaccid facial paralysis)
- Có dây thừng cổ (cổ gà tây)
- Có mức độ kỳ vọng thích hợp đối với kết quả phẫu thuật
Những người không nên làm căng da mặt SMAS:
- Không có khả năng đặt mức độ kỳ vọng hợp lý
- Rối loạn chức năng tâm thần
- Mỡ má chảy xệ quá nặng, nếp nhăn hai bên mũi má (nasolabial fold) quá sâu
- Mô mềm trên mặt có nhiều mỡ
- Cân nặng không ổn định
- Đang hút thuốc lá
- Các bệnh mạch máu dạng tự miễn (collagen vascular disease) hoặc các dị thường về lành vết thương khác
- Bệnh tiểu đường không kiểm soát
- Suy giáp không kiểm soát
- Chảy máu màng não hoặc không thể ngừng thuốc chống đông máu quanh thời điểm làm phẫu thuật
- Suy dinh dưỡng
- Dự trữ tim phổi kém
Để biết được phương pháp trẻ hóa da mặt nào phù hợp nhất với bạn, cách tốt nhất và hiệu quả nhất chính là tới gặp bác sĩ để được tư vấn trực tiếp, hoặc đặt lịch tư vấn online để được đưa ra lời khuyên cụ thể cho trường hợp của bạn.
Quy trình phẫu thuật căng da mặt SMAS
Căng da mặt SMAS diễn ra trong lúc bệnh nhân được gây mê toàn thân, tức là bệnh nhân sẽ ngủ trong suốt quá trình diễn ra phẫu thuật và sẽ được gây tê tại chỗ bằng dung dịch tumescent nên sẽ không có cảm nhận gì trong và ngay sau khi làm phẫu thuật. Tuy nhiên, bệnh nhân cũng có thể thực hiện gây tê tại chỗ dưới da kèm an thần tỉnh nếu muốn. Đây là thủ thuật ngoại trú, tức là bệnh nhân thường có thể ra về sau khi thuốc gây mê hết tác dụng. Kỹ thuật căng da mặt SMAS đã có nhiều sự thay đổi và có nhiều phiên bản khác nhau qua thời gian, bác sĩ sẽ thực hiện kỹ thuật nào mà họ đã học hoặc tin tưởng nhất.
Chuẩn bị
Trước khi đồng ý làm phẫu thuật, bệnh nhân và bác sĩ phải có giai đoạn trao đổi cụ thể và thẳng thắn về ca phẫu thuật. Bệnh nhân nên đảm bảo mình hiểu rõ về mục tiêu, kết quả có thể đạt được và những rủi ro của ca phẫu thuật. Đừng đưa ra quyết định trước khi bạn đã hiểu chi tiết về điều mình sắp làm.
Khi đã lên lịch mổ, bệnh nhân sẽ được bác sĩ hoặc y tá hướng dẫn về những điều cần làm để chuẩn bị cho ca mổ, ví dụ: ngừng hút thuốc nếu bạn sử dụng thuốc, tạm ngưng một số loại thuốc nhất định theo chỉ dẫn, cách ăn uống...
Nhìn chung, bệnh nhân nên giữ một chế độ ăn uống và sinh hoạt điều độ, lành mạnh để đảm bảo sức khỏe cho phẫu thuật; giữ tâm lý thoải mái và tránh ăn kiêng hay bắt đầu chế độ tập luyện mạnh quá gần với ngày phẫu thuật.
Thực hiện
Bệnh nhân sẽ được gây mê khi bắt đầu. Sau khi thuốc mê ngấm, bác sĩ sẽ tiến hành gây tê cục bộ ở vùng đã được đánh dấu trên mặt từ trước bằng dung dịch thuốc tê tại chỗ hoặc dung dịch làm phồng mô tumescent.
Vết rạch thường thấy trong kỹ thuật căng da mặt là một đường rạch sát mép chân tóc, vòng trước tai và ra đến đằng sau nếu cần. Độ dài của vết rạch sẽ tùy vào mức độ da cần kéo căng. Quy tắc chung là rạch càng dài thì càng căng được nhiều.
Sau khi đã thực hiện xong vết rạch cần thiết, bác sĩ sẽ tách lớp da mô phía trên khỏi cấu trúc bên dưới bằng dao mổ hoặc kéo mổ. Da được nhấc lên khỏi vùng má và cằm cổ, để lộ ra lớp mạc cơ, hay lớp SMAS, bên dưới. Lúc này bác sĩ có thể chọn một trong ba cách phổ biến để di chuyển mạc cơ:
- gấp nếp và khâu cố định: nhanh chóng và thuận tiện vì không phải cắt hoặc bóc tách, hợp với các ca chảy xệ vừa phải.
- khâu chồng lớp SMAS: rạch và bóc tách lớp SMAS, kéo theo đường chéo lên trên, về phía tai và khâu chồng lên lớp SMAS bên dưới.
- cắt bỏ một dải SMAS rồi khâu lại
Ba cách kể trên có một nhược điểm là chúng chỉ giúp kéo căng da mặt ở vùng cằm cổ, mà không thể xử lý hết sự chùng nhão ở vùng má. Với những bệnh nhân bị lão hóa nặng ở vùng giữa mặt, chỉ làm căng vùng bên dưới sẽ khiến khuôn mặt mất tự nhiên. Vì vậy cần đến các kỹ thuật cao cấp hơn là Deep Plane và High-SMAS để vừa căng da cằm-cổ, vừa căng da vùng giữa mặt (túi mỡ má, nếp nhăn quanh mũi miệng).
Ca phẫu thuật kết thúc bằng việc kéo căng da, cắt bỏ phần thừa và khâu lại vào vị trí cũ. Các công đoạn này được lặp lại lần nữa ở bên còn lại.
Một số bác sĩ có thể chọn đặt ống dẫn lưu để tránh tích tụ dịch trong quá trình hồi phục, nhưng điều này không phải là bắt buộc. Bạn có thể được cho sử dụng băng ép đầu để hạn chế sưng, bầm tím.
Hồi phục sau phẫu thuật
Bệnh nhân sẽ được hướng dẫn ngủ ngồi trong tuần đầu tiên để giảm thiểu sưng nề và được đeo băng hỗ trợ cổ trong một đến hai tuần. Cổ có thể có cảm giác căng lên đến ba tuần. Chỉ khâu được tháo ra vào ngày thứ bảy sau phẫu thuật và bệnh nhân sẽ được tái khám sau ba tuần và sáu tuần. Bệnh nhân có thể được kê thuốc giảm đau trong ít nhất một tuần đầu tiên sau phẫu thuật, tuy nhiên điều này cũng tùy thuộc vào bác sĩ.
Hãy chủ động hỏi bác sĩ về những gì bạn nên làm và không nên làm trong quá trình hồi phục trước khi làm phẫu thuật, như thế bạn có thể chuẩn bị tinh thần, đồ dùng cần thiết, thậm chí sắp xếp để có người hỗ trợ trong quá trình hồi phục. Bạn cũng nên thuê xe hoặc nhờ người đưa đón vào hôm làm phẫu thuật, đừng tự mình lái xe vì hôm đó bạn sẽ được gây mê.
Những biến chứng có thể gặp phải sau quy trình
Các biến chứng phổ biến nhất của căng da mặt SMAS bao gồm:
- tụ máu
- tê/giảm cảm giác dái tai do tổn thương dây thần kinh tai to (great auricular nerve)
- vết thương chậm lành
- sẹo phì đại
- thoáng rụng tóc ở quanh vết mổ
- da lồi lõm, không phẳng đều, có thể cần truyền mỡ
- hoại tử vạt da
- nhiễm trùng
- biến dạng phần dưới của dái tai (biến dạng tai pixie).
Rối loạn chức năng thần kinh vận động có thể là vĩnh viễn, nhưng thường chỉ thoáng qua. Bệnh nhân cũng có thể bị bầm máu và sưng nề, sẽ giảm đi vào ngày thứ 14, nhưng cũng có thể kéo dài đến sáu tuần. Đau nhức và đau khi chạm vào là một hiện tượng gần như bình thường sau phẫu thuật, và nhiều bệnh nhân cũng báo lại các trường hợp bị giảm cảm giác ở mặt trong vài tuần sau khi phẫu thuật. Cần lưu ý rằng có hơn 50% bệnh nhân sẽ trải qua một số rối loạn chức năng tâm lý, chủ yếu là trầm cảm thoáng qua, tình trạng này nên được nhận biết và kiểm soát. Đa số bệnh nhân chỉ cần được trấn an, nhưng một số người có thể cần liệu pháp dược lý ngắn hạn.
Vết sẹo sau căng da mặt
Mặc dù đường rạch của kỹ thuật này nằm ở phía trước tai, nhưng hiện tại các bác sĩ sử dụng cách rạch mới thay vì đường rạch lỗi thời khi trước. Nhờ đó vết rạch được giấu kín hơn và gần như trở lên vô hình sau khi hồi phục.
Ưu và Nhược điểm của kỹ thuật SMAS
Kỹ thuật SMAS là phương pháp căng da mặt vô cùng hiệu quả và cho kết quả đáng tin cậy, tuy nhiên nó cũng có những ưu và nhược điểm nhất định.
Ưu điểm
- Cho kết quả đáng tin cậy, tỷ lệ hài lòng cao: bệnh nhân gần như đảm bảo sẽ có vùng mặt bên dưới và vùng cổ căng hơn, trẻ trung hơn.
- Khả năng gây tổn thương nhánh thần kinh mặt thấp
- Sẹo kín đáo, với bác sĩ tay nghề tốt vết sẹo gần như vô hình
- Thủ thuật ngoại trú, không cần nằm viện
Nhược điểm
- Hiệu quả làm căng da vùng giữa mặt không cao: bao gồm vùng mỡ má chảy xệ và nếp nhăn quanh mũi (rãnh mũi má)
- Cần thời gian hồi phục: Bệnh nhân không thể đẹp ngay khi vừa làm phẫu thuật, mà phải trải qua một thời gian ít nhất là hai tuần để hồi phục. Tuy nhiên vẫn có những bệnh nhân có thể hồi phục nhanh hơn.
- Không bao gồm căng da vùng giữa mặt (gò má) nếu không dùng các kỹ thuật cải tiến và cũng không bao gồm nâng chân mày, cắt mí trên, mí dưới...
- Có rủi ro biến chứng trong lúc phục hồi
- Chi phí cao
Xem thêm: Phương pháp Căng chỉ da mặt