Cắt bọng mỡ mí mắt dưới

3 năm trước 26

Cắt bọng mỡ mí mắt dưới có thể được thực hiện qua 2 vị trí đường rach, đường rạch qua kết mạc phía trong mí mắt và đường rạch ngoài da. Mỗi kỹ thuật đều có ưu và nhược điểm riêng cũng như phù hợp với tình trạng của từng bệnh nhân.

Bọng mỡ mí mắt dưới chính là tình trạng mỡ ổ mắt tích tụ hoặc thoát vị phình to ra khiến vùng dưới mắt trông bị sưng phồng lên tạo vẻ ngoài mệt mỏi, già nua, gây mất thẩm mỹ cho khuôn mặt.

Bọng mỡ có thể đi kèm với tình trạng rãnh lệ, quầng thâm, da chảy xệ và thường chỉ là vấn đề thẩm mỹ chứ không phải là đấu hiệu của một bệnh lý nào đó. Nếu bọng mắt bị đỏ, sưng hoặc ngứa, đau thì bệnh nhân cần nhanh chóng kiểm tra để loại trừ các vấn đề bệnh lý khác.

Giải phẫu mí mắt dưới và nguyên nhân hình thành bọng mỡ dưới mắt

3 túi mỡ ổ mắt ở dưới mắt

Mắt của chúng ta nằm trong một không gian được gọi là ổ mắt. Có một dải mô kéo dài từ rìa ổ mắt đến mí mắt được gọi là vách ngăn ổ mắt. Xung quanh mắt và phía sau vách ngăn ổ mắt này chính là lớp mỡ ổ mắt. Mở ổ mắt giúp tạo lớp đệm cho nhãn cầu ở trong ổ mắt. Mỡ ổ mắt ở vùng mí mắt dưới gồm có 3 túi mỡ, túi mỡ trong, giữa và ngoài (xem hình ảnh 3 túi mỡ ở trên). Ở những người bình thường 3 túi mỡ sẽ nằm ổn định ở phía dưới và được bảo vệ bởi vách ngăn ổ mắt, cơ vòng mi và da quanh mắt. Nhưng ở những người bị bọng mỡ, vì một lý do nào đó những túi mỡ này bị thoát vị và phình ra, tạo diện mạo sưng phình ở dưới mắt.

Có 2 nguyên nhân chính dẫn đến sự thoát vị mỡ và hình thành bọng mỡ như thế này bao gồm:

  • Lão hóa: khi cơ thể già đi, mô bị lão hóa, các cơ và dây chằng trở nên yếu đi theo tuổi tác, da mất độ săn chắc, đàn hồi không còn khả năng nâng đỡ, bảo vệ mỡ ổ mắt, cộng với tình trạng mỡ ổ mắt tích tụ nhiều hơn nên dần bị thoát vị lồi ra, nhô phình lên, hình thành bọng mỡ dưới mắt. Ngoài ra, tình trạng bọng mỡ cũng trở nên rõ rệt hơn do sự lão hóa của vùng má. Bình thường mí mắt dưới chuyển tiếp xuống má theo một đường mịn màng, liên tục, nhưng khi má bị lão hóa trở nên xẹp, phẳng hơn và chảy xệ xuống dẫn đến sự chuyển tiếp đột ngột giữa vùng mí dưới và má, khiến tình trạng bọng mỡ càng lộ rõ hơn.
  • Di truyền: Vùng mí mắt dưới có thể trở nên sưng húp do mỡ ổ mắt phồng lên vì các yếu tố như tăng mỡ ổ mắt hoặc mỏng vách ngăn ổ mắt. Kiểu sưng phồng này có thể xảy ra do di truyền và có thể xuất hiện sớm nhất ở tuổi vị thành niên.

Xác định bọng mỡ và phân biệt với các vấn đề khác

Để xác định bọng mỡ dưới mắt, ngoài các thao tác sờ nắn trực tiếp bác sĩ sẽ yêu cầu bệnh nhân nhìn lên phía trên và nhìn sang hai bên để xác định chính xác vị trí cũng như lượng mỡ cần loại bỏ. Việc xác định phải được thực hiện với bệnh nhân ở tư thế ngồi, vì khi phẫu thuật bệnh nhân sẽ nằm ngửa, điều này có thể khiến mỡ thoát vị bị ẩn.

Bọng mỡ dưới mắt có thể bị nhầm lẫn với tình trạng dịch mí mắt, phì đại cơ vòng mi hoặc mỡ má. Và bác sĩ trước khi bắt tay vào phẫu thuật cần đánh giá để loại trừ những vấn đề này để xác định phương pháp phẫu thuật cho phù hợp.

dịch mí mắtDịch mí mắt

Dịch mí mắt: đây là biểu hiện của sự tích tụ dịch ở vùng mí mắt dưới, khiến vùng mí mắt dưới phình lên và có thể tưởng nhầm là bọng mỡ. Dịch mí mắt thường có màu hơi đỏ tía, và thường tích tụ theo một khối, và thường không phân ra thành các túi phía trong, giữa và ngoài, cũng như không có đường viền phân tách rõ rệt như các túi mỡ ổ mắt. Một số đặc điểm chẩn đoán dịch mí mắt đó là: bệnh nhân bị sưng phồng mắt nhiều hơn sau một bữa ăn mặn, vùng dưới mắt có màu đỏ tía, không có đường viền xác định rõ ràng vùng dịch tụ và tình trạng sưng phình dưới mắt không thay đổi nhiều khi bệnh nhân nhìn lên, hay nhìn xuống. Nếu dùng tay ấn vào rìa ổ mắt thì có thể nhìn thấy dịch tụ lại bên dưới rìa ổ mắt.

Phì đại cơ vòng mi: Cơ vòng mi bị phì đại cũng là một yếu tố khiến vùng mí mắt dưới bị phình to lên và dễ nhầm lẫn với tình trạng bọng mỡ - sa, thoát vị mỡ ổ mắt. Để loại trừ vấn đề này, bệnh nhân sẽ được yêu cầu cười mỉm và cau mày. Nếu bị phì đại cơ thì cơ sẽ nổi bật hơn trong quá trình co cơ, trong khi nếu bị thoát vị mỡ ổ mắt thì khi co cơ sẽ không thấy khối cơ này nổi rõ lên.

Mỡ má: Để phân biệt mỡ má với tình trạng thoát vị mỡ ổ mắt gây bọng mỡ, người ta thường ấn nhẹ vào nhãn cầu. Mỡ má sẽ không bị nổi lên bởi lực ấn này và thường nằm ở phía ngoài và phía dưới nhiều hơn so với mỡ ổ mắt.

Các kỹ thuật cắt bọng mỡ mí mắt dưới

2 kỹ thuật cắt bọng mỡ mí mắt dưới bao gồm: cắt qua đường rạch kết mạc cắt qua đường rạch ngoài da. Tùy tình trạng của từng người mà bác sĩ sẽ xác định kỹ thuật phù hợp và hiệu quả nhất.

Cắt bọng mỡ mí mắt dưới qua đường rạch kết mạc

đường rạch qua kết mạcĐường rạch qua kết mạc

Kết mạc là lớp màng ở mặt trong của mí mắt dưới, chính vì vậy bệnh nhân thực hiện cắt bọng mỡ qua đường rạch ở vị trí này sẽ không cần lo lắng các vấn đề sẹo lộ, sẹo xấu. Vết sẹo để lại sẽ rất mỏng và nằm ở mặt trong của mí mắt.

Đối tượng phù hợp: Kỹ thuật này chỉ phù hợp với những bệnh nhân còn trẻ tuổi có bọng mỡ nhưng cấu trúc mô, da, cơ ở vùng mí mắt dưới vẫn săn chắc, có độ đàn hồi tốt, do đó không cần cắt bỏ da thừa mà chỉ cần loại bỏ và/hoặc xắp xếp, dịch chuyển mỡ bọng mắt để xử lý rãnh nước mắt.

Ưu/nhược điểm

Ưu điểm:

  • Không lộ sẹo ngoài da
  • Không ảnh hưởng đến các cấu trúc hỗ trợ nâng đỡ vùng mí mắt dưới như cơ, dây chằng do kỹ thuật rạch mổ và bóc tách từ phía trong, qua đó giúp giảm đáng kể nguy cơ co rút hay biến dạng mí dưới.
  • Bảo toàn hình dạng của mắt tốt hơn
  • Ít gây chấn thương, bầm tím và sưng nề quanh mắt hơn.
  • Phục hồi nhanh hơn

Nhược điểm:

  • Chỉ xử lý được vấn đề bọng mỡ, rãnh nước mắt, không thể cắt bỏ da thừa nhăn nheo, lỏng lẻo ở vùng mí mắt dưới
  • Hiệu quả trẻ hóa vùng mí dưới thấp hơn và duy trì trong thời gian ngắn hơn .

Quy trình thực hiện

Bác sĩ tiến hành gây tê tại chỗ kết hợp tiền mê cho bệnh nhân và đặt tấm chắn mắt cẩn thận, sau đó dùng laser (thường là laser CO2) rạch một đường qua kết mạc mí mắt dưới. Vị trí rạch nằm cách viền mí mắt dưới khoảng 5mm, tiếp tục rạch để tiếp cận các túi mỡ trong, giữa và ngoài. Sau khi đã tiếp xúc được các túi mỡ, ấn nhẹ để mỡ nhô ra ngoài vết rạch và tiến hành bóc tách, cắt bỏ bằng laser. Trình tự loại bỏ mỡ phụ thuộc vào sở thích của từng bác sĩ, có thể loại bỏ mỡ ở túi mỡ giữa và phía ngoài trước, sau đó đến phần mỡ ở túi mỡ phía trong.

Ở những bệnh nhân cần xử lý rãnh nước mắt hoặc các vùng trũng sâu có thể chuyển mỡ ra những vùng này để lấp đầy và tạo đường chuyển tiếp mịn mượt xuống má. Cuối cùng khâu đóng vết rạch bằng chỉ thẩm mỹ tự tiêu.

Đối với những trường hợp có quầng thâm, đôi khi bác sĩ sẽ cần xử lý bằng cách tiêm chất làm đầy hoặc cấy mỡ tự thân từ phía ngoài để làm đầy vùng mí mắt dưới, che đi các mạch máu bị lộ để giảm hiện tượng quầng thâm. Hoặc có thể điều trị bằng một loại laser mạch máu (laser xung nhuộm màu) chuyên xử lý các vấn đề liên quan đến mạch máu dưới da

Cắt bọng mỡ mí mắt dưới qua đường rạch ngoài da

đường rạch qua daĐường rạch ngoài da

Kỹ thuật này cho phép bác sĩ phân bố lại, cắt bỏ hoặc giải phóng các cấu trúc ở mí mắt dưới một cách chính xác, đồng thời có thể chỉnh sửa lại hình dạng mí mắt dưới – đây là những yếu tố không thể thực hiện được với kỹ thuật rạch qua kết mạc. Ngoài ra quy trình này có thể được thực hiện kết hợp với các quy trình khác như tạo hình góc mắt ngoài…

Đối tượng phù hợp: thường phù hợp với những bệnh nhân đã có tuổi, vừa có bọng mỡ nổi bật, vừa có da thừa lỏng lẻo cần xử lý cắt bỏ và/hoặc gặp các tình trạng như suy yếu/ phì đại cơ vòng mi, rãnh nước mắt

Ưu nhược điểm

Ưu điểm

  • Xử lý được tất cả các vấn đề liên quan đến mí dưới lão hóa như bọng mỡ, da thừa, cơ vòng mi suy yếu, rãnh nước mắt….
  • Hiệu quả đạt được cao hơn và kết quả trẻ hóa duy trì lâu hơn

Nhược điểm

  • Có thể để lại sẹo xấu
  • Sưng tấy, bẩm tím nhiều hơn, thời gian hồi phục lâu hơn
  • Có nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến hình dạng mắt hơn, ví dụ mắt có thể bị xệ hoặc co rút sau phẫu thuật

Quy trình thực hiện

Đánh giá bệnh nhân: Vì phương pháp này sẽ kết hợp cắt bỏ cả bọng mỡ và da thừa mí mắt dưới để căng da, loại bỏ nếp nhăn nên trước khi thực hiện ngoài việc đánh giá tình trạng bọng mỡ, bác sĩ cũng cần đánh giá mức độ lỏng lẻo của mí dưới để xác định chính xác lượng da thừa cần cắt bỏ nhằm tránh tình trạng lật mí dưới cũng như co rút mí mắt về sau. Trường hợp mí dưới quá lỏng lẻo có thể cần kết hợp thực hiện thêm các quy trình khác để đảm bảo có được hình dạng mí mắt phù hợp nhất.

Ở những người lớn tuổi, vùng mí dưới có thể rất lỏng lẻo. Để xác định độ lỏng lẻo này, bác sĩ có thể dùng ngón tay kéo mí mắt dưới xuống rồi thả tay ra và quan sát xem mất bao lâu mí mắt trở lại vị trí ban đầu. Nếu sau khi thả tay ra mí mắt có thể trở lại vị trí ban đầu ngay lập tức thì không cần thực hiện các biện pháp căng da để khắc phục lỏng lẻo. Nhưng nếu sau khi chớp mắt mí dưới mới trở lại vị trí ban đầu thì sẽ cần kết hợp loại bỏ bọng mỡ, cắt bỏ da thừa với các phương pháp căng da như treo cơ vòng mi. Còn trường hợp nặng hơn, nếu mí không trở lại vị trí ban đầu ngay cả sau khi đã chớp mắt thì cần di chuyển, cố định lại sụn mi để tránh tối đa nguy cơ mí dưới bị co rút, lật mí sau đó.

Thực hiện: Sau khi gây tê tại chỗ và tiền mê, bác sĩ tiến hành rạch một đường cách viền mi dưới khoảng 1,5 mm, sau đó bóc tách tiếp cận mỡ ổ mắt, cắt bỏ và/hoặc dịch chuyển mỡ để lấp đầy rãnh nước mắt nếu cần. Ở những bệnh nhân không cần xử lý tình trạng mí dưới lỏng lẻo thì sau đó da sẽ được kéo về phía đường rạch, cắt bỏ da thừa và khâu đóng đường rạch.

Tuy nhiên ở những người cần xử lý mí dưới lỏng lẻo thì bác sĩ có thể kết hợp thực hiện các phương pháp như đã nói ở trên, sau đó mới khéo léo khâu đóng đường rạch, giấu sát đường khâu vào chân mi để tránh sẹo lộ.

Quá trình hồi phục

Trong vài ngày đầu, mắt có thể bị sưng nề, bầm tím, khó chịu. Để tránh những vấn đề này nặng hơn, tốt nhất trước khi phẫu thuật 1 – 2 tuần bệnh nhân nên dừng uống các loại thuốc hoặc thảo dược làm tăng nguy cơ chảy máu.

Bệnh nhân có thể tích cực chườm lạnh 3 – 5 ngày một lần để giảm sưng nề, khó chịu, đồng thời cần tuân thủ nghiêm ngặt các hướng dẫn chăm sóc của bác sĩ: như vệ sinh mắt bằng nước muối sinh lý hàng ngày, cũng như tra thuốc mỡ kháng sinh giúp tránh nhiễm khuẩn. Tránh vận động mạnh hay tiếp xúc trực tiếp với nắng gió, bụi bẩn trong thời gian đầu hậu phẫu. Kê cao đầu khi nghỉ ngơi và ngủ để tránh sưng nề.

Thông thường bệnh nhân cắt bọng mỡ qua đường rạch kết mạc sẽ hồi phục nhanh hơn và cũng ít nguy cơ biến chứng hơn. Bệnh nhân cắt bọng mỡ qua đường rạch ngoài da sẽ cần cắt chỉ khâu sau khoảng 5 – 7 ngày cũng như có quá trình hồi phục khó khăn và dài hơn. Quá trình hồi phục hoàn toàn có thể diễn ra trong 6 - 9 tháng. 

Một số hình ảnh bệnh nhân trước và sau cắt bọng mỡ mí mắt dưới:

3

1

2

6

Các vấn đề và biến chứng có thể gặp phải

Sau phẫu thuật bệnh nhân có thể gặp phải các vấn đề như khô mắt, chảy nước mắt, đau, sưng, bầm tím… Tuy nhiên tất cả những vấn đề này chỉ là tạm thời và thường sẽ sớm biến mất hoặc có thể dễ dàng khắc phục. Ở những bệnh nhân thực hiện kỹ thuật cắt bọng mỡ qua được rạch ngoài da nếu kỹ thuật thực hiện không tốt có thể gặp phải các vấn đề như:

Sẹo xấu

Mặc dù vùng da mi mắt dễ lành thương hơn hầu hết các vùng da khác trên cơ thể nhưng nếu quá trình khâu đóng không đúng kỹ thuật, vết khâu quá căng, thì nguy cơ để lại sẹo rất cao. Vết sẹo có thể bị phì đại, lồi (nhất là ở những bệnh nhân có cơ địa sẹo lồi), hoặc rối loạn sắc tố và cần can thiệp các biện pháp để khắc phục.

Lật mí dưới

lật mí dưới

Bờ mi mí dưới có thể bị lật ngửa ra ngoài, để lộ củng mạc màu trắng và kết mạc, kèm theo các hiện tượng như khô mắt, không thể nhắm kín mắt. Nguyên nhân chủ yếu là do bác sĩ cắt bỏ da thừa quá mức hoặc đường khâu bị căng quá mức.

Co rút mí dưới

co rut mi duoi 1

Nếu không thực hiện chính xác mí dưới có thể bị biến dạng, co rút. Nguyên nhân có thể do bác sĩ can thiệp cắt bỏ mô, mỡ ổ mắt và cơ vòng mi quá nhiều, khiến cho mí mắt bị ngắn lại, làm biến dạng cũng như thay đổi vị trí mí mắt dưới.

Hai bên mí dưới không cân

Nếu việc loại bỏ bọng mỡ và da thừa cũng như khâu đóng đường rạch ngoài da không được thực hiện một cách tỉ mỉ thì sau khi thực hiện hai bên mí dưới có thể trông lệch nhau, gây mất thẩm mỹ…

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Tâm

Đọc toàn bộ bài viết