Cách đây bốn năm, khi đề cập đến các nền tảng xuyên biên giới hoạt động tại Việt Nam, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng từng nói: “Việt Nam không chào đón các doanh nghiệp xuyên biên giới vào đây mà không tuân thủ luật pháp Việt Nam”.
Người đứng đầu Bộ TT&TT cũng bày tỏ ý chí của đơn vị quản lý rằng: Việt Nam (VN) sẽ sử dụng các biện pháp pháp lý, kinh tế, kỹ thuật để yêu cầu các doanh nghiệp xuyên biên giới tuân thủ luật pháp.
Phát biểu của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng vào năm 2019 đến nay là một hành trình dài để buộc các nền tảng xuyên biên giới tuân thủ pháp luật của nước sở tại. Tuy nhiên, ý chí này cũng không dễ thực hiện.
Phát biểu tại một hội nghị vào năm nay, Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử Lê Quang Tự Do cũng thừa nhận thực tế này. Ông nêu: Cơ quan quản lý đã sử dụng giải pháp kinh tế để gây áp lực, đạt được hiệu quả về mặt xử lý nội dung với nền tảng vi phạm. Đồng thời, dùng truyền thông gây sức ép để thực hiện giải pháp về pháp lý, nội dung, kỹ thuật. Ông Do cho biết cơ quan chức năng đã triển khai cuộc kiểm tra TikTok tại VN với sự tham gia của năm bộ, ban ngành. “Lần đầu tiên chúng ta buộc một nền tảng xuyên biên giới phải ký thừa nhận sai phạm và có biện pháp khắc phục cụ thể” - ông Do thông tin.
Gần đây nhất, kết quả kiểm tra TikTok VN được công bố, những sai phạm của TikTok gồm thông tin vi phạm luật pháp VN, lan truyền tin giả, bảo mật người dùng... Đáng chú ý nhất là việc nền tảng đã có dấu hiệu không kiểm soát được những thông tin gây hại cho trẻ em.
Không thể phủ nhận việc xuất hiện của các nền tảng xuyên biên giới hoạt động trong lãnh thổ VN đã đem đến nhiều trải nghiệm tốt cho người dùng, kết nối người Việt với khối lượng thông tin đồ sộ trên thế giới và đưa hình ảnh đất nước, con người VN tới muôn nơi.
Thế nhưng, câu chuyện từ việc đón nhận thông tin của các nền tảng này cũng giống như một căn nhà đóng kín cửa, sau đó được mở ra để đón những luồng gió mới vào. Luồng gió đó sẽ đem đến sự thông thoáng nhưng đồng thời cũng kéo theo bụi bẩn, thậm chí là rác thải.
Trong khi trông chờ ở thiện chí và hành động thực thi của các nền tảng xuyên biên giới, các cơ quan quản lý nhà nước cũng đưa ra nhiều giải pháp theo hình thức như chủ nhà phải dọn rác trong nhà. “Chủ nhà” ở đây cũng có thể là những KOLs, những người đang sáng tạo nội dung trên các nền tảng xuyên biên giới. Không chỉ phải tự tay “quét dọn” những rác rưởi trong nhà mà họ cũng phải là những người tạo nên các nội dung sạch, tích cực, chính xác, góp phần xây dựng không gian mạng lành mạnh, nuôi dưỡng tâm hồn và bổ sung kiến thức cho người dùng.
VIẾT THỊNH