Thời gian qua, mặc dù công an liên tục phá các vụ án tín dụng đen, cho vay qua app rồi đòi nợ kiểu khủng bố những người chẳng liên quan gì đến khoản vay nhưng vẫn không ngăn chặn được tình trạng này.
Sở TT&TT TP.HCM đã khuyến cáo về trường hợp không vay nợ của tổ chức, cá nhân, cũng không bảo lãnh cho người khác vay nhưng bị nhắn tin, gọi điện thoại đòi nợ, đe dọa, gây áp lực nhưng vẫn không ngăn được tình trạng này.
Con vay, cả nhà bị khủng bố
Ông H (ngụ phường 10, quận Tân Bình, TP.HCM) liên tục bị khủng bố qua điện thoại, tin nhắn, cuộc gọi với nội dung đòi nợ rất tục tĩu như: “Mày mua (...) dán lên bàn thờ thằng cha con mẹ mày để che cái bàn thờ nhà mày lại cho thiên hạ khỏi dòm ngó, bàn tán về số nợ của mày...”.
Những người gọi điện thoại đến xưng là Công ty TNHH Mua bán nợ KL, yêu cầu ông H và con trai (31 tuổi) phải trả số tiền 56 triệu đồng. Lo lắng, ông H hỏi con thì anh N cho biết mình không vay mượn Công ty KL.
Sau đó có nhóm thanh niên đi đến trước nhà, vứt giấy đòi nợ vào bên trong. Tiếp đến là nhà ông H bị khóa chốt cửa ngoài, nhốt gia đình bên trong rồi tạt sơn.
Một nạn nhân bị nhắn tin đòi nợ và đưa hình ảnh lên mạng xã hội vì vay qua app. |
Ông H đưa ra giấy đòi nợ mà hai thanh niên vứt vào nhà mình với nội dung: “Công ty TNHH Mua bán nợ KL thông báo đến ông LTN cùng gia đình thu xếp tiền bạc thanh toán dứt điểm khoản nợ để tránh sự phiền toái không đáng có. Nếu ông bà không hợp tác, chúng tôi sẽ sử dụng mọi biện pháp nghiệp vụ để có thể thu hồi khoản nợ. Mọi sự chây ỳ, trốn tránh đều vô dụng và chúng tôi sẽ coi đó là sự khiêu khích. Con nợ trốn - người thân trả” - thông báo đòi nợ viết.
Theo số điện thoại ghi trên giấy, anh N gọi điện thoại thì được phía đầu dây thông báo đã mua lại số nợ của ngân hàng.
Khi anh N thông báo nhà anh bị tạt sơn thì phía đầu dây nói: “Tao đã gửi thư cho mày rồi. Mày nhờn… mày không đóng tiền đúng không. Mày trả tiền cho tao, nếu không tao cho anh em phá”.
Anh N cho biết khoảng một năm trước, anh có vay tín dụng với số tiền 22 triệu đồng của một ngân hàng và chậm tất toán do dịch bệnh, cuộc sống khó khăn. Anh N cũng cho rằng đã liên hệ với bên ngân hàng trình bày hoàn cảnh của anh và xin được chậm trả lãi suất khoản vay.
Phía Công an phường 10, quận Tân Bình cho biết sẽ kiểm tra, xử lý và khuyến cáo nếu có vụ việc liên quan đến tình hình an ninh trật tự, người dân nên đến công an trình báo.
Nhiều người dân cũng đã phản ánh với Pháp Luật TP.HCM về việc khủng bố, yêu cầu phải trả tiền mặc dù không hề vay mượn từ các app cho vay.
Chị L (ngụ huyện Hóc Môn, TP.HCM) do tò mò mà rơi vào tình cảnh dở khóc dở cười.
Theo đó, thấy nhiều app nên chị truy cập thử một app. Sau khi cung cấp số điện thoại, CMND, chụp ảnh mặt trước, mặt sau của CMND, tên cơ quan, địa chỉ nhà thì chị ngưng vì thấy số tiền cho vay quá thấp nhưng lãi suất và phí quá cao.
Khoảng 30 phút sau, chị nhận được tin nhắn báo: “Chúc mừng bạn đã nhận được hạn mức vay. Hoàn thành bộ hồ sơ để nhận khoản vay”. Tưởng vậy là xong, ai ngờ hằng tháng chị đều nhận được cuộc gọi nhắc nợ.
Theo chị L, gần nửa năm bị khủng bố mà không có cách nào ngăn chặn ngoài việc chặn số. “Nhưng lạ là tôi chặn số này lại mọc lên một số khác và gọi vào bất kể giờ giấc nào trong ngày” - chị L kể và cho biết các số này sau đó người thân chị gọi điện thoại lại thì đều bị chặn, không liên hệ được.
Từng phản ánh với Pháp Luật TP.HCM, anh ĐVT (36 tuổi, ngụ TP Châu Đốc, An Giang) cho biết thời gian dài anh và những người trong gia đình liên tục bị khủng bố, đe dọa bằng cuộc gọi, tin nhắn và những bình luận “cảnh báo lừa đảo chiếm đoạt tài sản” trên mạng xã hội.
Theo anh T, do vợ anh đã vay tiền của các app. Trong quá trình làm thủ tục vay phải cung cấp danh bạ, tài khoản mạng xã hội. Do đó, những nhân viên của app cho vay đã nắm được hết các thông tin. Do lãi mẹ đẻ lãi con, không trả nổi nên người thân liên tục bị khủng bố, đòi nợ.
Cơ quan chức năng cảnh báo
Một nhân viên từng làm việc tại một app cho vay thừa nhận khi chủ nợ không trả thì các nhân viên sẽ nhắn tin, gọi điện thoại đòi tiền, sau đó tung chiêu khủng bố bằng việc “spam” qua điện thoại, các tài khoản mạng xã hội (Facebook, Zalo, Viber…) của người thân, bạn bè, danh bạ điện thoại của người vay bất kể ngày đêm.
Trước thực trạng người không vay nhưng bị làm phiền, Sở TT&TT TP.HCM đã phối hợp với Công an TP tập trung xử lý.
Mới đây, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, đại diện Sở TT&TT khuyến cáo cá nhân bị quấy rối nên lưu lại số điện thoại, thông tin, hình ảnh tin nhắn với nội dung đe dọa, nhắc nợ, đòi nợ. Sau đó gửi kèm theo văn bản đến tổ chức, cá nhân cho vay nợ để khiếu nại về biện pháp nhắc nợ, đòi nợ đối với người không có nghĩa vụ trả nợ.
Đồng thời gửi đơn kèm chứng cứ tới chi nhánh Ngân hàng Nhà nước để kiến nghị giải quyết hành vi vi phạm về lĩnh vực ngân hàng hoặc gửi đơn trình báo, tố cáo đến cơ quan công an, Sở TT&TT.
Từ đó, lực lượng chức năng có cơ sở để can thiệp, xử lý. Cần tránh tâm lý e ngại, thỏa hiệp, cho qua, tạo điều kiện để các đối tượng tiếp tục hành vi trái pháp luật này.
Cũng theo Sở TT&TT, trong năm 2021 và năm tháng đầu năm 2022, sở vẫn chưa nhận được nhiều phản ánh của các cá nhân, tổ chức bị đe dọa cũng như bị đòi nợ kiểu khủng bố qua điện thoại, trên mạng xã hội. Vừa qua sở đã xử lý ba trường hợp vi phạm với tổng số tiền 27,5 triệu đồng, ngừng cung cấp dịch vụ với 23 thuê bao di động trên địa bàn có hành vi vi phạm.
Theo Trung tá Trần Đức Lợi, Đội phó Đội Cảnh sát hình sự Công an quận Bình Tân, gần đây người dân thường hay liên hệ với công ty tài chính, app cho vay… mà những người cho vay lãi nặng núp bóng, sau đó bị đòi nợ kiểu khủng bố, hủy hoại tài sản.
Người dân không nên vay tiền các app tài chính, công ty tài chính khi chưa biết rõ về lãi suất cũng như phương thức trả nợ. Người dân khi có những cuộc gọi đe dọa, tạt sơn thì trình báo đến công an, chính quyền địa phương để nhờ can thiệp.
Tránh xa tín dụng đen, vay qua app
Công an quận Phú Nhuận: Báo ngay cho công an phường
Các nhóm tín dụng đen (TDĐ) hay nhắm tới là người có thu nhập thấp, những người cần tiền trong thời gian ngắn, những người cờ bạc, cá độ.
Người dân tuyệt đối không vay TDĐ, thường xuyên nhắc nhở người thân, con em về việc này. Đối với các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, có nhu cầu vay vốn thì liên hệ hoặc trực tiếp đến liên hệ các cơ quan chính quyền để được hỗ trợ vay từ các ngân hàng chính sách xã hội, hỗ trợ người nghèo.
Khi phát hiện hành vi cho vay lãi nặng, người dân cần phối hợp, hỗ trợ gọi điện thoại cho công an phường nơi gần nhất.
Công an quận Tân Phú: Tránh xa việc vay lãi nặng
Dù công an phá nhiều vụ án, bắt nhiều người liên quan đến cho vay lãi nặng, đồng thời cảnh báo, tuyên truyền đến người dân về mức độ nguy hiểm nhưng nhiều người vẫn bất chấp. Công an quận Tân Phú tiếp tục khuyến cáo người dân nên tránh xa các hình thức cho vay lãi nặng, vì khi vướng vào thì rất khó thoát ra. Người dân cần hiểu rõ chiêu trò gài bẫy của một số đối tượng cho vay lãi nặng hay tổ chức TDĐ để đề phòng.
Khi bị các đối tượng đe dọa, đập phá đồ đạc, gây thương tích, bắt cóc, bắt giữ người trái pháp luật để đòi nợ thì ngay lập tức báo cho cơ quan công an nơi gần nhất để giải quyết (có thể làm đơn tố cáo hoặc gọi điện thoại để tố cáo).
Mọi thông tin liên quan đến tội phạm trên địa bàn quận Tân Phú (TP.HCM) đề nghị thông báo ngay cho công an phường nơi xảy ra vụ việc hoặc Công an quận Tân Phú - số điện thoại: 02838474549.
Đòi nợ thuê biến tướng thành công ty mua bán nợ
Theo Công an huyện Bình Chánh, nhiều người dân tìm đến TDĐ với mức lãi suất rất cao (100%-300%, thậm chí trên 1.000%/năm) và bị đòi nợ kiểu đe dọa, khủng bố tinh thần, làm mất uy tín, danh dự của người vay và cả những người thân của họ.
Từ tháng 1-2021, ngành nghề kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê bị cấm nhưng một số doanh nghiệp đòi nợ thuê núp bóng dưới danh nghĩa công ty mua bán nợ, ủy quyền đòi nợ, tư vấn luật hay thành lập công ty cho thuê lao động là các nhân viên đòi nợ, từ đó làm phát sinh tội phạm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình an ninh trật tự.
Hiện hoạt động cho vay lãi nặng biến tướng tinh vi, ngoài giấy tờ tùy thân, người vay còn phải gửi ảnh, video khỏa thân và những hình ảnh này sẽ bị tung lên mạng để ép người vay trả nợ hoặc tiếp tục vay mới để đáo hạn, tất toán cho các khoản vay trước và người vay không có đường ra.
NGUYỄN TÂN - LÊ THOA