Doanh nghiệp tay ngang lấn sân bất động sản
Tập đoàn Hoa Sen (mã chứng khoán: HSG) mới đây có ý định quay trở lại mảng bất động sản thông qua việc thành lập Công ty cổ phần Hoa Sen Sài Gòn. Công ty này thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm bất động sản trị giá 1.000-3.000 tỷ đồng để phát triển dự án văn phòng - trung tâm thương mại - nhà ở; bố trí văn phòng làm việc cho tập đoàn, cho thuê hoặc xem xét chuyển nhượng nếu điều kiện phù hợp.
Ngoài ra, Hội đồng quản trị còn đề xuất cổ đông chủ trương mở rộng ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh trong cuộc họp đại hội cổ đông sắp tới. Danh sách các ngành nghề mở rộng của Hoa Sen khá đa dạng, nhưng không thể thiếu bất động sản, khu dân cư, khu đô thị. Tổng mức đầu tư tối đa cho lĩnh vực được mở rộng không quá 5.000 tỷ đồng.
"Vua tôm" Minh Phú cũng bổ sung ngành nghề kinh doanh bất động sản, quyền sử dụng đất thuộc chủ sở hữu, chủ sử dụng hoặc đi thuê trong các lĩnh vực kinh doanh. Trước mắt, công ty có thực hiện một dự án nhà ở xã hội gần 18ha tại huyện U Minh, tỉnh Cà Mau với tổng vốn đầu tư gần 633 tỷ đồng.
Tập đoàn Hòa Phát của "vua thép" Trần Đình Long cũng đang mở rộng địa bàn hoạt động ở nhiều tỉnh thành khác nhau, với việc đề xuất đầu tư, tài trợ quy hoạch các dự án quy mô lớn khắp Khánh Hòa, Thừa Thiên Huế, Phú Yên, Cần Thơ…
Một số doanh nghiệp nhà thầu xây dựng như Coteccons hay Ricons cũng không đứng ngoài cuộc chơi với bất động sản. Công ty xây dựng Coteccons hợp tác với chủ đầu tư Lê Phong làm công trình đầu tiên có tên The Emerald 68 tại Bình Dương trong vai trò nhà phát triển dự án.
Tập đoàn Đầu tư Xây dựng Ricons cũng đã định hướng từ năm 2022 là đầu tư có chọn lọc, tìm kiếm các dự án bất động sản có cơ hội hoặc đầu tư chung với các chủ đầu tư tại các dự án pháp lý rõ ràng, các dự án thứ cấp có khả năng mang lại lợi nhuận cao.
"Hoa hồng" không dành cho số đông
Tỷ phú Trần Đình Long - Chủ tịch HĐQT Hòa Phát - từng phát biểu: Không ai làm thép mãi, Hòa Phát phải đa ngành và bất động sản là một hướng đi trong chiến lược đa ngành đó, tại cuộc họp đại hội cổ đông thường niên 2021 của doanh nghiệp. Thực tế, tập đoàn này đã tham gia vào mảng bất động sản được hơn 20 năm với 2 lĩnh vực chính là khu công nghiệp và đô thị.
Tham gia gần 2 thập kỷ nhưng chỉ đến năm 2020, Hòa Phát mới xác định bất động sản là mảng kinh doanh chính, bên cạnh thép. Tổng công ty bất động sản được thành lập, là 1 trong 5 tổng công ty chủ chốt của tập đoàn.
Mặc dù là ngành chủ chốt nhưng năm 2022, bất động sản chỉ chiếm 1% tỷ trọng doanh thu và 3% tỷ trọng lợi nhuận của Hòa Phát. Báo cáo của tập đoàn cho thấy doanh thu bất động sản 2022 giảm 59% (đạt 686 tỷ đồng) còn lợi nhuận giảm 41% (đạt 299 tỷ đồng, đảm bảo chỉ tiêu so với kế hoạch được giao).
Trong kỳ báo cáo gần nhất (quý IV/2023), mảng bất động sản đem lại doanh thu 301 tỷ đồng, giảm 28% so với cùng kỳ và chiếm tỷ trọng vô cùng nhỏ trong tổng doanh thu hơn 34.383 tỷ đồng. Tuy vậy, mảng này vẫn giữ được hiệu quả lợi nhuận/doanh thu, đạt 40%, duy trì ở mức cao như các năm trước.
Để gia tăng quỹ đất, tỷ phú Trần Đình Long từng xác định hướng đi là tham gia đấu thầu, phát triển dự án tại các địa phương. Ông Long nói rõ chiến lược này có triển vọng tốt vì doanh nghiệp tham gia đầu tư từ đầu, công ty có tiền nên không chịu áp lực về tài chính.
Hướng đi này được Hòa Phát tiếp tục thực hiện. Mới đây, tập đoàn này vừa được tỉnh Phú Yên trao biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư với 3 dự án: dự án Cảng Bãi Gốc (vốn đầu tư dự kiến khoảng 24.000 tỷ đồng); dự án đầu tư và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Hòa Tâm (khoảng 13.300 tỷ đồng); dự án Khu liên hợp Gang thép Hòa Phát tại Khu công nghiệp Hòa Tâm (khoảng 86.000 tỷ đồng).
Giống như Hòa Phát, Hoa Sen cũng nhiều năm muốn làm bất động sản. Năm 2009, với định hướng trở thành một tập đoàn đa ngành, Hoa Sen đã cùng lúc đầu tư vào bất động sản với 4 dự án chung cư, văn phòng tại TPHCM. 2 năm sau đó, tập đoàn này tuyên bố rút khỏi mảng kinh doanh phụ và tập trung cho lĩnh vực kinh doanh cốt lõi.
Đến năm 2016, tập đoàn trở lại lĩnh vực này với việc thành lập tới 4 công ty con chuyên đầu tư vào địa ốc gồm Hoa Sen Yên Bái, Hoa Sen Hội Vân, Hoa Sen Vân Hội và Hoa Sen Quy Nhơn. Đến nay, 3 công ty đã giải thể, chỉ còn Hoa Sen Yên Bái hoạt động. Nhưng công ty cũng đang tính bán dự án duy nhất mà Hoa Sen Yên Bái làm chủ đầu tư và tiếp tục dồn lực cho mảng đầu tư ở phía Nam.
Một số doanh nghiệp khác đã phải thoái lui, từ bỏ bất động sản để trở về với ngành kinh doanh cốt lõi. Công ty Sữa Quốc tế (mã chứng khoán: IDP) giải thể công ty con là CTCP Đầu tư Green Light trong lĩnh vực bất động sản sau 9 tháng thành lập. Hay Công ty cổ phần Nam Việt (mã chứng khoán: ANV) giải thể Công ty TNHH MTV Bất động sản Nam Việt do không còn nhu cầu hoạt động kinh doanh.
Thị trường bất động sản vừa trải qua một giai đoạn rất khó khăn và có nhiều doanh nghiệp không thể tồn tại, hoặc cố gắng duy trì tồn tại. Tổng cục Thống kê chỉ ra trong 2 tháng đầu năm nay, gần 2.300 doanh nghiệp bất động sản đã ngừng hoạt động, tăng 37% so với cùng kỳ. Số doanh nghiệp giải thể cũng tăng nhẹ so với cùng kỳ, ghi nhận con số 248.
Ông Võ Hồng Thắng - Giám đốc Mảng dịch vụ Tư vấn & Phát triển dự án của DKRA Group - cho rằng thị trường sẽ bước vào cuộc sàng lọc lớn, ở đó doanh nghiệp có tiềm lực tài chính sẽ đi tiếp còn một số khác sẽ rời bỏ thị trường sau 2 năm bị vắt kiệt sức.
Những doanh nghiệp ngoài ngành chọn tham gia sân chơi bất động sản có thể sẽ phải đối mặt khó khăn gấp bội, dù thời điểm nào. Nhưng bù lại, lĩnh vực này cũng đem lại thành quả không nhỏ, bởi thực tế chứng minh nhiều tỷ phú cũng giàu lên từ kinh doanh nhà đất.