Trong bối cảnh kinh tế, xã hội phát triển như hiện nay, nhu cầu xây dựng nhà ở của người dân ngày một tăng lên Tuy nhiên, trên thực tế có nhiều người dân không biết về quy định của pháp luật về xây dựng nhà ở như thế nào là hợp pháp và phù hợp.
Hãy cùng tìm hiểu về chế tài của luật xây dựng nhà ở mới nhất được quy định trong Luật nhà ở 2014 trong bài viết dưới đây của Mogi.vn nhé.
Quy định của pháp luật về xây dựng nhà ở 2014
Ngày 25/11/2014 sau phiên họp Quốc Hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, khóa XIII kỳ họp thứ 8 đã thông qua và chính thức ban hành Luật nhà ở.Luật nhà ở bao gồm XIII chương và 182 điều quy định về sở hữu, phát triển, quản lý, sử dụng nhà ở; giao dịch về nhà ở; quản lý nhà nước về nhà ở tại Việt Nam.
Luật nhà ở cũng đưa ra quy định chung về phạm vi, đối tượng, quyền sở hữu và quyền bảo hộ nhà ở cũng như những hành vi bị cấm trong luật này. Luật này cũng quy định rõ luật xây dựng nhà ở tại các Điều 41-48; Mục 5 Phát triển nhà ở của hộ gia đình, cá nhân; chương III Phát triển nhà ở của Luật nhà ở.
Trích Luật nhà ở 2014:
“Chương III. Phát triển nhà ở
Mục 5: Phát triển nhà ở của hộ gia đình, cá nhân
Điều 42. Yêu cầu đối với phát triển nhà ở của hộ gia đình, cá nhân tại khu vực nông thôn
- Phải phù hợp quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn, kết nối với hệ thống hạ tầng kỹ thuật của khu vực nhà ở và bảo đảm yêu cầu vệ sinh, môi trường.
- Việc xây dựng hoặc cải tạo nhà ở hiện có phải kết hợp với việc giữ gìn, bảo tồn kiến trúc nhà ở truyền thống và phù hợp với phong tục, tập quán, điều kiện sản xuất của từng khu vực, từng vùng, miền.
- Hộ gia đình, cá nhân chỉ được xây dựng nhà ở trên diện tích đất ở hợp pháp của mình.
- Trường hợp xây dựng nhà ở trong dự án thì phải phù hợp với quy hoạch chi tiết xây dựng của dự án đã được phê duyệt. Đối với khu vực yêu cầu phải có Giấy phép xây dựng, hồ sơ thiết kế thì phải tuân thủ đúng nội dung của Giấy phép xây dựng, hồ sơ thiết kế được phê duyệt.
- Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, hỗ trợ một phần hoặc toàn bộ kinh phí từ ngân sách để các hộ gia đình, cá nhân bảo tồn, bảo trì, cải tạo nhà ở trong khu vực cần bảo tồn giá trị nghệ thuật, văn hóa, lịch sử.
Điều 43. Yêu cầu đối với phát triển nhà ở của hộ gia đình, cá nhân tại khu vực đô thị
- Phải có quyền sử dụng đất ở hợp pháp, có nhà ở và được cải tạo, xây dựng lại theo quy định của pháp luật về xây dựng.
- Việc xây dựng hoặc cải tạo nhà ở hiện có phải phù hợp với quy hoạch chi tiết xây dựng, thiết kế đô thị. Đối với nhà ở yêu cầu phải có Giấy phép xây dựng thì phải xây dựng theo Giấy phép xây dựng.
- Việc xây dựng nhà ở phải bảo đảm kết nối với hệ thống hạ tầng kỹ thuật chung của khu vực, yêu cầu vệ sinh, môi trường, kiến trúc nhà ở và không làm ảnh hưởng đến công trình liền kề.
Điều 44. Đất để phát triển nhà ở của hộ gia đình, cá nhân
- Đất ở hợp pháp của hộ gia đình, cá nhân hoặc do thuê, mượn của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân khác để xây dựng nhà ở.
- Đất ở được Nhà nước giao để xây dựng nhà ở theo quy định của pháp luật đất đai.
- Đất ở được Nhà nước bồi thường khi bị thu hồi đất theo quy định của pháp luật về đất đai.
Điều 45. Phương thức phát triển nhà ở của hộ gia đình, cá nhân
- Hộ gia đình, cá nhân tại khu vực nông thôn thực hiện xây dựng nhà ở theo các phương thức sau đây:
- a) Tự tổ chức xây dựng hoặc thuê tổ chức, cá nhân khác xây dựng hoặc được tổ chức, cá nhân khác hỗ trợ xây dựng nhà ở;
- b) Hợp tác giúp nhau xây dựng nhà ở.
- Hộ gia đình, cá nhân tại khu vực đô thị thực hiện xây dựng nhà ở theo các phương thức sau đây:
- a) Tự tổ chức xây dựng hoặc thuê tổ chức, cá nhân khác xây dựng hoặc được tổ chức, cá nhân khác hỗ trợ xây dựng nhà ở;
- b) Thuê đơn vị, cá nhân có năng lực về hoạt động xây dựng để xây dựng nhà ở đối với trường hợp pháp luật về xây dựng yêu cầu phải có đơn vị, cá nhân có năng lực thực hiện xây dựng;
- c) Hợp tác cải tạo, chỉnh trang đô thị trong đó có nhà ở.
Điều 46. Tiêu chuẩn và chất lượng nhà ở của hộ gia đình, cá nhân
- Nhà ở phải được xây dựng trên thửa đất ở có đủ điều kiện về diện tích để xây dựng nhà ở theo quy định của pháp luật về đất đai.
- Hộ gia đình, cá nhân tại khu vực đô thị phải thực hiện xây dựng, cải tạo nhà ở theo quy định của pháp luật về xây dựng và tự chịu trách nhiệm về chất lượng nhà ở.
Trường hợp được phép xây dựng nhà ở có từ hai tầng trở lên mà tại mỗi tầng được thiết kế, xây dựng từ hai căn hộ trở lên theo kiểu khép kín, có đủ tiêu chuẩn diện tích sàn xây dựng tối thiểu mỗi căn hộ theo quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng và có phần diện tích thuộc sở hữu riêng, phần diện tích thuộc sở chung của nhà chung cư theo quy định của Luật này thì được Nhà nước công nhận quyền sở hữu đối với từng căn hộ trong nhà ở đó.
- Nhà ở riêng lẻ có thời hạn sử dụng được xác định căn cứ vào cấp công trình xây dựng và hiện trạng thực tế của nhà ở.
Khi nhà ở bị hư hỏng nặng, có nguy cơ sập đổ, không bảo đảm an toàn cho người sử dụng thì thực hiện phá dỡ theo quy định tại Mục 4 Chương VI của Luật này.
Điều 47. Trách nhiệm của hộ gia đình, cá nhân trong việc phát triển nhà ở
- Phải tuân thủ đúng trình tự, thủ tục về cải tạo, xây dựng nhà ở theo quy định của pháp luật về xây dựng.
- Phải thực hiện các quy định về giữ vệ sinh, môi trường trong quá trình cải tạo, xây dựng nhà ở.
- Phải bảo đảm an toàn cho người và tài sản của các hộ liền kề trong quá trình xây dựng, cải tạo nhà ở; trường hợp gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
- Hộ gia đình, cá nhân nếu đầu tư xây dựng nhà ở để cho thuê, cho thuê mua, để bán thì còn phải thực hiện các quy định tại Chương VIII của Luật này.
- Thực hiện các trách nhiệm khác khi cải tạo, xây dựng nhà ở theo quy định của pháp luật.
Điều 48. Hộ gia đình, cá nhân hợp tác giúp nhau xây dựng nhà ở, cải tạo chỉnh trang đô thị
- Hộ gia đình, cá nhân hợp tác giúp nhau xây dựng nhà ở hoặc cải tạo, chỉnh trang đô thị trong đó có nhà ở bằng khả năng tài chính, nhân công, vật liệu và công sức đóng góp của các thành viên trong nhóm hợp tác.
- Các thành viên trong nhóm hợp tác phải thỏa thuận về cách thức góp vốn, nhân công, vật liệu, thời gian thực hiện, quyền và nghĩa vụ của các thành viên và cam kết thực hiện thỏa thuận của nhóm hợp tác.”
Đánh giá tiềm năng và hạn chế của luật xây dựng nhà ở
Tiềm năng:
Luật xây dựng nhà ở 2014 đưa ra các quy định khá rõ ràng về đối tượng, phạm vi áp dụng luật cho người dân dễ dàng thực hiện. Luật cũng quy định rõ về yêu cầu của phát triển nhà ở ở các khu vực cụ thể như nông thôn hay đô thị; đất để phát triển, phương thức phát triển; tiêu chuẩn và chất lượng đánh giá cũng như trách nhiệm của cá nhân, gia đình trong việc phát triển, xây dựng nhà ở một cách hợp lý.
Hạn chế:
Mặc dù luật xây dựng nhà ở đã cụ thể hơn về các đề mục và các vấn đề tuy nhiên lại chưa cụ thể hóa các vấn đề trong đó khiến cho người dân vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong việc nắm bắt và thực thi pháp luật.
Mặt khác, việc thiếu rõ ràng trong các quy định này tạo cơ hội cho nhiều kẻ gian lợi dụng để lừa đảo hay tạo ra những cơn sốt đất, làm nhiễu loạn thị trường bất động sản. Đây là việc làm rất nguy hiểm không chỉ gây hại cho ngành bất động sản mà còn các tác động xấu lên nền kinh tế đất nước.
Luật xây dựng nhà ở 2014 về một mặt nào đó là một bước tiến lớn trong nỗ lực hiện thực hóa các điều luật khô khan cũng như hình thức thực hiện gần gũi hơn đối với người dân. Tuy nhiên, luật vẫn còn nhiều hạn chế nhất định cần được Quốc hội và Chính phủ, xem xét, sửa đổi trong những bộ luật trong tương lai gần.
Thanh Bình – Mogi.vn
>>> Luật đất đai nhà ở Việt Nam khi cho thuê kinh doanh là gì?