Ai trong chúng ta hẳn đều từng nghe tới khái niệm chủ đầu tư. Vậy chủ đầu tư là gì và vai trò của chủ đầu tư? Họ có những quyền hạn gì trong thi công xây dựng? Làm thế nào để nhận biết được chủ đầu tư uy tín? Cùng Mogi.vn tìm hiểu thêm trong bài viết này nhé.
Chủ đầu tư là gì?
Luật Đấu thầu 2013 có nêu khái niệm về chủ đầu tư. Trong đó quy định rằng chủ đầu tư là một tổ chức sở hữu vốn hoặc được giao thay mặt chủ sở hữu vốn. Họ trực tiếp theo dõi và quản lý quá trình thực hiện dự án.
Trong lĩnh vực xây dựng, định nghĩa về chủ đầu tư cũng được quy định trong Luật Xây dựng 2014. Theo đó, tương tự như trên chủ đầu tư xây dựng là cơ quan, tổ chức, cá nhân sở hữu vốn, vay vốn hoặc được giao trực tiếp quản lý. Họ sử dụng vốn để triển khai hoạt động đầu tư xây dựng.
Vậy có thể hiểu chủ đầu tư là cá nhân hoặc tổ chức sở hữu vốn hay được giao cho nguồn vốn để thực hiện công việc theo dõi, giám sát dự án.
>>>Xem thêm: Thủ tục xin giấy phép xây dựng mới nhất 2020
Cách xác định chủ đầu tư là những ai
Thông thường, chủ đầu tư do người sở hữu vốn quyết định khi lập dự án hoặc khi phê duyệt dự án. Tuy nhiên, có một số trường hợp đặc biệt cần phân biệt rõ ai là chủ đầu tư. Có thể tham khảo Khoản 9 Điều 3 của Luật Xây dựng năm 2014 để hiểu rõ hơn chủ đầu tư là gì.
Đầu tiên là trường hợp dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước và vốn nhà nước ngoài ngân sách. Khi đó chủ đầu tư là các cơ quan, tổ chức được người quyết định đầu tư giao quản lý, sử dụng vốn cho mục đích đầu tư xây dựng.
Với những dự án sử dụng vốn vay thì chủ đầu tư là cơ quan, tổ chức, cá nhân đứng ra vay vốn để đầu tư xây dựng.
Cuối cùng là những dự án thực hiện theo hình thức hợp đồng dự án, hợp đồng đối tác công tư. Ở đây chủ đầu tư là doanh nghiệp dự án do nhà đầu tư thỏa thuận thành lập. Căn cứ theo Điều 63 của Luật Xây dựng năm 2014.
Nếu dự án không thuộc một trong những trường hợp kể trên thì chủ đầu tư do tổ chức, cá nhân sở hữu vốn làm chủ đầu tư.
Trách nhiệm và vai trò của chủ đầu tư
Chủ đầu tư có nhiệm vụ tư vấn và thay mặt người quyết định đầu tư quản lý dự án. Vậy nên họ sẽ là người trực tiếp thực hiện việc giám sát công trình. Công việc kiểm tra công tác thiết kế, tiêu chuẩn thi công sẽ do họ đảm nhiệm.
Trong việc lập và quản lý triển khai dự án đầu tư xây dựng
- Chịu trách nhiệm về cơ sở pháp lý cũng như tính chính xác của các tài liệu, thông tin về dự án. Họ là người chịu trách nhiệm xin yêu cầu phê duyệt dự án của các cơ quan có thẩm quyền.
- Thường xuyên kiểm tra, giám sát tiến độ triển khai dự án. Định kỳ gửi báo cáo thực hiện dự án cho người quyết định đầu tư.
- Nếu người quyết định đầu tư có yêu cầu thẩm định dự án thì họ có trách nhiệm lựa chọn những đơn vị có năng lực để hoàn thành công việc này.
- Chủ đầu tư có trách nhiệm thu hồi nguồn vốn, trả các khoản nợ với dự án có yêu cầu điều này
- Tuân thủ theo các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật
>>> Có thể bạn chưa biết: Lệ phí trước bạ nhà đất là gì? Hướng dẫn cách tính chi tiết
Trong khảo sát dự án xây dựng
- Nếu chủ đầu tư không thể tự thực hiện khảo sát xây dựng thì cần lựa chọn đơn vị có năng lực triển khai. Ngoài ra cần cung cấp thông tin, tài liệu có liên quan cho họ.
- Đề ra những yêu cầu và nghiệm thu đảm bảo đơn vị khảo sát xây dựng đáp ứng thỏa mãn những điều đó.
- Nếu chủ đầu tư cung cấp tài liệu không phù hợp hoặc vi phạm hợp đồng khảo sát xây dựng thì họ sẽ phải đền bù các thiệt hại.
Trong thiết kế công trình xây dựng
- Nếu chủ đầu tư không thể tự thực hiện việc thiết kế xây dựng cần lựa chọn nhà thầu có năng lực triển khai việc này.
- Xác định nhiệm vụ thiết kế và cung cấp đầy đủ thông tin cho nhà thầu thiết kế
- Dự trù chi phí xây dựng và nộp phí thẩm định thiết kế, dự toán xây dựng
- Lưu trữ hồ sơ thiết kế xây dựng cũng như các tài liệu khác
- Chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp xảy ra vi phạm hợp đồng thiết kế
Trong việc thi công công trình
- Cần chọn lựa nhà thầu đáp ứng điều kiện năng lực hoạt động thi công xây dựng
- Phối hợp với chính quyền giải quyết việc giải phóng mặt bằng xây dựng. Cùng với đó bồi thường thiệt hại phát sinh.
- Giám sát, quản lý và nghiệm thu chất lượng thi công xây dựng đảm bảo theo đúng hợp đồng xây dựng
- Chịu trách nhiệm về nguồn gốc, chất lượng của những loại nguyên liệu, vật liệu, vật tư được cung cấp để sử dụng trong công trình
- Đảm bảo biện pháp thi công đạt chuẩn an toàn và vệ sinh môi trường
- Bồi thường những thiệt hại do chủ đầu tư gây ra
Trong việc giám sát thi công xây dựng công trình
- Tương tự như trên, nếu chủ đầu tư không thể tự giám sát thi công thì họ có nghĩa vụ phải lựa chọn đơn vị giám sát có năng lực thực hiện công việc này.
- Chủ đầu tư cũng cần báo cho các bên liên quan hiểu về quyền và nghĩa vụ của tư vấn giám sát
- Giải quyết những đề xuất của đơn vị giám sát và thực hiện theo đúng hợp đồng giám sát thi công xây dựng
- Bồi thường nếu xảy ra thiệt hại và thực hiện các nghĩa vụ khác theo pháp luật.
Quyền hạn của chủ đầu tư
Ngoài những nghĩa vụ cần thực hiện họ cũng có quyền trong một dự án xây dựng. Dưới đây là một số thông tin giúp bạn hiểu rõ quyền của chủ đầu tư là gì.
Trong việc lập và quản lý thực hiện dự án đầu tư xây dựng
- Chủ đầu tư có quyền đề nghị các đơn vị liên quan cung cấp những thông tin, tài liệu về lập, quản lý dự án
- Họ có quyền ra quyết định thành lập, giải thể Ban quản lý dự án
- Và những quyền khác theo pháp luật.
Trong việc khảo sát xây dựng
- Chủ đầu tư được quyền khảo sát xây dựng
- Họ được phép đề ra nhiệm vụ khảo sát xây dựng và yêu cầu đơn vị thực hiện nhiệm vụ khảo sát triển khai theo.
- Chủ đầu tư được phép tạm dừng hoặc chấm dứt hợp đồng khảo sát xây dựng.
Trong việc thiết kế và xây dựng
- Chủ đầu tư được quyền tự thiết kế xây dựng nếu đủ năng lực
- Trong trường hợp không đủ năng lực, họ được quyền giao nhiệm vụ cho đơn vị chuyên môn phụ trách.
- Họ có quyền yêu cầu sửa đổi thiết kế hoặc thay đổi nhà thầu thiết kế xây dựng khác
Trong việc thi công xây dựng công trình
- Chủ đầu tư được quyền tự triển khai hoặc lựa chọn nhà thầu đủ điều kiện năng lực xây dựng công trình
- Giám sát và yêu cầu nhà thầu xây dựng theo đúng hợp đồng
- Đình chỉ và thay thế đơn vị triển khai công trình khác
- Yêu cầu đơn vị thi công phải khắc phục hậu quả nếu để xảy ra tình trạng chất lượng công trình đi xuống
- Đề nghị các cá nhân, tổ chức có liên quan hợp tác để hoàn thiện công trình
Trong việc giám sát thi công xây dựng công trình
- Chủ đầu tư được quyền tự thực hiện hoặc lựa chọn nhà thầu giám sát thi công
- Được quyền thay đổi người giám sát nếu họ thực hiện sai quy định
- Đánh giá hiệu quả công việc của nhà thầu giám sát thi công xây dựng công trình
- Những quyền khác được quy định trong hợp đồng và theo quy định của pháp luật
Quyền hạn đặc biệt của chủ đầu tư là gì?
Ngoài những quyền và nghĩa vụ kể trên, chủ đầu tư cũng có những quyền hạn đặc biệt. Đó chính là phê duyệt thiết kế xây dựng cũng như giao nhiệm vụ cho các đơn vị chuyên trách. Họ có quyền theo dõi, giám sát, yêu cầu các bộ phận liên quan hợp tác để hoàn thiện công trình xây dựng. Khi dự án hoàn thành, chủ đầu tư là người nghiệm thu và cho phép công trình được đưa vào sử dụng.
>>>Tìm hiểu thêm: Hiểu như thế nào cho đúng về xử lý xây dựng nhà trái phép?
Cách nhận biết chủ đầu tư uy tín
Khi muốn đầu tư vào một dự án bất động sản nào đó thì mức độ uy tín của chủ đầu tư là yếu tố cần cân nhắc. Vậy yếu tố đánh giá mức độ uy tín của chủ đầu tư là gì?
Dựa vào tình trạng tài chính
Chủ đầu tư là những công ty lớn trong ngành sẽ có tiềm lực về tài chính hơn. Điều đó cho nhà đầu tư thấy mức độ tiềm năng của dự án bất động sản.
Dựa vào kinh nghiệm hoạt động
Số năm xuất hiện trên thị trường cho thấy năng lực của chủ đầu tư đó. Với nhiều năm kinh nghiệm hoạt động, chủ đầu tư này có kỹ năng quản lý dự án tốt hơn. Bên cạnh đó, họ dễ dàng xử lý các phát sinh xảy ra trong triển khai dự án.
Dựa vào đối tác của chủ đầu tư là ai
Đây là một yếu tố đánh giá mức độ uy tín của chủ đầu tư. Nếu chủ đầu tư hợp tác với những công ty lớn trong ngành cho thấy họ đã được những công ty này công nhận về chất lượng.
Dựa vào những dự án đã thực hiện
Một chủ đầu tư uy tín sẽ hoàn thành nhiều dự án, đem lại niềm tin cho người dân. Có thể dựa vào số lượng dự án mà họ đã thực hiện, quy mô của dự án đó như thế nào để đánh giá thêm.
Dựa vào yếu tố pháp lý
Đây là yếu tố quan trọng nhưng nhiều khi chưa được chú ý tới. Trước khi xây dựng nên tên tuổi là một chủ đầu tư lớn họ cần đảm bảo các điều kiện pháp lý tuân theo pháp luật. Có thể tìm hiểu về giấy phép hoạt động của doanh nghiệp, giấy phép thành lập dự án. Ngoài ra, chủ đầu tư uy tín sẽ cung cấp đầy đủ thông tin minh bạch về dự án để thu hút các nhà đầu tư.
Bài viết trên giúp bạn hiểu chủ đầu tư là gì cùng với những quyền và nghĩa vụ của họ. Mong rằng những thông tin trên hữu ích dành cho bạn. Truy cập Mogi.vn thường xuyên để không bỏ lỡ những thông tin hữu ích về bất động sản.
Tài liệu tham khảo:
- “Investor Definition” – James Chen
https://www.investopedia.com/terms/i/investor.asp
- “Investor Definition” – Wayne Duggan
https://money.usnews.com/investing/term/investor
>>> Đọc thêm: