Bài toán hạ tầng trạm sạc, kế hoạch cung cấp năng lượng tại các điểm sạc đông phương tiện như chung cư, chính sách hỗ trợ của nhà nước... là những điều khiến cho kinh doanh xe điện tại Việt Nam chưa thực sự hấp dẫn các nhà phân phối.
"Ở thời điểm này, chúng tôi chắc chắn rằng xe điện không thể thay thế hoàn toàn xe xăng trong vòng vài năm". Đây là nhận định của ông Đỗ Tiến Dũng, Chủ tịch HĐQT CTCP Dịch vụ Ô tô Hàng Xanh (Haxaco, mã: HAX) trong đại hội đồng cổ đông thường niên diễn ra vào cuối tuần trước.
Tại đại hội cổ đông thường niên lần thứ 25, ông Đỗ Tiến Dũng đã giải đáp thắc mắc của cổ đông về hoạt động kinh doanh xe điện. Dựa trên kinh nghiệm hơn 30 năm kinh doanh và phân phối xe sang tại Việt Nam, ông Dũng tin rằng xe điện chưa phải là phân khúc tiềm năng trong lĩnh vực kinh doanh ô tô tại Việt Nam, ít nhất là trong tương lai gần.
"Là người ở trong ngành, tôi cho rằng xe điện chưa thực sự tiềm năng. Mọi người chỉ đang chạy theo một xu hướng nào đó. Trong tương lai gần ở Việt Nam, xe điện chưa thể là xu thế phù hợp. Chúng ta cần nhìn nhận vào thực tế", ông Đỗ Tiến Dũng nói.
Chủ tịch Haxaco cho rằng bài toán năng lượng, hạ tầng trạm sạc... vẫn đang là vấn đề cần phải giải quyết nếu muốn xe điện thay thế hoàn toàn xe xăng.
Ngoài ra, theo ông Dũng, "câu chuyện phát triển xe điện không phụ thuộc vào ưu đãi từ hãng hay đại lý phân phối mà nó cần sự hỗ trợ từ chính sách của nhà nước".
Vị lãnh đạo doanh nghiệp chia sẻ mỗi tháng Haxaco chỉ bán được trung bình một đến hai chiếc xe điện, thậm chí có tháng không bán được chiếc nào. Hiện Haxaco đang vận hành một đại lý phân phối cho VinFast tại TP HCM.
Chủ tịch Haxaco tiết lộ nhà phân phối này đang gặp khó khi kinh doanh xe điện: "Chúng tôi không kỳ vọng vào xe điện. Đại lý VinFast An Thái đang hoạt động thua lỗ ở mảng bán hàng, nhờ tới mảng dịch vụ mới kéo lại được song lợi nhuận rất thấp, gần như là không có".
Ngoài xe điện VinFast, Haxaco cũng phân phối các mẫu xe điện đến từ thương hiệu Mercedes - Benz với dòng EQ, có giá khởi điểm từ 2,289 tỷ đến 5,9 tỷ đồng.
Nhận định của ông Đỗ Tiến Dũng có chiều hướng đồng tình với quyết định gần đây của hãng xe nổi tiếng Mercedes - Benz. Tháng trước, hãng xe sang của Đức đã thông báo từ bỏ kế hoạch 100% xe điện vào năm 2030.
Điều này cho thấy ngành công nghiệp ô tô toàn cầu đang cảm thấy bi quan hơn về tương lai của xe điện sau khi doanh số bán hàng tăng trưởng chậm lại. Nói với Reuters, CEO Mercedes - Benz, Ola Källenius nói: "Sẽ không thể đạt 100% xe điện vào năm 2030".
Chỉ ba năm trước, Mercedes rất lạc quan về hệ truyền động plug-in hybrid và tuyên bố rằng đến năm 2030, hãng sẽ chỉ bán xe điện, hướng tới mục tiêu loại bỏ sản xuất xe chạy bằng xăng.
Tuy vậy, ở điều kiện hiện tại, Mercedes đã buộc phải "quay xe". Trong báo cáo quý IV/2023, hãng kỳ vọng 50% doanh số sẽ là xe điện, giảm sút tương đối so với mục tiêu trước đó.
Theo hãng xe Đức, xe xăng và hybrid sẽ vẫn là một phần trong tương lai của công ty trong nhiều năm tới. Đồng thời, khách hàng và điều kiện thị trường sẽ quyết định tốc độ điện hoá.
Quan điểm của ban lãnh đạo Mercedes - Benz cũng góp phần củng cố thêm sự thận trọng của ngành ô tô đối với tương lai của xe điện. CEO Tesla, Elon Musk đã lên tiêng cảnh báo công ty đang chuẩn bị cho mức tăng trưởng doanh số bán hàng chậm hơn đáng kể vào năm 2024.
Trong khi đó, hãng GM và Ford đã trì hoãn việc xây dựng nhà máy hoặc hủy bỏ kế hoạch ra mắt các mẫu xe năng lượng mới. Doanh số bán xe điện đạt gần 8% tổng số xe ở Mỹ vào năm ngoái, trong khi ở châu Âu là 13%. Doanh số vẫn đang tăng lên, nhưng khách hàng đang trở nên khắt khe hơn về giá cả, đồng thời bày tỏ lo ngại về thời gian sạc và độ tin cậy.
Mặc dù xe điện được nhiều bên cảnh báo về triển vọng thì ở phía bên kia, dòng xe lai giữa chạy xăng và chạy điện (hybrid) lại được các chuyên gia đặt nhiều kỳ vọng. Theo nhận định của ông Andrew Frick, Giám đốc phụ trách xe xăng và hybrid Ford, năm 2024 có thể đánh dấu sự trở lại của xe hybrid.
"Xe hybrid hiện nay có gần như không kém cạnh so với các lựa chọn chạy xăng truyền thống", ông Andrew Frick nói với Wall Street Journal.
Bình luận của ông Frick được đưa ra trong bối cảnh nhu cầu đối với xe hybrid đang tăng vọt, một phần do lo ngại về việc sạc xe điện - điều đã làm giảm doanh số bán xe điện trong những tháng gần đây. Cox Automotive dự kiến 14% trong số 15,7 triệu xe mới được bán ở Mỹ trong năm nay sẽ là xe hybrid, cao hơn so với 10% thị phần của xe điện.
Theo dữ liệu từ Morgan Stanley, doanh số bán xe hybrid tại Mỹ trong tháng 1 tăng gấp 5 lần so với xe điện với sự tiên phong của Ford và Toyota. Nhà sản xuất ô tô Nhật Bản báo cáo doanh số bán xe hybrid tại Mỹ đã tăng 84% trong tháng 2.
Một lợi ích khác của xe hybrid là chúng rẻ hơn nhiều so với các đối thủ hoàn toàn chạy điện. Theo dữ liệu từ Edmunds, cuối năm 2023, người mua chỉ phải trả trung bình 42.500 USD cho xe hybrid, so với 60.500 USD cho xe điện và 47.500 USD cho xe chạy xăng.
Tại thị trường Việt Nam, ông Đặng Minh Tuân - Trưởng ban Kế hoạch sản phẩm - Toyota Việt Nam, chia sẻ tại một sự kiện mới đây do báo Giao Thông tổ chức cho hay đến nay hãng này có tổng 6 mẫu xe hybrid đang mở bán với doanh số ghi nhận vào khoảng hơn 8.500 xe.
Ông Tuân thừa nhận số xe hybrid Toyota bán ra tại Việt Nam chưa thực sự bùng nổ so với các quốc gia khác, song ở tương lai gần, dòng xe này sẽ ngày càng phổ biến khi được người tiêu dùng chấp nhận.
Theo PGS.TS Đàm Hoàng Phúc tại Đại học Bách Khoa Hà Nội, xe hybrid đang là ứng cử viên số một cho người tiêu dùng muốn sự thân thiện với môi trường, đặc biệt trong bối cảnh hạ tầng dành cho trạm sạc còn hạn chế ở Việt Nam.