Chứng Hôi miệng - Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn

3 năm trước 23

Triệu chứng

Mùi hôi của hơi thở thay đổi tùy theo nguyên nhân gây ra. Do khó tự đánh giá, nhiều người đã lo lắng thái quá về hơi thở của mình dù rằng họ chỉ hơi hôi miệng chút ít hoặc thực sự không bị hôi miệng. Ngược lại, nhiều người khác có hơi thở rất hôi nhưng vẫn không hay biết. Do đó, nên nhờ bạn bè  hoặc người thân giúp xác định các vấn đề về hơi thở của mình.

Khi bị hôi miệng nên chú ý trước tiên đến các biện pháp vệ sinh răng miệng: Kiểm tra xem có sâu răng hay không, nên chải răng, nạo sạch lưỡi sau khi ăn, dùng chỉ nha khoa để làm sạch các kẽ răng và uống nhiều nước.

Nếu hôi miệng vẫn tiếp diễn, nên đi khám răng. Nếu bác sĩ nha khoa nghi ngờ một vấn đề khác nghiêm trọng hơn có thể gây hôi miệng, họ sẽ hướng dẫn bệnh nhân đến một bác sĩ tổng quát để được kiểm tra kỹ lưỡng và toàn diện hơn.

Nguyên Nhân

Hơi thở hôi đa phần có nguyên nhân xuất phát từ miệng. Tuy nhiên, còn khá nhiều nguyên nhân khác có thể gây hôi miệng, bao gồm:

  • Thực phẩm: Sự phân hủy của các mẩu thực phẩm trong và chung quanh răng có thể gây ra mùi hôi. Ăn các thức ăn có chứa các loại tinh dầu đặc trưng cũng là nguyên nhân gây hơi thở hôi. Hành, tỏi là những ví dụ rõ nét nhất, nhưng các loại rau củ và gia vị khác cũng có thể gây ra hơi thở hôi. Sau khi những thực phẩm này được tiêu hóa, các tinh dầu được hấp thu vào máu, di chuyển đến phổi và bài tiết ra qua hơi thở cho đến khi thức ăn được cơ thể loại bỏ hoàn toàn.
  • Các vấn đề về nha khoa: Vệ sinh răng miệng kém và bệnh nha chu có thể là nguyên nhân gây ra hơi thở hôi. Nếu không chải răng và dùng chỉ tơ nha khoa hàng ngày, các mẩu thức ăn còn lại trong miệng sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn sinh sôi và tiết ra các chất hóa học như hydrogen sulfide - một hợp chất có mùi trứng thối đặc trưng. Nếu không được chải sạch, một màng mỏng và không màu chứa rất nhiều vi khuẩn (mảng bám) dính trên răng có thể gây kích thích nướu răng gây ra viêm nướu và sâu răng. Sau cùng, các túi chứa đầy mảng bám có thể hình thành giữa răng và nướu răng (nha chu) khiến cho hơi thở càng tồi tệ hơn. Bề mặt không đồng đều của lưỡi giữ lại các vi khuẩn tạo mùi hôi. Răng giả không được chải sạch thường xuyên hoặc không phù hợp có thể chứa nhiều loại vi khuẩn tạo mùi hôi cùng các hạt thức ăn thừa.
  • Khô miệng: Nước bọt giúp làm sạch miệng, loại bỏ các phần tử có thể gây ra mùi hôi thối. Tình trạng miệng khô (bệnh khô miệng) có thể góp phần khiến hơi thở hôi do sản xuất nước bọt giảm. Khô miệng thường xảy ra một cách tự nhiên trong khi ngủ, dẫn đến hơi thở hôi vào buổi sáng. Khô miệng sẽ nặng hơn nếu ngủ mở miệng. Một số thuốc có thể dẫn đến khô miệng mạn tính. Ngoài ra còn có thể do những bệnh lý khác của tuyến nước bọt.
  • Bệnh tật: Khoảng 10% các trường hợp hơi thở có mùi hôi thối không do nguyên nhân từ miệng (hôi miệng ngoài miệng). Ví dụ như một số bệnh ung thư và rối loạn chuyển hóa, có thể gây ra hơi thở có mùi đặc trưng do hậu quả của các hoá chất mà chúng sản sinh. Bệnh tiểu đường, suy thận hoặc suy gan có thể gây mùi tanh cá trong hơi thở. Bệnh tiểu đường không được kiểm soát còn có thể gây ra hơi thở có mùi trái cây do các hóa chất có gốc ceton. Trào ngược dạ dày thực quản mạn tính (bệnh trào ngược dạ dày hoặc GERD) cũng gây ra hơi thở hôi. Tắc ruột thấp khiến hơi thở có mùi của phân. Ngoài ra, một số loại thuốc thường dùng để điều trị huyết áp cao, bệnh tâm thần, hoặc bệnh đường tiết niệu có thể gián tiếp gây ra hôi miệng bằng cách góp phần làm khô miệng. Một số  thuốc khác khi được chuyển hóa trong cơ thể sẽ giải phóng những chất hóa học gây hơi thở hôi.
  • Miệng, mũi và họng: Một nguyên nhân khác thường gặp gây hơi thở hôi là bệnh lý ở mũi. Ví dụ, hơi thở hôi liên quan đến nhiễm trùng ở xoang vì dịch từ xoang nhỏ vào phía sau họng (postnasal drip) và gây ra mùi hôi miệng. Đôi khi hơi thở hôi có thể do nhiễm trùng ở đường hô hấp trên và dưới, hoặc do các vết loét trong đường hô hấp. Các dị tật của khoang miệng, mũi như hở hàm ếch có thể gây hôi miệng do cung cấp môi trường lý tưởng cho vi khuẩn sinh sản. Hơi thở hôi đôi khi còn xuất phát từ các hạt nhỏ hình thành trong bệnh viêm amiđan hốc mủ. Các hạt nhỏ này được bao phủ bởi vi khuẩn sản xuất hóa chất có mùi. Hơi thở hôi ở trẻ nhỏ thường bắt nguồn từ dị vật đường thở, như một mảnh đồ chơi hoặc mẩu thức ăn mắc kẹt trong lỗ mũi.
  • Thuốc lá: Hút thuốc lá gây khô miệng và gây ra mùi hôi miệng đặc trưng rất khó chịu. Người hút thuốc lá còn nhiều khả năng mắc bệnh viêm nha chu, nguyên nhân góp phần gây hơi thở hôi.

Các bệnh tiềm ẩn có thể gây ra hôi miệng

  • Nghiện rượu
  • Viêm phế quản
  • Đái tháo đường
  • Phế khí thũng
  • Bệnh lý túi mật
  • Herpes
  • Suy gan hoặc xơ gan
  • Béo phì
  • Viêm phổi
  • Viêm xoang
  • Viêm amidan
  • U bướu, polyp mũi và các loại ung thư đường hô hấp trên và dưới
  • Nhiễm siêu vi

Các loại thuốc men có thể gây ra hôi miệng

  • Thuốc chống trầm cảm
  • Thuốc điều trị bệnh Parkinson
  • Thuốc hướng tâm thần
  • Thuốc kháng dị ứng
  • Choral Hydrate
  • Các thuốc chống nghẹt mũi
  • Dimethylsulfoxide (DMSO)
  • Ma túy

Chuẩn bị trước khi đi khám bệnh

Các nha sĩ thường hẹn bệnh nhân vào buổi sáng để kiểm tra hôi miệng. Không nên ăn, uống, nhai kẹo cao su, hút thuốc hoặc đánh răng trong ba  trước khi đi khám bệnh. Ngoài ra, không dùng nước hoa, sữa tắm, son môi, son bóng có mùi thơm vì các sản phẩm này có thể che giấu mùi hôi. Không dùng các thuốc kháng sinh trong vòng một tháng trước khi đi khám. Nếu đã dùng thì nên hỏi lại nha sĩ xem có cần dời hẹn thăm khám sang một ngày khác hay không.

Nha sĩ sẽ kiểm tra bệnh sử bao gồm các câu hỏi đại loại như:

  • Bệnh nhân bắt đầu cảm thấy hôi miệng từ lúc nào?
  • Thỉnh thoảng hôi miệng hay hôi miệng liên tục?
  • Cách thức chải răng, cách thức vệ sinh răng giả?
  • Có dùng chỉ nha khoa?
  • Các loại thức ăn thường dùng?
  • Các loại thuốc đang dùng?
  • Có thở bằng miệng?
  • Có ngáy khi ngủ?
  • Có bị dị ứng hay những bệnh lý về mũi xoang?
  • Có nghi ngờ nguyên nhân nào khác gây hôi miệng?
  • Đã có ai lưu ý và phê bình về hơi thở của mình hay không?

Nha sĩ sẽ ngửi để kiểm tra hơi thở từ miệng và hơi thở từ mũi để đánh giá mùi của hơi thở theo thang điểm từ 0 đến 5, với 0 là không có mùi, 1 là hầu như khó phát hiện, và 5 là hôi miệng không thể chịu đựng được. Do mặt sau của lưỡi thường là nguồn gốc gây hôi miệng, nha sĩ sẽ nạo lưỡi bằng một thìa nhựa và đánh giá mùi hôi. Hiện nay đã có những máy dò tinh vi để xác định các hóa chất gây ra mùi hôi của hơi thở nhưng chúng ít được dùng, đơn giản chỉ vì lý do chi phí. Các thiết bị có giá cả phải chăng hơn đang được phát triển.

Điều Trị

Điều trị hôi miệng tùy thuộc vào nguyên nhân. Nếu hơi thở hôi do một tình trạng sức khỏe cơ bản nào đó, nha sĩ sẽ giúp hướng dẫn bệnh nhân kiểm soát vấn đề này một cách tốt hơn. Nếu hôi miệng do các nguyên nhân từ mũi xoang, amidan, v.v…, bệnh nhân sẽ được giới thiệu đến điều trị tại chuyên khoa tai mũi họng. Các biện pháp khác về răng miệng có thể bao gồm việc sử dụng một số loại nước súc miệng, kem đánh răng hoặc điều trị tích cực các bệnh về răng.

Nước súc miệng và kem đánh răng. Nếu hơi thở hôi do tích tụ của vi khuẩn (mảng bám) trên răng, nha sĩ có thể khuyên dùng các nước súc miệng để tiêu diệt vi khuẩn. Nghiên cứu cho thấy các dung dịch súc miệng có chứa cetylpyridinium chloride và chlorhexidine giúp ngăn ngừa việc sản sinh các chất hóa học gây ra hôi miệng. Các hoạt chất khác, như chlorine dioxide và kẽm, là chất giúp khử mùi hôi gây ra bởi sản phẩm phụ của vi khuẩn. Nha sĩ có thể đề nghị dùng kem đánh răng chứa chất kháng khuẩn để diệt các vi khuẩn gây tích tụ mảng bám.

Điều trị các bệnh về răng. Nếu phát hiện bệnh về nướu răng, bệnh nhân sẽ được giới thiệu đến chuyên gia về nha chu. Bệnh nướu răng gây lỏng nướu tạo ra khoang tích tụ cho vi khuẩn gây mùi. Đôi khi các vi khuẩn này chỉ có thể được loại trừ bằng các phương pháp tẩy sạch chuyên biệt. Nha sĩ còn có thể khuyên phục hồi các răng hư tổn, là nơi sinh sản tốt cho vi khuẩn.

Những biện pháp đơn giản:

Các bước để cải thiện và phòng ngừa tình trạng hôi miệng bao gồm:

  • Chải răng sau khi ăn. Nên chải răng ngay sau khi ăn. Chải răng ít nhất ngày 2 lần sau các bữa ăn chính. Các loại kem đánh răng có tác dụng diệt khuẩn giúp giảm mùi hôi miệng kéo dài đến 12 giờ.
  • Dùng chỉ nha khoa ít nhất mỗi ngày một lần. Dùng đúng cách sẽ giúp loại trừ các bã thức ăn và mảng bám ở các kẽ răng.
  • Nạo lưỡi. Dụng cụ nạo lưỡi hiệu quả hơn bàn chải răng trong việc làm giảm hôi miệng. Có thể dùng bàn chải răng có thiết kế thêm phần nạo lưỡi ở mặt lưng. Các bàn chải loại này được đánh giá tốt tương đương với dụng cụ nạo lưỡi.
  • Vệ sinh răng giả. Nếu đeo răng giả, cần tháo ra và chải rửa sạch sẽ ít nhất mỗi ngày 1 lần.
  • Uống nhiều nước. Để giữ cho miệng luôn ẩm ướt, hãy chú ý uống nhiều nước. Tránh dùng cà phê, nước giải khát hoặc rượu vì có thể gây khô miệng hơn. Nhai kẹo sing gum hoặc ngậm kẹo (loại không chứa đường) cũng kích thích tiết nước bọt, giúp rửa trôi thức ăn và vi khuẩn. Đối với bệnh nhân khô miệng mạn tính, nha sĩ hoặc bác sĩ có thể kê đơn các sản phẩm bổ sung nước bọt nhân tạo hoặc các thuốc kích thích tiết nước bọt.
  • Điều chỉnh lại chế độ ăn. Giảm cà phê và rượu. Tránh các thực phẩm và thức uống khiến tình trạng hôi miệng nặng hơn. Ăn thêm các loại thực phẩm nhiều chất xơ.
  • Dùng bàn chải răng mới. Thay bàn chải răng mỗi 3 hoặc 4 tháng. Chọn loại có sợi mềm và mịn.
  • Kiểm tra răng miệng định kỳ: Ít nhất 2 lần mỗi năm, để tầm soát bệnh răng miệng và chỉnh sửa lại các răng giả, nếu có.

Nguồn: Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn

Đọc toàn bộ bài viết