Co thắt bao xơ là một biến chứng hiếm gặp nhưng rất nghiêm trọng sau phẫu thuật đặt túi độn mông.
Mặc dì tỉ lệ mắc chỉ khoảng 2% nhưng bệnh nhân nào cũng có nguy cơ gặp phải vấn đề này và cần cân nhắc trước khi quyết định thực hiện quy trình này. Các nghiên cứu cho thấy, nguy cơ mắc co thắt bao xơ với bệnh nhân đặt túi độn mông ở vị trí trên cơ hoặc dưới cân cơ cao hơn so với các vị trí như trong cơ hoặc dưới cơ.
Co thắt bao xơ có thể xảy ra khi đưa bất kỳ vật liệu lạ nào vào cơ thể, như túi độn mông, túi độn ngực hay miếng độn bắp chân… và được coi là do phản ứng quá mức của cơ thể với những vật liệu bên ngoài này. Thông thường khi đưa những vật liệu này vào, cơ thể sẽ hình thành lớp mô mỏng và mềm mại bao quanh túi độn, lớp mô này chính là mô sẹo hoặc bao xơ mà chúng ta đang nhắc đến. Trong các trường hợp bình thường bao xơ sẽ giúp giữ túi độn ổn định tại chỗ, ngăn cách nó với mô còn lại, và không gây nên bất kỳ biến dạng nào cho mông. Nhưng trong một số trường hợp khác vì lý do nào đó mà bao xơ dần dần trở nên dày hơn, co cứng lại, thắt chặt túi độn và gây biến dạng mông, hiện tượng này gọi là co thắt bao xơ.
Khi co thắt bao xơ xảy ra, mông bệnh nhân sẽ có nhiều biểu hiện tùy theo mức độ khác nhau, nhẹ thì chỉ trở nên cứng hơn và hơi đau, nặng thì co cứng thấy rõ, căng tức, khó chịu, đau khi sờ, chạm vào, và má mông bị biến dạng méo mó mất tự nhiên. Túi độn theo đó cũng bị biến dạng. Các hoạt động hàng ngày như ngồi xuống, đứng lên hay đi lại đều có thể khiến bệnh nhân bị đau. Hiện tượng này có thể xảy ra ở một hoặc cả hai bên má mông.
Nguyên nhân gây co thắt bao xơ sau đặt túi độn mông
Nguyên nhân chính xác gây co thắt bao xơ sau đặt túi độn mông hiện vẫn là vấn đề còn gây nhiều tranh cãi, tuy nhiên các nhà nghiên cứu tin rằng có nhiều yếu tố góp phần khiến nguy cơ này trở nên cao hơn.
Di truyền
Nếu bạn đã từng đặt túi ngực và bị co thắt bao xơ, hoặc gia đình có người thường xuyên phát triển mô sẹo dày sau chấn thương thì bạn cũng có thể có nguy cơ cao mắc phải tình trạng này.
Nhiễm trùng
Nhiễm trùng là nguy cơ rất dễ gặp phải cả ở trong và sau phẫu thuật độn mông, do vết mổ gần với trực tràng, có khả năng nhiễm khuẩn cao. Sự hiện diện của vi khuẩn sẽ làm tăng áp lực bao xơ, khiến bao xơ phát triển dày hơn và làm tăng nguy cơ co thắt bao xơ. Chính vì vậy ngăn ngừa nhiễm trùng là bước rất quan trọng, cần đảm bảo phẫu thuật vô trùng và cho bệnh nhân dùng thuốc kháng sinh trước, trong và sau phẫu thuật đầy đủ.
Tụ dịch, tụ máu
Các vấn đề có thể xảy ra sau phẫu thuật như tụ dịch, tụ máu cũng làm thay đổi môi trường trong vùng phẫu thuật và được cho là làm tăng nguy cơ co thắt bao xơ. Nhiều nghiên cứu cho rằng, nguyên nhân là vì khối máu tụ cung cấp nguồn dinh dưỡng phong phú cho vi khuẩn, do đó kích thích phát triển màng vi khuẩn bám trên túi độn.
Vị trí đặt túi độn trên cơ hoặc dưới cân cơ
Vị trí đặt túi độn mông cũng liên quan đến nguy cơ này. Các nhà nghiên cứu tin rằng, túi độn được đặt ở trong cơ sẽ thường xuyên được cơ mông “matxa” khi bệnh nhân đi lại, đứng lên, ngồi xuống, leo cầu thang hay thực hiện các hoạt động hàng ngày do đó nguy cơ co thắt sẽ thấp hơn ở vị trí trên cơ hay dưới cân cơ. Ngoài ra trong cơ cũng là vị trí lý tưởng để khối cơ mông khóa chặt túi độn, tránh được các nguy cơ như di lệch, dịch chuyển hay chảy xệ, qua đó góp phần giảm thiểu co thắt bao xơ.
Cách xử lý biến chứng co thắt bao xơ sau đặt túi độn mông
Tùy mức độ co thắt của từng bệnh nhân mà bác sĩ có thể chọn các phương pháp điều trị khác nhau. Với những trường hợp nặng, túi độn bị biến dạng, co cứng, bệnh nhân đã bị đau, khó chịu thì lựa chọn duy nhất thường là phẫu thuật tháo bỏ túi độn và loại bỏ hoàn toàn bao xơ. Sau đó chờ một thời gian rồi thay thế cặp túi độn mới. Tuy nhiên bệnh nhân cần hiểu rằng mặc dù phương pháp này có thể khắc phục được tình trạng co thắt bao xơ hiện tại, nhưng sau khi đặt túi độn mới vào bệnh nhân vẫn sẽ có nguy cơ bị lại biến chứng này. Do đó, chỉ có loại bỏ hoàn toàn túi độn mới là cách duy nhất đảm bảo co thắt bao xơ không “quay trở lại”, còn một khi đã thay cặp túi mới thì bệnh nhân cần chấp nhận rủi ro này (mặc dù nguy cơ rất thấp).
Với những trường hợp co thắt mức nhẹ hoặc mới phát triển co thắt bao xơ, khi mông vẫn chưa biến dạng, chỉ hơi có cảm giác cứng hơn bình thường thì có thể áp dụng các biện pháp không phẫu thuật như matxa. Rất nhiều bác sĩ đã đề nghị thực hiện các thao tác nhằm phá vỡ mô sẹo bằng cách matxa hoặc bóp vùng má mông. Với một số bệnh nhân, phương pháp này khá hiệu quả, nhưng việc bóp, ép túi độn quá chặt cũng có thể gây ra các biến chứng khác. Matxa nhẹ nhàng thường xuyên sẽ là hướng đi tốt hơn.
Một cách khác để khắc phục vấn đề này đó là sử dụng liệu pháp sóng âm. Trong đó bác sĩ dùng một thiết bị sóng siêu âm nhắm vào bao xơ sẹo và phá vỡ nó, quy trình này thường không gây đau. Điều này sẽ giúp giảm độ cứng ở mông cũng như cảm giác đau mà bệnh nhân thấy khi bị co thắt bao xơ.
Một số bác sĩ lại đề xuất bệnh nhân bổ sung vitamin E và thuốc Leukotriene chống viêm. Các phương pháp đường uống này được cho là giúp ngăn ngừa mô sẹo phát triển thêm. Tuy nhiên chúng có thể không hiệu quả ở một số cá nhân.
Làm gì để giảm thiểu nguy cơ co thắt bao xơ?
Để giảm thiểu nguy cơ co thắt bao xơ, ngay từ đầu bệnh nhân và bác sĩ cần chọn size túi và vị trí đặt phù hợp. Túi mônng quá to gây áp lực lên mô mông nhiều sẽ làm tăng nguy cơ. Ngoài ra cũng nên đặt túi ở vị trí trong cơ, cơ mông sẽ giúp ngăn túi ít tiếp xúc với mô mông tự nhiên hơn.
Vì nguyên lý dẫn đến co thắt bao xơ là do có tác nhân gây kích thích túi độn như vi khuẩn, hoặc máu tụ, dịch tụ. Do đó, cần thực hiện các biện pháp để ngăn chặn những vẫn đề này như cho bệnh nhân dùng kháng sinh, liên tục tưới kháng sinh trong quá trình phẫu thuật, và duy trì đặt dẫn lưu để loại bỏ dịch lỏng quanh túi độn. Chăm sóc vết mổ sau phẫu thuật cẩn thận, đặc biệt là trong quá trình vệ sinh cá nhân để tránh vi khuẩn lan lên vết mổ vùng khe mông.
Cuối cùng, sau khi túi mông đã ổn định tại vị trí, bệnh nhân có thể yêu cầu bác sĩ hướng dẫn thực hiện các động tác matxa nhẹ nhàng giúp duy trì độ mềm mại của bao xơ.