Cuộc chiến ly hôn: Người thắng hay kẻ thua đều là người thất bại

1 năm trước 36

- Gương mặt buồn bã của Diệp Lâm Anh sau khi rời phiên tòa sơ thẩm vì mất quyền nuôi con trai khiến MXH chia phe bàn luận. Nhưng dù ai là người bị chỉ trích, người còn lại cũng không thể hiên ngang.

Cuộc ly hôn của Diệp Lâm Anh và thiếu gia Phạm Nghiêm Đức đã tốn không ít giấy mực của báo chí và thu hút sự chú ý của cư dân mạng. Trải qua 3 lần hoà giải bất thành, chiều 2/12 phiên toà sơ thẩm xử ly hôn giữa cặp đôi này đã diễn ra. 

Sau khi kết thúc phiên toà, Diệp Lâm Anh thất bại trong nỗ lực giành quyền nuôi cả hai con. Cô chỉ được nuôi con gái, còn chồng nuôi con trai. Diệp Lâm Anh khẳng định sẽ không dừng ở đây.

Câu chuyện của Diệp Lâm Anh khiến người hâm mộ nhớ lại những cuộc chiến ly hôn khác trong showbiz Việt như MC Quỳnh Chi và thiếu gia Văn Chương, như Nhật Kim Anh và chồng cũ. Con cái là của cải tinh thần, nhưng khi ly hôn, người ta đã biến đứa trẻ thành của cải vật chất để “chia”, “xé”, “phân”, “giành”. Ai cũng đưa ra lý do chính đáng cho quyền nuôi con của mình. Chỉ có nguyện vọng của đứa trẻ là không được nhắc tới.

Không hiếm những cặp đôi đã tự biến con cái thành "vũ khí” để chiến đấu với nhau hòng mong cầu một chiến thắng. Họ chiến thắng ai? Chiến thắng đối phương, chiến thắng người vợ cũ, chồng cũ của mình. Chiến thắng kẻ mà mình đã từng nói lời thề nguyền sẽ bao bọc, chở che, yêu thương, chung thủy đến hết đời. Chiến thắng bố, mẹ của con cái của mình. Nhưng sau khi chiến thắng, họ có cảm thấy hả hê, mãn nguyện hay không, có lẽ chỉ riêng họ mới biết.

 Người thắng hay kẻ thua đều là người thất bại

Những cuộc ly hôn không có ai giành chiến thắng mà chỉ để lại tổn thương vĩnh viễn cho con trẻ (Ảnh minh họa). 

Chuyên tranh chấp nuôi con căng thẳng xuất phát từ việc vì quá yêu thương con, lo lắng cho con, vì cho rằng đối phương không đủ điều kiện vật chất, hay không đủ tư cách, phẩm giá để nuôi dưỡng và chăm sóc con... Nhưng cũng có một thực tế rằng, sau một cuộc hôn nhân đổ vỡ, cả vợ và chồng đều cảm thấy thất bại, nên họ xem giành được quyền nuôi con như một chiến thắng, thỏa mãn sự kiêu hãnh của bản thân và danh dự của mình trước người ngoài. Có người còn cho rằng, có quyền nuôi con là cái ngẩng cao đầu trước khi hai người trở nên xa lạ. 

Để đạt được mục đích đó, không ít cặp đôi đã tự gây căng thẳng cho nhau, thậm chí hạ bệ bằng những lời nói và hành động với mục tiêu có thể giành được quyền nuôi con. Những việc làm đó vô tình biến cuộc chia tay lẽ ra nên nhẹ nhàng nhất có thể để hạn chế thương tổn lại thành một trận đánh giáp lá cà, chơi tất tay với nhau, khoét mâu thuẫn dồn đọng bao năm trong hôn nhân thành cái hố bom sâu hoắm, và tự rạch thêm vết thương trong lòng mỗi người, bao gồm cả những đứa con.

 Người thắng hay kẻ thua đều là người thất bại

Con cái là rào cản lớn nhất cho các cặp đôi khi ly hôn nhưng đôi khi họ biến chúng trở thành vũ khí để tranh giành, giằng xé (Ảnh minh họa).

Có người còn quan niệm, giành quyền nuôi con chính là cách thể hiện tình thương với con. Thế nhưng, có bao giờ các cặp đôi dắt tay nhau ra toà tự hỏi, trẻ có cần tình thương theo cách méo mó như vậy?

Một trong những cuộc chiến ly hôn gay cấn, dai dẳng nhất của giới sao Hollywood là giữa Brad Pitt và Angelina Jolie. Khi yêu nhau họ khiến cả thế giới ngưỡng mộ bao nhiêu, khi chia tay họ làm cả thế giới chán nản bấy nhiêu. Những đứa con trở thành đề tài được mổ xẻ nhiều nhất trong cuộc ly hôn của họ, cũng là thứ vũ khí mà họ đem ra trừng phạt nhau. Brad Pitt, sau những phiên tòa cay đắng, đã nói một câu nhói lòng: "Tôi nghe một luật sư nói rằng: Trước tòa, không có ai là người chiến thắng, chỉ là ai tổn thương nhiều hơn mà thôi".

Làm sao có kẻ chiến thắng khi vốn dĩ hôn nhân tan vỡ đã là một thất bại của cả hai? Người tổn thương nhiều, người tổn thương ít còn những đứa trẻ sẽ tổn thương vĩnh viễn. Bởi vì chúng không có quyền chọn lựa. Chúng không quyết định được việc bố mẹ ly hôn hay không ly hôn, cố gắng sửa chữa hay đập bỏ, càng không được quyết định ở với bố hay với mẹ, có được đi thăm bố hay mẹ thường xuyên không, có được ngủ ở lại nhà bố mẹ tự do thoải mái như lẽ ra nên thế hay không. Vì tất cả nằm ở bản án lạnh lùng của tòa và cái tôi ngạo nghễ đáng thương của cha mẹ chúng.

Lựa chọn ly hôn là ở cha và mẹ, trẻ không có sự lựa chọn trong câu chuyện này. Chúng chỉ có một lựa chọn là hạnh phúc gia đình ấm êm, có đủ sự che chở và dạy bảo của cha và mẹ. 

Cho nên, thay vì mải tranh giành ai nuôi con, những cặp đôi đã cũ nên mở lòng ra và lắng nghe nhu cầu của con thay vì nhu cầu của chính mình, nên nghĩ tới lợi ích của con thay vì lợi ích của chính mình. Đứng để những đứa trẻ trở nên bơ vơ, thiếu thốn tình yêu hay mất an toàn chỉ vì sự giành giật ích kỷ của cha mẹ chúng. Và đừng để những đứa trẻ đã phải thiếu cha hay thiếu mẹ trong lịch trình đời thường giờ lại thiếu chị thiếu em. Sự xé lẻ ra chia để ai cũng có một đứa con được nuôi trong nhà là sự ích kỷ và tàn nhẫn đến tận cùng của những người lớn trong cuộc chiến ly hôn.

Hà Trang

Đọc toàn bộ bài viết