Đắk Lắk: Chưa cho phép chở đất từ dự án cao tốc đổ vào rẫy người dân

7 tháng trước 22

(PLO)- Trong khi UBND tỉnh Đắk Lắk chưa cho phép thì nhà thầu đã chở đất từ dự án cao tốc Khánh Hòa- Buôn Ma Thuột đổ vào rẫy người dân. 

Ngày 25-3 trả lời PLO, một lãnh đạo UBND tỉnh Đắk Lắk cho biết tỉnh đang chỉ đạo cơ quan chức năng liên quan rà soát những vấn đề bất cập trong thi công dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, trong đó có vấn đề các bãi đổ thải.

Dự kiến ngày 29-3 UBND tỉnh sẽ họp giải quyết vướng mắc, xử lý các vấn đề liên quan đến dự án.

cao tốc 1.jpg Đất từ dự án cao tốc đổ vào một đám rẫy ở xã Ea Ning, huyện Cư Kuin. Ảnh: T.T

Đất từ dự án cao tốc đổ vào rẫy người dân

Theo ghi nhận của PV Pháp Luật TP.HCM, tại các đám rẫy của người dân ở thôn 22, nơi giáp ranh giữa hai xã Ea Ning và Ea Hu thuộc huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk có hai khu vực tập kết đất với quy mô lớn.

Trong đó, một rẫy cà phê rộng khoảng 1.000 m2 vừa được san gạt đất. Gần đó, một rẫy hồ tiêu trồng xen dừa rộng khoảng 1.000 m2 cũng được san gạt đất đỏ, giống với đất từ dự án cao tốc Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột chở đến.

Ngoài ra, có nhiều đống đất đổ rải rác trong rẫy cà phê của người dân, có dấu hiệu chờ san gạt, cải tạo đất, không phải tập trung ở một vị trí bãi thải.

“Mấy ngày trước, xe ben chở đất chạy về nhiều. Khoảng hai hôm nay không thấy xe chở đến nữa” - một người dân tại thôn 22, xã Ea Ning kể lại.

Theo hồ sơ, ngày 8-1, Tổng công ty xây dựng số 1 (CC1) đề xuất thoả thuận sử dụng rẫy của bảy hộ dân ở các xã Ea Bhốk, Ea Ning thuộc huyện Cư Kuin làm các bãi đổ thải đất không phù hợp của gói thầu số 3 dự án cao tốc Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột.

Theo CC1, gói thầu số 3 có hơn 386.000 m3 đất không phù hợp. Trong khi đó, bãi đổ thải tại xã Hòa Đông, huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk chỉ chứa được khoảng 110.000 m3 còn lại 286.000 m3 chưa có bãi đổ thải.

Vì vậy, nhà thầu thỏa thuận với người sử dụng đất và được sự đồng thuận của chính quyền địa phương.

CC1 đề xuất Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk (Ban quản lý dự án) chấp thuận cho nhà thầu sử dụng bảy thửa đất làm bãi đổ thải nhằm phục vụ cải tạo đất sản xuất nông nghiệp, không làm thay đổi mục đích sử dụng đất và vẫn đảm bảo tiến độ chung của dự án cao tốc.

cao tốc 3.jpg Rẫy hồ tiêu và dừa cũng bị đổ đất. Ảnh: T.T

CC1 đề xuất sáu bãi đổ thải tại vườn rẫy của sáu hộ dân ở xã Ea Ning với tổng diện tích khoảng 1 ha, tổng khối lượng đất hơn 100.000 m3.

CC1 cũng đề xuất đổ thải tại vườn của một hộ dân ở xã Ea Bhốk với diện tích hơn 5.000 m2, trữ lượng đổ thải 25.000 m3.

PV liên lạc với đại diện chi nhánh Công ty CC1 tại Đắk Lắk để tìm hiểu thêm sự việc nhưng vị này từ chối trả lời.

cao tốc 2.jpg Nhiều đống đất tập kết trong vườn tiêu của người dân. Ảnh: T.T

Tỉnh chưa có phép sử dụng bãi thải

Trả lời PLO, đại diện Ban Quản lý dự án nói CC1 đã thỏa thuận với các hộ dân, xin ý kiến của chính quyền địa phương các cấp để lập các bãi đổ thải đất không phù hợp.

Hiện Ban Quản lý dự án đã trình hồ sơ, số lượng các bãi đổ thải đất không phù hợp dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột để UBND tỉnh Đắk Lắk xem xét.

Tuy nhiên, trong thời gian chờ ý kiến của UBND tỉnh, CC1 đã chở đất đổ vào một bãi thải thỏa thuận với dân.

“Chúng tôi đã yêu cầu tạm dừng việc chở đất đổ vào rẫy người dân để chờ ý kiến của UBND tỉnh. Lượng đất đã đổ là đất không phù hợp để làm đất đắp. CC1 đã thỏa thuận với người dân và có xác nhận của địa phương. Tuy nhiên, phải chờ ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh và phải có đánh giá của các cơ quan chuyên môn về chất lượng đất" - đại diện Ban Quản lý dự án thông tin.

cao tốc 4.jpg Đất tự dự án cao tốc tập kết tại một rẫy cà phê ở xã Ea Ning. Ảnh: T.T
Đắk Lắk cùng Phú Yên kiến nghị sớm làm cao tốc kết nối rừng biển

Đắk Lắk cùng Phú Yên kiến nghị sớm làm cao tốc kết nối rừng biển

(PLO)- Chủ tịch hai tỉnh Đắk Lắk và Phú Yên tiếp tục kiến kiến nghị Bộ GTVT trình Thủ tướng sớm đầu tư cao tốc kết nối rừng biển.

TIẾN THOẠI

Đọc toàn bộ bài viết