Đau đầu khó thở là bệnh gì? Triệu chứng, nguyên nhân và điều trị

5 tháng trước 39

Đau đầu khó thở có thể xảy ra với bất kỳ ai và vào mọi thời điểm. Người bệnh bị đau đầu khó thở hay nhức đầu khó thở kéo dài cần được thăm khám, chữa trị, phòng tránh biến chứng.

Bài viết được tư vấn bởi Trung tâm Thông tin Y khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM.

đau đầu khó thở

Đau đầu khó thở là bệnh gì?

Đau đầu khó thở hay khó thở đau đầu là tình trạng hay dấu hiệu cảnh báo về những vấn đề rối loạn liên quan đến hệ thống thần kinh, tim mạch, hô hấp… Tình trạng này có thể tiềm ẩn những bệnh lý nguy hiểm, nếu người bệnh chủ quan bỏ qua có thể dẫn đến những hậu quả xấu cho sức khỏe tổng thể.

Triệu chứng đau đầu khó thở

Tình trạng đau đầu có thể xảy ra riêng lẻ, ở một bên đầu hoặc đau tại vùng thái dương. Nhưng cũng có người bị đau đầu kèm theo các triệu chứng như khó thở, tim đập nhanh, buồn nôn… Trong đó, chứng đau đầu khó thở hay nhức đầu khó thở có thể là dấu hiệu cho thấy người bệnh đang gặp vấn đề sức khỏe ở hệ thần kinh, tim mạch, hô hấp… Biểu hiện của chứng nhức đầu khó thở ở mỗi người bệnh có thể khác nhau. Người bệnh cần theo dõi và nên đi khám sớm tại cơ sở y tế.

triệu chứng đau đầu khó thởNgười bị đau đầu khó thở nên đi khám sớm

Nguyên nhân khó thở đau đầu

Tình trạng đau đầu và khó thở có thể đến từ một số nguyên nhân dưới đây: (1)

1. Các vấn đề về tim mạch

Những vấn đề về tim mạch sau đây có thể dẫn đến tình trạng khó thở đau đầu:

  • Thiếu máu: Người bệnh thiếu máu bị suy giảm khả năng vận chuyển oxy đến những cơ quan quan trọng, khiến họ cảm thấy khó thở và thường xuyên mệt mỏi, đau đầu. Nếu không tiến hành chữa trị, tình trạng này có thể dẫn đến chứng chóng mặt, tim đập nhanh.
  • Tăng huyết áp: Thành mạch máu bị chèn ép mạnh, tuần hoàn não bị cản trở, gây đau đầu, khó thở. Nếu không được chữa trị, tình trạng này có thể gây ra những cơn đau tim, đột quỵ.

2. Các bệnh về thần kinh

Một số bệnh về thần kinh có thể dẫn đến chứng đau đầu khó thở:

  • Thiểu năng tuần hoàn não: Suy giảm tuần hoàn não thường gây ra chứng nhức đầu khó thở, có thể diễn ra trầm trọng hơn do căng thẳng. Tình trạng này thường tác động đến những người trung niên, đặc biệt là nhóm người làm công việc trí óc.
  • Hệ thống thần kinh suy nhược: Khiến người bệnh dễ bị đau đầu âm ỉ, gây chóng mặt, đỉnh điểm gây ra tình trạng thở nông, đánh trống ngực nếu không được chữa trị.
  • Chứng đau nửa đầu: Triệu chứng này có thể tấn công bất kỳ ai vào mọi thời điểm với tần suất, cường độ khác nhau. Khi tình trạng đau nửa đầu khởi phát sẽ khiến cơ thể và tinh thần mệt mỏi, căng thẳng. Dấu hiệu cảnh báo ban đầu thường là đau đầu dữ dội, kèm theo một loạt những triệu chứng khác gồm có chóng mặt, buồn nôn, thậm chí khó thở. Độ nhạy cảm cao với âm thanh và ánh sáng càng làm người bệnh cảm thấy khó chịu hơn.
  • Đau đầu do căng thẳng: Đau đầu do căng thẳng là loại đau đầu diễn ra phổ biến. Những yếu tố có thể góp phần dẫn đến chứng đau đầu do căng thẳng là căng thẳng gia tăng, thiếu ngủ, bệnh lý, mất nước, thay đổi trường học/nơi làm việc/nhà ở… (2)
  • Mệt mỏi mạn tính: Tình trạng kiệt sức do vận động kéo dài trong hơn 4 tháng được gọi là chứng mệt mỏi mạn tính. Bệnh lý này kéo theo một loạt các triệu chứng không mong muốn như đau đầu khó thở, giảm khả năng tập trung, đau cơ.
  • Rối loạn giấc ngủ: Một tập hợp những rối loạn giấc ngủ như hội chứng chân không yên, mất ngủ, nghiến răng… có thể ảnh hưởng sâu sắc đến chất lượng giấc ngủ. Sự gián đoạn giấc ngủ này theo thời gian có thể làm phát sinh các cơn đau đầu và khó thở (kèm theo). Hormone cortisol dần phát triển mạnh khi một người ngủ không đủ giấc, ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể và tâm lý.
  • Trầm cảm: Trầm cảm có thể làm tâm trạng của người bệnh bị sa sút, khiến năng lượng hao mòn, kéo theo các tác động sâu rộng. Trầm cảm kéo dài có thể gây ra đau đầu hay nhức khó thở, chán ăn, mệt mỏi.
nhức đầu khó thởTheo thời gian, sự gián đoạn giấc ngủ có thể làm phát sinh các cơn nhức đầu khó thở

3. Các bệnh về hô hấp

Một số bệnh về hô hấp có thể dẫn đến chứng khó thở đau đầu, bao gồm:

  • Hen suyễn: Người mắc bệnh hen suyễn có đường thở bị thu hẹp, gây ra tình trạng khó thở hơn bình thường.
  • Viêm phế quản: Tình trạng viêm này xuất hiện tại niêm mạc phế quản, trong các mạch mang không khí đến/đi từ phổi, có thể gây khó thở.
  • Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD): Đây là nhóm bệnh có thể khiến người bệnh cảm thấy rất khó thở, ngay cả khi đang nghỉ ngơi. Người bị phổi tắc nghẽn mạn tính, mắc chứng ngưng thở khi ngủ có thể gặp tình trạng thiếu oxy khi ngủ. Vấn đề này có thể dẫn đến chứng đau đầu cùng một loạt những triệu chứng khác. (3)
  • Cúm, cảm lạnh: Ngay cả bệnh cúm, cảm lạnh thông thường cũng có thể khiến người bệnh bị đau đầu nhẹ, kèm theo một loạt những triệu chứng như khó thở, đau họng, sốt, sổ mũi, ho. Sự hội tụ của những bệnh lý này tác động đến sức khỏe thể chất lẫn tinh thần.

4. Bệnh lý khác

Ngoài những bệnh lý điển hình kể trên còn có một số bệnh/vấn đề sức khỏe khác có thể dẫn đến chứng khó thở nhức đầu:

  • Tác dụng phụ khi dùng thuốc: Việc dùng thuốc đôi khi có thể gây ra tác dụng phụ. Người bệnh sử dụng thuốc lợi tiểu, huyết áp… không đúng cách có thể dẫn đến tình trạng khó chịu, đau đầu khó thở.
  • Viêm tai trong: Viêm tai trong có thể khiến người bệnh bị mất thăng bằng, chóng mặt, đau đầu…
  • Cơn hoảng loạn: Những cơn hoảng loạn có thể dẫn đến cảm giác khó thở, kèm theo triệu chứng đau đầu.

Tình trạng đau đầu khó thở khi nào cần gặp bác sĩ?

Chứng đau đầu khó thở, tim đập nhanh, run tay, chóng mặt… có thể xảy ra khi một người làm việc quá sức, mệt mỏi, căng thẳng. Thế nhưng, nếu tình trạng trên xảy ra thường xuyên ngay cả khi tâm lý ổn định, đang nghỉ ngơi thì người bệnh nên đến cơ sở y tế thăm khám. Người bệnh có thể cần sự hỗ trợ của bác sĩ chuyên khoa Thần kinh, Tim mạch, Hô hấp… tùy vào từng trường hợp cụ thể.

Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh là địa chỉ thăm khám, chữa trị các bệnh lý về thần kinh, tim mạch, hô hấp… được nhiều người bệnh tin tưởng lựa chọn. Bệnh viện cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh chất lượng cao, quy tụ đội ngũ bác sĩ giỏi chuyên môn và được trang bị hệ thống máy móc hiện đại hàng đầu.

khám khó thở đau đầuNgười bị đau đầu khó thở thường xuyên cần đến gặp bác sĩ thăm khám sớm

Cách chẩn đoán bệnh đau đầu khó thở

Cách chẩn đoán chứng nhức đầu khó thở có thể không giống nhau giữa các ca bệnh. Việc chẩn đoán còn phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe thực tế của người bệnh. Nhìn chung, việc chẩn đoán bệnh đau đầu khó thở có thể được thực hiện như sau:

1. Chẩn đoán lâm sàng

Để chẩn đoán tình trạng đau đầu và khó thở, bác sĩ sẽ hỏi người bệnh về những đặc điểm của cơn đau, bao gồm: tần suất, mức độ đau, thời gian cơn đau kéo dài… Bác sĩ cũng hỏi người bệnh về những yếu tố có thể kích hoạt cơn đau đầu như lượng caffeine, rượu bia đã tiêu thụ, sự kiện đau buồn/căng thẳng, tính chất công việc, thói quen ngủ… Bác sĩ cũng muốn biết có ai trong gia đình người bệnh bị tình trạng đau đầu khó thở tương tự hay không, triệu chứng khó thở diễn ra như thế nào… Ngoài việc mô tả những triệu chứng lâm sàng của cơn đau đầu khó thở, người bệnh cũng cần cho bác sĩ biết về tiền sử chữa trị trước đó và những loại thuốc đã/đang sử dụng.

Sau khi đã tìm hiểu về các triệu chứng và đánh giá lịch sử y tế, bác sĩ sẽ tiến hành thực hiện những bước thăm khám, xét nghiệm cần thiết để có thể xác định nguyên nhân gây nhức đầu khó thở.

2. Chẩn đoán cận lâm sàng

Để có thể chẩn đoán chính xác, bác sĩ có thể chỉ định cho người bệnh làm một số xét nghiệm, kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh cận lâm sàng như:

  • Xét nghiệm nước tiểu
  • Xét nghiệm máu
  • Chụp X-quang phổi, ngực, hộp sọ, xoang, cột sống cổ…
  • Chụp động mạch não
  • Chụp CT/MRI đầu
  • Ghi điện não
  • Thực hiện những kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh ở các cơ quan như tim mạch, phổi…
chẩn đoán bệnh đau đầu khó thởNgười bệnh có thể được bác sĩ chỉ định chụp CT đầu để chẩn đoán nhức đầu khó thở

Cách điều trị tình trạng nhức đầu khó thở

Tùy từng trường hợp hay nguyên nhân gây đau đầu khó thở, bác sĩ sẽ chỉ định những phương pháp điều trị phù hợp cho người bệnh (ví dụ điều trị về tim mạch, thần kinh, hô hấp…). Bên cạnh tuân thủ điều trị, dùng thuốc, tái khám của bác sĩ (nếu có), người bệnh có thể thực hiện thêm các cách có thể hỗ trợ giảm bớt triệu chứng đau đầu khó thở, cải thiện chất lượng cuộc sống:

  • Chườm mát: Đây là biện pháp đơn giản giúp làm giảm chứng khó thở và đau đầu. Người bệnh có thể sử dụng túi nước đá, khăn lạnh hoặc túi chườm lạnh để chườm đầu, trán, cổ nhằm giúp giảm cảm giác đau.
  • Nghỉ ngơi, thư giãn: Tránh căng thẳng, thực hiện nghỉ ngơi điều độ, đúng giờ, ngủ đủ giấc, thư giãn trong môi trường yên tĩnh, tập thiền, thở sâu có thể xoa dịu tình trạng nhức đầu, khó thở.
  • Dùng thuốc không kê toa: Để giúp làm giảm đau nhanh chóng, người bệnh có thể cân nhắc dùng những loại thuốc giảm đau không kê đơn như paracetamol, ibuprofen… Những loại thuốc giảm đau này có thể giúp làm giảm cơn đau đầu khó thở khi tình trạng vừa xuất hiện. Thuốc giảm đau không kê đơn có thể được dùng để cải thiện cơn đau đầu ở mức độ nhẹ đến trung bình. Lưu ý, người bệnh cần tuân theo những khuyến nghị của bác sĩ.

Cách phòng ngừa nhức đầu khó thở

Mỗi người có thể chủ động áp dụng các cách dưới đây để góp phần phòng ngừa chứng đau đầu khó thở:

  • Vận động nhẹ nhàng: Cân bằng giữa nghỉ ngơi và vận động giúp cơ thể mạnh khỏe hơn. Luyện tập nhẹ nhàng kích hoạt cơ thể sản xuất endorphin – hormone giảm đau tự nhiên của cơ thể, góp phần cải thiện chất lượng giấc ngủ, hạn chế tình trạng đau đầu.
  • Chế độ ăn khoa học, tiêu thụ dưỡng chất tốt cho não: Sử dụng thực phẩm giàu magie như rau lá xanh đậm, ngũ cốc nguyên hạt có thể giúp hạn chế tình trạng đau đầu. Những loại thực phẩm này hoạt động như phương thuốc tự nhiên. Chủ động bổ sung các hoạt chất thiên nhiên từ Blueberry (việt quất) và Ginkgo Biloba (bạch quả) hỗ trợ điều hòa máu não, tăng cường dưỡng chất lên não, góp phần cải thiện tình trạng thiếu máu não, mất ngủ, đau đầu.
  • Ngủ đủ giấc: Người trưởng thành ngủ đủ 6 – 8 tiếng mỗi đêm có thể giúp cải thiện tình trạng sức khỏe tổng thể. Ngủ quá nhiều hay thiếu ngủ đều có thể dẫn đến tình trạng đau đầu vào buổi sáng. Vì thế, duy trì lịch trình ngủ khoa học là tiền đề giúp bạn tránh khỏi những cơn đau đầu.
  • Quản lý cân nặng: Kiểm soát cân nặng góp phần ngăn ngừa tình trạng dư thừa cholesterol, nguy cơ mắc bệnh tim mạch, xơ vữa động mạch. Áp dụng chế độ ăn giàu chất xơ, nhiều rau xanh để hạn chế tình trạng tích tụ mỡ thừa, béo phì. Quản lý cân nặng ở mức hợp lý góp phần làm giảm tình trạng đau đầu, nâng cao sức khỏe tổng thể.
thực phẩm giảm đau đầu khó thởDùng thực phẩm giàu magie như rau lá xanh đậm có thể giúp hạn chế chứng đau đầu

Để đặt lịch thăm khám, điều trị bệnh tại Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, Quý khách vui lòng liên hệ:

Tình trạng đau đầu khó thở hay nhức đầu khó thở kéo dài có thể ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, làm suy giảm chất lượng cuộc sống. Người bệnh nên đến cơ sở y tế uy tín để được bác sĩ thăm khám sớm.

Cập nhật lần cuối: 15:49 23/03/2024

Nguồn tham khảo

  1. Ratini, M. (2020, June 15). Headache And Labored Breathing. MedicineNet; MedicineNet. https://www.medicinenet.com/headache_and_labored_breathing/multisymptoms.htm
  2. Howard, B. (2012, December 11). 9 Symptoms You Should Never Ignore. AARP; AARP. https://www.aarp.org/health/conditions-treatments/info-12-2012/symptoms-you-should-never-ignore.html
  3. Cherney, K. (2018, November 5). Managing COPD Headaches. Healthline; Healthline Media. https://www.healthline.com/health/copd/headache

LIÊN HỆ VỚI CHÚNG TÔI

background Tâm Anh HN

background Tâm Anh HCM

Đọc toàn bộ bài viết