Đau đầu, nặng đầu sau tiêm botox xóa nếp nhăn vùng mặt có thể khiến bệnh nhân khó chịu và lo lắng, tuy nhiên tình trạng này chủ yếu chỉ là tạm thời, nếu đau quá bệnh nhân hoàn toàn có thể dùng đến các loại thuốc giảm đau.
Tiêm botox đã được sử dụng rộng rãi trên khắp thế giới trong nhiều thập kỷ qua. Ngoài mang lại hiệu quả đáng kể trong điều trị y khoa, trong thẩm mỹ botox còn được coi là giải pháp hàng đầu trong việc điều trị các nếp nhăn động trên khuôn mặt như nếp nhăn trán, nếp cau mày, nếp chân chim…Tác dụng phụ của botox trong điều trị thẩm mỹ thường rất nhẹ và chỉ tồn tại trong thời gian ngắn, điều này khiến nó trở nên hấp dẫn hơn nhiều so với các thủ thuật phẫu thuật thẩm mỹ khác như nâng chân mày hay cắt mí. Tuy nhiên, ở một số bệnh nhân phản ứng mạnh hơn với loại độc tố này, họ có thể cảm thấy bị đau đầu sau khi tiêm.
Đây là một vấn đề hiếm gặp nhưng hoàn toàn có thể xảy ra sau khi tiêm botox xóa nhăn trên mặt, đặc biệt là xóa nếp nhăn trán hoặc xóa nếp cau mày. Theo nghiên cứu có khoảng 5% số người được tiêm Botox gặp phải triệu chứng này và tỉ lệ có thể còn cao hơn ở những người dễ bị chứng đau nửa đầu từ trước. Hiện tượng nhức đầu có thể xảy ra với Botox, Dysport hoặc Xeomin – các loại Botulinum Toxin nhóm A và những người gặp phải thường là người lần đầu tiên tiêm Botox.
Tùy phản ứng, cơ địa của từng người mà tình trạng đau đầu có thể nhẹ hay dữ dội, chỉ xảy ra trong vài giờ hay kéo dài nhiều tuần. Với mỗi tình trạng bác sĩ sẽ có hướng xử lý khác nhau, nhưng nhìn chung đây chủ yếu chỉ là vấn đề tạm thời, hiếm khi trở nên nghiêm trọng khiến bệnh nhân không thể duy trì tiếp tục tiêm botox cho các lần tiếp theo.
Nguyên nhân gây đau đầu sau tiêm botox thẩm mỹ
Bệnh nhân bị đau đầu sau tiêm botox thẩm mỹ có thể là do một hoặc nhiều nguyên nhân dưới đây:
- Đau đầu đơn giản là do căng thẳng khi tiêm. Những người lần đầu tiêm thường luôn có một chút lo lắng, và điều này có thể gây đau đầu do căng thẳng.
- Có thể do bác sĩ kết hợp sử dụng các loại thuốc gây tê trước khi tiêm và chính những thuốc gây tê này là nguyên nhân gây đau đầu
- Bác sĩ tiêm quá sâu khiến cho đầu kim nhọn chạm vào màng xương bên dưới. Việc này khi lặp đi lặp lại nhiều lần cũng có thể gây đau đầu ở một số bệnh nhân. Mặc dù nguyên nhân này rất hiếm, vì Botox sẽ được tiêm vào trong da (nội bì) hoặc trong cơ nhắm mục tiêu. Hơn nữa, trong khi tiêm, bác sĩ thường nhéo da và cơ lên để tiêm nhằm tăng độ chính xác cũng như tránh chạm vào xương. Với cơ trán, tức là cơ nằm bên dưới da trán, thực sự có cấu trúc rất mỏng và Botox thường chỉ cần được tiêm ngay bên dưới bề mặt da, trên lớp cơ này là đủ để phát huy hiệu quả. Việc tiêm vào sâu cũng không đem lại hiệu quả cao hơn.
- Do bệnh nhân chưa quen với cảm giác cơ bị giãn, cơ đã được điều trị nhưng vẫn được sử dụng. Ví dụ sau khi tiêm botox vào cơ trán, khối cơ này đã bị suy yếu giãn ra nhưng vẫn được sử dụng để cố nhướng lông mày lên, chính điều này là yếu tố gây đau đầu cũng như cảm giác nặng nề vùng trán. Nếu là nguyên nhân này thì thường kể từ lần tiêm Botox thứ hai trở đi, các cơn đau không còn xảy ra nữa bởi bệnh nhân đã quen với cảm giác giãn cơ.
- Do bệnh nhân được tiêm một lượng lớn botox vào cơ nhắm mục tiêu và ở các vị trí không chính xác. Việc này có thể khiến cơ bị cứng đơ, suy yếu quá mức và làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến các yếu tố khác. Ví dụ khi cơ trán được tiêm một liều lượng quá lớn, thì có thể sẽ khiến chân mày và mí mắt bị sụp (vì đây là nhóm cơ có chức năng nâng chân mày). Điều này buộc bệnh nhân phải cố sử dụng cơ trán để nâng cao mô mềm ở chân mày lên nhằm giữ mắt mở to hơn, không bị sụp. Chính việc cố gắng sử dụng cơ trán này là nguyên nhân gây ra đau đầu.
- Do sự mất cân bằng của các cơ, một số cơ được thư giãn thả lỏng, còn một số cơ lân cận khác thì hoạt động quá mức để bù cho những cơ đã bị suy yếu. Hiện tượng hoạt động bù đắp như này xảy ra khá phổ biến, nguyên nhân cũng một phần là do nhóm cơ mục tiêu được tiêm quá nhiều botox.
Làm gì khi bị đau đầu sau tiêm botox thẩm mỹ?
Đau đầu sau tiêm botox thường chia thành 2 dạng. Một là cơn đau khởi phát sớm, ngay trong ngày. Đây thường là do các nguyên nhân như căng thẳng, kỹ thuật tiêm vào màng xương hay do thuốc tê.Thường thì ở những trường hợp này đau đầu chỉ thoáng qua, sớm biến mất sau 1 vài ngày và không cần dùng đến các biện pháp can thiệp giảm nhẹ gì.
Hai là cơn đau khởi phát chậm, đau dữ dội, thường xảy ra sau 7 – 14 ngày sau tiêm và thường liên quan đến các yếu tố như chưa quen với cảm giác cơ bị giãn ra hoặc do sự mất cân bằng của các cơ, các cơ lân cận hoạt động quá mức….Trường hợp này bệnh nhân có thể bị khó chịu, đau đầu đến một vài tuần. Tuy nhiên nếu cơn đau kéo dài thì thường mức độ đau cũng sẽ giảm dần do độc tố được cơ thể chuyển hóa một cách tự nhiên từng ngày. Nếu quá khó chịu bệnh nhân có thể uống một số loại thuốc giảm đau không cần kê đơn trong vài ngày như Tylenol hoặc Excedrin……Nếu sau thời gian này bệnh nhân vẫn thấy không thoải mái thì hãy liên hệ với bác sĩ tiêm để lên kế hoạch điều trị phù hợp cho lần sau. Có thể trong lần tới sẽ cần dùng liều thấp hơn. Mức độ thư giãn, thả lỏng cơ ít hơn cũng là một cách để giảm đau đầu.
Tóm lại, cũng như hiệu quả của Botox, tình trạng đau đầu do Botox chỉ là tạm thời và cuối cùng sẽ tự khỏi. Tình trạng đau đầu kéo dài chủ yếu là do kỹ thuật tiêm cũng như liều lượng tiêm, do đó yếu tố then chốt để có một quy trình điều trị an toàn vẫn là chọn người tiêm. Tiêm botox thẩm mỹ vì quá phổ biến nên hầu như các spa, thẩm mỹ viện đều cung cấp dịch vụ này. Tuy nhiên không phải kỹ thuật viên nào cũng đảm bảo tay nghề. Người đủ trình độ thực hiện quy trình này phải là một bác sĩ da liễu hoặc bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ được đào tạo chuyên môn về kỹ thuật này cũng như hiểu biết sâu sắc về đặc điểm giải phẫu cơ vùng mặt.