Bệnh đau mắt đỏ gia tăng tại các tỉnh thành
Tại Bệnh viện Mắt Đà Nẵng, chỉ tính trong 10 ngày đầu tháng 9 đã có 22.444 trường hợp đau mắt đỏ đến khám và điều trị tại bệnh viện; trong đó có 11.572 trẻ em.
Tại Bến Tre, theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, từ ngày 11 - 16/9, toàn tỉnh ghi nhận 1.870 ca mắc đau mắt đỏ tại 146 cơ sở giáo dục thuộc 9 huyện, thành phố trên địa bàn.
Tại tỉnh Đắk Lắk, bệnh đau mắt đỏ cũng đang tăng nhanh và diễn biến hết sức phức tạp. Chỉ trong ngày 16/9, đã ghi nhận số ca mắc mới là 2.947 ca; trong đó có đến 2.781 ca trong trường học (chiếm 94,3%).
Theo thống kê sơ bộ của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Gia Lai, toàn tỉnh hiện có khoảng 3.000 người mắc bệnh đau mắt đỏ, tập trung chủ yếu tại thành phố Pleiku.
Đau mắt đỏ có thể bị lại nhiều lần
Bệnh đau mắt đỏ hay còn gọi là viêm kết mạc thường xảy ra ở những nơi có điều kiện sống thấp, ẩm ướt. Cơ thể con người không sản sinh ra miễn dịch trọn đời với bệnh viêm kết mạc, vì thế mỗi người có thể bị viêm kết mạc nhiều lần.
Bất cứ ai cũng có thể mắc đau mắt đỏ do bệnh dễ lây lan, đặc biệt là vào mùa hè, có thể bùng phát thành ổ dịch lớn trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, trẻ em dễ mắc đau mắt đỏ hơn do trẻ rất hay có thói quen dụi mắt (khi tiếp xúc với đồ vật không đảm bảo vệ sinh, sau đó đưa tay dụi mắt).
Nếu trẻ tiếp xúc hay chơi chung với trẻ bị đau mắt đỏ khác thì khả năng lây nhiễm sẽ rất cao. Vì thế cha mẹ phải thường xuyên để ý trẻ, thường xuyên vệ sinh tay chân sạch sẽ cho trẻ.
Phòng tránh trẻ bị đau mắt đỏ nhiều lần như thế nào?
Để chủ động phòng, chống bệnh đau mắt đỏ, Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện tốt 5 biện pháp sau:
- Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng nước sạch; không đưa tay lên dụi mắt, mũi, miệng; không dùng chung vật dụng cá nhân như: lọ thuốc nhỏ mắt, khăn mặt, kính mắt, khẩu trang…
- Vệ sinh mắt, mũi, họng hàng ngày bằng nước muối sinh lý, các thuốc nhỏ mắt, nhỏ mũi thông thường.
- Sử dụng xà phòng hoặc các chất sát khuẩn thông thường sát trùng các đồ dùng, vật dụng của người bệnh.
- Hạn chế tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi bị bệnh đau mắt đỏ.
Người bệnh hoặc người nghi bị đau mắt đỏ cần hạn chế tiếp xúc với người khác và đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn, điều trị kịp thời. Không tự ý điều trị khi chưa có hướng dẫn của cán bộ y tế.