Đến thời điểm này, nhiều địa phương, đơn vị trong cả nước đã có những hoạt động chăm lo Tết cho người lao động khó khăn. Những dòng thông tin ấm áp từ khắp nơi đang dần xuất hiện ngày càng nhiều hơn vào những ngày cuối năm kể từ sau Công điện số 03 của Thủ tướng theo tinh thần đảm bảo mọi người dân, người lao động đều có Tết, không ai bị bỏ lại phía sau.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện số 03/CĐ-TTg về việc chăm lo đời sống, bảo đảm an sinh xã hội cho người dân và người lao động (NLĐ) trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.
Một trong những nội dung của công điện nêu rõ: Đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chỉ đạo công đoàn các cấp phối hợp chặt chẽ với UBND tỉnh, TP trực thuộc Trung ương và ngành lao động - thương binh và xã hội nắm tình hình lao động, việc làm, kiểm tra, giám sát việc chi trả tiền lương, thưởng tại các đơn vị, doanh nghiệp (DN), có các phương án hỗ trợ, chăm lo đời sống cho NLĐ trong dịp Tết, bảo đảm kịp thời, thiết thực, nhất là đối với người yếu thế, người có hoàn cảnh khó khăn.
Năm qua là một năm có nhiều khó khăn, thách thức với nền kinh tế và an sinh xã hội của đất nước. Riêng tại TP.HCM, tiền thưởng Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 bình quân là hơn 12,3 triệu đồng/người, giảm nhẹ so với kết quả khảo sát của năm 2023 là 12,8 triệu đồng/người.
Trong số 1.289 DN tham gia khảo sát, có 448 DN (hơn 34%) cho thông tin gặp khó trong việc thưởng Tết cho NLĐ. Nguyên do là các DN này gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, khó thu hồi công nợ, trả tiền lãi vay, đơn hàng giảm, DN phải thu hẹp hoạt động…
Pháp luật hiện hành không quy định bắt buộc người sử dụng lao động phải thưởng Tết. Việc thưởng còn phụ thuộc vào kết quả sản xuất, kinh doanh của đơn vị, DN.
Thế nhưng dù tình hình kinh tế có khó khăn nhưng hầu hết DN đều có sự quan tâm, chia sẻ với NLĐ, cố gắng chi thưởng Tết cho NLĐ. Ngoài thưởng Tết, một số DN còn có các hình thức hỗ trợ khác như tặng phiếu mua hàng, lì xì, tổ chức xe đưa đón về quê ăn Tết, tổ chức đón Tết cho NLĐ chưa có điều kiện về quê…
Tại TP.HCM, NLĐ ở Công ty TNHH PouYuen Việt Nam (nơi có số lượng NLĐ lớn hàng đầu) cũng đã được công bố mức thưởng Tết. Mức thưởng cao nhất 1,98 tháng lương được nhiều chuyên gia đánh giá là khá tích cực trong bối cảnh DN vừa trải qua một năm đầy khó khăn, từng cắt giảm hàng ngàn lao động trong năm.
Theo Liên đoàn Lao động TP.HCM, dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, công đoàn TP dành 135 tỉ đồng để chăm lo Tết cho NLĐ. Những người này nằm trong diện bị giãn việc hoặc mất việc do DN sụt giảm đơn hàng.
Những chương trình “Chuyến xe nghĩa tình”, “Mang Tết về nhà”, “Để tất cả đoàn viên - NLĐ đều có Tết”… của các địa phương, đơn vị tổ chức để chăm lo Tết cho người khó khăn đang nhận được nhiều sự hưởng ứng tích cực từ cộng đồng.
Thời điểm này, nhiều địa phương trong cả nước cũng đã có những hoạt động chăm lo Tết cho người dân, NLĐ khó khăn. Có địa phương dành hàng tỉ đồng cho các chương trình, hướng đến việc mang Tết ấm đến người dân.
Những sự chăm sóc đầy tình người đó đang được vận hành đúng với tinh thần đảm bảo mọi người dân, NLĐ đều có Tết, không ai bị bỏ lại phía sau theo Công điện số 03 của Thủ tướng.
Quan điểm xuyên suốt của Đảng, Nhà nước là lấy con người là mục tiêu, là động lực phát triển của xã hội. Mục tiêu cuối cùng là đất nước hùng cường, thịnh vượng; đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao, an sinh xã hội được đảm bảo. Một khi lòng người an yên thì mới mong có được Tết ấm.
Dù gặp khó nhưng doanh nghiệp vẫn cố gắng xoay xở thưởng tết cho người lao động
(PLO)- Hoạt động sản xuất, kinh doanh trong năm còn nhiều khó khăn, khó thu hồi công nợ,... đã ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh cả năm và kế hoạch thưởng Tết cho người lao động.
THANH MẬN