Đề xuất Nhật Bản mở rộng ngành nghề tiếp nhận lao động Việt

8 tháng trước 23

Ngày 12/3, tại trụ sở Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung có cuộc gặp gỡ, làm việc với ông Takebe Tsutomu, Chủ tịch Hiệp hội Nagomi (Hiệp hội toàn quốc của Nhật Bản về hỗ trợ cùng phát triển nhân lực nước ngoài), Cố vấn cao cấp Liên minh nghị sĩ hữu nghị Nhật - Việt.

Lao động Việt Nam phái cử sang Nhật đều ưu tú

Đề xuất Nhật Bản mở rộng ngành nghề tiếp nhận lao động Việt - 1

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung làm việc với ông Takebe Tsutomu, Chủ tịch Hiệp hội toàn quốc của Nhật Bản về hỗ trợ cùng phát triển nhân lực nước ngoài (Ảnh: Nguyễn Sơn).

Đáp lại cái bắt tay chào đón của Bộ trưởng LĐ-TB&XH, ông Takebe Tsutomu báo tin vui, Chính phủ Nhật Bản đang xúc tiến nhiều hoạt động sửa luật liên quan đến chương trình tiếp nhận thực tập sinh, lao động nước ngoài. Ông Takebe Tsutomu mong muốn Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đóng góp ý kiến để luật mới của Nhật hoàn thiện và sớm đi vào thực tiễn.

Ông Takebe Tsutomu đánh giá cao sự giúp đỡ của Việt Nam, trong đó có việc cung cấp lao động, tu nghiệp sinh sang Nhật làm việc trong bối cảnh nước này đứng trước vấn đề thiếu hụt lao động trầm trọng, đồng tiền giảm giá mạnh.

"Những lao động mà Việt Nam phái cử sang Nhật đều là những người ưu tú. Thông qua việc hợp tác trong lĩnh vực lao động, chúng tôi hy vọng mối quan hệ giữa hai nước ngày càng phát triển tốt đẹp hơn nữa", ông Takebe Tsutomu phát biểu.

Trong lần sang Việt Nam lần này, ông Takebe Tsutomu mang theo ý tưởng xây dựng một hệ sinh thái đào tạo nghề chuyên môn cao cấp đưa vào chương trình đạo tạo tại Trường Đại học Việt - Nhật (VJU Academy) để trình bày với Bộ trưởng Đào Ngọc Dung. Vị Chủ tịch Hiệp hội Nagomi mong được nghe ý kiến của lãnh đạo Bộ Lao động Việt Nam về ý tưởng này.

Đề xuất Nhật Bản mở rộng ngành nghề tiếp nhận lao động Việt - 2

Ông Takebe Tsutomu hiện là cố vấn cao cấp Liên minh nghị sĩ hữu nghị Nhật - Việt (Ảnh: Nguyễn Sơn).

"Hồi tháng 3/2023, trong cuộc họp với Hội đồng trường Đại học Việt - Nhật, cùng với sự vận hành của Trung tâm ngôn ngữ, văn hóa Nhật Bản, tôi có đề xuất ý tưởng thành lập thêm viện đào tạo trực thuộc VJU Academy để đào tạo bổ sung, cũng như kết nối việc làm với những lao động trở về nước.

Chúng tôi thống kê mỗi năm có hàng chục nghìn thực tập sinh Việt Nam hồi hương. Để tối ưu hóa sự tham gia của lực lượng này vào thị trường lao động trong nước, chúng tôi muốn đào tạo, nâng cao thêm kiến thức, kỹ năng với họ, kỳ vọng đây sẽ là nguồn nhân lực cao cung cấp cho thị trường.

Dự kiến tháng 9/2024, chúng tôi sẽ bắt tay vào đào tạo ngành nghề đầu tiên, tập trung vào nhóm nhân lực công nghệ thông tin, tiếp đó sẽ đào tạo nhân lực trong các ngành dịch vụ, điều dưỡng, chăm sóc sức khỏe…

Sau khi kết thúc thời gian đào tạo, người lao động sẽ được thi để lấy chứng chỉ nghề, được hỗ trợ tìm việc làm", ông Takebe Tsutomu trình bày. 

Ông bày tỏ mong muốn lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH ủng hộ, tạo điều kiện để ý tưởng xây dựng một trung tâm đào tạo nghề cao cấp như vậy sớm đi vào thực tiễn.

Gợi ý của Bộ trưởng 

Vui mừng khi gặp lại ông Takebe Tsutomu, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh, hợp tác lao động Việt Nam - Nhật Bản đã và đang phát triển một cách nhanh chóng, sâu rộng trên nhiều lĩnh vực. Theo Bộ trưởng, mối quan hệ hai nước không ngừng phát triển, với thành công nổi bật là việc kết nối "từ trái tim đến trái tim", trong đó có kết nối lao động.

"Tôi hiểu ngài rất trăn trở, có trách nhiệm và rất muốn đóng góp một cách hữu hiệu vào việc đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực của hai quốc gia, để phục vụ cho sự phát triển nhanh và bền vững của hai nước.

Thủ tướng Chính phủ và các lãnh đạo cấp cao của Việt Nam đánh giá rất cao đóng góp của ngài trong quan hệ hữu nghị đặc biệt Việt Nam - Nhật Bản", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhận định.

Đề xuất Nhật Bản mở rộng ngành nghề tiếp nhận lao động Việt - 3

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề xuất Nhật Bản mở thêm nhóm nghề kỹ năng đặc định (Ảnh: Nguyễn Sơn).

Thông tin với ông Takebe Tsutomu, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, trong tháng 3/2024, Việt Nam sẽ tổ chức kỳ thi đánh giá kỹ năng trong 2 lĩnh vực điều dưỡng và nông nghiệp đối với người lao động đi làm việc tại Nhật Bản theo chương trình kỹ năng đặc định. Việt Nam hiện đăng tuyển công khai các ứng viên diện này.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nêu con số, đến nay có 350.000 người lao động Việt Nam đang làm việc tại Nhật Bản. Việt Nam cũng là quốc gia đứng đầu trong số 15 nước phái cử thực tập sinh, lao động sang Nhật Bản. Sau dịch bệnh Covid-19, số người lao động Việt Nam sang Nhật có chững lại do suy thoái kinh tế, đồng yên sụt giảm, song dòng nhân lực đang có dấu hiệu phục hồi, tăng tích cực trở lại.

"Năm 2023, Việt Nam phái cử hơn 150.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài. Đây cũng là năm ghi dấu mốc mới khi số lượng lao động Việt Nam sang Nhật Bản lớn nhất từ trước đến nay, đạt 85.000 người. Điều này khẳng định lao động Việt Nam luôn nhận được sự đánh giá cao, sự tin tưởng của các nghiệp đoàn, các doanh nghiệp Nhật Bản, cũng cho thấy lao động Việt rất yên tâm khi đến đất nước mặt trời mọc", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khái quát.

Trao đổi thêm với ông Takebe Tsutomu, Bộ trưởng cho biết, thời gian tới, Bộ LĐ-TB&XH cũng như cá nhân ông tiếp tục dành quan tâm tới các vấn đề liên quan đến chương trình thực tập sinh, chương trình kỹ năng đặc định…

Bộ trưởng đề xuất Chính phủ Nhật Bản mở thêm nhóm nghề kỹ năng đặc định tiếp nhận lao động Việt Nam, trong lĩnh vực nhà hàng và sản xuất chế biến thực phẩm. Đây là hai lĩnh vực lợi thế của Việt Nam.

Về ý tưởng xây dựng Đại học Hạ Long thành cơ sở đào tạo nhân lực chất lượng cao mà ông Takebe Tsutomu đề cập, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đánh giá đây ý tưởng rất thú vị. Đào tạo nhân lực chất lượng cao cũng là việc Việt Nam đang hướng đến.

"Việt Nam sẽ phấn đấu trở thành trung tâm đào tạo nhân lực trong lĩnh vực chip bán dẫn, hydrogen và tín chỉ carbon của thế giới. Chúng tôi đặt ra chỉ tiêu từ nay đến năm 2030 đào tạo được tối thiểu 50.000 kỹ sư trong lĩnh vực chip bán dẫn. Cùng thời gian này, Việt Nam cũng phấn đấu có được 150.000 nhân lực có tín chỉ carbon theo tiêu chuẩn quốc tế", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thông tin.

Ghi nhận ý tưởng đào tạo lại cho thực tập sinh, lao động kỹ năng đặc định là ý kiến hay, Bộ trưởng nhấn mạnh, Bộ LĐ-TB&XH Việt Nam đang phối hợp với Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) kết nối lực lượng lao động trở về này với kỳ vọng về những người "đi làm thuê để về làm chủ".

"Làm chủ ở đây không phải ai đi về cũng làm ông chủ, là đi học hỏi, làm chủ những kiến thức, kỹ năng, công nghệ, tác phong làm việc hiện đại, khoa học… đưa về, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong nước.

Tôi tin ý tưởng của ngài sẽ thành công và sớm đi vào thực tiễn, đây sẽ trở thành vườn ươm, khơi dậy sự sáng tạo cho nhóm nhân lực trẻ", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung kỳ vọng.

Đọc toàn bộ bài viết