Theo quy định, chủ đầu tư xây dựng dự án nhà ở xã hội bị khống chế lợi nhuận định mức là 10%. Tuy nhiên nhiều doanh nghiệp, chuyên gia cho rằng con số 10% là không hấp dẫn.
Trong hội nghị tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì, ông Đỗ Thanh Sơn - Phó tổng giám đốc Ngân hàng Công Thương Việt Nam (VietinBank) - nói nhà ở xã hội, nhà ở công nhân bị khống chế lợi nhuận định mức 10% nên chưa đủ sức hấp dẫn nhà đầu tư.
Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM - bày tỏ mong muốn Thủ tướng Chính phủ xem xét nâng hệ số lợi nhuận định mức để hỗ trợ doanh nghiệp, vì suất đầu tư của nhà ở xã hội bị quy định chỉ bằng 76% suất đầu tư nhà ở thương mại cùng loại.
"Chúng ta muốn chất lượng nhà ở xã hội ngang bằng nhà ở thương mại thì suất đầu tư này phải tương đương", ông Châu nói. Vì vậy, ông đề nghị dự thảo Nghị định quy định về phát triển và quản lý nhà ở xã hội xem xét tăng thêm lợi nhuận định mức đối với chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội lên 15%, thay vì chỉ 10% như hiện tại.
Trong phần kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng cho rằng mức lợi nhuận quy định tối đa chỉ 10% với chủ đầu tư nhà ở xã hội không phải là cao nếu mất thêm các chi phí tuân thủ khác.
Thời gian triển khai thành công một dự án khá lâu, từ 3 đến 5 năm, dẫn tới không hấp dẫn nhà đầu tư có tiềm lực tài chính, có khả năng triển khai. "Nếu các địa phương không tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ mà đòi hỏi, gây khó dễ, sách nhiễu thì doanh nghiệp cũng mất hào hứng", Thủ tướng nói.
Ngoài ra, Thủ tướng nêu việc phát triển nhà ở xã hội so với mục tiêu, yêu cầu, mong muốn thì chưa đạt được và còn một số tồn tại, khó khăn. Nhiều địa phương chưa có sẵn quỹ đất sạch để làm nhà ở xã hội. Một số dự án nhà ở xã hội tại một số địa phương có quy hoạch nhưng lại cấp cho các nhà đầu tư còn yếu về năng lực, trong khi có doanh nghiệp lại thiếu động lực triển khai vì hiệu quả không cao dẫn đến chậm triển khai dự án.
Nhiều tỉnh, thành phố lớn, tập trung nhiều khu công nghiệp có tỷ lệ thực hiện nhà ở xã hội so với mục tiêu của đề án còn thấp. Thậm chí nhiều địa phương chưa có dự án nhà ở xã hội khởi công từ năm 2021 đến nay, như Vĩnh Phúc, Ninh Bình, Quảng Ngãi, Long An, Vĩnh Long…, theo báo cáo của Bộ Xây dựng.
Việc giải ngân gói tín dụng ưu đãi 120.000 tỷ đồng còn chậm so với mong muốn và nhu cầu thực tiễn (mới cam kết cấp tín dụng được 5,8%, giải ngân chưa được 1%)…
Thủ tướng yêu cầu các Bộ Xây dựng, Tài nguyên Môi trường, Ngân hàng Nhà nước tập trung xây dựng, sớm ban hành các Nghị định, văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn liên quan đến việc triển khai các dự án nhà ở xã hội. Trong đó, tập trung tháo gỡ các khó khăn vướng mắc trên tinh thần cắt giảm tối đa thủ tục hành chính, tăng cường phân cấp, phân quyền để giảm tối đa thời gian, chi phí thực hiện dự án nhà ở xã hội.
Bộ Xây dựng chủ trì xây dựng quy trình rút gọn các thủ tục hành chính lựa chọn nhà đầu tư, triển khai dự án nhà ở xã hội để tiết kiệm thời gian, khuyến khích, huy động các nguồn lực xã hội.
Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại Nhà nước lớn chung tay cùng doanh nghiệp nghiên cứu, xây dựng và cung cấp gói tín dụng cho người mua với thời gian 10-15 năm với lãi suất thấp hơn từ 3-5% so với cho vay thương mại; nghiên cứu, xem xét hạ mức lãi suất cho vay nguồn vốn hỗ trợ 120.000 tỷ đồng phù hợp.
Bộ Tài chính được giao nghiên cứu thành lập Quỹ Nhà ở xã hội, chính sách thuế phù hợp. Đối với các doanh nghiệp, Thủ tướng yêu cầu các chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội lập tiến độ, chuẩn bị đầy đủ nguồn lực, tài chính, áp dụng công nghệ mới nhằm rút ngắn thời gian thi công.