Di dời công trình hạ tầng kỹ thuật tuyến tàu điện ngầm số 2

7 tháng trước 35

UBND TP.HCM được quyết định hình thức lựa chọn nhà thầu di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật thuộc dự án xây dựng tuyến tàu điện ngầm số 2, tuyến Bến Thành - Tham Lương để bảo đảm tiến độ, hiệu quả.

Tuyến tàu điện ngầm số 2 hình thành sẽ giảm ùn tắc giao thông - Ảnh: Internet

Thủ tướng Chính phủ vừa có ý kiến chỉ đạo về việc thực hiện dự án xây dựng tuyến tàu điện ngầm số 2, tuyến Bến Thành - Tham Lương. Theo chỉ đạo của Thủ tướng, UBND TP.HCM quyết định hình thức lựa chọn nhà thầu di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật thuộc dự án xây dựng tuyến tàu điện ngầm số 2, tuyến Bến Thành - Tham Lương để bảo đảm tiến độ, hiệu quả.

Về nội dung báo cáo tình hình thực hiện dự án, trên cơ sở kết luận của Bộ Chính trị, chỉ đạo của Thủ tướng và hướng dẫn của Bộ KH-ĐT, Thủ tướng giao Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với UBND TP.HCM xây dựng báo cáo gửi Quốc hội tại kỳ họp cuối năm về tình hình thực hiện dự án theo quy định.

Tuyến tàu điện ngầm số 2 TP.HCM có tổng chiều dài gần 20 km, với điểm đầu tại khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2, TP.HCM) và điểm cuối đặt tại bến xe Tây Ninh.

Dự án được chia làm 2 giai đoạn, trong đó giai đoạn 1 (Bến Thành - Tham Lương) có chiều dài 11,3km, đi qua các quận 1, 3, 10, 12, Tân Bình và Tân Phú với 9,3km đi ngầm ở độ sâu trung bình 18m. Đoạn tuyến có 10 ga ngầm và một ga trên cao, tổng vốn đầu tư là hơn 26.110 tỉ đồng (hơn 1,3 tỉ USD).

Sự hình thành của tuyến tàu điện ngầm số 2 sẽ góp phần quan trọng trong việc giảm ùn tắc, tai nạn giao thông và cải thiện môi trường đô thị dọc tuyến. Dự án sẽ kết nối với tuyến đường sắt đô thị số 1 và tương lai là tuyến số 5, số 3b, số 4 và số 6 tạo thành một hệ thống đường sắt đô thị, thuận lợi trung chuyển hành khách dọc theo trục Đông - Tây vào trung tâm TP.HCM.

Trước đó, ngày 10.10, theo thông tin từ Văn phòng UBND TP.HCM, để thực hiện có hiệu quả dự án xây dựng tuyến tàu điện ngầm số 2, UBND TP.HCM đã kiến nghị Thủ tướng báo cáo Quốc hội tăng cường kiểm tra, giám sát để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai dự án.

Đồng thời, TP.HCM cũng kiến nghị không tiếp tục thực hiện việc lựa chọn tổng thầu thầu thiết kế và thi công di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật của dự án theo hình thức lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt của Luật Đấu thầu như đã kiến nghị trước đây.

Theo UBND TP.HCM, sau khi hoàn thành đầu tư cả giai đoạn 2 (mở rộng về 2 đầu tuyến của giai đoạn 1, tuyến Bến Thành - Thủ Thiêm và tuyến Tham Lương - Bến xe Tây Ninh) và giai đoạn 3 (Bến xe Tây Ninh - Tây bắc Củ Chi), tuyến tàu điện ngầm này sẽ góp phần chỉnh trang đô thị dọc tuyến, thúc đẩy phát triển nhanh khu đô thị mới Thủ Thiêm và khu đô thị Tây Bắc Củ Chi.

DiaOcOnline.vn – Theo Một thế giới

Đọc toàn bộ bài viết